Translate

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

Nắng mưa là chuyện của trời...

 Viết Cho Những Ngày Mưa.


Thật ra thì chúng mình vẫn như xưa
Nhưng bây giờ không còn là một nửa
Chẳng ai sai, chỉ là cùng thất hứa
" Sẽ bên nhau đi hết chặng đường dài"
Thật ra rồi nỗi nhớ sẽ nhạt phai
Ai quên ai cũng đâu còn quan trọng
Chỉ là vì giữa mùa Đông lạnh cóng
Lại co ro nhớ một thưở đã từng
Thật ra mình cũng đã thành người dưng
Sao vẫn nhói khi vô tình gặp lại
Vẫn nhiều đêm thấy cõi lòng hoang hoải
Bất chợt nghe bản dạ khúc năm nào
Thật ra, quên một người phải làm sao ?
Liêu ai biết đau chừng nào mới đủ
Và làm sao tìm được niềm vui cũ
Mất bao lâu để xóa bóng một người
Thật ra lòng còn buồn lắm ai ơi
thơ Huy Thọ

Viết cho những ngày nắng.
Tình không tròn nên duyên mình dang dở
Mộng không thành nên đôi ngả chia ly
Kể từ nay thôi vĩnh biệt phân kỳ
Đành rẽ lối ta ngược về hai hướng.
Tiếc một thời chung đường nhiều mơ ước
Nguyện trọn đời sánh bước dẫu bão giông
Dù xa nhau cách mặt chẳng thay lòng
Ai đâu ngỡ chỉ còn là giấc mộng.
Đã hết rồi thôi xin đừng trông ngóng
Đừng ngang nhà để thêm bận lòng nhau
Đừng nhớ mong vương vấn chuyện hôm nào
Hãy buông bỏ cho tâm hồn thanh thản!
Đã hết rồi những trăng sao lãng mạn
Gió lang thang đưa thơm ngát hương hoa
Áng mây buồn vẫn đẹp buổi chiều tà
Mưa giăng lối là cả trời thơ mộng
Từ bây giờ giữa mênh mông gió lộng
Ta một đường ngược hướng chẳng bên nhau
Người đừng buồn đừng trách giận thêm đau
Chân trời mới đang chào người đi tới.

HÀI mà.....ĐẮNG !

 CHUYỆN THU HỒI SÁCH CỦA NGUYỄN TRẦN BẠT (Tác giả: theo Fb Lao Ta)


Nguyễn Trần Bạt bắt đầu được bạn đọc biết đến một cách mạnh mẽ, đồng thời cũng lọt vào tầm ngắm của các “cơ quan chức năng” sau khi cuốn Cải cách và sự phát triển được xuất bản.
Nhưng mọi chuyện lại xảy ra với cuốn Suy tưởng, ra đời trước đó vài tháng.
Khi có ý kiến từ cấp trên là Suy tưởng “có vấn đề”, ông Nguyễn Phan Hách liên tục chạy qua chạy lại giữa phòng Nguyễn Khắc Trường và tôi, hỏi xem có chỗ nào nhạy cảm bị chúng tôi để lọt, bảo chúng tôi chuẩn bị giải trình, hoặc cùng ngồi bàn cách đối phó nếu có chuyện gì xấu. Rồi lần nào, sau khi tỏ ra nghiêm trọng hóa vấn đề, ông Hách cũng gật gù: “Thằng cha Bạt này chui ở đâu ra mà giỏi thế, giỏi thật các ông ạ, phải công nhận”. Nguyễn Khắc Trường ngồi nghe, tay vuốt đùi, cười hề hề. Chị Lê Minh Khuê, với tư cách trưởng phòng biên tập, có quan điểm rõ ràng: “Viết hay, viết có trách nhiệm, yêu nước như lão Bạt đâu có nhiều”.
Để làm giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của cuốn sách, Nhà xuất bản mời một số cơ quan chức năng tham gia cuộc toạ đàm nhỏ về Suy tưởng ở khách sạn Horision. Tại đây, mọi người, cả “phe ta” lẫn “phe địch” đều nhất loạt khen Suy tưởng hết lời. Từ những nhà phê bình cực đoan, đến những cán bộ “đỏ roẹt” được cử xuống làm chân gỗ phối hợp với đại diện Ban Tư tưởng Văn hóa để “đánh” Suy tưởng, đều bày tỏ sự ngưỡng mộ với tác phẩm và tác giả của nó. Cứ như là mọi người quên mất nhiệm vụ chính trước khi đến cuộc họp này! Bản thân một chuyên viên của Ban tư tưởng văn hoá, trong giây phút bốc đồng ngẫu hứng còn cao giọng khẳng định: “Nguyễn Trần Bạt ngang bằng với một viện nghiên cứu chiến lược về đất nước”. Có lẽ vì quá nhiều người ủng hộ, cuối cùng đại diện của Ban Tư tưởng Văn hóa (lúc ấy chưa sáp nhập để thành Ban Tuyên giáo) cũng đành về hùa theo khen Suy tưởng hết lời.
Có vẻ như Suy tưởng sẽ thoát nạn!
Nhưng rủi cho chúng tôi, thời gian cũng vừa kịp để bố già nào đó đọc xong cuốn sách và nổi giận lôi đình, quy kết đó là một dạng cương lĩnh của cái đảng nào đó do ông ta tưởng tượng ra! Nguyên văn lời người kể: Cụ lớn đọc xong, gọi ai đó đến hét lên: “Đây không phải cương lĩnh cho một cái đảng phản động, thì là cái gì!”.
Chỉ cần thế thôi là đủ để Suy tưởng bị “lên thớt” và không tránh khỏi một cuộc họp khác của Bộ văn hoá (lúc ấy chưa tách thành hai bộ như bây giờ), do ông bộ trưởng miễn cưỡng chủ trì. Nói là chủ trì nhưng trong thâm tâm ông biết người sai không phải là Nguyễn Trần Bạt, chẳng qua vì nhiệm vụ nên ông phải làm, vì thế phần lớn thời gian của hội nghị, ông đi đi lại lại ngoài hành lang và chỉ trở vào để kết luận là phải thu hồi, tiêu hủy Suy tưởng.
Nghe mọi người có mặt trong hội nghị kể lại thì vẻ mặt của quan thượng thư rất không vui. Hình như ông không bực mình với Suy tưởng mà “bực quá cái ông cụ làm gì phá nấy, già chẳng chịu ngồi yên, cứ tưởng phá thế vẫn chưa đủ”.
Cũng là anh em suy ra thế?
Một cái lệnh miệng từ đâu đó lập tức được truyền xuống, yêu cầu Nhà xuất bản trực tiếp thực hiện việc thu hồi cuốn Suy tưởng. Lần này thì cấm tranh cãi! Tôi bèn gọi điện thoại sang cho ông Bạt, nói là ông bảo nhân viên lựa ra những cuốn bị hỏng để đích thân tôi sang “thu hồi”. Tất cả được 33 cuốn. Tôi chở bằng ô tô của mình về đến Nhà xuất bản thì còn 30 cuốn, do ngay lúc chưa ra khỏi cổng Công ty của ông Bạt đã có người khẩn khoản xin. Mất thêm vài cuốn cho mấy ông thanh tra hiếu kỳ “mê địch hơn mê ta”. Còn lại khoảng hơn 20 cuốn, tôi giao cho ông Nguyễn Phan Hách. Ông Hách cười váng, rồi về phòng bấm máy gọi điện. Lát sau người của Thanh tra Bộ xuống. Cũng có lập biên bản, ký cá y như thật. Thanh tra nhận sẽ đem đi tiêu hủy, hay làm gì đó, chỉ có giời và họ biết.
Điều đáng nói là, sau gần 15 năm, cuốn sách đã chứng tỏ sự hữu ích một cách rõ ràng cho đất nước, nhiều quan điểm bị xem là cấp tiến trong đó thành bình thường, thậm chí bị chính tác giả vượt qua, nhưng mỗi khi Nhà xuất bản xin phép tái bản, thì đều bị Cục xuất bản lạnh lùng từ chối?