Translate

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

VĨNH BIỆT NGƯỜI

Nén tâm nhang xin bái vọng Đại tướng duy nhất của nhân dân.
Cầu mong Đại tướng thanh thản từ nay trong thế giới Người hiền

     Mới chúc Đại Tướng...Muôn năm
Mà nay NGƯỜI đã xa xăm cõi trần
Lớp NGƯỜI Cha của muôn dân
Vội đi để lại muôn phần nhớ thương...
Sống chi một lú tai ương

                           Trăm năm rạng như Ông nhớ NGƯỜI 

Đại tướng đi rồi !

                           
Làng là nói cả tỉnh Quảng Bình. Có một người con sinh ra, trưởng thành, làm tới Bộ trưởng Quốc phòng, hàm Đại tướng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà hình như ở Quảng Bình, ai cũng có thể tự hào gọi là Đại tướng của làng mình.

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Sợ vợ...Đóng cửa !

Chính phủ Mỹ đóng cửa


Tin VOA và BBC VN cho hay, Quốc hội Hoa Kỳ đã không thống nhất được về ngân sách trước ngày 1/10 và chính phủ liên bang đã bắt đầu đóng cửa khiến hơn 700.000 nhân viên nhà nước phải ở nhà, các khu vườn quốc gia, bảo tàng, các dịch vụ và khu nhà chính phủ phải ngưng hoạt động. “Đàn vịt Cộng Hòa” đã át cả tiếng hí của chú Lừa Dân chủ trong vụ Obamacare được coi là sản phẩm của CNXH.


BBC VN đưa tin chi tiết

Bộ Quốc phòng: Khoảng 1,4 triệu nhân viên mặc quân phục sẽ vẫn hoạt động. Một nửa trong số 800.000 nhân viên dân sự sẽ nghỉ làm nhưng các dịch vụ “đảm bảo an ninh quốc gia” được coi là ngoại lệ. Nhưng tất cả các nhân viên sẽ không được trả lương khi đi làm. ”Các nhân viên quân đội và dân sự phải đi làm sẽ được trả lương sau khi ngân sách tiếp tục được phân bổ,” theo ông Robert Hale, kiểm soát viên tài chính của Bộ Quốc phòng.
Bộ Năng lượng: Hầu hết các ban bệ của Bộ Năng lượng với gần 14.000 nhân viên sẽ đóng cửa trong khi chỉ khoảng hơn 1.000 nhân viên làm việc. Trong số 1.000 nhân viên đi làm có những người chịu trách nhiệm về an toàn cho các cơ sở hạt nhân, đập nước và đường dây tải điện quốc gia.
Bộ Giao thông: Các vị trí trong Bộ Giao thông, từ kiểm soát không lưu cho các sân bay tới thanh tra các nguyên liệu độc hại sẽ tiếp tục làm việc. Gần 37.000 trong số hơn 55.000 nhân viên của bộ này tiếp tục đi làm. Những hoạt động bị tạm ngưng bao gồm thanh tra an toàn ở các cơ sở, các hoạt động kiểm tra nhân sự đối với nhân viên và chương trình thử ma túy dành cho nhân viên.
Viện Smithsonian: Sở thú Quốc gia và 19 bảo tàng và khu triển lãm bao gồm cả Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, Bảo tàng Chân dung và Bảo tàng Hàng không Không gian sẽ đóng cửa. Trong tổng số hơn 4.000 nhân viên, gần 700 sẽ được giữ lại để “bảo vệ sinh mạng và tài sản” – đó là các nhân viên bảo vệ, nhân viên chăm sóc và nuôi thú tại Sở thú Quốc gia. Viện Smithsonian nói: “Về mặt pháp lý, Viện không thể nhận các dịch vụ tình nguyện của nhân viên để tiếp tục hoạt động trong thời gian phải đóng cửa.”
Vườn Quốc gia: Các vườn quốc gia – từ Yosemite tới Alcatraz và Tượng Nữ thần Tự do – sẽ đóng cửa và chỉ hơn 3.000 trong số gần 25.000 nhân viên tiếp tục làm việc. Các nhân viên này bao gồm những người đảm trách dịch vụ cứu hỏa, khẩn cấp và thực thi pháp luật. Những khách thăm vườn quốc gia trong ngày sẽ phải ra về ngay lập tức trong khi những người đang sử dụng các nơi ở qua đêm cũng sẽ phải tìm nơi ở khác.
Bộ Nội an: Khoảng 86% trong số 240.000 nhân viên sẽ tiếp tục làm việc trong đó có những người phụ trách kiểm tra hải quan ở các sân bay và hải cảng và đồn biên phòng. Đa số Lực lượng Tuần duyên, Mật vụ và Quản lý An toàn giao thông cũng sẽ thuộc diện miễn trừ trong giai đoạn ngưng hoạt động của Chính phủ. Cơ quan Di trú và Quốc tịch Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục xử lý hồ sơ xin thẻ xanh.
Bộ Tư pháp: Trong số gần 115.000 nhân viên của Bộ Tư pháp, khoảng gần 97.000 sẽ thuộc diện ngoại lệ bao gồm tất cả nhân viên của Cục Điều tra Liên bang FBI. Các nhân viên của Cục Chống Ma túy, Cục Quản lý Rượu, Thuốc lá, Vũ khí và Chất nổ cũng như các luật sư sẽ vẫn đi làm. Những người được miễn trừ khác là các nhân viên làm việc trong các nhà tù.
Bưu điện: Dịch vụ Bưu điện độc lập về tài chính sẽ vẫn tiếp tục hoạt động. Bưu điện không nhận ngân sách mà dựa vào thu nhập từ bán tem cũng như các loại phí khác.
Lời bình của Cua Times: Người Việt mình ở xa nước Mỹ tới nửa vòng trái đất, chuyện đóng cửa chính phủ Mỹ có lẽ không liên quan đến xứ Đông Dương. Cứ nghĩ nước Mỹ sẽ ngừng mọi hoạt động và suy thoái tiến tới diệt vong, kết thúc chủ nghĩa tư bản. Ta thì sống ngon.

Nếu ở Washington DC những ngày này, du khách sẽ thấy vài công viên đóng cửa, bảo tàng Smithsonian không hoạt động. Tuy nhiên, mấy ông nghị bỏ phiếu chống Obamacare, lương vẫn lĩnh đủ, nhân viên Nhà Trắng, Quốc hội vẫn đi làm, metro vẫn chật người. 700.000 nhân viên phải nghỉ việc, hoặc làm không lương, so với 315 triệu người Mỹ, thì không thể ảnh hưởng ngay lập tức.

Có nhằm nhò tới VN không. Nếu bảo có thì bạn đọc sẽ cười vào mũi, chê ai đó bênh Mỹ. Nhưng chuyện thế này.

Giả sử 700.000 nhân viên cổ cồn cravat, mỗi ngày tiêu 1$ cho cá basa nhập khẩu từ Việt Nam (mua ở cửa hàng về nấu, ăn ở fast food hay nhà hàng), 1$/ngày cho quần áo đi làm. Nếu 1/3 số quần áo được nhập từ VN, thì thiệt hại là nhãn tiền đối với nông dân Nam Bộ nuôi tôm cá, công nhân may mặc xứ Việt. Công cuộc toàn cầu hóa đã đến mọi ngõ ngách của thế giới. Nơi này có chiến tranh, nơi kia có thảm họa, nơi khác có khủng hoảng chính trị… đều liên quan tới nhau.

Nếu nhìn về phương diện chính trị, thấy tư bản quằn quại có người mừng, nhưng đôi khi là mừng trên sự đau khổ của tầng lớp công nông tiền phong, đang kiếm từng đồng xu nhỏ, đóng thuế giúp các đại gia và các quan chức xây nhà, mua xe, gửi con du học. Nông dân không bán được cá, áo quần không ai mua, thì tiền cho quan chức và đại gia cũng ít đi. Hiệu ứng domino kinh tế toàn cầu không đơn giản như Karl Marx nghĩ cách đây gần 2 thế kỷ.

Nhìn một hiện tượng, ta nên tỉnh táo.

Hiệu Minh. 10-1-2013
Nợ công, chi tiêu ngân sách và "bài học Mỹ"

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Lước mình nó thế !

Ngày mai, mồng 2 tháng 10, tòa Hà Nội xử luật sư Lê Quốc Quân tội trốn thuế. Tội trốn thuế là xấu xa lắm, là làm suy sụp nền kinh tế, là làm băng hoại đạo đức xã hội... cần phải xử để làm gương cho thiên hạ.

Lẽ ra nên khuyến khích nhân dân đi dự, để tố cáo tội ác của kẻ trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước, thế nhưng có vẻ như đang có một chiến dịch, đang được các cấp chính quyền địa phương triển khai một cách đồng loạt, đó là đến từng nhà dân để vận động không đi xem xử án. Nhiều người lên facebook “méc” là được các đoàn thể địa phương đến vận động, mai... ở nhà!

Xử công khai mà không có quần chúng thì công khai cho ai xem? Hay nhà tòa chỉ thích tự biên tự diễn?

Thế là các anh chị ấy đã đến. Khoảng chừng chục vị.

Chả cần khách khí đợi chủ nhà mời, các anh chị ấy cứ hồn nhiên kéo nhau vào. Thú thật người Việt Nam mình rất hồn nhiên, mà tôi thì lại không nỡ chặn các anh ấy lại.

Vừa kéo ghế tôi vừa hỏi, lại chuyện ngày mai chứ gì? Thế các anh có chặn tôi không đấy. Tôi đang rất là hồi hộp.


Các anh chị ấy cười. Tôi đem máy ảnh ra, anh trưởng công an phường (TCAP)  bảo chị chụp là phải xin phép chúng tôi. Tôi mới bảo, thế anh vào nhà tôi đã xin phép chưa? Tôi nhớ là tôi chưa mời, các anh vẫn cứ vào đấy chứ.

Ah! Anh TCAP bảo, chúng tôi là công an, có quyền vào kiểm tra hộ khẩu.

Xin lỗi anh nhé, nếu anh nói vậy thì tôi sẽ chỉ làm việc với công an hộ tịch, chứ không phải với tất cả các anh chị.

Thế là anh TCAP xoay sang vẫn đề khác. Lại một bài giáo huấn về chuyện không nên đi dự phiên tòa xử tội “trốn thuế” – anh ấy đặc biệt nhấn mạnh từ “trốn thuế”

Cái “tài” của chính quyền là cứ nói cho sướng miệng, mặc cho người nghe sốt hết cả ruột. Ý đồ là anh TCAP nói hết thì giờ là thôi, không cho tôi có cơ hội phản hồi.

Anh nói xong chưa? Anh nói tôi đã nghe, giờ đến lượt tôi.

Thưa các anh các chị, thứ nhất là tôi cũng không còn bé bỏng gì, để các anh chị phải giáo dục tôi nên làm điều này, không nên làm điều kia.

Thứ hai, anh không cần phải đặc biệt nhấn mạnh từ “trốn thuế”, vì việc này tôi biết nhiều hơn anh. So với các vụ trốn thuế hàng tỷ đến chục tỷ của các đại gia, thì mấy trăm triệu của Lê Quốc Quân (LQQ) nhằm nhò gì? Chưa kể việc cơ quan thuế gần 2 năm trời làm việc vẫn không tìm ra được bằng chứng trốn thuế, thế mà công an nhảy vào cứ đổ riệt cho là LQQ trốn thuế. Cái lý do chính là LQQ là luật sư bất đồng chính kiến thôi. Nhưng dẫu vậy, kể cả vụ án giết người như Nguyễn Đức Nghĩa mà tôi quan tâm, tôi vẫn đi xem xử án được chứ sao?

Một anh mặc thường phục bảo cái tin đại gia trốn thuế ấy chị nghe ở đâu?

Tôi bảo báo Vietnam.net. Anh ấy liền bảo, chị nghe báo nói làm gì !!!

Ấy chết. Báo nhà nước đấy anh ơi.

Anh ấy lại hỏi: thế chị ra đấy làm gì? Có vào được đó đâu?

À! Cái này lại phải giải thích một tý. Nó là vấn đề tinh thần anh ạ.  Người công giáo có một tinh thần đồng đội rất cao. Và họ có đức tin, nên họ tin rằng sự có mặt của họ dẫu ở cách xa, nhưng vẫn là nguồn động viên to lớn đối với người đồng đạo của họ...

He he, đến đó anh TCAP vội xuỵt tay kia, ra hiệu không được sa đà vào chuyện đó, kẻo lại bị tôi thuyết phục thì dở ẹc.

Sau đó anh TCAP có hỏi thêm về việc tôi đến Đại sứ quán Đức làm gì? Họ mời hay tôi tự đến? Tôi hỏi, anh hỏi điều đó làm gì? Đó là việc riêng của tôi chứ?

Ah! Rằng thì là tôi là công an phường, nên có quyền hỏi chị, còn chị có quyền không trả lời.

Vâng! Anh  có quyền hỏi những vấn đề liên quan đến phạm vi trong phường. Còn việc tôi làm gì, đi đâu ở ngoài phường mà anh hỏi là ngoài phạm vi của anh rồi đấy ạ.

Túm lại, anh ấy chốt: ngày mai chị không nên đi, vì trên mạng có hô hào đòi tự do cho LQQ. Còn chị hỏi mai chúng tôi có chặn chị không, thì tôi xin trả lời là không!

Ôi mẹ ơi, tôi chỉ muốn ôm lấy anh ấy một cái. Tôi nhẹ cả người, cười rõ tươi và cảm ơn nhiệt tình (khổ chưa). Anh ấy chua thêm một câu, còn chị làm gì thì chị sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Mẹ ôi! Đi xem tòa xử công khai mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thôi thì không chụp ảnh chính diện được (lịch sự tý chứ) thì tôi chụp lưu ảnh tiễn. Chụp sau lưng đoàn thôi vậy

Thế là mai tôi được đi xem xử án rồi nhé. Không phải trốn nhà. Không bị chặn. Hạnh phúc quá!

Thêm một câu cuối.

-    Các anh chị ấy biết thừa là có nói tôi không nên đi cũng chả ăn thua mà vẫn cứ phải nói.  

-    Chúng tôi biết có đòi tự do cho LQQ chả ăn thua nhưng vẫn cứ phải đòi

Rốt cuộc cả hai bên cùng khổ cả. Giá luật pháp nước ta nghiêm minh, thì các anh chị và chúng tôi đâu mất công thế này.

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Sống chung với ác mộng !

  • CƠN ÁC MỘNG

    Cầu Nhật Tân (vốn ODA)
    Nhà văn Vân Thảo

    Thường thường mỗi lần từ Hải Phòng lên Hà Nội làm việc, sau khi công việc xong xuôi Tổng giám đốc Công ty Sơn Trường Tạ Quang Thắng hay gọi tôi đi uống cà phê sau đó mới về lại Hải Phòng. Lần này anh Thắng chọn một quán cà phê tương đối vắng vẻ ở đường Trần Hưng Đạo. Tôi đến nơi đã thấy anh đang cầm cái thìa khuấy chậm rãi vào li cà phê sữa nóng. Nét mặt anh tỏ vẻ trầm tư.

    Tôi bắt tay Tông giám đốc Tạ Quang Thắng, hỏi:
    -Chắc công việc có chuyện gì trục trặc rồi phải không?
    Anh Thắng bảo:
    -Không có chuyện gì. Ngồi chờ anh và ngẫm chuyện thời thế, thế thôi.
    Tôi ngồi xuống và nói với anh:
    -Thời thế lúc nào mà chẳng rối như mớ bòng bong ngẫm làm gì cho mệt.
    -Cũng muốn thế lắm anh ạ. Nhưng không nói ra thấy lương tâm của mình cắn rứt thế nào ấy. Này, anh có bao giờ gặp ác mộng chưa?
    -Thi thoảng gặp ác mộng của những năm chiến tranh hiện về.
    Anh Thắng nhâm nhi ngụm cà phê, sau đó đặt li xuống nói thong thả:
    -Đời người lúc trẻ thơ ai cũng vậy, thường có nhiều cơn ác mộng. 
    ...........
    ............
    Anh Thắng kể hôm ở Dubai về đến Hà Nội đúng dịp lễ trung thu. Nhìn  thấy lũ trẻ hồn nhiên, nô đùa lòng anh se lại. Anh nghĩ lũ trẻ kia thật vô tư. Chúng đâu biết cơn ác mộng đang chờ chúng nó trong tương lai. Một món nợ khổng lồ đang treo trước mắt chúng, đời chúng chưa chắc đã trả hết mà còn dây dưa đến đời con đời cháu chúng nó. Anh Thắng nhìn thẳng vào tôi và nói: Anh là nhà văn. Anh phải lên tiếng để cảnh báo làm sao cho người dân yêu mảnh đất hình chữ S đừng quá vô tâm, nhẫn tâm, ác tâm với thế hệ tương lai của đất nước. Nếu hôm nay vung tay quá trán thì tương lai sẽ tròng lên cổ con cháu chúng ta những khoản nợ kinh khủng, làm sao chúng có thể mở mày mở mặt với thiên hạ? Anh bảo anh rất tâm đắc với câu nói của tiến sĩ Tô Văn Trường:  “Hãy coi ngày chúng ta thoát khỏi vốn ODA là ngày độc lập lần thứ hai của nước nhà". Tôi vỗ tay tán thưởng: Hay! “Ngày thoát khỏi vốn ODA được coi là ngày độc lập lần thư hai “ - Quá hay!
    Toàn văn ở đây
    Hà Nội 28 tháng 9 năm 2013