Translate

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Việc lớn không làm ! Lờn vờn ba cái râu ria.!

>>  Bài 1: Những giọt nước mắt trong chiến dịch thu ngân sách
>>  Bài 2: Ròng rã hơn 10 năm gánh các khoản thu phi lý
>>  Cái hắt xì của nhà Vua và các chủ tịch… nhí
>>  Mạng xã hội của Việt Nam thua ngay trên “sân nhà”


Kỳ Duyên 


VNN - Chợt nhớ môn Lịch sử với hàng nghìn điểm 0. Và nhớ tới phát ngôn của GS Hồ Ngọc Đại: Những cái lớn không làm, toàn làm cái râu ria.

Bỗng nhiên người viết bài nhớ tới ca từ nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy- Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi. Mà không khóc cười sao được, khi trong tuần này, có một câu chuyện, nhỏ thôi, của mấy… em nhỏ còn quàng khăn đỏ, nhưng vô tình chạm phải nỗi đau buốt của những người lớn có lương tâm, mà thành chuyện khóc cười. Và cũng bởi mệnh nước vẫn nổi trôi lắm. Không chỉ có cơ hội, cơ duyên để hội nhập, phát triển, nước Việt còn đang phải đối mặt với dã tâm, tham vọng quấy rối của không ít kẻ
“Tâu, hôm nay nhà Vua hắt xì 05 cái ạ”!

Đó là câu chuyện của các em học sinh mới đây được Chương trình Chuyển động 24 (VTV 1) phỏng vấn về kiến thức lịch sử. Cái lỗ hổng kiến thức của các em khi trả lời “Quang Trung và Nguyễn Huệ là … hai người khác nhau”. Rồi “tên trường là Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là Quang Trung” khiến cho “lỗ hổng” của bộ môn Lịch sử, bộ môn  ngành GD là tác giả, bỗng chốc lại một lần nữa phô ra trước thanh thiên bạch nhật, trước dư luận XH, không sao che kín lại được, bởi quá nhiều khiếm khuyết, khiến vụ việc này trở thành ấn tượng trong tuần.

Dư luận XH không chê trách mấy em nhỏ. Bởi cội nguồn của những cái lỗi ngớ ngẩn, đáng hổ thẹn đó đâu phải tại các em “không thuộc lòng” theo yêu cầu. Mà lỗi là ở người lớn, ở ngành GD.

Sự ngớ ngẩn trong những câu trả lời đầy sai sót về kiến thức của các em, xét cho cùng chưa đáng phải nghĩ như những con số hàng năm tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT về bộ môn Sử, những con số khiêm tốn một cách tội nghiệp, ngược hẳn với quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc- số thí sinh chọn thi môn Sử quá ít, đến bất thường:

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 toàn quốc, có 910.831 học sinh đăng ký dự thi. Môn Lịch sử có số lượng thí sinh đăng ký thấp nhất trong 04 môn thi tự chọn, chỉ 104.959 em, chiếm 11,52%.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, 2015, môn Lịch sử cũng có số lượng thí sinh đăng ký thi thấp nhất, với 153.688 em (chiếm 15,3% trong tổng số gần 960 nghìn thí sinh đăng ký dự thi). Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), chỉ có 01 học sinh chọn môn Lịch sử. Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) có 3% , Trường THPT Đinh Tiên Hoàng có 6% học sinh đăng ký thi môn này… (VietNamNet, ngày 13/7).

Những con số mang gương mặt buồn.

Trước đó, năm 2011, XH xôn xao vì hàng nghìn học sinh bị điểm 0- điểm liệt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nhưng những câu trả lời đó đã “đụng chạm’ tới một vấn đề nhức nhối lâu nay bàn rất nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu. Ngành GD dạy Sử làm sao mà tuổi trẻ VN quay lưng lại với bộ môn ‘học làm người”. Chả lẽ, giờ đây vì có Google nên người Việt không cần học: Dân ta phải biết sử ta/ Nếu mà không thuộc thì tra Gúc Gồ.

Liệu ý kiến của những chuyên gia, của những người thầy, những nhà nghiên cứu về dạy và học môn này, có đủ sức làm thay đổi tư duy biên soạn, và phương cách giảng dạy môn Sử của ngành GD không? Khi mà những tiếng nói đó đã rất gần với bản chất sự thật?

GS.TS. Vũ Minh Giang, Phó CT Hội Khoa học Lịch sử VN nhận định:

Việc đưa các sự kiện, con số, ngày tháng vào chương trình (Sử) thành mớ kiến thức cực kỳ khó nhớ. Dạy học theo phương pháp tiếp cận nội dung như hiện nay là một cách bắt học sinh phải nhớ những thứ khó nhớ đó, làm khô cứng một thứ lẽ ra rất sinh động.

…Lịch sử cũng là một ngành khoa học, đòi hỏi sự khách quan. Vậy chúng ta đã khách quan với lịch sử chưa? (VietNamNet, ngày 13/7)

Trước đó nhiều năm, ngày 08/8/2011, nhà giáo Nguyễn Phương, trong bài viết của mình đăng trên Tuần Việt Nam đã phân tích rất hay để thấy vị thế vai trò của môn học này: Ngày xưa vua chúa phong kiến còn có quan chép sử được làm việc tương đối độc lập. Những gì họ chép, vua chúa thậm chí cũng không được biết, và họ chịu trách nhiệm với những gì họ viết ra. Có như vậy, những gì truyền cho hậu thế còn có thể gọi là sử. Sử khác với văn là văn được hư cấu còn sử thì không được phép…

Và nữa: Nếu tôn trọng lịch sử là một khoa học, những người viết sử phải loại bỏ được cái não trạng "yêu nên tốt, ghét nên xấu". Giữ mãi não trạng đó chỉ làm cho môn Lịch sử càng bị xa lánh dưới ánh sáng mặt trời. Thái độ đó không phải thái độ của người làm khoa học; viết sử như thế là tự giết môn Lịch sử.

Cũng không phải vô lý khi tác giả Nguyễn Quốc Vương (NCS ngành GD Lịch sử, ĐH Kanazawa-Nhật Bản) thẳng thắn nhìn nhận “Phóng viên Chuyển động 24h có tư duy lịch sử lạc hậu” (VietNamNet, ngày 14/7), khi cho rằng, phóng viên đã dùng chính tư duy “lạc hậu” (học lịch sử là học thuộc)  đang là một trong những nguyên nhân làm cho GD lịch sử trì trệ để tiếp cận vấn đề.

Thật là bất ngờ, nhưng rất thú vị và xác đáng vì tính phát hiện. Bởi các phóng viên, và nhiều người, trong đó có cả người viết bài này, đều là ‘sản phẩm chính chủ” của cách dạy học môn Sử lâu nay, mà không một cuộc CCGD nào…cải cách nổi. Cái cách dạy Sử kiểu đó cứ lẽo đẽo theo hết thế hệ học trò này đến thế hệ học trò khác, cho dù bị trò quay lưng lại, khá bẽ bàng. Nhưng cách dạy xơ cứng kiểu đó không hề… bỏ cuộc!

Cũng tác giả này cho rằng, lối tư duy tiếp cận mục đích của GD lịch sử nói trên có mối quan hệ gắn bó với quan điểm sử học lấy “chủ nghĩa dân tộc” làm cơ cấu duy nhất và quan trọng nhất để nhận thức và giải thích lịch sử. Lịch sử khi đó cho dù là lịch sử dân tộc hay lịch sử thế giới sẽ được nhìn chủ yếu từ phía quốc gia (nhà nước).

Tư duy này vốn đã từng rất thịnh hành trong thế kỷ XX nhưng từ thập niên 70 trở đi, giới sử học và GD lịch sử trên thế giới đã không còn coi “chủ nghĩa dân tộc” là cơ cấu duy nhất và chủ yếu nhất để nhận thức và giải thích lịch sử.

Như vậy GD nước Việt vẫn khá trung thành với cách nhìn, cách dạy Sử rất “lịch sử”, theo nghĩa… xưa cũ!

Liệu người Việt trẻ có yêu thích lịch sử, trong đó có lịch sử dân tộc hay không?

Người viết bài xin khẳng định là họ rất yêu. Nếu có dịp chứng kiến họ mê mải xem các bộ phim cổ sử (nước ngoài), đọc các truyện tranh, truyện lịch sử nổi tiếng một thời về các nhân vật và các trận đánh lịch sử: Hai Bà Trưng, Thánh Gióng, Trần Quốc Toản, Đinh Bộ Lĩnh, Trận Bạch Đằng…, người viết tin rằng, lịch sử bi thương và anh dũng của cha ông vẫn chảy đâu đó trong máu thịt họ.

Nhưng môn Lịch sử họ được học trong nhà trường, liệu có phải là Lịch sử theo đúng nghĩa? Những ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu vừa trích dẫn trên, và ý kiến nhận xét của bạn đọc trên báo cho thấy thực tiễn môn Sử trong nhà trường phổ thông lâu nay, đã được khai thác biên soạn với định hướng như một môn GD chính trị, GD công dân, mà chưa phải là một môn khoa học, cần được tôn trọng hoàn cảnh lịch sử, trung thực và khách quan. Lịch sử quốc gia nào cũng vậy, đầy mất mát bi thương, có được có mất, có hay có dở, nhất là với một dân tộc quá nhiều thăng trầm bởi số phận và đặc điểm địa- chính trị như nước Việt.

Các dạy môn Lịch sử thì quá khứ đã vậy, thì hiện tại vẫn vậy.

Bỗng nhớ tới một vở kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Vở kịch có vai một nhà viết sử luôn ghi chép những sự kiện diễn biến đương thời. Và thế là cả khán phòng chốc chốc lại cười nghiêng ngả khi nhà sử học nọ ghi ghi chép chép, chốc chốc dõng dạc: Tâu, hôm nay nhà Vua hắt xì 03 cái ạ. Tâu, hôm nay nhà Vua hắt xì 05 cái ạ…

Chỉ một chi tiết nhỏ khôi hài, nhưng đã nói khá sâu sắc về cái sự trung thực, tôn trọng sự thật lịch sử của nhà sử học. Dạy Lịch sử trong nhà trường cũng vậy thôi. Chỉ có sự trung thực lịch sử mới đủ sức hấp dẫn cảm hóa người trẻ, hướng họ sống có nghĩa khí, khí phách với giang sơn, giống nòi.

Bởi ngày nay, trong thế giới phẳng, sự hiện diện của cách viết, cách dạy bộ môn Lịch sử một cách xưa cũ, máy móc, khô khan, đã không còn sức hấp dẫn với người Việt trẻ, khi mà họ chỉ cần nhấp con chuột máy tính, là có thể tiếp cận được đủ thứ thông tin đa chiều. Điều gì đến sẽ đến, và cũng là dễ hiểu.

Đã có ý kiến cho rằng, cần coi môn Sử là môn thi bắt buộc chứ không phải tự chọn như hiện nay. Xin thưa, đó chỉ là giải pháp tình thế. Học sinh có thể học môn Sử để thi, nhưng chắc chắn họ không bao giờ yêu được môn Sử với tư cách, giúp họ nên người, nếu vẫn với cách biên soạn môn Sử, dạy Sử như lâu nay.

Phải có cách làm khác. Nói như ông Nguyễn Tuấn Hải, CEO của Eton Grammar School, có 03 thay đổi bức thiết cần làm ngay: Viết lại toàn bộ SGK Lịch sử. Thay đổi tận gốc cách dạy và học Lịch sử. Lịch sử cần được dạy như một bộ phận cấu thành môn Xã hội học (Social Studies) từ trong tiểu học. (VietNamNet, ngày 13/7)

Liệu ngành GD có đổi thay được không nếu như vẫn có quan chức còn thản nhiên: Hàng ngàn điểm 0 với môn Sử là điều bình thường.

Nếu như vẫn có những quan chức như ông Bí thư Quận ủy Hải Châu (Đà Nẵng) hứng chí lên, kêu gọi “truyền thuyết hóa” 05 ngọn núi Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng, đè… Tôn Ngộ Không của TQ, dựa theo tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân- một thứ tư duy bát nháo, vớ vẩn, râuVN cắm cằm TQ. Thật hổ thẹn và khó chấp nhận được.

Lịch sử- môn học dạy cho trẻ em, nhưng sự thay đổi lại phải bắt đầu từ người lớn.

Tôi chủ tịch, anh chủ tịch, nó chủ tịch...

Câu chuyện chương trình, SGK và cách dạy môn Lịch sử còn chưa ngã ngũ, thì trên các trang mạng XH bỗng ồn ào bàn tán chuyện ‘tôi chủ tịch, anh chủ tịch, nó chủ tịch…” rất ngộ.

Hóa ra, Bộ GD vừa công bố Dự thảo Điều lệ trường tiểu học mới với nhiều thay đổi quan trọng trong đánh giá học sinh và cách tổ chức mô hình lớp học.

Theo đó, về cách tổ chức mô hình, mỗi lớp sẽ có không quá 35 học sinh. Lớp học có lớp trưởng, lớp phó, hoặc “chủ tịch, phó chủ tịch HĐ tự quản hoc sinh”. Tổ chức lớp học với "Chủ tịch hội đồng tự quản" và các ban (như ban thể thao, ban văn nghệ, ban học tập...) là mô hình trường học mới (VNEN) đang được Bộ GD-ĐT thí điểm ở hàng ngàn trường tiểu học trên cả nước, theo một dự án vay vốn ODA (VietNamNet, ngày 16/7)

Không biết có phải vì đã vay vốn QDA, nên trót đâm lao, phải theo lao như một câu ngạn ngữ từ xa xưa của dân gian đã tổng kết? Khiến cho các sở, phòng GD, các trưởng tiểu học trong cả nước, giờ cứ như chim vỡ tổ với các khái niệm, mô hình tổ chức lớp học mới.

Người viết bài chợt nhớ đến hai vụ việc mang tính “vi mô” vô tình thành “vĩ mô” ở hai cuộc CCGD, năm 1981 và năm 2000.

Cả hai cuộc CCGD này, chưa bàn đến chuyện lớn, cả XH bỗng ồn ào, tranh cãi xung quanh … chữ viết. Ở cuộc CCGD 1981, ngành GD bỗng đưa ra việc cải tiến chữ viết theo cách nhanh gọn, tiện lợi, mà thực ra, nếu viết theo quán tính thì chữ viết cải tiến thành rất chậm, bất tiện và con chữ rất xấu.

Ở cuộc CCGD năm 2000, đột nhiên ngành GD cải tiến cách đọc bảng chữ cái. Ví như phải đọc a, b, c… đầu tiên, thì bây giờ sẽ là e,o… đầu tiên.

Chẳng biết cái sự cải tiến này nó đem lại những ích lợi gì, ngoài sự tranh cãi và tiếng cười chê của thiên hạ, chỉ biết GS Hồ Ngọc Đại dạo đó đã có một phát ngôn ấn tương: Bao nhiêu việc lớn cần làm thì không làm, toàn đi làm cái râu ria!

Rút cục, cái râu ria đó cũng đươc… cạo sạch. Trẻ em lại viết chữ quốc ngữ như lâu nay. Và chữ a, b, c lại trở về vị trí đầu tiên trong bảng chữ cái.

Tương tự như vậy, khi đọc về các khái niệm “chức vụ cán bộ” mô hình lớp học mới, người viết bài lại nhớ tới phát ngôn ấn tượng của GS Hồ Ngọc Đại năm nào: Toàn đi làm cái râu ria.

Mà không râu ria sao được, nếu như đang là khái niệm lớp trưởng, lớp phó, nay bỗng chuyển … ngang chức thành chủ tịch, phó chủ tịch lớp. Trong khi chức năng không thay đổi về bản chất điều hành, tự quản một lớp học. Thành thử trên mạng, mới có sự diễu cợt đích đáng: Tôi chủ tịch, anh chủ tịch, nó chủ tịch….

Không râu ria sao được, nếu khái niệm rất người lớn như “ngoại giao”, “ban” lại được dùng cho các em bé học sinh tiểu học. Khiến cho lớp học bỗng thành một XH người lớn thu nhỏ, vi phạm nguyên tắc nhân bản nhất trong GD, mà chính từ nguyên tắc này, chi phối rất nhiều tới phương pháp GD: Trẻ em vẫn là trẻ em, trẻ em không phải người lớn thu nhỏ.

Dẫu sao, trong cái sự thay đổi về mô hình lớp học mới, có hai điểm người viết bài thấy đã đi được vào bản chất của GD.

Đó là quy định 35 học sinh/ lớp. Và việc làm lớp trưởng, lớp phó (chủ tịch, phó chủ tịch) do bầu hoặc giáo viên chỉ định, nhưng mang tính chất luân phiên chứ không cố định.

Có điều, cả hai quy định mang tính bản chất này cũng không phải là… mới mẻ.

Ngành GD từ lâu đã có quy định số học sinh tiểu học 25-40 học sinh/ lớp. Và việc làm trưởng lớp, phó lớp phải được luân phiên nhau, tránh hiện tượng độc quyền (con giáo viên), sẽ dẫn đến… đặc lợi. Tuy nhiên, mô hình 25-40 học sinh /lớp đó có thực hiện được hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện khách quan- trường lớp, giáo viên, nhu cầu học của học sinh nơi đó.

Như vậy cái dự án vay ODA này hầu như rất ít cái mới so với những gì ngành GD tiểu học nước Việt đã phải thực hiện từ lâu nay. Mà nếu như có những điểm mới, thì lại không hợp lý. Như việc hạ chuẩn giáo viên tiểu học, để trung học cơ sở đánh giá chất lượng tiểu học.

Vậy tại sao phải đi vay vốn? Đây là câu hỏi cần đặt ra cho ngành GD?

Chợt nhớ môn Lịch sử với hàng nghìn điểm 0. Và nhớ tới phát ngôn của GS Hồ Ngọc Đại: Những cái lớn không làm, toàn làm cái râu ria.

Nhưng những cái râu ria mà lợi ích không râu ria, thì sao?
————–

Không có nhận xét nào: