Translate

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

CÂU CHUYỆN VỀ ĐẠI TƯỚNG LÊ TRỌNG TẤN.

 (Tác giả: Dũng Phan- theo Fb Ngân Kim, Hoàng Ngọc)

Rạng sáng ngày 30-4-1975, Thiếu úy Lê Văn Phượng và chiếc tăng 390 thuộc cánh quân phía Đông của tướng Lê Trọng Tấn húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập. Định mệnh lịch sử lại một lần nữa gọi tên tướng Tấn. 21 năm sau khi bắt sống tướng De Castries trên nóc hầm Điện Biên Phủ, vẫn là cánh quân của ông bắt giữ tổng thống Dương Văn Minh. “Áo bào đẫm thuốc súng bước vào thủ đô”, lịch sử vinh danh ông sẽ là một trong những vị tướng giỏi nhất mọi thời đại của Việt Nam. Với hai chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ và tổng tấn công năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: "Lê Trọng Tấn xứng đáng hai lần anh hùng".(Dũng Phan)
KD: Lịch sử chiến tranh giữ nước, bảo vệ độc lập tự do dân tộc ghi nhận không ít tướng lĩnh tài năng, vào sinh ra tử. Nhưng số phận cũng ba chìm bẩy nổi. Mình nhớ những năm 80 được nghe thông tin chỉ đạo- về việc cuốn này cuốn khác về chiến tranh không được nhấn mạnh vai trò vị này vị kia... Nay lại đọc được bài viết này về Tướng Lê Trọng Tấn. Đủ biết chính trị vốn là một chiến trường khốc liệt, bi thương, dù... không tiếng súng. Đọc bài về tướng LTT thương và cảm phục quá. Đầy chất tướng lĩnh. Trận mạc nào cũng trực tiếp xông pha. Kính trọng, và ngưỡng mộ.
💗
-----------
XIN CHIA SẺ CÙNG BẠN ĐỌC:
Khi các bạn đọc bài này, các bạn hãy biết rằng bản thân các bạn đang sống cũng là lịch sử. Lịch sử đang đi qua, và thế hệ bây giờ đang ít nhiều lãng quên con người mà tôi đang viết ra những dòng này. Nhưng hãy tin tôi, đại tướng Lê Trọng Tấn là một trong những vị tướng giỏi nhất Việt Nam mọi thời đại. Một ngày nào đó, lịch sử sẽ dành cho ông những điều trang trọng nhất.
Có lẽ trong chúng ta khi nhắc về chiến thắng Điện Biên Phủ, là nói về đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi nhắc về mùa xuân 1975, là bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.” Vậy có bao giờ bạn thắc mắc: ai là người đã bắt sống tướng De Castries và bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ? Và ai là vị tướng chỉ huy của đoàn quân đã đánh thẳng vào dinh Độc Lập vào buổi trưa ngày 30/04/1975?
Câu trả lời chỉ có một: con người vĩ đại ở 2 khoảnh khắc vĩ đại, xin thưa tướng Lê Trọng Tấn. Đại Đoàn cắm cờ trên hầm De Castries, Điện Biên Phủ dưới sự chỉ huy của tướng Lê Trọng Tấn. Chiếc xe tăng 390 nằm trong Cánh Quân Phía Đông húc đổ cổng Dinh Độc Lập chính là dưới sự chỉ huy của tướng Lê Trọng Tấn.
Áo bào đẫm thuốc súng bước vào thủ đô. Lịch sử Việt Nam chỉ có 2 người: Hoàng đế Quang Trung và đại tướng Lê Trọng Tấn.
Ông là vị tướng lẫy lừng mà Chủ tịch Phidel Castro khi gặp ông đã hỏi: ‘Đây có phải là tướng đánh trận giỏi nhất ở Việt Nam không?’. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Viện trưởng Chiến lược quân sự (Bộ Quốc phòng) cũng đã nói: trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, tướng Lê Trọng Tấn được xem là vị tướng đánh trận giỏi nhất. Tướng Giáp, người không chỉ là một đại tướng, một anh cả, mà còn là một giáo viên lịch sử đã mạnh dạn cho rằng Lê Trọng Tấn là “một trong các vị tướng giỏi nhất Việt Nam qua các thời đại”.
Vậy cái đánh trận đó là như thế nào?
Nếu đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị chỉ huy vạch chiến lược đường dài, người ngồi sau trướng định việc ngàn dặm, tướng Hoàng Văn Thái là tham mưu trưởng đắc lực và ưu tú ở cạnh tướng Giáp, thì người áo lính ra trận, đánh đông dẹp bắc, xông thẳng vào trận tiền, gầm thét giữa súng đạn chính là tướng Lê Trọng Tấn.
Từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng đến biên giới. Cứ hễ chỗ nào mà khốc liệt, là tướng Lê Trọng Tấn lại được cử tới để chỉ huy. Phải giỏi như thế nào? Phải đánh trận thế nào? Mới được vậy. Việt Bắc, Sông Thao, Biên giới, Trung du, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Bình Giã, Đồng Xoài, Ba Gia, Bàu Bàng - Dầu Tiếng, Mậu Thân, Đường 9 Nam Lào (Lam Sơn 719), Chiến dịch Hồ Chí Minh, biên giới Tây Nam tất cả đều in dấu ấn sâu đậm của ông. Có nghĩa từ Pháp đến Mỹ, từ quân đội chập chững đến khi quân đội trưởng thành, bước chân của tướng Lê Trọng Tấn đi cùng sự lớn mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam trong vòng 30 năm.
Có một câu nói tôi rất tâm đắc, mà cũng rất ám ảnh: “Một trận chiến được ghi vài dòng trong sử sách, vốn được viết nên bởi hàng vạn giọt máu tươi”. Trận Điện Biên Phủ, khó khăn nhất là đánh đồn Him Lam. Ai là người đánh đồn Him Lam? Đấy là tướng Lê Trọng Tấn. Làm sao ông có thể đánh được cứ điểm ấy? Trong hồi ký “Từ Đồng Quan đến Điện Biên” đã kể lại sự thông minh, tài ba của tướng Tấn. Tôi sẽ kể lại cho bạn không phải theo cách tuyên truyền, giáo điều, mà đơn giản và thực tế.
Kế hoạch đánh trận của tướng Tấn là thế này: yêu cầu đêm xuống, cho một trung đội bí mật bò sát vào gần đồn, chỗ cửa chính, dàn thành đội hình cái phễu, bí mật tiến về phía địch. Chờ nó đi phục về bắt sống vài tên. Cố bắt cho được tên chỉ huy. Đi như thế không lo vấp mìn. Đánh như thế cũng không sợ hỏa lực địch bắn thẳng và pháo. Bởi vì đường đi của lính đi phục, đường về và thời gian về của chúng đều nằm trong kế hoạch hiệp đồng rồi. Ông nhấn mạnh: “Ta phải lợi dụng cách làm ăn bài bản của địch để đánh nó.”
Sau đó ông cho bên dưới 3 hôm để làm việc này. Đúng ba ngày sau, trung đội trưởng đã dẫn lên sở chỉ huy tên thiếu úy tù binh Jacques. Từ lời khai của Jacques, tướng Tấn nắm được địa thế, địa hình, cách bố trí của căn cứ Him Lam. Từ địa điểm phòng ngự, cách bố trí hỏa lực, ông lên kế hoạch đánh trận.
Lúc đó có một đoạn hội thoại được kể lại như sau, Jacques nói với tướng Tấn “Tôi khuyên các ngài đừng đánh vào đấy. Nó là một pháo đài thực sự, một pháo đài “bất khả xâm phạm”.
Và tướng Tấn đã đáp lại:
- Các anh hãy chờ đấy! Chúng tôi sẽ tiêu diệt Béatrice. Đây là Việt Nam. Anh hiểu không?
Ông tung vào trận địa 40 khẩu từ 75, cối 120 đến lựu pháo 105 ly nã vào Him Lam. Kết quả Chỉ huy trưởng và phó cụm Him Lam cùng trung tá chỉ huy phân khu trung tâm và cả ban tham mưu đều bị chết trong đợt này.
Sau khi báo tin thắng trận cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Tấn gọi Jasques lên. Và nhận được câu trả lời:
- Thưa ngài, ngài đánh được Him Lam thì ngài có thể đánh được bất cứ chỗ nào ở Điện Biên Phủ.
Và như đã biết, tướng Lê Trọng Tấn đã bắt sống tướng De Castries ngay sau đó.
Ông chính là đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 312. Năm ấy tướng Lê Trọng Tấn 36 tuổi. Ở đây xin dừng một chút để nói về xuất thân của tướng Lê Trọng Tấn. Ông sinh năm 1914 tại Hà Đông, Hà Nội. “Văn võ song toàn” là 4 chữ không hề sai khi nói về tướng Tấn thời niên thiếu. Ông học trường danh giá nhất miền Bắc khi ấy là Trường Bưởi, lại còn say mê võ nghệ, biết đá bóng, và còn đá bóng hay, khiến Pháp phải tuyển vào không quân. Ông nhập ngũ trong đội binh lính khố đỏ. Nhưng khi cách mạng bùng nổ thì ông theo Việt Minh, gia nhập Đảng Cộng Sản. Từ người lính khố đỏ trở thành đại tướng QĐND, đấy là một nỗ lực và sự phấn đấu kinh khủng của người.
Tướng Tấn là vị Đại tướng Việt Nam lớn tuổi nhất vào thời điểm thụ phong. Những chiến công chói lòa che mờ nhật nguyệt, nhưng 70 tuổi 352 ngày, ông mới được thụ phong lên đại tướng. Đấy là một sự bất công âm thầm trong lòng nhiều người đồng đội, người yêu quý và ngưỡng mộ ông của thế hệ sau.
Chiến thắng ở Him Lam minh chứng cho nghệ thuật quân sự của tướng Lê Trọng Tấn. Ông là vị tướng quán triệt quan điểm “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.” Nguyên tắc hành quân của ông đầu tiên là phải biết rõ về kẻ địch. Điều thứ 2 ông làm là thu thập các thông tin tình báo về địa điểm tấn công. Khi thu thập được các thông tin, ông bắt đầu phân tích các tình huống để chốt nhận định. Từ nhận định, hướng đến mệnh lệnh chính xác, nhờ vậy tướng Tấn luôn có khả năng xoay chuyển tình thế trong khó khăn. Nếu Nguyễn Chí Thanh là vị tướng của chiến thuật “Nắm thắt lưng địch mà đánh” thì Lê Trọng Tấn là tác giả của khẩu quyết "vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt".
Sau Điện Biên Phủ, Việt Nam bước vào 20 năm khói lửa binh đao tiếp theo. Và tướng Tấn vẫn là vị tướng trận mạc can trường xông ra tử địa.
Nếu có ai hỏi tôi, đâu là chiến dịch đáng ngại nhất mà VNCH từng triển khai, thì tôi xin trả lời đó là chiến dịch hành quân Lam Sơn 719 (Đường 9 Nam Lào). Vì sao? Bề ngoài đây là chiến dịch phá hủy đường mòn Hồ Chí Minh, nhưng ở bên trong, nó hoàn toàn có thể phát triển lên theo cách đi đường vòng qua Lào và đập thẳng vào Nghệ An-Thanh Hóa, huyết mạch của miền Bắc. Chia cắt và đánh chiếm được 2 tỉnh này, sẽ là đòn chí mạng đánh ngược lên Hà Nội, phát động tấn công ra toàn miền Bắc, qua đó xoay lại bàn cờ chiến tranh. Thế nhưng chiến dịch quan trọng này đã thất bại vì 2 người. Người đầu tiên, chính là thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Tướng Ẩn hoàn toàn dựa trên suy luận khi ông phát hiện ra sự biến mất của một số người trong quân đội và trở về với nước da đen sạm. Màu da này xuất hiện chỉ có thể là vì đang chuẩn bị cho ra một cuộc hành quân qua Lào nắng cháy. Nhờ đó, ông đưa thông tin này ra miền Bắc. Kết quả, dọn đường cho nhân vật thứ 2 xuất hiện để đại công cáo thành: Tướng Lê Trọng Tấn.
Xuất hiện trong rừng rậm Nam Lào, ông bố trí quân lực, pháo binh và trận địa phục kích trong rừng rậm tại đường 9 Nam Lào để đón lõng quân của VNCH của trung tướng Hoàng Xuân Lãm. Cũng trong chiến dịch Lam Sơn 719 này, khi Việt Nam Thông tấn xã thông báo Sài Gòn hủy bỏ kế hoạch đưa phóng viên báo chí phương Tây đến Sê Pôn, tướng Lê Trọng Tấn lập tức suy luận quân VNCH sắp rút. Sau đó một ngày, ông mở luôn đợt phản công lớn và thắng giòn giã. Vị tướng được mệnh danh là "Zhukov Việt Nam" là vị tướng bậc thầy về tư duy và hiện đại.
Trong đời tướng Tấn không phải khi nào cũng là chiến thắng. Câu chuyện năm 1972 ở thành cổ Quảng Trị là một điển hình. Dù hạ được Quảng Trị nhưng lại bị trung tướng Ngô Quang Trưởng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa ép ngược trở lại. Thời điểm ấy, tướng Lê Trọng Tấn bị áp lực đến mức đổ bệnh và phải về Hà Nội điều trị. Người thay thế là tướng Trần Quý Hai. Sau đó tướng Ngô Quang Trưởng của VNCH giành lại được thành cổ Quảng Trị.
Tuy nhiên 3 năm sau, tướng Lê Trọng Tấn trả lại mối hận ở Quảng Trị bằng chiến thắng tướng Trưởng ở Huế và Đà Nẵng. Đó là câu chuyện về năm 1975, chiến dịch mùa xuân.
Tướng Lê Trọng Tấn, với vị trí phó Tổng tham mưu trưởng, là người đã trình bày bản dự thảo kế hoạch chiến lược Giải phóng miền Nam vào tháng 09/1974. Sau khi chiến dịch Tây Nguyên kết thúc và Giải phóng Huế, tướng Tấn nhận lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải giải phóng Đà Nẵng trong vòng 3 ngày. Tướng Tấn đề nghị 5 ngày, Tướng Giáp để Tướng Tấn ra lệnh vì là Tướng trực tiếp chỉ huy chiến dịch, nhưng rồi thực tế đúng là ông giải phóng Đà Nẵng trong vòng 3 ngày . Miền Bắc có những vị tướng kinh khủng như thế này, cũng không quá khó hiểu khi họ là bên thắng cuộc.
Trong những ngày ở Đà Nẵng, tướng Lê Trọng Tấn còn làm một chiến dịch âm thầm khác đã bị lãng quên trong dòng chảy hôm nay. Một chiến công mà chúng ta đã không khắc ghi nhiều. Vâng, ông cũng là người đã cho tổ chức tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa.
Bây giờ là đi đến thời khắc quan trọng nhất: chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tướng Lê Trọng Tấn là tư lệnh của “Cánh quân Duyên Hải” nằm trong “5 cánh quân” đồng loạt đánh vào SG ngày 29/04. Vị trí của tướng Lê Trọng Tấn là Phó tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân phía Đông (gồm quân đoàn 2, quân đoàn 4, sư đoàn 3) tấn công vào Sài Gòn. Theo kế hoạch ban đầu, ngày 27/04/1975, các hướng sẽ bắt đầu tiến. Tuy nhiên, tối 24/04 bất ngờ tướng Lê Trọng Tấn đã gửi một bức điện đặc biệt. Về sau được đánh giá là quyết định chuẩn mực và có tầm nhìn để gián tiếp tạo nên chiến thắng sau này.
Ông điện xin cho Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 của mình được tiến công vào lúc 17 giờ chiều 26 (tức là tiến công trước 12h). Lý do: cánh quân Duyên Hải này sẽ phải vượt qua hai con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nên nếu ngày 27 mới bắt đầu như kế hoạch với các cánh quân kia thì sẽ không kịp nổ súng.
Điều này cực kỳ quan trọng nếu bạn biết về nguyên do thất bại của Mậu Thân 1968 cũng vì liên quan đến việc “nổ súng không cùng lúc”. Và cách làm đó nói lên rằng, tướng Tấn ra trận nắm địa lý, địa thế, địa hình rất chắc, đảm bảo cho chiến lược của ông. Tướng Giáp đồng ý ngay với tướng Tấn sau khi đọc bức điện. Trong đêm ông gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn để thông báo.
Rạng sáng ngày 30-4-1975, Thiếu úy Lê Văn Phượng và chiếc tăng 390 thuộc cánh quân phía Đông của tướng Lê Trọng Tấn húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập. Định mệnh lịch sử lại một lần nữa gọi tên tướng Tấn. 21 năm sau khi bắt sống tướng De Castries trên nóc hầm Điện Biên Phủ, vẫn là cánh quân của ông bắt giữ tổng thống Dương Văn Minh. “Áo bào đẫm thuốc súng bước vào thủ đô”, lịch sử sẽ vinh danh ông là một trong những vị tướng giỏi nhất mọi thời đại của Việt Nam.
Với hai chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ và tổng tấn công năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: "Lê Trọng Tấn xứng đáng hai lần anh hùng".
Hòa bình lập lại chưa được bao lâu, tiếng súng đã nổ ở biên giới Tây Nam khi Khmer đỏ của Pol Pot được Bắc Kinh “hà hơi thổi ngạt” đã đánh phá các tỉnh biên giới. Vị tướng trận mạc và đức độ ấy lại một lần nữa được điều vào trong địa điểm khói lửa nhất. Vị tướng của chúng ta dàn quân, tấn công trên toàn mặt trận, đẩy Khmer Đỏ lùi dần về phía Tây, chiến thắng nhanh gọn.
Tháng 2/1979, Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc. “ZHUKOV VIỆT NAM” lại phải về lại Tổng hành dinh, cùng với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo và đẩy lui quân Trung Quốc.
Hòa bình trở lại trên mảnh đất Việt Nam, vị tướng đức độ trở thành thứ trưởng Bộ Quốc Phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng. Và vị tướng ấy không có nhà riêng, chỉ xin một căn nhà nhỏ dưới 30m2 vuông ở đường Cửu Long. Ông là tấm gương sáng đức độ, là người anh lớn thứ hai của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.
Ngày 05/12/1986, khi đang ăn cơm ở nhà số 36C Lý Nam Đế thì bỗng nhiên tướng Tấn gục xuống bàn. Tướng Giáp từ 30 Hoàng Diệu chạy vội qua, răng cắn chặt đầy đau đớn.
Tướng Tấn mất khi 72 tuổi. Thời điểm ấy Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn chưa bình thường hóa quan hệ, vậy mà tạp chí New York Times dành hẳn một bài nói về cuộc đời ông. Về vị tướng đặc biệt đã đánh bại chính họ trong ngày tháng tư cuối cùng. Ngày ông mất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khóc rất nhiều. Khóc vì mất đi cánh tay phải của mình, khóc vì người bạn chiến đấu qua bao năm lửa đạn đã ra đi, và khóc vì sự cô đơn trong vòng vây chính trị.
NSND Tào Mạt khóc Đại tướng Lê Trọng Tấn bằng một bài thơ, trong đó có hai câu sau:
“Chơ vơ dưới cửa ba nghìn khách
Lạnh lẽo trong lòng chục vạn binh”.
Tôi viết bài này chỉ mong người hôm nay đừng quên vị anh hùng ấy.
Tác giả bài viết: Dũng Phan

VẠN CỐT KHÔ.

Bài viết trên BBC khá gây xôn xao nhưng không bất ngờ, khi một cuốn sách nói là "xét lại vai trò của tướng Giáp" được viết bởi "con gái Lê Đức Thọ" và được đưa lên "trang nhà Lê Đức Anh".
Lê Đức Thọ đã làm những việc này từ năm 1967 và Lê Đức Anh thì mãi tới năm 1991 vẫn còn dựng lên vụ "Năm Châu, Sáu Sứ" để hại tướng Giáp. Nếu lúc ấy, TBT Nguyễn Văn Linh đưa ra Bộ Chính trị bản "Báo cáo của trung tướng Võ Viết Thanh" thì số phận chính trị của Lê Đức Anh đã kết thúc.
Ngay sau ngày 30-4-1975, khi xương cốt của những người lính trận chưa kịp khô, Văn Tiến Dũng đã viết sách coi như không có vai trò tướng Giáp. Năm 1994, trong một cuộc phỏng vấn riêng, tôi hỏi tướng Giáp: "Thưa Đại tướng, ở thời điểm Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, Đại tướng đang là Bí thư Quân ủy TƯ, Tổng tư lệnh các LLVT, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, sao trong cuốn Đại Thắng Mùa Xuân lại nhắc rất ít đến vai trò của Đại tướng?"
Tướng Giáp nghiêm mặt lại, chỉ sang tướng Lê Phi Long, Cục phó Cục Tác chiến, nói: "Long, cậu biết, Nhật ký Tổng hành dinh ghi rõ, tôi lệnh gì, anh Ba lệnh gì. Các nhà báo, các nhà sử học muốn tìm hiểu sự thật phải đọc Nhật ký Tổng hành dinh chứ không nên căn cứ vào tuyên bố của một ai đó".
Năm 2005, suốt tuần lễ trước 30-4, báo Quân Đội Nhân Dân đăng loạt bài của Tướng Lê Hữu Đức. Tướng Lê Hữu Đức, còn gọi là Đức Cụt, là một trong những chỉ huy đầu tiên đánh Mỹ trên mặt trận Tây Nguyên. Ông là một trong 4 người thuộc "Tổ Trung Tâm" được lập ra bởi Tướng Giáp, bí mật suốt hai năm liền nghiên cứu kế hoạch "giải phóng miền Nam". Việc chọn Buôn Mê Thuột để đánh trận mở đầu là việc được tính rất kỹ của Tổ Trung tâm, trước khi trình ra Bộ Chính trị chứ chẳng phải ý kiến của ông Thọ hay ông Duẩn.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tướng Lê Hữu Đức là Cục trưởng cục Tác chiến. Loạt bài của ông, công bố rất nhiều tư liệu lấy từ Nhật Ký Tổng Hành dinh, cho biết, tướng Giáp phải mất bốn cuộc họp để thuyết phục Bộ Chính trị lựa chọn cách đánh như đã diễn ra thay vì cách đánh mà Lê Duẩn muốn (tương tự hồi Mậu Thân).
Cho đến giờ này ít ai biết là ngay chiều 30-4-1975, đã có những loạt súng giận dỗi trong khuôn viên Dinh của những người lính thuộc đơn vị được Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ chọn "cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập". Cũng trong chiều hôm đấy, Lữ 203 của trung tá Bùi Văn Tùng phải rút về Long Thành, nhường Dinh Độc lập cho Sư 7.
Lữ 203 thuộc Quân đoàn II, nằm trong đội hình của "Cánh quân phía Đông" dưới quyền tướng Lê Trong Tấn, vị chỉ huy trung thành với tướng Giáp.
Tấm huân chương nào cũng có hai mặt. Việc rồi đây sẽ có thêm sách vở nói về mặt còn lại của những người như tướng Giáp và cả Hồ Chí Minh là điều chắc chắn xảy ra. Tuy nhiên, lịch sử chỉ có chỗ cho những những nghiên cứu khách quan, khoa học. ( Theo Fb Huy Đức )

PS: Trong khu tưởng niệm Lê Đức Thọ ở Nam Định quê ông, có rất ít sách vở, gần như chỉ trưng bày cuốn Đường Thời Đại của Đặng Đình Loan, cuốn sách đã bị ném vào sọt rác từ lâu. Loan là một trong những "dư luận viên" đầu tiên được sử dụng để đánh vào tướng Giáp. 

Xét lại vai trò Tướng Giáp: Một quan điểm viết sử mới ... - BBC