Translate

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Quyền lực rất dễ làm người ta tha hóa.

 Bùi Hoàng Tám
.



Gần đây, mình có cảm giác như đang xuất hiện nạn “cát cứ” lãnh thổ. Có lãnh đạo chính quyền địa phương tự cho mình cái quyền “luật pháp trong tay ta, ta là luật pháp” mà vụ Tiên Lãng vừa qua là một điển hình.
Nhớ lại chuyện năm ngoái, mình rủ mấy anh em báo chí về xã mình viết về Người anh hùng làng Giắng. Bác ấy là Nguyễn Quang Son, Liệt sĩ chống Pháp. Khi giặc Pháp càn vào làng mình, chúng bắt hầu hết cán bộ đầu não của xã ra đình làng. Bố mình khi đó là xã đội trưởng cũng bị bắt. Biết bác Son là du kích, chúng đưa bác đi nhận diện các đồng chí của mình. Bị tra tấn rất dã man bằng mọi cực hình nhưng bác kiên quyết không khai một ai, dù trong đám dân làng có đến 3 – 4 chục người là du kích. Nếu bác khai, toàn bộ cơ sở kháng chiến của xã sẽ tan nát và chắc chắn sẽ có hàng chục người bị hành quyết. Không khuất phục được ý chí của Người anh hùng làng Giắng, chúng đem bác ra bến đò bắn chết và đạp xác xuống sông. Khi đó, bác Son mới ngoài hai mươi tuổi.
Khi nghe bố mình và dân làng kể lại, mình rất xúc động. Bài viết của mình và các bạn mình được nhiều báo sử dụng, gây xúc động độc giả như báo Nhân dân, Lao động & Xã hội, báo Đài tiếng nói Việt Nam, Nhà báo & Công luận, An ninh Thế giới… và tất nhiên là cả báo Dân trí của mình. Mình nghĩ bác không chỉ là Liệt sĩ mà xứng đáng là một Anh hùng nên gọi điện cho bác Chủ tịch huyện với mong muốn bác ấy giúp xã khâu thủ tục. Mình tâm niệm khi biết tin này, bác Chủ tịch sẽ rất vui và nhiệt tình bởi đây là niềm tự hào của cả huyện. Thế nhưng tiếc thay, bác đã trả lời bằng một giọng đầy uy quyền và gắt gỏng cứ như mình nhờ vả riêng tư gì bác ấy.
Thật ra, việc cán bộ công chức gắt gỏng với dân mình chứng kiến không ít. Thế nhưng với bác ấy thì khác. Bác ấy trước kia học cùng lớp và là bạn của bà chị gái mình. Dáng cao cao, người dong dỏng, bác ăn nói nhẹ nhàng như con gái. Nhiều lần mình ước có được dù chỉ một phần cái lịch lãm của bác ấy. Từ một chiến sĩ cảnh sát cứu hỏa, bác đã phấn đấu để trở thành người đứng đầu một huyện. Nhưng hình như cũng từ một con người lịch lãm, bác ấy đã trở thành một con người khác. Mình không nghĩ rằng bác ấy lại thay đổi nhanh thế.
Thực lòng với cái đầu óc rất ngây thơ, mình nghĩ chức Chủ tịch huyện là một nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó. Vả lại, cái chức đó cũng chả to tát lắm. Nhưng sau vụ Tiên Lãng, mình nhận ra rằng đó là một cái chức rất to. Nó to đến mức nếu không có bản lĩnh chính trị, anh sẽ biến thành ông quan phụ mẫu, đèn giời soi xét. Nó to như thế nên có lẽ ông anh ngày xưa của mình giờ đây quen được người ta vâng dạ, bẩm báo và xin xỏ.
Vẫn biết, quyền lực rất dễ làm người ta tha hóa nhưng dù sao mình vẫn nuối tiếc. Tiếc một hình ảnh đã từng khắc sau trong tâm trí mình từ thủa thơ ấu.
Năm nay, bác ấy cũng đã gần 60 tuổi. Chả mấy bữa nữa là bác ấy lại làm dân.
21.2.2012 PR. Cứ bảo tại sao dân ghét ... đám quan chức.



Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

BÓNG MA BONG BÓNG BĐS

Dương Quốc Chính.
.



Mấy hôm nay lái xe toàn thấy radio phát QC BĐS, đa phần chung 1 giọng đại ý: “Bây giờ lãi suất ngân hàng thấp lắm, chuyển qua đầu tư BĐS đi, sinh lời nhan lắm. Giá nhà chỉ có lên, yên tâm không lo lỗ”. Mấy năm nay “luận điệu” QC BĐS đều nhắm vào giới đầu cơ 1 cách công khai, chứ không phải nhắm vào người dùng thật sự. Điều đó thể hiện 1 phần sự thật rằng mấy năm nay BĐS đa phần là do giới đầu cơ mua qua bán lại là chính chứ không có nhiều người mua để ở như 1 nhu cầu thiết yếu.
Từ tết đến giờ có vẻ như cơn sốt BĐS bất đầu tăng nhiệt từng ngày. Báo chí cũng đăng phát biểu của nhiều chuyên gia kiểu như ông Đặng Hùng Võ. Nhưng mình cho rằng đa số không bắt đúng bệnh lần này.
Đợt sốt lần này khác xa các lần trước. Vì lần này dính ngay vào đại dịch Covid-19. Từ năm ngoái tới nay, sản xuất đình trệ, ngân hàng dư tiền, lãi suất xuống thấp nhất trong lịch sử vì chẳng ai vay để đầu tư sản xuất. Nhà nước thì muốn kích cầu tiêu dùng nên càng hạ lãi suất. Thế là nhiều người tự dưng thừa tiền chả biết làm gì, do lãi suất xuống quá thấp. Thế là họ vác tiền ra chi tiêu, mua BĐS, xây nhà, mua ô tô, đầu tư chứng khoán, bitcoin...
Ở VN thì 2 kênh hút tiền nhiều nhất là chứng khoán và BĐS, trong đó BĐS là chính. Người dân có độ vài trăm triệu tiền nhãn rỗi là nghĩ ngay đến chuyện găm đất, chả mấy ai lo sản xuất hay làm dịch vụ. Thế nên kinh doanh BĐS là nghề tay ngang nhiều nhất. Từ nông dân tới đại gia đều găm đất. Bao năm nay, những người giàu nhất sàn CK đều có liên quan đến BĐS. BĐS cũng là chỗ cất tiền kín đáo nhất cho anh em quan lại. Anh em cò con thì chỉ có đất cát ở các thành phố lớn, anh em chóp bu thì ôm hẳn đất ở nước ngoài.
Ở VN, đầu tư (hay đầu cơ) BĐS là lành nhất, chẳng cần mấy năng lực chuyên môn. Ai có tiền cũng đi găm đất được hết. Ít tiền thì đi găm...mộ. Ôm vài lô mộ mua đi bán lại cũng kiếm hơn buôn ma tuý!
Sở dĩ buôn BĐS ở VN nó lành là vì không bị thuế luỹ tiến. Mỗi người có dăm chục cái sổ đỏ cũng chả sao. Nước ngoài chống đầu cơ BĐS chỉ hiệu quả khi đánh thuế luỹ tiến. Người nào có 2-3 căn nhà thì đóng thuế è cổ, cho thuê cũng không lại tiền thuế. Nhưng ở VN không thể đánh thuế luỹ tiến được. Vì luật là thể hiện ý chí nguyện vọng của AEQL, chính anh em lại đi ôm đất nên ngu gì anh em lại bấm nút. Thế là tự tay bóp zái à!? Vì vậy VN chả có cách gì để chống đầu cơ BĐS hiệu quả. Sốt quá thì tăng lãi suất ngân hàng, siết chặt việc vay tiền để đi mua nhà đất là hết bài. Nhưng bây giờ lãi suất quá thấp do dịch nên dòng tiền đổ vào những thứ ảo như BĐS, chứng khoán và...lan đột biến!
Tóm lại là từ giờ đến cuối năm, người ta sẽ vặt tiền lẫn nhau thông qua các kênh đầu tư dựa vào ảo giác. Mấy vụ giao dịch lan đột biến 100% là thủ đoạn thổi giá để bắt gà. Các TP lớn cũng đua nhau công bố các dự án lớn, đặc biệt là các dự án hạ tầng và quy hoạch. Vì những thứ đó sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn tới giá BĐS.
4 năm trước mình đã viết stt về sự nguy hiểm của nền kinh tế phụ thuộc BĐS. Thì nay lại có 1 làn sóng tiếp theo và hệ luỵ của nó dự là sẽ nguy hiểm hơn do đợt này dính luôn vào dịch Covid.
Dương Quốc Chính
. He he.....
PR: https://cafef.vn/giai-ma-con-sot-dat-dien-dao-tu-bac-chi-nam-20210324072711919.chn?fbclid=IwAR1GE9dSqZ7Z2coKanVdu1p7A5T6SdOqHZpbSerOqJkwug13ld1Rru9vinI



NGƯỜI ĐI TÌM ĐẠO CHO ĐỜI.



Vào hồi 16h45 phút, ngày 20 tháng 3 năm 2021 (tức ngày 08 tháng 02 năm Tân Sửu), nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã trút hơi thở cuối cùng Một đời đớn đau đào bới để tìm " Đạo " qua những tác phẩm " Để đời " của mình. Hẳn hôm nay ông ấm áp, sau một đời vật lộn cơm áo " Tìm đạo " ------------------------------------

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 ở Thái Nguyên, quê gốc ở Hà Nội. Thuở nhỏ, ông cùng gia đình di tản qua nhiều vùng quê ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội rồi đi dạy học hơn 10 năm ở một vùng núi phía Bắc. Sau đó ông trở về Hà Nội và chính thức bước vào con đường của một nhà văn.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến với văn chương khá muộn. Nhưng khi “Những ngọn gió Hua Tát” và những truyện ngắn khác của ông xuất hiện thì cũng là lúc cơn bão mang tên Nguyễn Huy Thiệp trỗi dậy, thổi qua cánh rừng đời sống văn chương Việt và nó làm tất cả rung lên. Kể từ năm 1975 cho tới lúc này, chưa có nhà văn nào có khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như ông. Và cho tới lúc này, ông vẫn là người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại.
Chúng ta có thể nói: văn của ông là sự trần trụi đến nghiệt ngã, nhưng đó là sự trần trụi của một người dám nhìn thẳng sự thật và gọi đúng tên sự thật.
Chúng ta có thể nói: văn của ông là sự nổi giận tựa cơn hỏa hoạn, nhưng đó là sự nổi giận của lương tâm trước sự suy đồi và giả dối của con người.
Chúng ta có thể nói: văn của ông là sự đau đớn đến kinh hoàng, nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người.
Những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: chói sáng, chính xác và đau đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người. Nó làm con người đau đớn đến mức tưởng không chịu nổi để rồi được bình phục và lớn lên.
Chỉ khi mang nỗi đau đớn tận cùng về con người, ông mới có thể viết những thiên truyện buốt lạnh đến rùng mình. Sự buốt lạnh đến rùng mình ấy chính là lời cảnh báo cao nhất về lương tri. Có lẽ lúc đó, đối với ông, nước mắt than khóc hay những lời an ủi hão huyền chỉ là sự phù phiếm đối với một nhà văn khi nghĩ về, và khi nói về đồng loại của mình.
Đọc những thiên truyện của ông, người đọc nhiều khi mang cảm giác kinh hãi, kinh hãi bởi họ nhận ra những vùng tăm tối đầy man dại còn đâu đó trong chính con người họ. Để từ đó, họ được thức tỉnh và biết hành động để phục sinh nhân tính của mình. Chính thế mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói : “Khó nhất không phải là tiền bạc, khó nhất không phải là tri thức, mà khó nhất là đạo đức, nhà văn chỉ là người đi tìm đạo cho dân chúng”.
Đấy là bản tuyên ngôn của ông về sứ mệnh người cầm bút. Và ông đã đi trên con đường ấy từ khi cầm bút cho tới khi giã từ cuộc sống thế gian mà không hề nao núng, không hề đổi thay cho dù trên con đường ấy quá nhiều chông gai, quá nhiều thách thức cùng biết bao mê dụ. Ông khắc nghiệt với con người bởi ông yêu con người. Ông chống lại sự đồi bại của con người để bảo vệ chính con người.
Nhưng trong các truyện ngắn của ông, có một dòng chảy lớn mang tinh thần thi ca với những vẻ đẹp huy hoàng trùm lên những số phận thấp hèn, bất trắc trong Những ngọn gió Hua Tát, Muối của rừng, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần… Dòng chảy kỳ vĩ đó làm cho con người thấy ấm áp, thấy yêu thương và thấy được những giấc mơ làm người đẹp đẽ của mình trong mọi hoàn cảnh. Ông thực sự mang đến cho văn xuôi Việt Nam đương đại một giọng nói khác biệt và đặc biệt với ngôn ngữ tinh xảo, kỳ lạ, ám ảnh và đầy bí ẩn.
Trong cuộc sống đời thường, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sống lặng lẽ và khiêm nhường. Ông im lặng trước mọi khen chê, mọi đố kị, mọi khiêu khích thậm chí cả những khiêu khích trong chính lúc này và cả những đe dọa. Ông thường ngồi chìm sâu giữa một đám đông, với dáng hình như cố thu nhỏ để khỏi ai nhìn thấy. Nhưng từ nơi chốn ấy, ông phóng chiếu một cái nhìn xuyên qua đời sống để thấu hiểu nó, giải phẫu nó, phán xử nó để cuối cùng được yêu thương nó.
Với những gì ông đã viết cho cuộc đời này, ông đã được nhận Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), Giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Nhưng giải thưởng lớn nhất cho những sáng tạo của ông chính là bạn đọc. Họ đã trao huân chương cho ông bằng chính trái tim mình.
Chúng ta nói về ông lúc này khi ông đã không còn ở chốn trần gian không phải để tôn vinh hay ngợi ca ông, bởi ở chốn vĩnh hằng kia không bao giờ xuất hiện khái niệm tôn vinh hay ngợi ca. Bởi chỉ những văn bản nghệ thuật mà ông làm ra mới có thể minh chứng ông, bảo vệ ông giữa muôn vàn náo loạn. Chúng ta nói về ông lúc này là để nói với chính chúng ta, về sự dấn thân, về lương tâm và lòng quả cảm của một người cầm bút. Trên tất cả các báo chính thống và mạng xã hội ngập tràn thông tin về sự ra đi của ông cùng những đánh giá về vị trí của ông trên văn đàn nước Việt, ngập tràn lời chia buồn và tiếc thương. Chỉ điều ấy thôi đã nói lên ảnh hưởng lớn lao của ông trong đời sống văn học và đời sống xã hội nước nhà.
Và lúc này chúng ta nghe, những ngọn gió ngân vang
Trên những ngọn núi, những cánh rừng Hua Tát
Cùng tiếng rì rầm mãnh liệt của những dòng sông
Chảy qua đêm tối về biển cả không gì ngăn được
Đâu đấy trên những cánh đồng nhớ thương hoàng hôn đau đớn
Một đám mây mang tên Nguyễn Huy Thiệp
Thả xuống những cơn mưa của tự do và lấp lánh
Trong dội vang tiếng sấm dọc chân trời
Lúc này trong những ngôi nhà nhỏ bé và mờ tối, những nhân vật của ông
Đang thắp những ngọn nến và cất lời cầu nguyện
Ông đã từng bước vào những ngôi nhà trong đêm đầy gió
Với đau khổ, yêu thương đến bầm nát tim mình
Hãy thanh thản ra đi, Nguyễn Huy Thiệp, hỡi chàng hiệp sỹ
Cùng thanh gươm ngôn từ hắt sáng ban mai
Những cánh đồng đang dâng hương như mùa xuân thứ nhất
Trên mỗi dấu chân chàng một ký tự sinh ra

(Toàn văn lời điếu do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Trưởng ban Lễ tang nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, viết và đọc sáng 24.3.2021 tại 65 Nguyễn Du, Hà Nội )
Không giàu có. Không chức tước. Nói năng vụng về... Ông chỉ để lại vài trăm trang viết. Thế nhưng sự ra đi của ông làm thổn thức trái tim biết bao người.
Họ yêu mến. Họ xót xa. Họ tiếc thương... và họ kính trọng ông một cách thật lòng.
Đó là phần thưởng thiêng liêng và cao quý mà người dân dành cho những nhà văn, nhà thơ, các văn nghệ sĩ tài năng.
Xin vĩnh biệt ông.
...............
PR.
Lời chia tay Nguyễn Huy Thiệp của Nguyễn Quang Thiều như một áng văn...
Gã không thích gọi đó là điếu văn bởi nhà văn, nghệ sĩ không bao giờ thích khuôn mẫu. Khi Tản Đà và Vũ Trọng Phụng mất cha gã là người thân thiết với Tản Đà và Vũ Trọng Phụng nên được các nhà văn đề cử đại diện cho họ nói lời chia tay với Tản Đà và Vũ Trọng Phụng. Lời chia tay ấy không theo khuôn mẫu nghi thức tang lễ nào hết mà chỉ có tấm lòng và sự đánh giá giá trị văn chương, nhân cách của người đã khuất.
Ngày cha gã mất, gia đình gã cũng yêu cầu không có đại diện hội đoàn đọc điếu văn mà chỉ có lời chia tay của bạn bè.
Khi Nguyễn Huy Thiệp ra đi gã có nhắn: nếu làm cuộc chia tay tại gia đình không nghi lễ nhà nước hội đoàn, không bị thời gian khống chế thì sẽ có nhiều bạn thân của Thiệp như Nguyễn Bảo Sinh, Nguyễn Hồng Hưng, Lê Thiết Cương nói lời chia tay chắc Thiệp sẽ ấm lòng. Nguyễn Quang Thiều nhắn lại: việc để Hội NVVN đứng ra tổ chức tại nhà tang lễ QG là do gia đình.
Gã nhắn lại cho Thiều: Gia đình chọn vậy thì phải theo vậy thôi. Tuy vậy các nhà văn cố gắng tránh hình thức, đến với nhau bằng tấm lòng là đủ. Mình tin Thiều và Khoa sẽ biết cách ...
Gã nói vậy thôi nhưng rất lo Thiều sẽ đọc điếu văn với tư cách chủ tịch Hội NVVN một hội đoàn chính thống nhà nước với văn phong hội đoàn và rào trước đón sau kín kẽ chính trị.
Nhưng gã đã bất ngờ trước lời chia tay của Thiều với tư cách của chính mình- một tài năng của thi ca hiện đại gửi tới một tài năng của văn chương hiện đại.
Nguyễn Quang Thiều đã thể hiện một bản lĩnh đàng hoàng của một nhà văn với lời chia tay một nhà văn thâm sâu, chân thực, ngôn từ như một áng văn.
Gã xin được trân trọng trích nội dung chính lời chia tay Thiệp của Thiều.
Lời từ: https://www.facebook.com/profile.php?id=100009457401127

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

 " Chời " không đui thì chắc như bắp: Lò ...Tôn không đốt được gang thép ! Thật ! Fb Hoàng Hải Vân)

Andersen có series chuyện “Mặt trăng thấy gì ?” kích hoạt trí tưởng tượng của chúng ta về vô số những cảnh buồn vui lẩn khuất trong nhân gian chỉ có mặt trăng nhìn thấy. Ông ấy nói chuyện với trẻ con mà có ý nhắc người lớn chúng ta, rằng cuộc sống không phải chỉ bao gồm những gì chúng ta quan sát được. Rằng ngoài vui còn có vui, ngoài buồn còn có buồn, ngoài đau thương còn có đau thương, ngoài cao cả còn có cao cả, ngoài vô lại còn có vô lại.

Nhưng có những thứ đang diễn ra trên đất nước này mặt trời đang thấy chứ không cần dựa vào mặt trăng. Một trong những thứ đó là cái đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông hiện hình sau mấy chục năm tuyên bố công nghiệp hóa đất nước. Có lẽ không có nước nào trên thế giới nói nhiều về công nghiệp hóa, về cách mạng công nghiệp như ở Việt Nam ta. Nhưng Metro - tàu điện ngầm – đường sắt đô thị thế giới có từ thế kỷ 19 : Anh (1863), Mỹ (1894). Nhiều nước khác đã có trên dưới 1 thế kỷ, ngay cả Triều Tiên cũng đã có từ hơn nửa thế kỷ, còn ta thì cái đường sắt Cát Linh – Hà Đông xuất hiện như một nỗi nhục về công nghiệp hóa. Nhục vì ta bị buộc phải vay vốn đi kèm với điều kiện chỉ định cho doanh nghiệp Trung Quốc thiết kế, thi công, giám sát và sử dụng thiết bị của Trung Quốc với chi phí đội lên cao chót vót. Nhục vì một đoạn đường chỉ dài 13km, vốn đầu tư ban đầu 553 triệu đô la đã đội lên hơn 868 triệu đô la, làm trong 13 năm, đến nay không ai nói được chính xác bao giờ nó chạy và nó chạy có an toàn hay không. Nhục vì không một ai bị tuyên bố phải chịu trách nhiệm đưa chủ quyền quốc gia về cái dự án này vào thòng lọng tín dụng đen của Trung Quốc. Những kẻ đó đang núp trong bóng đêm.
Trong tất cả các phiên tòa xử ông Đinh La Thăng, ngoài việc chấp hành kịch khung 30 năm tù, ông còn phải bồi thường tất cả là 1.030 tỷ đồng mà các quan tòa cho rằng ông đã gây thiệt hại cho nhà nước. Tất nhiên cái dự án Cát Linh – Hà Đông không liên quan đến ông Thăng, nhưng phải có người chịu trách nhiệm. Dù dự án này chưa bị điều tra, nhưng dù có điều tra hay không thì chắc chắn cũng có sai phạm.
Ít nhất là sai phạm trong việc vay vốn. Đó là vay vốn kèm theo điều kiện chỉ định thầu khiến cho giá giao thầu cao vọt nếu so với đấu thầu quốc tế. Có định lượng được khoản thiệt hại này không ? Ở nước ta, các cơ quan tố tụng muốn định lượng cái gì thì rất dễ, chẳng hạn như chỉ cần lấy quyết định của ngân hàng nhà nước mua ngân hàng OceanBank với giá 0 đồng liền bắt ông Đinh La Thăng bồi thường 800 tỷ. Nhưng công lý không chấp nhận cách định lượng bá đạo đó. Có một cách tương đối là đấu giá bán công trình này cho tư nhân, tiền thu được trừ đi giá đất tính theo thị trường, còn lại là giá trị thật. Mang tổng vốn đầu tư (kể cả tiền lãi) trừ đi giá trị thật này sẽ thành giá trị thiệt hại. Tư nhân có mua không và còn có cách nào nữa không thì tôi không biết, nhưng dù có định lượng được hay không cũng nhất định phải lôi những người ký hiệp định vay vốn đưa đất nước vào thòng lọng tín dụng đen này ra đối mặt với công lý.
Tòa án từng kết tội ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) 30 năm tù về 4 tội danh : Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, kinh doanh trái phép, cố ý làm trái dựa trên kết quả điều tra của tướng Phan Văn Vĩnh (nay đang ở tù), cả 4 tội danh này đều ngụy tạo không có bằng chứng theo luật pháp. Dân chúng không muốn tiếp tục nhìn thấy những chứng cứ ngụy tạo tại các phiên tòa như vụ Bầu Kiên, không muốn nhìn thấy sự quy kết bá đạo như vụ Đinh La Thăng, dân chúng muốn nhìn thấy những kẻ thực sự gây ra nỗi nhục cho đất nước như đường sắt Cát Linh – Hà Đông ra đối mặt với công lý. Và không chỉ có một vụ này.

Điều đáng buồn là không có cơ quan nào thấy việc vay vốn đưa chủ quyền vào thòng lọng đẩy đất nước xuống hàng nhược tiểu như thế này là sai..

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Vợ tôi dở dại dở khôn....!

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ trần, văn đàn Việt Nam đã trống vắng các Nhà văn lớn ...Giờ lại càng thêm trống vắng

Hai hôm nay, tràn ngập trên các báo và trang mạng đều đưa tin buồn này chợt thấy là Nhà văn lớn thật hạnh phúc dù họ không có quyền lực, chức tước hay tiền bạc.
Có lẻ nửa đầu thế kỉ 20 có Nam Cao và cuối thế kỉ 20, có Nguyễn Huy Thiệp.
Vĩnh biệt ông, một Nhà văn lớn. -----------------------------------------------------
Vợ tôi dở dại dở khôn
Ngày dăm bảy bận dí L... vào THƠ..."
Khoảng năm 1990, khi đó báo Văn Nghệ tổ chức cuộc thi thơ rất hoành tráng. Nhà thơ tật nguyền Đỗ Trọng Khơi được giải nhì với chùm Ánh trăng. Do không đi nhận giải được, báo Văn nghệ tổ chức về tận nhà trao giải. Đoàn gồm nhà văn Nguyễn Khắc Trường- Phó TBT, trưởng ban thơ Bế Kiến Quốc...
Hôm ấy, Hội Văn nghệ Thái Bình tiếp đoàn ở quán cạnh nhà tôi. Dạo đó, tôi còn bán thịt chó ở Thái Bình (nhân dân Thái Bình có tặng tôi 2 câu thơ: Thái Bình có chú Bùi Hoàng - Tám bán quán thịt... chó làm thơ hay. Giời ạ, tôi làm thơ ra cái... chó gì).
Nhòm qua khe cửa, thấy nhà thơ Bế Kiến Quốc đeo kính, ngồi quay lưng ra phía ngoài. Tôi bèn gấp mấy bài thơ, đưa cho cô con gái khi đó mới 9 - 10 tuổii bảo: Con đem sang đưa cho cái bác đeo kính kia nhé. Nhìn qua khe cửa, tôi mong ông giở ra lướt qua cho một cái. Nhưng không. Ông thản nhiên cuộn cuộn nhét vào cái túi như túi dết rồi tiếp tục câu chuyện. Thế là toi rồi. Tôi tự nhủ.
Cũng cần nói thêm ngày ấy được in thơ trên báo Văn Nghệ là niềm mơ ước không chỉ của loại văn sĩ tép riu như tôi. Nếu tôi nhớ không nhầm thì dạo đó, lũ văn sĩ ở Thái Bình mới chỉ có khoảng 5 -6 người (nói như quê tôi là chưa đầy một cỗ) có thơ in trên Văn nghệ. Tôi nhớ có lần chúng tôi đang ba hoa thơ phú, một nhà thơ đàn anh ngồi lặng lẽ nghe, rồi phán nhẹ một câu: Năm một nghìn chín trăm mấy mấy, mình có bài in trên Văn Nghệ". Thế là chao ôi, cả bọn ngồii im như thóc giống. Vì vậy chuyện được in trên Văn nghệ như một chứng chỉ "bảo kê" cho tầm văn chương "vượt qua phà Tân Đệ". Do đó, tuy thất vọng não nề nhưng tôi không buồn và cũng mau quên "niềm vinh quang" ảo tưởng đó đi.
Mấy tuần sau, tôi ra bưu điện mua báo Văn Nghệ. Lại nói thêm rằng Văn Nghệ thời Nguyên Ngọc là niềm chờ đợi mỗi chiều thứ sáu. Người ta mong ngóng, người ta chờ đợi như chờ cửa hàng thực phẩm bán cá mè ranh cắt ô số 6, đợi như đợi kết quả số đề. Cầm tờ Văn Nghệ trên tay, đọc lướt qua trang nhất, phần giới thiệu nội dung. Giời ạ, gì thế này. Tôi xoa mặt, dụi mắt. Thơ Bùi Hoàng Tám... Dụi hai ba lần cho tỉnh hẳn, tôi tự trấn an: Chắc thằng cha nào đó cùng tên chứ mình thì làm gì có của!? Giở trang trong. Giời đất ơi, thơ mình. Đúng thơ của mình. Tự dưng thấy chân tay rủn rủn, mồ hôi lấm tấm lưng, tóc gáy hơi giật giật.
Tôi không biết lão ÔBAMA với lão JONMĂCKÊN khi trúng cử tổng thống Mỹ mừng đếm mức nào nhưng cứ theo tôi, khó có thể hơn tôi khi đó. Thế là từ nay trong các cuộc nhậu tôi sẽ im lặng. Đợi đến lúc cao trào nhất, tôi mới gại giọng bảo rằng: Năm một nghìn chín trăm mấy mấy, mình có bài in trên Văn Nghệ... Cứ nghĩ đến mấy lão bạn thơ hàng tỉnh mặt nghệt ra như ngỗng ỉa, mồm câm như thóc giống thì còn gì sung sướng cho bằng nữa. Hình như khi đó, để trấn tĩnh mình, tôi lẩm bẩm hát "Tổ quốc ơi, ta yêu người mãi mãi" Hay "Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay"... Đại loại thế.
Sẵn có 10 ngàn trong túi, tôi mua tất cả 5 tờ Văn nghệ. Rồi lặng lẽ leo lên gác xép để nhấm nháp niềm hạnh phúc. Tôi như chú gà, đẻ được quả rứng muốn vỗ cánh chạy toáng ra đường mà hét lên cục ta cục tác. Nhưng do không là gà nên dành cục tác thầm vậy.
Đêm đó tôi trằn trọc, thỉnh thoảng lại sờ tay xuống gối xem thật hay mơ. Bây giờ kể lại chuyện này, có thể có người bảo 'Lại bốc phét" nhưng đó là cảm gác rất thật. Không vui sao được khi từ ngày mai, trong những cuộc nhậu, khi mọi người đang "khủng bố thơ ca", tôi sẽ lặng im, rất lặng im, chờ cho mọi người lắng giọng ới thủ thỉ rằng: Năm .... cứ nghĩ đến đó đã sung sướng phát rồ, phát dại lên rồi. Thế là từ mai, tôi sẽ đổi thành phần, nâng giai cấp. Tôi sẽ như bố tôi ngày cải cách ruộng đất được từ địa chủ biến thành trung nông. Còn với tôi, sẽ là một cuộc cách mạng số phận từ thằng bán thịt chó tỉnh lẻ trở thành nhà thơ có tác phẩm vượt bến phà Tân Đệ.
Nhìn sang bên cạnh, thấy mụ vợ cứ thản nhiên ngủ mà bực cả mình. Người đâu mà vô duyên thế, cái ngày trọng đại như thế này mà y ngủ được thì rõ là loại vợ gì không biết. Đã thế lại còn ngáy, tiếng ngáy du dương, bổng trầm như có vần, có điệu mới tức nữa. Rồi chợt nhớ, chưa báo cho hắn biết thì hắn làm sao mà chẳng ngủ, chẳng ngáy. Đợi đấy sáng mai, ta sẽ trịnh trọng tuyên bố để cho mụ biết tay. Từ mai, ta se tha hồ uống rượu rồi nếu vợ cằn nhằn, ta sẽ bảo làm thi sĩ mà không có bầu rượu tùi thơ thì là loại thi sĩ hạng bét. Và từ mai, ta cũng quyết không rửa bát, quét nhà nữa. Một nhà thơ lớn không thể phải rửa bát, quét nhà. Đó là chân lý.
Sáng hôm sau, chờ cho mụ vợ chuẩn bị hòm hòm hàng họ, tôi mới thẽ thọt:
- Anh có bài đăng báo Văn nghệ...
- Cái gì...?
- Anh có bài đăng báo Văn nghệ...
- Bài gì? Mụ vợ cao giọng hỏi, kèm theo cái nhìn sắc như dao hoạn lợn.
- Bài... THƠ!
- Dí L... vào, Dí L... vào. Thơ với chả thẩn. Đi làm hàng cho tôi bán hàng.
Tôi như người đang lên cơn sốt xuất huyết bị dội nước lạnh. Toàn thân giận run lên. Thế mà cả đêm qua, tôi cứ tưởng tượng ra cái khuôn mặt tươi như hoa mào gà của mụ khi tôi báo tin này. Thế mà... Ức thật, thế này thì ức thật. Ức hơn Chí Phèo chờ Thị Nở cái đêm ở bờ sông. Chả lẽ nhà thơ, lại chửi bậy chửi bạ như anh Chí. Đành nuốt cả "một mối căm hờn trong cuống họng". Đi nhậu. Khi chai rượu đã vơi đi già nửa, tôi chợt phì cười. Ơ, với cái mụ vợ này thì đến thằng đẻ ra thơ là mình thì mụ cũng dí L... vào từ đỉnh đầu đến gót chân chứ nói gì đến "đứa con tinh thần với chả tâm thần có tên là THI CA?". Và bật cười. Và làm thơ.
Thơ rằng: Vợ tôi dở dại dở khôn - Ngày năm bảy bận dí L... vào thơ".
Nhà thơ Kim Chuông, người luôn đội mũ (vì bị ngứa đầu) và đeo kính (vì bị cận nặng) cả khi làm tình lẫn lúc... tắm (tôi đã tận mắt chứng kiến cả 2 cảnh này nên thề có trời đất, không bịa), đặc biệt là lúc nào cũng lảm nhảm đọc thơ, kể cả khi... ngủ (Anh em đã từng có lần phác họa chân dung rằng:
Thái Bình có bác Kim Chuông - Đội mũ, đeo kính, cởi truồng - ĐỌC THƠ) chợt nghiêng nghiêng vành mũ lảm nhảm đọc theo. Tan cuộc, Kim Chuông về Hội (Tức là Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, chứ không phải hội Nuôi ong, mà quê tôi có thơ rằng: Từ ngày có Hội nuôi ong - Thì chất lượng mật lại không ra gì) ông ổng đọc. Nhà viết kịch Trọng Khuê (lại mở ngoặc: Thái Bình có hội Văn nghê (tức là Văn nghệ) - Kim Chuông đánh vợ, Trọng Khuê đốt nhà) nghe được, mới thêm vào: "Còn tôi ra ngẩn vào ngơ - Ngày dăm bảy lượt dí THƠ vào L...". Bài thơ bây giờ đã có 4 câu: Vợ tôi dở dại dở khôn - Ngày dăm bảy bận dí L... vào THƠ - Tôi thì ra ngẩn vào ngơ - Ngày dăm bảy lượt dí THƠ vào L..." Đến khổ thứ ba: "Kỳ này xét giải Quý Đôn - Đề nghị xét cả cho L... và THƠ" thì có hai dị bản. (Giải thưởng mang tên Nhà bác học Lê Quý Đôn - (Khổ thế) 5 năm một lần ở Quê lúa, cũng nói thêm là lần nào cũng kiện tụng. Cả giải lần này, đang xét nhưng đã kiện tùm lum rồi).
Dị bản một là ở Thái Bình, nhiều người nói là của họa sỹ Hà Trí Dũng. Dũng là họa sỹ điêu khắc, từng là ĐB QH, tác giả của tượng Trần Hưng Đạo ở Kim Môn - Hải Dương và tượng Lê Quý Đôn ở TP Thái Bình. Dạo ấy, Dũng vừa khánh thành tượng Lê Quý Đôn, được Giải thưởng mang tên nhà khoa học này. Trong một lần tức khí gì đó, Dũng đã làm hai câu tiếp theo.
Dị bản thứ hai là của bác Nguyễn Trọng Tạo. Dạo đó, Hội Văn nghệ Thái Bình mời Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế ra chơi. Có một em tên là Oanh hay Yến đẹp nức nở và cuồn cuộn nhuệ khí như sống Đà, sông Hồng chứ không yên ả như sông Hương quê em. Người cao, chân dài, ngực nở (nghĩa là thừa tiêu chuẩn cấp bằng lái xe của bác Nguyễn Quốc Triệu mà xấp xỉ cái cân đo đong đếm của Bác Dương Kỳ Anh) lại thơm lừng nóng bỏng... Thôi, chả tả nữa kẻo... thiên hạ thèm! Bác Tạo ra cùng đợt này. Và hai câu: "Kỳ này..." là của Thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo.
Chẳng biết thực hư thế nào, xin kể lại những điều mình nghe thấy.
Khi lên Hà Nội, có lần nghe tôi kể chuyện về "tác phẩm văn học bất hủ" này, nhà văn Nguyễn Uyển khi ấy là Trưởng ban công tác Hội nhà báo Việt Nam và nhà báo Nguyễn Đoàn (TBT báo Bưu điện VN) thêm vào hai câu cuối: "Mấy tay giám khảo ất ơ - Lại đem bỏ tuốt cả thơ ra ngoài". Thế có tệ không cơ chứ. Chỉ xét mỗi... cái ấy.
Xin chép lại cả bài của "tổ hợp văn chương" đọc cho vui nhé:
Vợ tôi dở dại dở khôn
Ngày dăm bảy bận dí L... vào THƠ
Tôi thì ra ngẩn vào ngơ
Ngày dăm bảy lượt dí THƠ vào L...
Kỳ này trao giải Quý Đôn
Đề nghị xét cả cho L... và THƠ
Mấy tay giám khảo ất ơ
Lại đem bỏ tuốt cả THƠ ra ngoài - (không xét).
Bài thơ này, nhiều người về sau cứ tưởng của tôi tất cả. Nhưng thực tình, tôi chỉ là kẻ làm câu đầu tiên, và có ¼ sản phẩm. Xin học tinh thần tự phê nghiêm túc của báo Lao động mà "Nói lại cho rõ".
Đoạn kết
Bài thơ từ đó lan truyền, nhiều người bạn khi giới thiệu tôi với người lạ thường gắn liền tên người với tên tác phẩm. Kiểu: Đây là Bùi Hoàng Tám "Vợ tôi nửa dại...". Điều ngạc nhiên là cách giới thiệu này rất hiệu quả chứng tỏ bài thơ đã được "toàn dân" biết. Sau này, Nhà thơ Nguyễn Huy Thiệp trong bài Trò chuyện với hoa Thủy tiên" có trích dẫn:"Giai thoại có một nhà thơ nói về thơ trong tình cảnh sau đây (tôi đã đưa chuyện này vào trong tiểu thuyết của tôi vì nó quá hay) khá tiêu biểu cho thực tế đó: Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ - Hôm qua nó bảo dí thơ vào L... - Vợ tôi nửa dại nửa khôn - Hôm nay nó bảo dí L... vào thơ, tôi cũng không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng quả thực trên thực tế, cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chung, chỉ là nhưng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó, . Nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa" (nguyên văn).
Rất may cho tôi là bài này của bác Nguyễn Huy Thiệp in sau khi tôi đã vào Hội Nhà văn rồi. Nếu không thì chắc đứt vì có một ông trong Hội đồng nói thẳng rằng "nếu thằng Thiệp nó tung ra trước thì chú mày... mạt kiếp". Giời ạ, may thế. Tôi vào Hội như một thứ giời cho, xin kể chuyện này vào dịp khác.
Nguon https://www.facebook.com/hoangtam.bui.9

Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

Màu tím hoa sim

 CHUYỆN ĐỜI NHÀ THƠ HỮU LOAN
Tác giả Hữu Loan

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người. Lên trung học, theo ban thành chung tôi cũng học tại Thanh Hóa, không có tiền ra Huế hoặc Hà Nội học. Đến năm 1938 – lúc đó tôi cũng đã 22 tuổi – Tôi ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi không có ý định dấn thân vào chốn quan trường. Ai cũng biết thi tú tài thời Pháp rất khó khăn. Số người đậu trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 5-6 chục năm sau những người cùng thời còn nhớ tên những người đậu khóa ấy, trong đó có Nguyễn Đình Thi , Hồ Trọng Gin, Trịnh Văn Xuấn , Đỗ Thiện và …tôi – Nguyễn Hữu Loan.
Với mảnh tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hóa để dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà tham Kỳ chú ý, mời về nhà dạy cho hai cậu con trai. Tên thật của bà tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất, bà là vợ của của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khóa đầu tiên. Ở Thanh Hóa, Bà tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt tới. Bà tham Kỳ là một người hiền lành, tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt, coi tôi chẳng khác như người nhà.
Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà gọi mãi đứa con gái – lúc đó mới 8 tuổi- mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí: ”Em chào thầy ạ!” Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em đọc, dạy viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh em trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu đấy nhưng ít nói và mỗi khi mở miệng thì cứ y như một “bà cụ non”. Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo: em đặt vào góc mâm cơm chỗ tôi ngồi ăn cơm lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng nước em vừa hái ở vườn, những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà mang ra giếng giặt.
Có lần tôi kể chuyện “bà cụ non” ít nói cho hai người anh của em Ninh nghe, không ngờ chuyện đến tai em, thế là em giận! Suốt một tuần liền, em nằm lì trong buồng trong, không chịu học hành… Một hôm bà tham Kỳ dẫn tôi vào phòng nơi em đang nằm thiếp đi. Hôm ấy tôi đã nói gì, tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là tôi đã nói rất nhiều, đã kể chuyện em nghe, rồi tôi đọc thơ… Trưa hôm ấy, em ngồi dậy ăn một bát to cháo gà và bước ra khỏi căn buồng. Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý: “Mới ốm dậy còn yếu lắm, không đi được đâu” Em không chịu nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà tham Kỳ đưa em lên núi chơi …..Xe kéo chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc, tôi đuổi theo muốn đứt hơi. Lên đến đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em.Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời, không biết lúc đó em nghĩ gì. Bất chợt em hỏi tôi:
– Thầy có thích ăn sim không?
Tôi nhìn xuống sườn đồi: tím ngắt một màu sim. Em đứng lên đi xuống sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ.
Khi tôi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen láy chín mọng.
– Thầy ăn đi.
Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng trầm trồ: Ngọt quá.
Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật tôi chưa bao giờ ăn những quả sim ngọt đến thế! Cứ thế, chúng tôi ăn hết quả này đến quả khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì….tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo! Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà tham Kỳ, tôi lên đường theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi… lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng ,em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi…Tôi quay đầu nhìn lại… em vẫn đứng yên đó … Tôi lại đi và nhìn lại đến khi không còn nhìn thấy em nữa.
Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi vẫn được tin tức từ quê lên, cho biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Sau này, nghe bạn bè kể lại, khi em mới 15 tuổi đã có nhiều chàng trai đến ngỏ lời cầu hôn nhưng em cứ trốn trong buồng, không chịu ra tiếp ai bao giờ…
Chín năm sau, tôi trở lại nhà… Về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em, hỏi rất nhiều, nhưng em không nói gì, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp… Yêu nhau lắm nhưng tôi vẫn lo sợ vì hai gia đình không môn đăng hộ đối một chút nào. Mãi sau này mới biết việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm ”soạn kịch bản”.
Một tuần sau đó chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, không đòi may áo cưới trong ngày hợp hôn, bảo rằng là: ”yêu nhau, thương nhau cốt là cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả”. Tôi cao ráo, học giỏi, Làm thơ hay… lại đẹp trai nên em thường gọi đùa là anh chồng độc đáo. Đám cưới được tổ chức ở ấp Thị Long, huyện Nông Công, tỉnh Thanh Hóa của gia đình em, nơi ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng. Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói, hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết! Hai tuần phép của tôi trôi qua thật nhanh, tôi phải tức tốc lên đường hành quân, theo sư đoàn 304, làm chủ bút tờ Chiến Sĩ.
Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ có giờ em không còn cô bé Ninh nữa mà là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi bước đi, rồi quay đầu nhìn lại… Nếu như chín năm về trước, nhìn lại chỉ thấy một nỗi buồn man mác thì lần này, tôi thật sự đau buồn. Đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống.
Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ: vợ tôi qua đời!
Em chết thật thảm thương: Hôm đó là ngày 25 tháng 5 âm lịch năm 1948, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồn (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống), vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi đi nên trượt chân chết đuối! Con nước lớn đã cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại tôi tôi nỗi đau không gì bù đắp nổi. Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi. Tôi phải giấu kín nỗi đau trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Tôi như một cái xác không hồn …
Dường như càng kìm nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. May sao, sau đó có đợt chỉnh huấn, cấp trên bảo ai có tâm sự gì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong lòng tôi được bung ra. Khi ấy chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, tôi ngồi lặng đi ở đầu làng, hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra ghi chép. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra: “Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội… Những em nàng có em chưa biết nói. Khi tóc nàng đang xanh…” Tôi về không gặp nàng… Về viếng mộ nàng, tôi dùng chiếc bình hoa ngày cưới làm bình hương, viết lại bài thơ vào chiếc quạt giấy để lại cho người bạn ở Thanh Hóa… Anh bạn này đã chép lại và truyền tay nhau trong suốt những năm chiến tranh.
Đó là bài thơ Màu Tím Hoa Sim. Đến đây, chắc bạn biết tôi là Hữu Loan, Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2-4-1916 hiện tại đang “ở nhà trông vườn” ở làng Vân Hoàn – nơi tôi gọi là chỗ “quê đẻ của tôi đấy” thuộc xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa. Em Ninh rất ưa mặc áo màu tím hoa sim. Lạ thay nơi em bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa cũng thường nở đầy những bông hoa sim tím. Cho nên tôi viết mới nổi những câu : “Chiều hành quân, qua những đồi sim… Những đồi sim, những đồi hoa sim.. Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết.. Màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt . Và chiều hoang tím có chiều hoang biết… Chiều hoang tim tím thêm màu da diết.”
Mất nàng, mất tất cả, tôi chán đời, chán kháng chiến, bỏ đồng đội, từ giã văn đàn về quê làm ruộng, một phần cũng vì tính tôi “hay cãi, thích chống đối, không thể làm gì trái với suy nghĩ của tôi”. Bọn họ chê tôi ủy mị, hoạnh họe đủ điều, không chấp nhận đơn từ bỏ kháng chiến của tôi. Mặc kệ! Tôi thương tôi, tôi nhớ hoa sim của tôi quá! Với lại tôi cũng chán ngấy bọn họ quá rồi!
Đó là thời năm 1955 – 1956, khi phong trào văn nghệ sĩ bùng lên với sự xuất hiện của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống chính sách độc tài, đồng thời chống những kẻ bồi bút đan tâm lừa thầy phản bạn, dốc tâm ca ngợi cái này cái nọ để kiếm chút cơm thừa canh cặn. Làm thơ thì phải có cái tâm thật thiêng liêng thì thơ mới hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì! Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó tôi lại đề cao tình yêu, tôi khóc người vợ tử tế của mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó tôi khóc như vậy họ cho là khóc cái tình cảm riêng. Y như trong thơ nói ấy, tôi lấy vợ rồi ra mặt trận, mới lấy nhau chưa được hơn một tháng, ở nhà vợ tôi đi giặt rồi chết đuối ở sông …
Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chỗ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc? Bọn họ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan, về nhà để đi cày. Họ không cho bỏ, bắt tôi phải làm đơn xin. Tôi không xin, tôi muốn bỏ là bỏ, không ai bắt được! Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi xe đá để bán. Bọn họ bắt giữ xe tôi, đến nỗi tôi phải đi xe cút kít, loại xe đóng bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ ở phía trước, có hai cái càng ở phía sau để đẩy hay kéo. Xe cút kít họ cũng không cho, tôi phải gánh bộ. Gánh bằng vai tôi, tôi cũng cứ gánh, không bao giờ tôi bị khuất phục. Họ theo dõi, ngăn cản, đi đến đâu cũng có công an theo dõi, cho người hại tôi.
Nhưng lúc nào cũng có người cứu tôi! Có một cái lạ là thơ của tôi đã có lần cứu sống tôi! Lần đó tên công an mật nói thật với tôi là nó được giao lệnh giết tôi, nhưng nó sinh ở Yên Mô, thường đem bài Yên Mô của tôi nói về tỉnh Yên Bình quê nó ra đọc cho đỡ nhớ, vì vậy nó không nỡ giết tôi. Ngoài Yên Mô, tôi cũng có một vài bài thơ khác được mến chuộng. Sau năm 1956 , khi tôi về rồi thấy cán bộ khổ quá, tôi đã làm bài Chiếc Chiếu, kể chuyện cán bộ khổ đến độ không có chiếc chiếu để nằm!
Định mệnh đưa đẩy, dắt tôi đến với một phụ nữ khác, sống cùng tôi cho đến tận bây giờ. Cô tên Phạm Thị Nhu, cũng là phụ nữ có tâm hồn sâu sắc. Cô vốn là một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ năm 1954, 1955. Lúc đó tôi còn là chính trị viên của tiểu đoàn. Tôi thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Là người có học , lại có tâm hồn nghệ sĩ nên tôi cảm thấy chán nản quá, không còn hăng hái nữa.
Thú thật, lúc đó tôi thất vọng vô cùng. Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách xa nơi tôi ở 15 cây số, có một gia đình địa chủ rất giàu, nắm trong gần năm trăm mẫu tư điền. Trước đây, ông địa chủ đó giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. Ông thấy bộ đội sư đoàn 304 của tôi thiếu ăn nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chỗ đóng quân để ủng hộ. Tôi là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông.
Thế rồi, một hôm, tôi nghe tin gia đình ông đã bị đấu tố. Hai vợ chồng ông bị đội Phóng tay phát động quần chúng đem ra cho dân xỉ vả, rồi chôn xuống đất, chỉ để hở hai cái đầu lên. Xong họ cho trâu kéo bừa đi qua đi lại hai cái đầu đó cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đội Phóng tay phát động đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Tàn nhẫn hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm đoán dân chúng cả việc lấy con cái địa chủ làm vợ làm chồng.
Biết chuyện thảm thương của gia đình ông bà địa chủ tôi hằng nhớ ơn, tôi trở về xã đó xem cô con gái họ sinh sống ra sao vì trước kia tôi cũng biết mặt cô ta. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé cứ buổi chiều lại lén lút đứng núp bên ngoài cửa sổ nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn. Lúc gần tới xã, tôi gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc. Cô đang lom khom nhặt những củ khoai mà dân bỏ sót, nhét vào túi áo, chùi vội một củ rồi đưa lên miệng gặm, ăn khoai sống cho đỡ đói. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi đến gần và hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc rưng rức và nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi; hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong chiếc miếu hoang, cô rất lo lắng, sợ bị làm bậy và không biết ngày mai còn sống hay bị chết đói. Tôi suy nghĩ rất nhiều, bèn quyết định đem cô về làng tôi, và bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ.
Sự quyết định của tôi không lầm. Quê tôi nghèo, lúc đó tôi còn ở trong bộ đội nên không có tiền, nhưng cô chịu thương chịu khó, bữa đói bữa no…. Cho đến bây giờ cô đã cho tôi 10 người con – 6 trai, 4 gái – và cháu nội ngoại hơn 30 đứa! Trong mấy chục năm dài, tôi về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, ngày ngày đào đá núi đem đi bán, túi dắt theo vài cuốn sách cũ tiếng Pháp, tiếng Việt đọc cho giải sầu, lâu lâu nổi hứng thì làm thơ, thế mà chúng vẫn trù dập, không chịu để tôi yên. Tới hồi mới mở cửa, tôi được ve vãn, mời gia nhập Hội Nhà Văn, tôi chẳng thèm gia nhập làm gì.
Năm 1988, tôi “tái xuất giang hồ” sau 30 năm tự chôn và bị chôn mình ở chốn quê nghèo đèo heo hút gió. Tôi lang bạt gần một năm trời theo chuyến đi xuyên Việt do hội văn nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian tổ chức để đòi tự do sáng tác, tự do báo chí – xuất bản và đổi mới thực sự. Vào tuổi gần đất xa trời, cuối năm 2004, công ty Vitek VTB đột nhiên đề nghị mua bản quyền bài Màu Tím Hoa Sim của tôi với giá 100 triệu đồng. Họ bảo đó là một hình thức bảo tồn tài sản văn hóa. Thì cũng được đi. Khoản tiền 100 triệu trừ thuế đi còn 90 triệu, chia “lộc” cho 10 đứa con hết 60 triệu đồng, tôi giữ lại 30 triệu đồng, phòng đau ốm lúc tuổi già, sau khi trích một ít để in tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan. Sau vụ này cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy bài thơ khác, nhưng tôi từ chối, thơ tôi làm ra không phải để bán. ———-
Ps: Title bài chủ Phây xin đặt lại cho chuẩn xác hơn.
Nguồn: https://baotreonline.com/.../doc-lai-chuyen-bo-me-vo-nha... PR. Nếu có cái gọi là số phận, thì số phận nhà thơ Hữu Loan thật cực khổ, thật chìm nổi. Ông sinh nhầm thời. Trong một thời cuộc kinh khủng. Nhưng điều đáng trọng- ông là người có Nhân cách, có chí khí quân tử, dù con tim ông đích thực là con tim nghệ sĩ, đa cảm, đa tình, đa mang...