Translate

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Chưa bao giờ trơ trọi như hôm nay!

Vụ Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy hiện Việt Nam ta đang trơ trọi hơn bao giờ hết.
Thoạt nhìn thì có vẻ như Việt Nam vừa thiết lập được những mối quan hệ bền chặt nhất từ trước đến giờ với hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhất là với các nước lớn, qua đó tạo ra một thế giới an toàn cho Việt Nam. Có vẻ như với nước nào thì có thể có bất ổn, chứ với Việt Nam thì không. Đâu cũng là bạn. Không có kẻ thù. Từ các quốc gia dân chủ Tây phương đến các quốc gia Hồi giáo cực đoan. Còn với các nước XHCN anh em, kể cả Venezuela của Maduro và cố TT Chavez, thì khỏi nói. Chỉ có luôn “hảo hảo”!

Nhưng thử hỏi: Nếu (mà chắc 90% là như vậy) Trung Quốc dứt khoát để cái giàn khoan của công ty Hải Dương lại ở chỗ nó vừa đến hôm 1-5, và tiến hành khoan thăm dò, tiến tới khai thác, thì sao? Liệu lãnh đạo ta có dám lệnh cho hải quân và cảnh sát biển xua đuổi nó và hàng trăm tàu bảo vệ nó đi nơi khác? Nếu nó hành xử giống như ở vùng biển nhà nó thì hải quân ta có dám nổ súng hay không? Nếu xảy ra xung đột vũ trang tại vùng biển này thì có nước nào, nhất là nước lớn, đem quân đến tham chiến giúp Việt Nam không?

Câu hỏi thứ nhất, với hai chữ “thì sao?”, gần như không có câu trả lời. Thậm chí người ta sợ đặt ra câu hỏi đó. Các câu hỏi sau đều có câu trả lời là “Không”.

Người Nga rất không ưa người Tàu và đã từng choảng nhau với người Tàu ngay từ khi còn là “đồng chí”. Nhưng trong tình trạng bị phương Tây cô lập và các nước đàn em vốn cùng trong Liên Bang với nhau đang xa lánh dần, Nga buộc phải duy trì quan hệ hữu hảo, ít ra là bên ngoài, với Trung Quốc, liên minh với nó để cùng đương đầu với phương Tây.

Người Nhật càng không ưa người Tàu và sẽ không chịu khuất phục, nếu Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền của họ. Nhưng đem quân giúp Việt Nam đánh Tàu là chuyện khác. Chính nước Nhật còn đang cần sự hỗ trợ của Mỹ, và vì có sự hỗ trợ đó nên họ mới dám làm căng với Bắc Kinh đến mức đó.


Hoa Kỳ tuy muốn chống Tàu, và muốn lôi kéo Việt Nam tách ra khỏi quan hệ gắn bó với Trung Quốc, nhưng vì chưa lôi kéo được và nhận thấy Việt Nam chưa đáng tin, vẫn thiết tha với quan hệ cùng chế độ xã hội hơn, nên dứt khoát sẽ không tham chiến giúp Việt Nam.

Anh và Pháp cũng có quan điểm gần như Hoa Kỳ mà tiềm lực quân sự chưa đến mức có thể tham chiến mà ít ảnh hưởng đến các vấn đề kinh tế – xã hội của chính nước họ, nên cũng không thể trông cậy được.

Trong các nước ASEAN hiện chỉ có Philippines đang trong quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, nhưng họ không mạnh về quân sự, và vì thế cũng đang phải dựa vào Mỹ.

Ngoài ra các “đối tác chiến lược” khác càng không thể trông cậy. Lào chăng? Hay Cuba? Hay Triều Tiên? Tất nhiên là đều không!

Dư luận quốc tế dù hầu hết nghiêng về Việt Nam và chê trách Trung Quốc nhưng vẫn chỉ răn đe chung chung. Sẽ không có nước nào đứng ra cùng chiến đấu với Việt Nam khi có chiến sự.

Việt Nam hiện còn trơ trọi hơn Ukraina, vì sau lưng Ukraina còn có cả EU và Mỹ. Việt Nam hiện nay cũng trơ trọi hơn Việt Nam thời bị cấm vận do vấn đề Campuchea, bởi khi đó Việt Nam còn có Liên Xô đứng bên cạnh. Cho dù khi đó Liên Xô rất không muốn dính líu vào cuộc chiến Việt-Trung, nhưng nếu Trung Quốc đánh đến tận Hà Nội thì lại là chuyện khác. 
Chính vì hiểu được điều đó nên Đặng Tiểu Bình đã kết thúc cuộc chiến hai tháng sau khi phát động nó.

Bây giờ là lúc Việt Nam cần lựa chọn giữa một bên là mối quan hệ “đồng chí” giả hiệu với kẻ miệng nam mô bụng một bồ dao găm và bên kia là những nước khác chế độ xã hội nhưng có lương tri và đáng tin hơn gấp nhiều lần. Thực tế quan hệ ngoại giao mấy chục năm qua đã đủ để lãnh đạo Việt Nam nhận ra “kẻ thù” còn thật bụng hơn “đồng chí”. Vấn đề bây giờ là họ đặt quyền lợi nào lên trên, của một tập đoàn hay của toàn dân tộc.

Chỉ có vì quyền lợi của toàn dân tộc, từ bỏ đường lối dựa hẳn vào Trung Quốc như hơn 30 năm nay, Việt Nam mới có cơ hội thoát ra khỏi tình trạng trơ trọi hiện nay.


NGUYỄN TRẦN SÂM
http://daohieu.wordpress.com/2014/05/08/viet-nam-tro-troi/

* 
Mỹ bỏ rơi cả Biển Đông lẫn Ukraina?

Đối diện với Trung Quốc, nước cờ nào cho Việt Nam trên bàn cờ thế giới hiện nay?

Tác giả: Lê Nguyên tăng kích thước chữ

VHNA: Trong những ngày này tình hình Biển Đông đang rất nóng. Trung Quốc đã ngang ngược đưa dàn khoan “khủng” Hải Dương 981 và kéo theo là rất nhiều tàu, kể cả tàu chiến và máy bay vào vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm cho tình hình hết sức nguy hiểm. Trung Quốc đã tự lột mặt nạ “trỗi dậy trong hòa bình”, hiện hình chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.
Trong cuộc thử thách trước mắt, và lâu dài, với kẻ hàng xóm khổng lồ độc ác, tham lam, và trong thế giới đầy biến động khó lường hôm nay, và ngày mai, Việt Nam sẽ lựa chọn thế ứng xử, con đường đi của mình như thế nào là câu hỏi lớn không chỉ đối với các nhà lãnh đạo đất nước mà cả dân tộc, và mỗi người dân. Làm thế nào để chúng ta vẫn giữ được tư thế độc lập tự chủ nhưng vẫn có bạn bè đồng minh trong thế giới đầy nghi kỵ và ai cũng đề cao lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết là một bài toán rất  khó giải.  Sau đây là một bài viết trước khi sự kiện dàn khoan Hải Dương 981 xảy ra nhưng thiết nghĩ vẫn có ý nghĩa như một ý kiến cá nhân để mọi người có thể tham khảo.  Đây không phải là quan điểm của tòa soạn.
Nếu lấy cái mốc 2007-2008 là thời điểm có những sự kiện quan trọng mang tính bước ngoặt – trong nước, năm 2007, lần đầu tiên có sự bùng nổ các phong trào biểu tình chống Trung Quốc vốn kết tụ từ những âm ỉ trước đó, và trong quan hệ với quốc tế, từ năm 2008, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO – thì có thể thấy trong vòng dăm năm trở lại đây, Việt Nam đang dần tiến tới một khúc quanh quan trọng mang tính quyết định cho vận mệnh của chính mình.
Nếu đặt Việt Nam giữa các “ông lớn” trên bàn cờ thế giới hiện nay và thu gọn lại thành một quan hệ tay ba Việt Nam – Trung Quốc – Hoa Kỳ thì có thể công thức hoá khúc quanh quan trọng này dưới dạng các câu hỏi mang tính chiến lược, và việc lựa chọn đáp án nào sẽ mang tính quyết định cho vị thế của Việt Nam trên sân khấu chính trị châu Á – Thái Bình Dương cũng như thế giới nói chung: 1/ Đi gần hơn nữa với Trung Quốc trên mặt trận chống lại sức ảnh hưởng (ảnh hưởng vốn có và nỗ lực ảnh hưởng trở lại mang tính chiến lược) của Mỹ? 2/ Cố gắng giữ thăng bằng, hay là đu dây, giữa các cường quốc mà đặc biệt là giữa hai gã khổng lồ của thế kỉ 21 là Mĩ và Trung Quốc? và 3/ Trở thành đồng minh với Mĩ trong nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc?

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Việt Nam khởi kiện, Trung Quốc sẽ “mất cả chì lẫn chài”

Liên quan đến vụ Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Kiến Thức xin giới thiệu bài viết của TS Trần Đình Bá về việc Việt Nam có nên khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không? 

Chúng ta đang quá lãng phí thời gian tranh luận, lặp đi lặp lại cả triệu lần về “Việt Nam có đầy đủ quyền chủ quyền – quyền tài phán. Phía Trung Quốc vẫn đáp trả trơ tráo cả triệu lần như thế. Điều Tổ quốc cần lúc này là phải hành động ngay bằng việc làm thiết thực là khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để tiết kiệm xương máu – sức dân, chứng minh tài ngoại giao, đấu tranh pháp lý và bản lĩnh trí tuệ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc chủ quan mang giàn khoan đồ sộ Hải Dương 981 (HD 981) trị giá 1 tỷ USD xâm nhập trái phép, hù dọa Việt Nam và thách thức cộng đồng quốc tế, song họ đang thực sự bị sa lầy trước dư luận quốc tế và sẽ là mất tất cả chỉ vì một tham vọng “đếm cua trong lỗ”.


Việt Nam bắt quả tang “kẻ xâm nhập” HD 981 mà không tốn công sức
Khác với vụ tàu hải giám Trung quốc lén lút đột nhập cắt cáp tàu Bình Minh 02 đang hoạt động nghề nghiệp ở vị trí 12 độ 48’25’’ Bắc và 111 độ 26’48’’ Đông, cách mũi Đại Lãnh Phú Yên khoảng 120 hải lý nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rồi bỏ chạy, ta chỉ có hình ảnh ghi lại song không thu giữ được vật chứng thì nay sự việc đã khác xa.
Một dàn khoan đồ sộ đang neo chặt tại vị trí 15 độ 29’ vĩ Bắc và 111 độ 12’ kinh Đông với xung quanh là 80 tàu chiến trực bảo vệ, phía ngoài là các tàu kiểm ngư của Việt Nam kèm chặt thì khó lòng mà “chạy trốn” trước gần 100 vệ tinh địa tĩnh của thế giới đang chỉa vào.
Trong phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tổ chức tại Nay Pyi Taw -Myanmar ngày 11/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trịnh trọng công bố trước ASEAN và toàn thế giới: “Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông – mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Từ ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong thềm lục địa và vùng đặc quyền Kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982…”
Tuyên bố của người đứng đầu Chính phủ đã khẩn cấp nghiêm trọng tới mức báo động của một quốc gia thành viên tự bảo vệ mình và cảnh báo quốc tế về UNCLOS bị xúc phạm, tố cáo chỉ mặt vật chứng – danh tính kèm theo tố giác hành vi hung hăng… có số liệu về vị trí, thời gian, không gian, mức độ nguy hiểm và hậu quả đã gây ra.

Chọn biện pháp hòa bình là đúng, nhưng đàm phán hay khởi kiện?
Tại Shangri-La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng làm toàn thế giới khâm phục về sáng kiến Xây dựng lòng tin và nay đã phải đanh thép: “Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn…”.
Trong giải pháp hòa bình có hòa giải thông qua nước trung gian, vậy nước đó sẽ là ai. Và ai là người trung gian làm hòa giải “chia phần quyền lợi 2 bên” lại không vụ lợi cho mình, lại thiên vị … làm phức tạp thêm tình hình. Bài học xương máu về Hiệp định 1954 còn đó… Chỉ có khởi kiện là một việc làm khôn ngoan và cần thiết nhất với Việt Nam lúc này. Tài phán quốc tế mới giải quyết được những căn cơ về pháp lý, về kinh tế và răn đe được hành vi vi phạm của Trung Quốc, làm sáng tỏ được những vấn đề lịch sử mà dân tộc ta lâu nay phải ôm hận.

Việt nam khởi kiện, Trung quốc sẽ mất hết
“Đảo có người ở” là điểm quan trọng đặc biệt để xác định vùng đặc quyền kinh tế theo Luật biển 1982 nhưng điều kiện cần và đủ là bộ tiêu chuẩn bằng phụ lục giải thích có trong UNCLOS, nó phải có bề dày sở hữu trên văn bản, trên thực tế con người mà không phải là một đảo “nhân tạo” có được bằng hành vi cướp bóc xâm chiếm… Lấy Hoàng Sa làm một đảo xa bờ hiện nay để xác định vùng đặc quyền kinh tế 200 km, để tự vỗ ngực “Trung Quốc có đủ bằng chứng để chứng minh quyền chủ quyền, quyền tài phán của Hoàng Sa” là một toan tính chủ quan sai lầm mà họ chưa lường hết hậu quả của nó khi đưa ra tòa án quốc tế.

Bản đồ của triều đại phong kiến cuối cùng là nhà Thanh (đầu thế kỷ XX) chỉ có Hải Nam là đảo cực Nam chỉ đủ để xác định đường cơ sở theo UNCLOS. Trong khi Triều Nguyễn trước đó đã khai thác, làm chủ quần đảo Trường Sa từ nhiều thế kỷ. Các bản đồ cổ, bản đồ Hàng hải các nước phương Tây nhưng xuất bản từ thế kỷ 18, 19 đều có cụm từ quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Các văn bản sắc phong, chỉ lệnh liên quan đến Hoàng Sa đều còn lưu giữ. Thời Pháp thuộc Việt Nam đã đặt trạm khí tượng thủy văn, đèn Hải đăng, cột phát sóng vô tuyến. Các tài liệu đo khí tượng thủy văn, sổ sách được lưu giữ cẩn thận, có hình ảnh.

Năm 1951, tại San Francisco – Bộ Ngoại giao Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tuyên bố cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam mà không gặp phải kháng nghị hay bảo lưu nào từ 51 quốc gia tham dự hội nghị. Hiệp định Genève 1954 có các cường quốc là Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ, trong đó văn bản của hiệp định ghi rõ chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17 có ghi rõ 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa ở nam vĩ tuyến 17 do chính quyền ở đó quản lý đó là nước Việt Nam Cộng hòa. Trung Quốc có chữ ký trong văn bản này, nghĩa là mặc nhiên thừa nhận chủ nhân quần đảo Hoàng Sa là Việt Nam. Vậy mà ngày 19/1/1974, trung Quốc bất chấp công lý, đạo lý đã dùng vũ lực tấn công chiếm giữ, gây ra tội ác đẫm máu trên đảo Hoàng Sa, trên biển Đông.

Chúng ta vận động thuyết phục nhưng việc đó đã vô ích. Chúng ta trân trọng tình hữu nghị lâu đời nhưng không để bị lợi dụng. Chúng ta phải hành động ngay, khởi kiện ra Trọng tài UNCLOS và cả Tòa án Công lý Quốc tế (The International Court of Justice – ICJ) bởi Việt Nam là thành viên 149 của Liêp hợp quốc và thành viên của UNCLOS.
Khởi kiện lúc này Việt Nam có đầy đủ bằng chứng, nhân dứng, vật chứng về cả không gian, thời gian và tang vật hiện hữu là giàn khoan 1 tỷ USD. Chúng ta đang được toàn thế giới ủng hộ, ta được cả chính trị, ngoại giao chính trường, ngoại giao nhân dân, được minh oan và được tỏa sáng trước công lý quốc tế về một nước yêu hòa bình, tôn trọng và có trách nhiệm trước Công ước Luật Biển 1982.
Hãy chớp thời cơ “có một không hai” này để khởi kiện ngay, là “bắn một mũi tên trúng hai đích”. Chúng ta sẽ thắng về pháp lý trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền, đòi được bồi thường về kinh tế, vừa giành được chủ quyền cho Hoàng Sa. Đây mới là thắng lợi bền vững!
Đòi lại bằng được chủ quyền Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình trên diễn đàn pháp lý là khát vọng của 90 triệu người Việt Nam và 5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài đang nằm trong tay chúng ta. Đây còn là trách nhiệm lớn của những người hôm nay trước Anh linh hàng triệu liệt sỹ là những hùng binh Trường Sa từ triều Nguyễn và những người đã anh dũng ngã xuống hai quần đảo và trên các điểm tựa vì Tổ quốc thiêng liêng.


Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

“Luôn luôn phòng ngừa các nước lớn đi đêm trên lưng mình“

Bài phỏng vấn PGS-TS Đoàn Lê Giang (Trưởng Khoa Văn học Ngôn ngữ, trường ĐH KHXH&NV TP.Hồ Chí Minh) về nhận định tình hình biến động tại biển Đông trong những ngày qua. 
. PV: Từ 1.5.2014 đến nay Trung Quốc (TQ) đã ngang ngược đưa giàn khoan cùng rất nhiều tàu chiến hộ tống, kể cả tàu hộ vệ tên lửa, vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông có nhận định gì về hành vi này của nhà chầm quyền TQ?
+ PGS-TS Đoàn Lê Giang: Hành vi của TQ là rất nguy hiểm, nhưng tư duy thì rất cũ, rất lạc hậu: dùng vũ lực để đe doạ các nước nhỏ và có mộng làm bá chủ khu vực.
Theo ông thì quan hệ Trung - Việt sẽ như thế nào sau hành vi trắng trợn này của phía TQ?
Sau hành vi này, mọi người không nên có ảo tưởng gì về lòng tốt, tình hữu nghị  của TQ nữa.
Ông hiểu gì về Trung Hoa? Về chủ nghĩa Đại Hán? Đại Hán Trung hoa hiện đại có gì khác với Đại hán Trung Hoa cổ đại?

+Chủ nghĩa Đại Hán có căn nguyên từ lâu đời nhưng chưa bao giờ mất đi. Hiện nay nó đang được cổ xúy bởi ban lạnh đạo TQ mới nên nó càng trở nên manh động và nguy hiểm. TQ đang có nguy cơ trở thành chủ nghĩa phát xít mới trong thế kỷ XXI đối với châu Á và nhân loại.
. Với hành động của TQ như vậy, ông có nghĩ là một hành vi khiêu khích gây hấn, hay là khiêu chiến?
+VN không có lợi ích gì khi gây hiềm khích. Hành động của VN vừa rồi là đúng mực và cần thiết.
. Theo ông, để chống lại được những mưu đồ và hành động bành trướng của TQ, ngày nay chúng ta phải làm gì?
Bài học là: Đoàn kết. Nhưng muốn làm được việc đó thì trước hết lãnh đạo phải có uy tín với nhân dân, được nhân dân tin tưởng, kính trọng và ủng hộ.

. Tại thời điểm này, ông có nghĩ gì về bài học các nước lớn đi đêm với nhau trên lưng chúng ta? Lần này liệu họ có đi đêm không?
+ Luôn luôn phòng ngừa các nước lớn đi đêm trên lưng mình, nhưng vẫn phải liên kết với nước mạnh nhất để làm chỗ dựa, nhưng chống giặc thì căn bản nhất là phải tự cường. 
Mình ràng buộc các nước bằng thế và lợi, chứ đừng ngây thơ dựa vào nghĩa hay lý tưởng. Mình yếu và tham nhũng thì người ta vừa đi đêm trên lưng mình lại vừa khinh mình, còn mình giàu mạnh và nghiêm túc thì khác.
Theo Văn Hóa Nghệ An/PLO


http://tuhoctap.blogspot.com/2013/07/basaminfo-tin-thu-bay-20-07-2013.html

Vận mệnh nước Việt cần sự dấn thân của cả dân tộc

Tác giả: Kỳ Duyên
Vận mệnh sinh tử nước Việt lúc này không thể chờ sự … bâng khuâng, mà cần sự thay đổi nhận thức và sự dấn thân của cả dân tộc, của chính quyền, của nhân dân.
Những ngày này, nhân dân cả nước như “sôi” lên vì một vụ việc thách thức nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Đó là mới đây, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương – 981 vào hoạt động trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN, cách bờ biển VN khoảng 120 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý (221km) và cách phía nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN khoảng 18 hải lý. Tọa độ đặt giàn khoan này đặc biệt quan trọng về vị trí chiến lược an ninh và quốc phòng. Theo các chuyên gia, ở đây có thể quan sát được toàn bộ 3260 km bờ biển VN.
Như vậy, giàn khoan dầu khí chỉ là một “chân sói” trong ngụ ngôn xa xưa….
Lòng tham và ý đồ xâm chiếm chủ quyền nước Việt của TQ, quốc gia vẫn luôn tự nhận là bạn vàng đã đến lúc không thể che giấu.
Vàng hóa ra không cần thử lửa, mà chỉ cần thử bằng… nước Biển Đông, vẫn có thể lộ rõ, vàng hay chỉ là… thau!

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

THỦY LÔI VIỆT SẴN SÀNG CHO TRẬN "BẠCH ĐẰNG" TRÊN BIỂN ĐÔNG

TG - Với trí tuệ Việt, những vũ khí không thuộc loại công nghệ cao như thủy lôi vẫn có thể làm nên những trận Bạch Đằng Giang lừng lẫy trên Biển Đông nếu kẻ địch dám manh động, làm liều.

Thủy lôi là loại vũ khí đầu tiên được sử dụng, khi xuất hiện các loại tầu hiện đại, trong đó đặc biệt là tàu ngầm. Dần dần, thủy lôi nhường vị trí đầu bảng cho ngư lôi và tên lửa chống tầu. Nhưng thủy lôi vẫn giữ được khả năng chiến đấu hiệu quả cho đến ngày nay.

1001 loại thủy lôi

Điều này đặc biệt với những nước có tiềm lực kinh tế - quân sự hạn chế, nhưng có vùng biển dài, rộng và có nhiều khả năng bị đe dọa quân sự từ hướng biển như khu vực Biển Đông của Việt Nam.

Việc sử dụng các trận địa thủy ngư lôi đã có thời gian sản xuất từ lâu (từ 1964) có trang bị bổ sung những thiết bị dò tìm mục tiêu hiện đại, hệ thống nhận biết địch ta, thiết bị có khả năng tự kích hoạt hoặc kích hoạt theo tình huống sẽ là phương thức bảo vệ phi đối xứng hiệu quả nhất chống lại các lực lượng hải quân hiện đại. Bảo vệ thành công thềm lục địa, biển đảo.

Đối với các lực lượng hải quân có trang bị tàu ngầm, thông thường sử dụng các loại thủy ngư lôi như: Thủy lôi neo; Thủy lôi đáy; Thủy lôi phóng nổi trong vùng nước; Thủy lôi – ngư lôi ; Thủy lôi - tên lửa.

Thủy lôi neo PM-1 được sử dụng để chống tàu ngầm, được lắp đặt trong ống phóng ngư lôi 533mm (hai quả ) ở độ sâu đến 400m, độ chìm của thủy lôi là 10 – 25 m. Khối lượng nổ là 230 kg. bán kích cảm biến âm thanh bộ phận kích nổ là 15 – 20 m.

Loại mìn neo PM-2 được biên chế vào trong hải quân từ năm 1965 sử dụng ăng ten cũng tương tự như PM-1, nhưng có khả năng tấn công cả tàu nổi và tàu ngầm ở độ sâu đến 900m.

Thủy lôi neo PM-1 và PM-2.

Loại mìn thủy lôi đáy MDM-6 được sử dụng để chống các tàu nổi và tàu ngầm. Thủy lôi được chế tạo thiết bị kích nổ phi tiếp xúc với 3 kênh cảm biến âm thanh, cảm biến từ trường và cảm biến thủy lực. Thủy lôi có trang bị thiết bị đặt thời gian trực chiến đấu, thiết bị phóng đại tín hiệu và thiết bị tự hủy. Đường kính ống phóng là 533m. Độ sâu đặt thủy lôi đến 120m.

Thủy lôi đáy MDM-6.

Thủy lôi tự chuyển động dưới đáy biển MDS được sử dụng để tiêu diệt các tàu nổi và tàu ngầm đối phương. Đặt rải thủy lôi MDS được tiến hành phóng ra từ ống phóng ngư lôi 533mm từ tầu ngầm. Thủy lôi tự cơ động đến vị trí đặt mìn bằng động cơ đẩy của ngư lôi.

Thủy lôi được kích nổ khi mục tiêu tiến đến khoảng cách gần, kích hoạt thiết bị gây nổ từ trường hoặc sóng âm. Khu vực nguy hiểm có thể lên đến 50m. Thủy lôi có thể sử dụng để phong tỏa hải cảng đối phương, bí mật đặt trên đường hàng hải của địch hoặc bảo vệ bờ biển, khu vực biển mooyj cách bí mật. Độ sâu đặt thủy lôi thấp nhất là 8m.

Thủy lôi tự cơ động đáy MDS.

Thủy lôi neo và phóng mìn phản lực nổi RM-2 được sử dụng để tiêu diệt tàu nổi và tàu ngầm. Sử dụng ống phóng ngư lôi 533mm của tàu ngầm. Mìn bao gồm thân mìn và thiết bị neo.

Trong thân mìn là động cơ phản lực nhiên liệu rắn. Thủy lôi được phóng về phía mục tiêu sau khi thiết bị kích nổ được kích hoạt bằng các trường vật lý phát ra từ tầu mục tiêu. Đồng thời có thiết bị kích nổ phi tiếp xúc khi chạm vào khu vực trường lực của mục tiêu. Đồng thời thủy lôi cũng có đầu nổ tiếp xúc thân mìn.

Thủy lôi phản lực RM-2.

Thủy lôi chống tàu ngầm PMT-1 được biên chế vào Hải quân Xô viết vào năm 1972. Được chế tạo bao gồm thủy lôi có neo và ngư lôi loại nhỏ MGT-1 đường kính 406mm. Loại thủy lôi neo phản lực PMR-2 là tổ hợp thủy lôi neo với động cơ phản lực dưới nước. Bao gồm có ống phóng, tên lửa đẩy và neo.

Động cơ phản lực hoạt động đẩy thủy lôi về phía mục tiêu khi thiết bị dò tìm mục tiêu đã xác định được mục tiêu dựa vào các trường vật lý xuất hiện ở tàu ngầm. Thủy lôi kích nổ đầu đạn bởi thiết bị kích nổ tiếp xúc hoặc kích nổ không tiếp xúc.

Thủy lôi chống tầu ngầm PMT-1.

Thủy lôi thềm lục địa MSM được sử dụng để chống lại các loại tầu nổi và tầu ngầm trong khu vực ven biển. Thủy lôi là tổ hợp mìn đáy biển với động cơ phản lực tên lửa. Thủy lôi được đặt ngầm trong tư thế thẳng đứng. Thiết bị dò tìm sóng âm cho phép phát hiện và định hướng mục tiêu. Tên lửa đẩy phóng thủy lôi từ thân mìn. Thủy lôi được trang bị thiết bị kích nổ sóng âm phi tiếp xúc. Cho phép tấn công hiệu quả mục tiêu trong khu vực nguy hiểm. Đường kính thủy lôi là 533mm.

Không quá tốn kém, nhưng rất hiệu quả, việc phong tỏa một khu vực hoặc cả một vùng biển rộng lớn có thể tiến hành bằng cách rải thủy lôi, thiết lập những trận địa ngầm bí mật dưới lòng biển mai phục quân thù khi chúng xâm phạm biên giới hải đảo của tổ quốc. Với trí tuệ Việt, những vũ khí không thuộc loại công nghệ cao như thủy lôi vẫn có thể làm nên những trận Bạch Đằng Giang lừng lẫy trên Biển Đông nếu kẻ địch dám manh động, làm liều.

Thủy lôi thềm lục địa MSM.

Trịnh Thái Bằng


Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

'Không phục vụ khách Trung Quốc'

Nha Trang: Khách sạn thông báo 'Không phục vụ khách Trung Quốc'
Dân Việt - “Chúng tôi sẽ không phục vụ du khách Trung Quốc trừ khi Chính phủ của các bạn đưa giàn khoan HD981 ra khỏi vùng biển Việt Nam” - thông báo được ghi bằng cả tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Anh.
Bản thông báo dán tại quầy lễ tân một khách sạn 3 sao ở Nha Trang.

“Chúng tôi sẽ không phục vụ du khách Trung Quốc trừ khi Chính phủ của các bạn đưa giàn khoan HD981 ra khỏi vùng biển Việt Nam”, những thông báo có nội dung như thế này bằng cả tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Anh đang được một số thanh niên dán tại cơ sở kinh doanh của mình ở thành phố du lịch Nha Trang (Khánh Hòa)…


Sáng 11.5, Giám đốc điều hành khách sạn ba sao O. (TP. Nha Trang, xin giấu tên) cho biết, khách sạn đã dán thông báo này được 1 ngày tại bàn bảo vệ và tại quầy lễ tân. Chàng thanh niên rất trẻ này cho biết, do rất bức xúc trước hành đồng ngang ngược của Trung Quốc khi đặt giàn khoan HD 981 trong vùng biển Việt Nam nên đã hành động như vậy. 

“Trong suốt 5 năm du học, em có rất nhiều người bạn là người Hồng Kong, Quảng Châu (Trung Quốc), gia đình vợ em cũng gốc Hoa, em biết hành động của em sẽ làm họ chạnh lòng nhưng em cũng biết là họ hiểu em và ủng hộ em. Em mong có nhiều người Trung Quốc biết những hành động, phản ứng của em cũng như của các bạn khác. Chỉ có người Trung Quốc mới tác động hiệu quả lên Chính phủ của họ. Em nghĩ vậy!” – Giám đốc khách sạn này tâm sự.

Cũng theo ông chủ trẻ này thì, trước khi dán thông báo, anh đã nghiên cứu kỹ về một số quy định về nội dung văn bản ban hành trong cơ sở kinh doanh và tin là việc làm của mình không có vi phạm. Sau khi dán thông báo, khách sạn đã từ chối 1 đoàn du khách Trung Quốc khảo sát du lịch Việt Nam vào mùa hè này.

Cùng với khách sạn này, một chủ quán giải khát thường phục vụ du khách nước ngoài ở Nha Trang cũng đã đặt thông báo bằng tiếng Trung và tiếng Anh trên bàn khách với nội dung: “Không phục vụ người Trung Quốc trừ khi Chính phủ Trung Quốc rút giàn khoan HD981 ra khỏi vùng biển Việt Nam”
.




Bảng thông báo đặt tại bàn khách và quầy của một quán giải khát thường phục vụ khách nước ngoài ở Nha Trang.

Tâm sự về hành động này, cô chủ trẻ cho rằng đây là hành động vừa sức mình trong tình hình hiện nay.

"Đời sống đã dạy chúng ta rằng tình yêu không phù hợp với việc cứ nhìn chằm chằm vào đối phương, mà yêu phải là cùng nhau nhìn về một hướng đi” – cô chủ trẻ tâm sự trên Facebook.

Sau khi dán thông báo và chia sẻ trên Facebook, hai bạn trẻ này đều đã nhận được nhiều phản hồi. Tuy nhiên cũng nhiều người ủng hộ nhưng cũng không ít người phản ứng, mỉa mai rằng họ đang lợi dụng tình hình để PR cho công việc kinh doanh.

“Nhiều bạn thân hiểu em, họ cũng lo cho khách sạn em sẽ bị giảm lượng khách nhưng vẫn tán thành và cho biết sẽ thực hiện như vậy tại cơ sở kinh doanh của mình rồi gửi hình cho em xem. Nhưng một số người thì cho rằng em nông cạn, gọi em là “lãnh đạo trẻ trâu”...” – chủ khách sạn tâm sự.

Mai Khuê