Translate

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2022

Cuối năm & ...30 NĂM NGÀY TÀN CỦA LIÊN XÔ.

 



Lịch sử có những trùng hợp thời điểm thú vị. Hôm nay chúng ta ăn mừng ngày giáng sinh của Chúa Jesus, nhưng ít ai nhớ rằng 30 năm trước (25/12/1991) là ngày Liên bang Sô Viết tan rã.

Báo chí Việt Nam có vẻ yên ắng, không đề cập đến sự kiện lịch sử quan trọng này, nhưng báo chí nước ngoài thì hay nhắc đến [1], kèm theo những hình ảnh mang tính lịch sử [2]. Nhưng tưởng cũng cần "ôn cố tri tân", ôn lại cái sự kiện mang tầm vóc thế giới để chúng ta hiểu chuyện hiện tại hơn.
Những ngày cuối cùng của đế chế Soviet được thuật lại trong cuốn sách "Moscow, December 25, 1991: The Last Day of the Soviet Union" của tác giả Conor O'Clery [3] rất đáng đọc. Bảy giờ tối ngày 25/12/1991, Mikhail Gorbachev xuất hiện trên hệ thống truyền hình Liên Xô tuyên bố sự cáo chung của Liên bang Sô Viết. Ông nói:
"Số phận đã định đoạt rằng khi tôi làm lãnh đạo, đất nước này đã trải qua những sai lầm trầm trọng. Chúng ta thoạt đầu đã có đầy đủ, từ đất đai, dầu khí, đến tài nguyên thiên nhiên, và Tạo Hóa đã ban cho chúng ta trí tuệ và tài năng. Tuy nhiên, mức sống của chúng ta tệ hại hơn nhiều so với các quốc gia kĩ nghệ khác, và khoảng cách mỗi ngày rộng thêm. Lí do hiển nhiên là do xã hội bị bóp nghẹt bởi một hệ thống quan quyền được tạo ra để phục vụ cho một ý thức hệ, và phải chịu gánh nặng chạy đua vũ trang, căng thẳng tột cùng. Tất cả nỗ lực cải cách nửa vời đều lần lượt thất bại. Đất nước đã hết hi vọng."
Bài nói chuyện chỉ 12 phút. Đến 7:12 pm, ông "chúc quí vị mọi điều tốt đẹp" sau khi tuyên bố từ chức tổng bí thư đảng cộng sản Liên Sô. Gorbachev để lại nhiều câu nói mang tính wisdom:
• Nếu bạn không tiến về phía trước, bạn sẽ lạc hậu (If you are not moving forward, you are moving backward).
• Sự bất khoan dung về ý thức hệ và chánh trị, ngay cả với ý định tốt và thành tâm, sẽ cho những hậu quả đối nghịch với ý định (Ideological and political intolerance, even with the best and most sincere intentions, produces results that are the direct opposite of those intended.)
• Cuối cùng thì cái 'mô hình' tồn tại ở Liên Xô không phải là xã hội chủ nghĩa mà là xã hội toàn trị. (In the end, the “model” that came into existence in the USSR was not socialist but totalitarian)
Liên bang Sô Viết được hình thành do những người theo chủ thuyết Bolshevik, và đây cũng là những người đã lật đổ chế độ Sa hoàng vào năm 1917. Đến năm 1922, các đồng chí Bolshevik đồng ý thành lập liên bang với thành viên bao gồm Nga, Belarus, Ukraine, Armenia, Georgia, Moldova, và Azerbaijan. Đến năm 1940, liên bang này bằng biện pháp vũ lực, ép buộc Estonia, Latvia, và Lithuania trở thành thành viên của Liên bang Sô Viết, với Nga là thành viên chủ chốt. Chủ trương của Liên bang Sô Viết cố làm theo lí tưởng cộng sản: tương trợ với nhau và tình đồng chí anh em. Nhưng lí tưởng đó không thành hiện thực. Những kẻ cầm quyền không tin tưởng vào và sợ công dân họ; ngược lại, công dân thì không bao giờ tin tưởng và sợ chính quyền. Ấy thế mà cái môi trường bất tín và sợ hãi đó được duy trì suốt 70 năm trời và 3 thế hệ.
Cái Liên bang đó cũng có thời vàng son của nó. Vào thập niên 1970, Liên bang Sô Viết từng hù doạ thế giới qua sở hữu bom nguyên tử và việc phóng phi thuyền đầu tiên vào vũ trụ. Người ta làm thống kê cho thấy ngày Liên bang Sô Viết cáo chung, nó có đến 210 sư đoàn lính, kho vũ khí hạt nhân có 27,000 đầu đạn, một số có thể bắn thẳng đến Mĩ. Sức mạnh của cái liên bang đó còn là niềm tự hào của các nước đàn em theo chủ nghĩa xã hội, trong đó có phân nửa Việt Nam. Nhưng đến thập niên 1980 trở đi, với sự phát triển về công nghệ thông tin, cái đế chế toàn trị đó không thể giấu giếm những khó khăn và sự suy thoái của nó, và cả thế giới đều biết đằng sau những động thái hù doạ kia là một liên bang nghèo nàn và lạc hậu. Cái gì đến cũng phải đến một cách tất yếu: Liên bang Sô Viết sụp đổ. Tự nó sụp đổ chứ chẳng có thế lực ngoại cuộc nào can thiệp trực tiếp.
Thật ra, trước đó thì cũng đã có biến động ở các nước đàn em Liên bang Sô Viết. Có lẽ sự kiện quan trọng nhất là một đồng chí mà Gorbachev chẳng ưa gì là vợ chồng Nicolae và Elena Ceausescu của Romania. Gorbachev xem Nicolae Ceausescu là Hitler của Romania. Hai vợ chồng Nicolae và Elena Ceausescu đã bị xử bắn vào ngày 23/12/1989. Trước khi bị xử bắn 3 tuần, Gorbachev tiếp kiến vợ chồng Nicolae Ceausescu và khuyên hai người này nên mạnh dạn dân chủ hoá Romania, và còn hẹn gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh ở Ba Lan. Cựu tổng bí thư đảng cộng sản [Đông] Đức Erich Honecker đã bị truất phế trước đó không lâu, và ông phải xin tị nạn với Boris Yeltsin. Tuy nhiên, bản thân Honecker cũng thấy không tin tưởng Yeltsin, nên ông lại lần nữa xin tị nạn trong Toà đại sứ Chile ở Moscow.
Nói đến Gorbachev mà không nhắc đến ông Nguyễn Văn Linh là một thiếu sót. Trong "Bên thắng cuộc", Huy Đức kể rằng tháng 10/1989, TBT Nguyễn Văn Linh dẫn một đoàn đại biểu VN sang Đức dự lễ kỉ niệm 40 ngày thành lập Nước Cộng hòa Dân chủ Đức, và nhân dịp đó ông định sẽ triệu tập một Hội nghị các Đảng Cộng Sản và Công nhân quốc tế để cứu phong trào cộng sản, chống chủ nghĩa cơ hội. Ông Linh không ưa Gorbachev và đưa ra nhận xét: "Gorbachev là kẻ cơ hội nhất hành tinh này”.
Ngày 4/10/1989, ông Linh và đoàn tuỳ tùng bay từ Hà Nội sang Đông Đức, với hãng hàng không Interflug. Hãng này chỉ dành cho ông Linh hạng ghế thương gia (business class), còn các thành viên khác trong đoàn tuỳ tùng thì ngồi ghế hạng phổ thông. Một thái độ xem thường đoàn VN rõ ràng. Khi đến Đức, sau nhiều lần bị cho "leo cây", cuối cùng thì Gorbachev cũng cho phép ông Linh một lần diện kiến. Đọc đoạn Gorbachev gặp ông Linh, chúng ta sẽ thấy chua chát cho phía VN [4] vì như ông Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm nhận xét rằng "Nhận thức của một số đồng chí trong Bộ chính trị lúc bấy giờ không theo kịp những thay đổi của tình hình thế giới."
Ngày 25/12/1991 đánh dấu một cái mốc lịch sử quan trọng: Liên Bang Sô Viết tan rã. Ngày mà một thể chế cựu Tổng thống Ronald Reagan gọi là "Evil Empire" (Đế chế ma quỉ) kết thúc. Lí do đế chế Sô Viết sụp đổ thì có nhiều, và các học giả vẫn còn tốn nhiều thì giờ để lí giải. Nhưng có lẽ đa số người quan sát thời cuộc đều đồng ý 3 nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của "Đế chế ma quỉ" đó: (i) bản chất mâu thuẫn của thể chế toàn trị; (ii) sự chuyển hoá của xã hội và sự bảo thủ của kẻ cầm quyền; và (iii) kinh tế suy thoái liên tục và tham nhũng. Có thể kể nguyên nhân thứ 4 là địa phương không phục tùng trung ương. Tất cả 3-4 nguyên nhân đó dẫn đến sự cáo chung tất yếu của Liên bang Sô Viết. Nhưng bốn nguyên nhân đó cũng đáng làm bài học cho các thể chế toàn trị.
===
[4] Trích sách Bên thắng cuộc:
"Cuộc gặp Gorbachev dự kiến diễn ra lúc 10:30 sáng 8-10-1989, nhưng chờ đến mười một giờ cũng không thấy văn phòng ông ta gọi lại. Ông Linh rất sốt ruột. Theo ông Lê Đăng Doanh: Trong khi đó, sáng ngủ dậy, bệnh ông Linh càng nặng thêm. Khi ăn cơm, ông kêu tôi ra ngoài vì không muốn tôi chứng kiến cảnh ông ăn rất chật vật. Hàm bên trái của ông Linh cứng lại. Ông phải nhai ở phía bên phải sau đó dùng hai ngón tay đẩy thức ăn vào họng, chiêu một ngụm nước mới nuốt được.
Cuộc gặp Gorbachev được lùi lại 2:30 rồi 5:30 chiều cùng ngày. Gorbachev, khi ấy vẫn là nhà lãnh đạo của cả phe xã hội chủ nghĩa, được bố trí ở trong một tòa lâu đài. Nhưng, cuộc tiếp tổng bí thư Việt Nam đã không diễn ra trong phòng khách riêng mà ở ngay một phòng rộng mênh mông vừa dùng cho một tiệc chiêu đãi lớn, thức ăn thừa còn bề bộn trên các bàn. Nhân viên dọn một góc, kê bàn để Gorbachev tiếp ông Nguyễn Văn Linh. Gorbachev ra đón ông Linh ở sảnh và khi cửa xe mở, ông cúi đầu nói: 'Kẻ cơ hội nhất hành tinh kính chào đồng chí Nguyễn Văn Linh'.
Dù đang bệnh, ông Nguyễn Văn Linh vẫn trình bày rất nhiệt tình, nhưng theo ông Lê Đăng Doanh: Sáng kiến nào của ông Linh cũng được Gorbachev khen là “rất tốt” nhưng chỉ là những lời khen xã giao. Ông Linh nói: 'Tôi đã gặp một số đảng cộng sản anh em. Trong tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đồng chí đứng ra triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế'. Gorbachev liền giơ hai tay lên tươi cười: 'Ý này hay nhỉ. Để xem! Để xem! Rất tiếc là giờ tôi đang nhiều việc quá!'. Ông Linh trân trọng mời Gorbachev đến thăm Việt Nam. Gorbachev lại kêu lên: 'Hay quá nhỉ! Cám ơn! Cám ơn! Nhưng, tôi đang có nhiều lời mời quá mà chưa biết thu xếp cái nào trước'.
Cuối cùng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề cập đến truyền thống viện trợ của Liên xô và khi ông đề nghị Liên Xô tiếp tục giúp đỡ cho Kế Hoạch 5 năm 1990-1995 của Việt Nam thì Gorbachev xua tay. Không còn xã giao, lịch sự như phần trên nữa, Gorbachev nói: “Khó khăn lắm, khó khăn lắm, các đồng chí Việt Nam tự lo thôi”. Theo ông Lê Đăng Doanh: Thế nhưng, ngày hôm sau, báo Nhân Dân và Pravda đều đưa tin về cuộc gặp diễn ra trong 'tình hữu nghị thắm thiết'.
2) BỨC HÌNH LỊCH SỬ: M. GORBACHEV KHÉP LẠI BÀI DIỄN VĂN TỪ CHỨC ĐỌC NGÀY 25/12/1991
Người chụp bức hình này là nhiếp ảnh gia người Mỹ sinh tại Hong Kong Liu Heung Shing. Ông là phóng viên của hãng AP tại Moscow. Phái đoàn quay phim của ABC từ Mỹ sang gồm Ted Koppel, Rick Kaplan v.v. nhưng không có ai là phóng viên nhiếp ảnh.
Buổi sáng ngày lịch sử đó, Liu Heung Shing nghe ngóng tin tức và biết đó là ngày Mikhail Gorbachev từ chức nên tìm cách vô điện Kremlin. Mặc dù bị KGB ngăn cấm vào, Liu Heung Shing cũng đã xoay xở vào được. Khi Mikhail Gorbachev đọc diễn văn, Liu và Tom Johnson của CNN là hai phóng viên duy nhất có mặt trong phòng.
Phóng viên Liu Heung Shing không được phép chụp hình nhưng ông ta biết lịch sử đang sang trang và bằng mọi cách phải ghi lại cho được hình ảnh đó. Ông đặt máy hình đúng vị trí, điều chỉnh khoảng cách, thông số của ống kính chính xác và kiên nhẫn chờ cơ hội. Khi Mikhail Gorbachev đọc xong, khép lại bài diễn văn là lúc Liu Heung Shing bấm máy.
Được hỏi đặc điểm nào trong nhiếp ảnh làm ông quan tâm nhất, ông cho rằng những bức ảnh đại diện cho tiếng nói của con người là ông quan tâm nhất.
( Fb Phan Trọng Thức) PR. Cái XH Xoviet thực chất bị tha hoá dần khoảng 20 năm cuối chứ ko phải ngay từ đầu. Việc đưa sự bịa đặt chuyện TBT NVLinh gặp Gorbachop của TG Bên TC làm mất đi sự tín nhiệm của bài
HĐ có im lặng khi bị chứng minh là hư cấu những chi tiết kiểu này. Nhưng tình cảnh, tâm thế của lãnh đạo VN lúc đó thì đúng vậy.
https://www.facebook.com/1651609900/posts/10216306432367397/?d=n
Bài của Phan Viet Hùng - Sự thật cuộc gặp TBT NVL với Gorbachop

" NGƯỜI VIỆT MỚI ''

 

 

Không nhớ rõ là từ từ khi nào, Nhưng bết chắc chắn thời Công xã Hội Nghĩa này “những người cao quý” đã có tiêu chuẩn ăn thực phẩm riêng, ở nhà riêng, di chuyển bằng pt riêng, chữa bệnh ở bv riêng....
- Đổ bao sương máu Nhân dân đánh đổ giai cấp Thực dân Phong kiến...Để cho ra: " tác phẩm Giai cấp mới" !
Thật
Sau khi Liên xô sụp đổ, đất nước mà tôi và nhiều thế hệ người Việt nam hằng yêu mến, kính trọng trở nên nghèo khổ, điêu tàn. Rồi cũng chính từ trong cái nghèo khổ và điêu tàn ấy, một thời gian sau nữa, xuất hiện một tầng lớp mà người ta gọi là “ Novue russkie”- Người Nga mới. Tức là họ vẫn là người Nga nhưng họ cũng chẳng là người Nga. Là người Nga vì họ nói tiếng Nga.
Nhưng họ ăn,mặc, ở…nói chung là sống ( và cả chết nữa ) hoàn toàn không giống đa phần người Nga còn lại. Vì đa phần họ là người có nhiều tiền. Số ít còn lại là có rất, rất nhiều tiền.
Tình hình ở Việt nam chúng ta lại hơi khác. Một lớp “Người Việt mới” đã dần xuất hiện khi chưa có một sự sụp đổ nào, cả trong quan chức lẫn trong doanh nhân và ngày càng rõ nét. Là quan chức, thay vì sòng sọc điếu cày như trước kia, họ hút xì gà ( ngày vài ba điếu ) mà mỗi điếu bằng nửa tháng lương người lao động, họ uống chai rượu bằng thu nhập 10 năm của một hộ nông dân thay vì rượu đế. Con họ, đang du học ở Anh bằng tiền tiết kiệm và tiền đi bán chổi làm thêm, vài tháng có thể về thăm bạn gái bằng vé C. Bạn gái họ vài tuần có thể đi mua các thứ lặt vặt ở các cửa hàng tại Milano, cách chúng ta không xa lắm.
Khi rao giảng về chủ nghĩa và đạo đức, họ hay viện dẫn truyện Kiều và ca dao cho dễ hiểu và sinh động. Và khi chết, để khỏi chen chúc ở những nghĩa trang, nơi có chồng chất những anh hùng, liệt sỹ, những vị tiền bối, họ được chôn tại quê nhà ấm áp, nơi đã dành ( hay họ đã giành) vài héc ta vuông vức.
Bên cạnh quan chức ‘’ mới” tất nhiên là chúng ta hay thấy hình bóng của vài ( hay nhiều ) doanh nhân “mới”. Họ thường tháp tùng quan chức nhưng đi sau vài bước chân, cười ( rất to ) khi quan chức cười mỉm, gật như gà mổ thóc mỗi khi quan chức hỏi và vỗ tay dào dạt như dành cho idol khi quan chức kết thúc bài phát biểu hùng hồn. Và họ chẳng cần “ noi gương và học theo “ ai hết, đạo đức của họ sáng ngời như chúng ta đã biết như vài ngày qua.
Một cái gì đắng chát trong cổ họng (và cả trong tim nữa ) khi bất chợt nghĩ rằng:” đất nước chưa bao giờ đẹp như hôm nay” lại có thể chỉ thuộc về “HỌ”, những “Người Việt mới”!
Theo Fb KT Le. Ảnh: báo Người đưa tin



Thứ Năm, 13 tháng 1, 2022

Trịnh Văn Quyết FLC phạm tội gì khi bán chui cổ phiếu?


nguyenvandai - RFA
Ngày 10 tháng 1 năm 2022, Trịnh Văn Quyết là Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn FLC đã bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC, thu về hơn 1.580 tỷ đồng gây xôn xao dư luận xã hội cũng như giới đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Nghị định số 128 của Chính phủ việc bán cổ phiếu không công bố thông tin sẽ bị phạt tiền 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỉ đồng trở lên, nhưng mức phạt tối đa chỉ là 1,5 tỉ đồng đối với cá nhân.
Sáng ngày 11/1, Trịnh Văn Quyết đã giải trình với Ủy ban chứng khoán nhà nước.
Trịnh Văn Quyết đã đổ lỗi cho bộ phận thư ký quên gửi công bố thông tin bán cổ phiếu FLC cho Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) theo đúng quy định về thời hạn.
Và Quyết xin lỗi như sau: “Thực sự để xảy ra việc này, tôi lấy làm tiếc và sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc không để xảy ra sự việc tương tự”.
Chiều ngày 11 tháng 1, Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM đã hủy giao dịch bán cổ phiếu ngày 10 tháng 1 của Trịnh Văn Quyết.
Và cũng trong buổi chiều ngày 11 tháng 1, Bộ Tài chính đã ra quyết định số 19/QĐ-UBCK phong tỏa tài khoản chứng khoán của Trịnh Văn Quyết từ ngày 11 tháng 1 năm 2022 cho tới khi có thông báo mới.
Nhưng dư luận xã hội và giới đầu tư không hài lòng với các quyết định xử lý về mặt hành chính với Trịnh Văn Quyết. Bởi đây không phải là lần đầu Trịnh Văn Quyết vi phạm bán chui cổ phiếu.
Trước đó, năm 2017, Trịnh Văn Quyết đã vi phạm khi bán chui 57 triệu cổ phiếu FLC, thu về hơn 400 tỷ đồng nhưng chỉ bị phạt 65 triệu đồng. Dư luận nhà đầu tư cho rằng mức phạt trên là quá nhẹ, khiến giới đầu tư chứng khoán bất bình. Họ cho rằng hành động này đã lừa gạt nhà đầu tư khiến cho hàng ngàn người bị thua lỗ.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính đề nghị Ủy ban Chứng khoán mạnh tay xử lý vi phạm về hình sự với cá nhân ông Trịnh Văn Quyết do để xảy ra vi phạm nghiêm trọng này.
"Việc bán của ông Quyết là sai luật, Nhà nước cần thu hồi. Hành động của ông Quyết ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam, cần phải xử phạt hành chính và xem xét xử phạt hình sự", ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.
Vậy theo qui định của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015, được sửa đổi năm 2017 thì Trịnh Văn Quyết sẽ vi phạm điều luật nào và mức hình phạt cao nhất là bao nhiêu?
Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, có 4 điều luật điều chỉnh các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.
Hành vi vi phạm của Trịnh Văn Quyết đã vi phạm vào điều 209 qui định về tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
1/ Người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a/ Gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
b/ Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c/ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a/ Có tổ chức;
b/ Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c/ Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên;
d/ Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy hành vi khách quan của Trịnh Văn Quyết là đã che giấu thông tin trong việc chào bán chứng khoán. Trịnh Văn Quyết đã không thực hiện nghĩa vụ phải gửi thông báo để Sàn giao dịch chứng khoán đăng tải công khai việc bán cổ phiếu.
Việc che giấu thông tin bán cổ phiếu sẽ đem lại lợi ích cho Trịnh Văn Quyết. Bán chui cổ phiếu sẽ giúp cho Trịnh Văn Quyết đánh úp các nhà đầu tư và thu lợi được khoản tiền lớn.
Bởi nếu Trịnh Văn Quyết công khai thông tin bán cổ phiếu với số lượng lớn sẽ làm cho các nhà đầu tư cũng bán cổ phiếu theo, và làm cho giá cổ phiếu xuống thấp trước khi Trịnh Văn Quyết bán. Trịnh Văn Quyết sẽ không đạt được lợi nhuận mong muốn, thậm chí còn đẩy công ty vào tình thế khó khăn.
Việc Trịnh Văn Quyết thu lợi bất chính bao nhiêu hay gây thiệt hại cho nhà đầu tư bao nhiêu sẽ quyết định khung hình phạt và số năm tù với Trịnh Văn Quyết.
Nhưng Trịnh Văn Quyết sẽ đối diện với mức hình phạt tối đa là 5 năm tù hoặc bị phạt tới 2 tỷ đồng.
Ngày 12-1, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Công an có chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ vào cuộc điều tra vụ bán “chui” cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết về nguyên tắc, khi có những vấn đề về an ninh xã hội, an ninh văn hoá đáng chú ý, Bộ Công an sẽ thực hiện một số công tác nghiệp vụ theo chức năng nhiệm vụ. Qua đó, đảm bảo an ninh, trật tự, an sinh, an toàn xã hội.
KHÔNG DỄ GIỠN MẶT...
(Tác giả: Fb Lưu Trọng Văn)
.
Chuyện gì xảy ra ở ông bạn Trung Quốc rồi cũng sẽ xảy ra ở VN thôi. Một loạt tỷ phú dola hàng đầu Trung Quốc vừa bị Tập Cận Bình cho biết thế nào là... lễ độ. Đừng nhơn nhơn giỡn mặt chính quyền!Tập giơ nắm đấm thế là Jack Ma ông chủ Alibaba phải tái mặt.
Một loạt tỷ phú VN cũng rất dễ lên đoạn đầu đài khi ngạo ngược vượt qua làn ranh đỏ: thao túng thể chế. Tiền nhiều oách thật, nhưng nếu tưởng mình là "vua"chắc chắn sẽ toi với... vua. Vua thời nào cũng vậy quá biết tỏng tòng tong kẻ trọc phú vì sao nhiều tiền, nên chỉ cần cái phẩy tay là trọc phú thành trọc...lóc.
Sự việc tỷ phú Trịnh Văn Quyết bị phong toả các cổ phiếu cùng tỷ phú Đỗ Anh Dũng bị điều tra các dự án bất động sản là những nhát chém cảnh tỉnh: "đấng" nhiều tiền chớ có giỡn mặt với "đấng"nhiều quyền.
NHƯNG ĐIỀU NÀY MỚI QUAN TRỌNG.
Một xã hội không thể gọi là lành mạnh nếu để cho những kẻ bất chính thành tỷ phú.
Hốt hụi không phải là quy trình của luật pháp toả sáng bởi công lý.

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

Đất, Máu và Sắt

 September 11, 2020

Lao Ta.
Toàn bộ mảnh đất Đồng Sênh thuộc diện “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, với biểu giá đền bù hiện tại chưa chắc đã đủ để ông nghị Phạm Phú Quốc, người “đại diện cho lợi ích và phẩm giá dân tộc”, mua chui một cái quốc tịch châu Âu. Nó chỉ bằng số tiền lẻ mà nhiều quan chức đang có sau khi hết lòng yêu đảng, trọn đời phục vụ nhân dân! Còn so với số tài sản đất nước này ném xuống biển vì những chính sách sai lầm và vì tệ tham nhũng, thì chỉ là hạt cát trên lưng một con voi. Nhưng nó lại trở thành mảnh đất đẫm máu người Việt nhất kể từ sau năm 1975. Muốn nói gì thì cứ nói, muốn dùng bao nhiêu công cụ tuyên truyền thì cứ dùng, nhưng sự thật là không gì có thể biện hộ được cho nỗi xấu hổ này.
Đau đớn nhất ở chỗ, cuộc tranh chấp hoàn toàn có thể giải quyết bằng những nụ cười của tình đồng bào. Nhưng phải mất đến 4 mạng người (đang có nguy cơ thành 6) cùng hàng chục người khác thân tàn ma dại, cộng thêm vài chục triệu niềm tin bị chôn sống, chỉ để giành giật nhau cái mảnh đất ấy. Lời bài hát “Lửa đã cháy và máu đã đổ” nhằm khích lệ người dân chiến đấu chống lại giặc Tầu xâm lược năm xưa, ai ngờ lại hiển hiện không thể sinh động hơn ở chính cái nơi có thể coi là biểu tượng của tinh thần ái quốc. (Người Pháp hoàn toàn bất lực khi muốn bình định vùng đất ấy).
Hôm nay tôi không muốn nhắc lại màn diễn vụng về từ đầu đến cuối của vở kịch “xét xử vụ án giết người ở Đồng Tâm”, bởi nhân dân này, nhờ ơn ông “Mác” người Mỹ, không còn ngu dại nữa. Tôi chỉ muốn nhắn trực tiếp đến ngài Nguyễn Phú Trọng, ngài Nguyễn Xuân Phúc, hai trong số những quan chức mà tôi còn giữ được lòng kính mến, rằng, một chính quyền đặt dân lên đầu sẽ không hành xử như những gì đã xảy ra mà các ngài phải chịu trách nhiệm chính.
Tôi thừa biết rằng chính quyền của các ngài muốn thông qua vụ án Đồng Tâm, với việc huy động hàng ngàn người để sau đó triệt hạ gần như toàn bộ gia đình ông Lê Đình Kình, gửi thông điệp “máu và sắt” tới toàn thể người dân Việt Nam là đừng ai định đùa với…nền chuyên chính vô sản! Nhưng có vẻ các vị đang gửi đi một thông điệp sai lầm và nguy hiểm! Cho chính quý vị, và tất nhiên, cho tương lai của đất nước này. Các ngài chớ quên rằng, dù vĩ đại ngang với trời đất thật đi nữa, thì đảng của các ngài cũng CHUI RA TỪ HÁNG NHÂN DÂN.
Tôi chưa vội nói về lòng khoan dung, là thứ một chính quyền tử tế phải có khi cai trị người dân, bởi mọi sai trái của họ đều có phần trách nhiệm của chính quyền. Tôi chỉ muốn nói, trước khi khép tội chết những người con của ông Lê Đình Kình, hãy nghiêm khắc tự hỏi: Ai đã khiến họ thành ra như vậy? Ai đã đẩy những người nông dân yêu đất đai ấy đến chỗ phải phạm tội? Nếu cật vấn xong rồi mà lương tâm các ngài vẫn thấy thanh thản, thì cứ việc đưa ra quyết định. Nhưng tôi tuyệt đối tin rằng, lịch sử sẽ bàn tiếp câu chuyện đau thương mang tên Đồng Tâm theo cách của nó, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến những lời cáo trạng mà quý vị dùng để khép tội 29 nông dân dám chống lại quý vị. Tôi không muốn đưa ra ví dụ, vì nó quá nhiều. Nhưng ngay từ lúc này, đã có thể biết ai là người sẽ mãi mãi được hậu thế ghi nhớ, ai sẽ bị nguyền rủa như loài ác quỷ. Tất cả đều nằm ngoài ý muốn của họ.
Còn ba ngày nữa để lương tâm các ngài lên tiếng. Tôi thành thật mong hai ngài có một bữa tối đầu tuần ngon miệng và sau đó là một giấc ngủ sâu!