Liên quan đến vụ Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng
đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Kiến Thức xin giới
thiệu bài viết của TS Trần Đình Bá về việc Việt Nam có nên khởi kiện Trung Quốc
ra tòa án quốc tế hay không?
Chúng ta đang quá lãng phí thời gian tranh luận, lặp đi lặp lại cả triệu lần về “Việt Nam có đầy đủ quyền chủ quyền – quyền tài phán. Phía Trung Quốc vẫn đáp trả trơ tráo cả triệu lần như thế. Điều Tổ quốc cần lúc này là phải hành động ngay bằng việc làm thiết thực là khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để tiết kiệm xương máu – sức dân, chứng minh tài ngoại giao, đấu tranh pháp lý và bản lĩnh trí tuệ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc chủ quan mang giàn
khoan đồ sộ Hải Dương 981 (HD 981) trị giá 1 tỷ USD xâm nhập trái phép, hù dọa
Việt Nam và thách thức cộng đồng quốc tế, song họ đang thực sự bị sa lầy trước
dư luận quốc tế và sẽ là mất tất cả chỉ vì một tham vọng “đếm cua trong lỗ”.
Việt Nam bắt quả tang “kẻ xâm nhập” HD 981 mà không tốn công sức
Khác với vụ tàu hải giám Trung
quốc lén lút đột nhập cắt cáp tàu Bình Minh 02 đang hoạt động nghề nghiệp ở vị
trí 12 độ 48’25’’ Bắc và 111 độ 26’48’’ Đông, cách mũi Đại Lãnh Phú Yên khoảng
120 hải lý nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rồi bỏ chạy,
ta chỉ có hình ảnh ghi lại song không thu giữ được vật chứng thì nay sự việc đã
khác xa.
Một dàn khoan đồ sộ đang neo chặt
tại vị trí 15 độ 29’ vĩ Bắc và 111 độ 12’ kinh Đông với xung quanh là 80 tàu
chiến trực bảo vệ, phía ngoài là các tàu kiểm ngư của Việt Nam kèm chặt thì khó
lòng mà “chạy trốn” trước gần 100 vệ tinh địa tĩnh của thế giới đang chỉa vào.
Trong phiên toàn thể Hội nghị Cấp
cao ASEAN lần thứ 24 tổ chức tại Nay Pyi Taw -Myanmar ngày 11/5, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã trịnh trọng công bố trước ASEAN và toàn thế giới: “Hòa bình,
ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông – mối quan
tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Từ ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã
ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và
máy bay hộ tống đi vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan
này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong thềm lục địa và vùng đặc quyền Kinh
tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982…”
Tuyên bố của người đứng đầu Chính
phủ đã khẩn cấp nghiêm trọng tới mức báo động của một quốc gia thành viên tự
bảo vệ mình và cảnh báo quốc tế về UNCLOS bị xúc phạm, tố cáo chỉ mặt vật chứng
– danh tính kèm theo tố giác hành vi hung hăng… có số liệu về vị trí, thời
gian, không gian, mức độ nguy hiểm và hậu quả đã gây ra.
Chọn biện pháp hòa bình là đúng, nhưng đàm phán hay khởi kiện?
Tại Shangri-La, Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng đã từng làm toàn thế giới khâm phục về sáng kiến Xây dựng lòng tin và
nay đã phải đanh thép: “Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi
thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của
Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ
trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, Trung
Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống,
đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp,
xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn…”.
Trong giải pháp hòa bình có hòa
giải thông qua nước trung gian, vậy nước đó sẽ là ai. Và ai là người trung gian
làm hòa giải “chia phần quyền lợi 2 bên” lại không vụ lợi cho mình, lại thiên
vị … làm phức tạp thêm tình hình. Bài học xương máu về Hiệp định 1954 còn đó…
Chỉ có khởi kiện là một việc làm khôn ngoan và cần thiết nhất với Việt Nam lúc
này. Tài phán quốc tế mới giải quyết được những căn cơ về pháp lý, về kinh tế
và răn đe được hành vi vi phạm của Trung Quốc, làm sáng tỏ được những vấn đề
lịch sử mà dân tộc ta lâu nay phải ôm hận.
Việt nam khởi kiện, Trung quốc sẽ mất hết
“Đảo có người ở” là điểm quan
trọng đặc biệt để xác định vùng đặc quyền kinh tế theo Luật biển 1982 nhưng
điều kiện cần và đủ là bộ tiêu chuẩn bằng phụ lục giải thích có trong UNCLOS,
nó phải có bề dày sở hữu trên văn bản, trên thực tế con người mà không phải là
một đảo “nhân tạo” có được bằng hành vi cướp bóc xâm chiếm… Lấy Hoàng Sa làm
một đảo xa bờ hiện nay để xác định vùng đặc quyền kinh tế 200 km, để tự vỗ ngực
“Trung Quốc có đủ bằng chứng để chứng minh quyền chủ quyền, quyền tài phán của
Hoàng Sa” là một toan tính chủ quan sai lầm mà họ chưa lường hết hậu quả của nó
khi đưa ra tòa án quốc tế.
Bản đồ của triều đại phong kiến
cuối cùng là nhà Thanh (đầu thế kỷ XX) chỉ có Hải Nam là đảo cực Nam chỉ đủ để
xác định đường cơ sở theo UNCLOS. Trong khi Triều Nguyễn trước đó đã khai thác,
làm chủ quần đảo Trường Sa từ nhiều thế kỷ. Các bản đồ cổ, bản đồ Hàng hải các
nước phương Tây nhưng xuất bản từ thế kỷ 18, 19 đều có cụm từ quần đảo Hoàng Sa
– Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Các văn bản sắc phong, chỉ lệnh liên quan
đến Hoàng Sa đều còn lưu giữ. Thời Pháp thuộc Việt Nam đã đặt trạm khí tượng
thủy văn, đèn Hải đăng, cột phát sóng vô tuyến. Các tài liệu đo khí tượng thủy
văn, sổ sách được lưu giữ cẩn thận, có hình ảnh.
Năm 1951, tại San Francisco – Bộ Ngoại giao Quốc gia
Việt Nam Trần Văn Hữu tuyên bố cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc lãnh
thổ Việt Nam mà không gặp phải kháng nghị hay bảo lưu nào từ 51 quốc gia tham
dự hội nghị. Hiệp định Genève 1954 có các cường quốc là Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Anh,
Mỹ, trong đó văn bản của hiệp định ghi rõ chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17 có
ghi rõ 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa ở nam vĩ tuyến 17 do chính quyền ở đó
quản lý đó là nước Việt Nam Cộng hòa. Trung Quốc có chữ ký trong văn bản này,
nghĩa là mặc nhiên thừa nhận chủ nhân quần đảo Hoàng Sa là Việt Nam. Vậy mà
ngày 19/1/1974, trung Quốc bất chấp công lý, đạo lý đã dùng vũ lực tấn công
chiếm giữ, gây ra tội ác đẫm máu trên đảo Hoàng Sa, trên biển Đông.
Chúng ta vận động thuyết phục nhưng việc đó đã vô ích. Chúng ta trân trọng tình hữu nghị lâu đời nhưng không để bị lợi dụng. Chúng ta phải hành động ngay, khởi kiện ra Trọng tài UNCLOS và cả Tòa án Công lý Quốc tế (The International Court of Justice – ICJ) bởi Việt Nam là thành viên 149 của Liêp hợp quốc và thành viên của UNCLOS.
Khởi kiện lúc này Việt Nam có đầy đủ bằng chứng, nhân dứng, vật chứng về
cả không gian, thời gian và tang vật hiện hữu là giàn khoan 1 tỷ USD. Chúng ta
đang được toàn thế giới ủng hộ, ta được cả chính trị, ngoại giao chính trường,
ngoại giao nhân dân, được minh oan và được tỏa sáng trước công lý quốc tế về một
nước yêu hòa bình, tôn trọng và có trách nhiệm trước Công ước Luật Biển 1982.
Hãy chớp thời cơ “có một không hai” này để khởi kiện ngay, là “bắn một
mũi tên trúng hai đích”. Chúng ta sẽ thắng về pháp lý trong vụ giàn khoan Hải
Dương 981 xâm phạm chủ quyền, đòi được bồi thường về kinh tế, vừa giành được chủ
quyền cho Hoàng Sa. Đây mới là thắng lợi bền vững!
Đòi lại bằng được chủ quyền Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình trên diễn
đàn pháp lý là khát vọng của 90 triệu người Việt Nam và 5 triệu kiều bào ta ở
nước ngoài đang nằm trong tay chúng ta. Đây còn là trách nhiệm lớn của những
người hôm nay trước Anh linh hàng triệu liệt sỹ là những hùng binh Trường Sa từ
triều Nguyễn và những người đã anh dũng ngã xuống hai quần đảo và trên các điểm
tựa vì Tổ quốc thiêng liêng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét