Nhưng thử hỏi: Nếu (mà chắc 90% là như vậy) Trung Quốc dứt khoát để cái giàn khoan của công ty Hải Dương lại ở chỗ nó vừa đến hôm 1-5, và tiến hành khoan thăm dò, tiến tới khai thác, thì sao? Liệu lãnh đạo ta có dám lệnh cho hải quân và cảnh sát biển xua đuổi nó và hàng trăm tàu bảo vệ nó đi nơi khác? Nếu nó hành xử giống như ở vùng biển nhà nó thì hải quân ta có dám nổ súng hay không? Nếu xảy ra xung đột vũ trang tại vùng biển này thì có nước nào, nhất là nước lớn, đem quân đến tham chiến giúp Việt Nam không?
Câu hỏi thứ nhất, với hai chữ “thì sao?”, gần như không có câu trả lời. Thậm chí người ta sợ đặt ra câu hỏi đó. Các câu hỏi sau đều có câu trả lời là “Không”.
Người Nga rất không ưa người Tàu và đã từng choảng nhau với người Tàu ngay từ khi còn là “đồng chí”. Nhưng trong tình trạng bị phương Tây cô lập và các nước đàn em vốn cùng trong Liên Bang với nhau đang xa lánh dần, Nga buộc phải duy trì quan hệ hữu hảo, ít ra là bên ngoài, với Trung Quốc, liên minh với nó để cùng đương đầu với phương Tây.
Người Nhật càng không ưa người Tàu và sẽ không chịu khuất phục, nếu Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền của họ. Nhưng đem quân giúp Việt Nam đánh Tàu là chuyện khác. Chính nước Nhật còn đang cần sự hỗ trợ của Mỹ, và vì có sự hỗ trợ đó nên họ mới dám làm căng với Bắc Kinh đến mức đó.
Hoa Kỳ tuy muốn chống Tàu, và muốn lôi kéo Việt Nam tách ra khỏi quan hệ gắn bó với Trung Quốc, nhưng vì chưa lôi kéo được và nhận thấy Việt Nam chưa đáng tin, vẫn thiết tha với quan hệ cùng chế độ xã hội hơn, nên dứt khoát sẽ không tham chiến giúp Việt Nam.
Anh và Pháp cũng có quan điểm gần như Hoa Kỳ mà tiềm lực quân sự chưa đến mức có thể tham chiến mà ít ảnh hưởng đến các vấn đề kinh tế – xã hội của chính nước họ, nên cũng không thể trông cậy được.
Trong các nước ASEAN hiện chỉ có Philippines đang trong quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, nhưng họ không mạnh về quân sự, và vì thế cũng đang phải dựa vào Mỹ.
Ngoài ra các “đối tác chiến lược” khác càng không thể trông cậy. Lào chăng? Hay Cuba? Hay Triều Tiên? Tất nhiên là đều không!
Dư luận quốc tế dù hầu hết nghiêng về Việt Nam và chê trách Trung Quốc nhưng vẫn chỉ răn đe chung chung. Sẽ không có nước nào đứng ra cùng chiến đấu với Việt Nam khi có chiến sự.
Việt Nam hiện còn trơ trọi hơn Ukraina, vì sau lưng Ukraina còn có cả EU và Mỹ. Việt Nam hiện nay cũng trơ trọi hơn Việt Nam thời bị cấm vận do vấn đề Campuchea, bởi khi đó Việt Nam còn có Liên Xô đứng bên cạnh. Cho dù khi đó Liên Xô rất không muốn dính líu vào cuộc chiến Việt-Trung, nhưng nếu Trung Quốc đánh đến tận Hà Nội thì lại là chuyện khác. Chính vì hiểu được điều đó nên Đặng Tiểu Bình đã kết thúc cuộc chiến hai tháng sau khi phát động nó.
Bây giờ là lúc Việt Nam cần lựa chọn giữa một bên là mối quan hệ “đồng chí” giả hiệu với kẻ miệng nam mô bụng một bồ dao găm và bên kia là những nước khác chế độ xã hội nhưng có lương tri và đáng tin hơn gấp nhiều lần. Thực tế quan hệ ngoại giao mấy chục năm qua đã đủ để lãnh đạo Việt Nam nhận ra “kẻ thù” còn thật bụng hơn “đồng chí”. Vấn đề bây giờ là họ đặt quyền lợi nào lên trên, của một tập đoàn hay của toàn dân tộc.
Chỉ có vì quyền lợi của toàn dân tộc, từ bỏ đường lối dựa hẳn vào Trung Quốc như hơn 30 năm nay, Việt Nam mới có cơ hội thoát ra khỏi tình trạng trơ trọi hiện nay.
NGUYỄN TRẦN SÂM
http://daohieu.wordpress.com/2014/05/08/viet-nam-tro-troi/
* Mỹ bỏ rơi cả Biển Đông lẫn Ukraina?
*
Đối diện với Trung Quốc, nước cờ nào cho Việt Nam trên bàn cờ thế giới hiện nay?
VHNA: Trong những ngày này tình hình Biển Đông đang rất nóng. Trung Quốc đã ngang ngược đưa dàn khoan “khủng” Hải Dương 981 và kéo theo là rất nhiều tàu, kể cả tàu chiến và máy bay vào vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm cho tình hình hết sức nguy hiểm. Trung Quốc đã tự lột mặt nạ “trỗi dậy trong hòa bình”, hiện hình chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.
Trong cuộc thử thách trước mắt, và lâu dài, với kẻ hàng xóm khổng lồ độc ác, tham lam, và trong thế giới đầy biến động khó lường hôm nay, và ngày mai, Việt Nam sẽ lựa chọn thế ứng xử, con đường đi của mình như thế nào là câu hỏi lớn không chỉ đối với các nhà lãnh đạo đất nước mà cả dân tộc, và mỗi người dân. Làm thế nào để chúng ta vẫn giữ được tư thế độc lập tự chủ nhưng vẫn có bạn bè đồng minh trong thế giới đầy nghi kỵ và ai cũng đề cao lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết là một bài toán rất khó giải. Sau đây là một bài viết trước khi sự kiện dàn khoan Hải Dương 981 xảy ra nhưng thiết nghĩ vẫn có ý nghĩa như một ý kiến cá nhân để mọi người có thể tham khảo. Đây không phải là quan điểm của tòa soạn.
Nếu lấy cái mốc 2007-2008 là thời điểm có những sự kiện quan trọng mang tính bước ngoặt – trong nước, năm 2007, lần đầu tiên có sự bùng nổ các phong trào biểu tình chống Trung Quốc vốn kết tụ từ những âm ỉ trước đó, và trong quan hệ với quốc tế, từ năm 2008, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO – thì có thể thấy trong vòng dăm năm trở lại đây, Việt Nam đang dần tiến tới một khúc quanh quan trọng mang tính quyết định cho vận mệnh của chính mình.
Nếu đặt Việt Nam giữa các “ông lớn” trên bàn cờ thế giới hiện nay và thu gọn lại thành một quan hệ tay ba Việt Nam – Trung Quốc – Hoa Kỳ thì có thể công thức hoá khúc quanh quan trọng này dưới dạng các câu hỏi mang tính chiến lược, và việc lựa chọn đáp án nào sẽ mang tính quyết định cho vị thế của Việt Nam trên sân khấu chính trị châu Á – Thái Bình Dương cũng như thế giới nói chung: 1/ Đi gần hơn nữa với Trung Quốc trên mặt trận chống lại sức ảnh hưởng (ảnh hưởng vốn có và nỗ lực ảnh hưởng trở lại mang tính chiến lược) của Mỹ? 2/ Cố gắng giữ thăng bằng, hay là đu dây, giữa các cường quốc mà đặc biệt là giữa hai gã khổng lồ của thế kỉ 21 là Mĩ và Trung Quốc? và 3/ Trở thành đồng minh với Mĩ trong nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét