Translate

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

THƯ GỬI THỦ TƯỚNG VỀ VỤ ÁN ĐỒNG TÂM

 Kính gửi: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Sau phiên tòa sơ thẩm vụ Đồng Tâm, trên mạng xã hội như có đợt “sóng gầm” nhiều người dân công khai phản ứng mạnh mẽ cho rằng các cơ quan pháp luật đã phạm sai lầm nghiêm trọng dùng cường quyền để trị dân. Nếu tuân thủ quy định của Đảng và luật pháp thì hậu quả sẽ không nặng nề như vậy.

Tôi xuất thân từ gia đình nông dân ở vùng quê nghèo khó Thái Bình. Gia đình tôi, nhiều bà con ruột thịt tham gia lực lượng vũ trang cả bên quân đội và công an từ thời chống Pháp, chống Mỹ nên khi thấy 4 đồng chí là cụ Kình và 3 chiến sĩ công an hy sinh trong thời bình rất đau buồn, day dứt vì nỗi đau này, chẳng phải của riêng ai.

Để tường minh trước công luận, Nhà nước ta là của dân, do dân và vì dân, dưới góc nhìn của người làm công tác khoa học khách quan, trung thực, và nhà báo độc lập, tôi viết thư này để Thu tướng có thêm thông tin xem xét, tham khảo:

1. Phiên tòa xét xử vụ án ở Đồng Tâm thu hút sự quan tâm rất rộng lớn của người dân và của nhiều nước phương Tây. Xét xử thiếu công tâm sẽ đem lại hậu quả rất lớn. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo cấp cao (Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Quốc hội)

2. Nhiều thủ tục pháp lý không được thực hiện đầy đủ ở phiên tòa sơ thẩm. Lẽ ra vụ tranh chấp đất đai này nên đưa ra toà hành chính xét xử theo đơn kiện của dân làng Đồng Tâm đối với kết luận của thanh tra Hà nội và Thanh tra Chính phủ. Khi toà xử mà cụ Kình thua kiện thì tổ chức kiểm điểm trong chi bộ và cấp ủy địa phương, làm rõ khuyết điểm của cụ Kình, thậm chí kỷ luật khai trừ Đảng. Sau đó, nếu không thuyết phục được thì khởi tố vụ án, có thể bắt giam khi có bằng chứng tàng trữ vũ khí nhưng phải có phê chuẩn của Viện kiểm sát, phải bắt giữ đúng pháp luật: công bố lệnh bắt giữ có sự chứng kiến của hàng xóm và chính quyền địa phương và bắt giữ vào ban ngày. Tôi tin là dù có chống đối thì mấy ông bà nông dân cũng không thể giết được cảnh sát. Và như thế không có ai phải chết. Gia đình cụ Kình không phải chịu án tru di tam tộc thảm khốc thế này. Thực sự tệ hại khi có một kế hoạch tấn công Đồng Tâm vào ban đêm, trong khi chưa làm bất kỳ việc gì như trên.

3. Để phiên tòa phúc thẩm khắc phục được hạn chế của phiên tòa sơ thẩm, cần:
- Xác định đúng mục tiêu của phiên tòa: Tòa xét xử người có tội theo đúng pháp luật; không phải để “làm gương” nhằm dập tắt những hành vi phản kháng trong tương lai về đất đai.
- Nghiên cứu bản án về hành vi giết người ở Nọc Nạn thời Pháp thuộc. Tòa án XHCN không thể kém nhân văn hơn tòa án thực dân.
- Cho điều tra lại. Nếu một số người dân có hành vi giết người thi hành công vụ thì điều đó phải được chứng minh một cách thuyết phục.
- Cần làm rõ các câu hỏi về nguyên nhân xảy ra sự viêc: Vì sao đất nông nghiệp đã giao cho Bộ Quốc phòng nhiều năm nhưng không triển khai như nhiệm vụ đặt ra? Khi người dân đòi đất, vì sao không đưa ra bản đồ thuyết phục? Vì sao không tiếp tục đối thoại sau khi Chủ tịch UBND Hà Nội có cam kết với dân Đồng Tâm?
- Các câu hỏi về tính hợp pháp của cuộc trấn áp : Căn cứ vào đâu? Tại sao trả lời của Bộ Công an thay đổi lý do đến 3 lần? (lần đầu là bảo vệ mục tiêu xây dựng hàng rào đất sân bay Miếu Môn cách làng Hoành 3 km; lần 2 nói là đi tuần tra bị tấn công; lần 3 là bảo vệ chốt …)
- Những câu hỏi điều tra hiện trường: Rất nhiều ý kiến cho rằng việc 3 chiến sĩ cùng rơi xuống giếng trời là vô lý; việc đổ xăng vào hố để đốt 3 chiến sĩ càng không thuyết phục được dư luận.
- Xin lưu ý: Việc hành quyết cụ Kình tại nhà riêng, sau đó mổ xác chính là điểm bức xúc cao độ của dư luận trong và ngoài nước, rất nhạy cảm trong thời điểm hiện nay. Huống chi ngay cả khi cụ Kình phạm tội với hình phạt cao nhất, thì theo quy định tại tiết b, khoản 3, Điều 40 của Bộ luật Hình sự, thì người từ 75 tuổi trở lên không bị thi hành án tử hình.
- Phiên tòa cần thực hiện tranh tụng thật sự, bảo đảm dân chủ. Cần thực hiện đúng các nguyên tắc xét xử “suy đoán vô tội”, “trọng chứng hơn trọng cung”. Tuyệt đối không được dùng nhục hình để ép cung.
- Thận trọng trong việc kết án tử hình; nếu không chứng minh được tội giết người một cách chắc chắn thì không thể kết án tử hình.

4. Để hạn chế tái diễn những vụ việc giống như ở Đồng Tâm, cần:
- Rút kinh nghiệm từ việc giải quyết sự kiện bạo động ở Thái Bình 1997, có cách giải quyết hợp lý, hợp tình “mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”.
- Sửa đổi Luật Đất đai theo hướng công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân theo hạn điền. Đây là gốc gác của vấn đề, đang là nhân tố phá hoại khốc liệt nhất thể chế chính trị hiện hành về mọi mặt.
- Khắc phục trên các phương diện chính trị, pháp lý và truyền thông.

Cần nói thêm là sự sụp đổ của Rumani và cái chết thảm của vợ chồng Ceaucescu cũng khởi đầu từ việc cho cảnh sát bắn chết một linh mục có uy tín và thuộc phe đối lập. Không biết có ai liên tưởng đến bài học Rumani không?

Những người am hiểu nội tình của đất nước có chung nhận định không nên lan truyền những điều dự đoán tốt đẹp về ai đó, hoặc những điều đổ lỗi cho người này, người khác trong bộ máy. Ban lãnh đạo cao nhất của đất nước có trách nhiệm cao nhất và phải đích thân đứng ra chỉ đạo xử lý vụ này, sao cho đỡ tệ hại nhất vì mất lòng dân là mất tất cả.

Kính chúc TT luôn mạnh khỏe và mọi sự tốt lành.
.
Kính
Tô Văn Trường

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

"DÂN DĨ THỰC VI THIÊN" hay bản chất VỤ ĐỒNG TÂM


(Tác giả: Canh Tranthanh)

Chỉ vì không giải thấu đáo bài toán QUYỀN LỢI mà dẫn đến một vụ xung đột vô cùng đau đớn này.
Nhưng để xảy ra xung đột bạo lực chết người ở Đồng Tâm, lỗi lớn nhất là ở chính quyền!...

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

NẾU BỐ BẠN LÀ CỤ KÌNH?

Hình ảnh có thể có: 1 người, trong nhà

Luật sư Ngô Anh Tuấn đang ở cuối tuổi “Tam thập nhi lập”, sắp bước vào tuổi “ Tứ thập nhi bất hoặc” - là tuổi hiểu được mọi sự trong thiên hạ. Tuy tuổi đời so với nhiều người thì còn trẻ, nhưng trí tuệ lòng tốt và bản lĩnh của LS Ngô Anh Tuấn thì nhiều người lớn tuổi hơn anh không sánh được. Trí tuệ, lòng tốt và bản lĩnh không đo bằng năm tháng. Anh là một trong số 13 vị luật sư tự nguyện bào chữa miễn phí cho các bị can trong Vụ án Đồng Tâm đang xét xử. Anh còn là luật sư tự nguyện bảo vệ quyền lợi cho bà Dư Thị Thành – vợ của cụ Lê Đình Kình. Với tất cả các luật sư tự nguyện bào chữa cho đồng bào Đồng Tâm – xin ngả mũ kính phục!

LS Ngô Anh Tuấn sinh và lớn lên ở giải đất Mỹ Quan, Yên Lý - là một địa danh nổi tiếng của Phủ Diễn Châu. Mỹ Quan là quê của nhà cách mạng Phùng Chí Kiên, của các Giáo sư Toán học Nguyễn Tố Như, Nguyễn Nhuỵ và nhiều trí thức thành danh khác. Đất sinh ra người.

Nhắc đến LS Ngô Anh Tuấn là bởi vì anh vừa đưa ra câu hỏi “NẾU BỐ BẠN LÀ CỤ KÌNH?”

Chao ôi, một câu hỏi chỉ gồm 6 từ mà có phép nhiệm màu soi sáng cả vụ án Đồng Tâm đang tiêu tốn hàng triệu chữ của các quan toà và viện kiểm sát.

- Nếu các quan toà chiều nay 14/9/2020 tuyên án nghe được câu hỏi “NẾU BỐ BẠN LÀ CỤ KÌNH?”
- Nếu các kiểm sát viên kết tội nghe được câu hỏi “NẾU BỐ BẠN LÀ CỤ KÌNH?”
- Nếu những người quyết định đưa hàng ngàn cảnh sát đến Đồng Tâm lúc 2-3 giờ sáng ngày 09/1/2020 nghe được câu hỏi “NẾU BỐ BẠN LÀ CỤ KÌNH?”
- Nếu tất cả chúng ta nghe được câu hỏi “NẾU BỐ BẠN LÀ CỤ KÌNH?”
Xin mời đọc câu hỏi của Luật sư Ngô Anh Tuấn dưới đây.

Nếu bố bạn là cụ Kình?

Bạn có muốn được biết tại sao bố mình bị người khác bắn chết trong phòng ngủ của chính căn nhà riêng của mình rồi được gán cho một tội danh giết người mà không cần phải thông qua xét xử?

Trong phiên toà, không dưới 5 lần tôi đề nghị phải là rõ hành vi và nguyên nhân dẫn tới việc người ta phải bắn chết cụ Kình, một ông già hơn 80 tuổi tay phải chống gậy. Tuy nhiên, mỗi lần nhắc tới nội dung này, tôi đều bị vị Chủ tọa nhắc nhở là luật sư không được đề cập tới nội dung này vì nó không liên quan tới vụ án. Tôi không đồng ý vì rõ ràng trong trang 49 cáo trạng rành rành là cụ Kình đã phạm tội giết người theo Khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự, vậy tại sao không được xem xét trong vụ án này? Không xem xét trong vụ án này thì sẽ xem xét trong vụ án nào khi mà đơn thư tố giác của bà Dư Thị Thành, vợ cụ Kình không nhận được bất kỳ câu phản hồi nào nhưng lại được cáo trạng nêu rõ là đơn này là không có cơ sở xem xét? Dẫu vậy, những nội dung tôi đề cập trong cả phần hỏi, phần tranh luận, đối đáp đều được gạt sang một bên...

Nếu cụ Kình là cường hào ác bá thời hiện đại, liệu sau mấy chục năm làm quan chức địa phương, cụ có phải ở trong một căn nhà trên mức xập xệ một chút với tài sản trong nhà hầu như không có gì đáng giá? Là cường hào ác bá, liệu rằng người dân nơi đây có kính trọng và yêu thương như vậy không? Báo chí mà bạn được đọc về hình ảnh xấu xa của cụ chắc đủ rồi, bạn cứ thử tự mình về Đồng Tâm để có cái nhìn khách quan hơn. Gặp bất kỳ ai bạn cũng có thể nghe họ kể về cụ với đầy sự kính trọng, tự hào và thương cảm. Bạn chỉ được nghe điều bạn đọc trên báo chí khi bạn vào UBND xã để gặp lãnh đạo hoặc tới nhà các quan chức mà đã bị cụ tố cáo cho đi tù mà thôi...

Ai chết cũng phải có lý do và hơn ai hết, người thân của người chết càng có lý do để được biết cái lý do ấy. Vậy tại sao, trong cùng một thời điểm, cùng một vụ án, người này chết thì được biết lý do còn người kia thì không, có sự phân biệt đối xử nào không?

Hỏi thật, nếu bố bạn là cụ Kình, bạn sẽ hành xử ra sao trong tình huống này?

LS Ngô Anh Tuấn

(FB https://www.facebook.com/profile.php?id=1569759542).
-  tuyen truyenf ve vụ đong tam :

https://www.facebook.com/chinh.duongquoc.56/posts/1845160202303601

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2020

CÁI ĐÊM HÔM ẤY...

Chẵn 30 năm bài bút ký làm chấn động cả nước của Phùng Gia Lộc được đăng tải trên báo Văn Nghệ thời ông Nguyên Ngọc làm Tổng biên tâp. Nếu không phải Nguyên Ngọc làm TBT thì không biết bài báo có được đăng không và nhân dân cả nước có biết câu chuyện "bắt nợ" khoán sản dã man thế này ở cái nước CHXHCN VN này hay không. Đăng lại vì có nhiều người biết tên bài báo này nhưng chưa chắc đã được đọc. Người viết đã giỏi nhưng người dám cho đăng bài kiểu này ngày ấy đúng là "gan cùng mình"!

Đừng để sách giáo khoa thành “rổ thịt bò tươi giữa cái sân đầy sói”

Dân trí

 Giả sử 50% chiết khấu của bộ sách 800 ngàn đồng với hàng triệu học sinh chẳng hạn, thì đống tiền đó quả là khủng khiếp và đầy ma lực như rổ thịt bò tươi ở giữa cái sân mà xung quanh đầy… chó sói!

Đừng để sách giáo khoa thành “rổ thịt bò tươi giữa cái sân đầy sói” - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Mùa khai trường năm nay không tưng bừng, rực rỡ bởi đại dịch Covid 19 nhưng sức nóng của nó trong lĩnh vực mua sắm thiết bị giáo dục thì vẫn rừng rực như không khí trong lò chống tham nhũng.

Như một cuộc chạy đua với đủ các mánh lới của thương trường, sách giáo khoa, một mặt hàng thiết yếu bị “thổi giá” có lẽ chỉ kém vụ… lan biến đổi gien.

Nếu năm ngoái, bộ sách giáo khoa lớp một chỉ 175 ngàn thì năm nay, nó được “bơm” lên gần gấp 5 lần (807 ngàn đồng).

Thật ra, bộ sách giáo khoa mới chỉ có 8 cuốn (môn) cơ bản và một môn tự chọn. Thế nhưng, nó có tới 15 đầu sách “ăn theo” mà theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học nói là để phụ huynh tham khảo, tự trang bị cho con em “nếu có nhu cầu và thấy cần thiết”, đồng thời khẳng định  “không có sự ép buộc phụ huynh phải mua thêm sách tham khảo”.

Vâng, nhưng khổ nỗi phụ huynh thường thì mải ăn, mải làm lại có phải ai cũng đủ khả năng để nhận biết cuốn nào cần thiết hay không cần thiết nên dù túng thiếu thì cũng nghiến răng dẫu “không có sự ép buộc”.

Đành rằng chả ai ép buộc được ai, thế nhưng khốn cái ở ta, có ba vị thầy mà phán thế nào thì đệ tử cũng phải nghiến răng theo cho trọn vẹn. Đó là thầy thuốc với bệnh nhân, thầy cúng với con nhang và thầy giáo với phụ huynh.

Mới đây trên báo Người Lao động, bài “Phải cách chức hiệu trưởng để xảy ra tình trạng "bán bia kèm lạc", TS Hoàng Ngọc Vinh nói:

“Để chấm dứt hiện tượng quảng cáo danh mục sách tham khảo tại các trường, phải cách chức trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng hoặc kỷ luật giáo viên cố tình giới thiệu không rõ ràng sách giáo khoa kèm sách tham khảo”.

Về việc xử lý kỉ luật, người viết bài này đồng tình. Song, về đối tượng thì chưa hẳn là chính xác bởi thực tế, cái “chỉ đạo miệng” nó từ đẩu, từ đâu, đặc biệt là với vụ việc này, giáo viên không được là “cái đinh gỉ”.

Từ cách đây khoảng nửa tháng, nhiều giáo viên đã phản ánh với tôi về việc họ bị ép buộc phải “ấn hành” các loại “bia hơi kèm lạc mốc” này một cách rất ấm ức.

Lý do, với chiết khấu 45 – 50%, họ chỉ được hưởng vài ba phần trăm, số còn lại chảy ngược về đâu đó mà tội lỗi cũng như lời ong, tiếng ve họ đều phải gánh cả.

Tôi đã trực tiếp phản ánh ý kiến của một giáo viên với vị giám đốc sở địa phương này và tất nhiên, câu trả lời cũng là do phụ huynh “tự nguyện” và “không ai ép buộc”...

Song, nói đi thì cũng nên nói lại.

Giả sử 50% chiết khấu của bộ sách 800 ngàn đồng với hàng triệu học sinh chẳng hạn (50% X 800.000đ X N.000.000 hs) thì đống tiền đó quả là khủng khiếp và đầy ma lực như rổ thịt bò tươi ở giữa cái sân mà xung quanh đầy rẫy... sói!

Bùi Hoàng Tám 

Vòng ma trận đỏ.

 By Phạm Thị Hoài -
September 20, 2016


Nếu không có câu chuyện ngôn ngữ, suýt nữa tôi đã bỏ sót show diễn “Trịnh-Nguyễn phân tranh”. Một ông Trịnh Xuân Thanh nào đó ném thẻ Đảng – bảo bối vô giá của cuộc đời ông cho đến khi nó thành vô giá trị – vào mặt một ông Nguyễn Phú Trọng nào đó, người cai quản tối cao 4,5 triệu bảo bối như thế. Vụ so găng này được coi là chưa có tiền lệ. Giật gân như vậy thì trước hết nó là một quả bom giải trí trong thời đại sống để giải trí và chết vì giải trí của chúng ta. Từ nhiều năm nay, nguồn giải trí dồi dào nhất cho công chúng Việt Nam là hậu cung của giới quý tộc đỏ. Sau đó, nó hứa hẹn một sức công phá chính trị nhất định. Nhiều người cho rằng nó phơi bày những tử huyệt của hệ thống. Nhiều hơn nữa tin rằng nếu không làm thành lũy Ba Đình rung chuyển thì nó cũng là quân cờ domino đầu tiên kéo theo sinh mệnh chính trị của một số nhân vật ở thượng tầng quyền lực và sắp xếp lại bàn cờ quốc gia. Như thể những hứa hẹn của Quan Làm Báo hay Chân Dung Quyền Lực chưa đủ hão.

Tôi chưa bao giờ mê chuyện đồng chí nào đeo đuổi đi đêm đâm đinh đấu đá đỡ đít đánh đĩ đạp đổ đồng chí nào. Họ nhiều quá và giống nhau quá, mà tính tôi thì chóng chán. Nếu họ lại đi xe Lexus nữa thì không còn gì chán hơn. Vì sao tôi phải chú ý đến ông Thanh-gì-nhỉ?

Vì chuyện biển xanh biển trắng ư? Đủ lấy được ở tôi một cái ngáp ngắn. Tất nhiên là nó tởm lợm và lời biện bạch của đương sự thì đáng buồn nôn ở cả hai khía cạnh: ngu dốt và trơ trẽn, song trong môi trường mà ông ta chỉ là một sản phẩm tất yếu, nơi đen trắng đổi kiếp xoành xoạch và hợp pháp thì trắng thành xanh rồi xanh lại thành trong trắng chẳng qua là áp dụng linh động sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “cần kiệm liêm chính chí công vô tư”.

Vì chuyện 3000 tỉ ở PVC ư? Hai cái ngáp ngắn: thua lỗ, thất thoát, sai phạm là tên cúng cơm của khối doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn xã hội đen tư bản đỏ. Hơn bốn năm trước, báo chí Việt Nam rộ lên vài ngày tin 18.000 tỉ sai phạm tài chính ở PVN, công ty mẹ của PVC, dưới thời ông Đinh La Thăng. Ừ, thì sao?

Vì chuyện trốn thoát ra nước ngoài ư? Ngáp dài. Chuyện anh em nhà họ Dương hay hơn hẳn. Tôi thường ghétrang của Interpol thăm người Việt. Từ nhiều năm nay, chưa bao giờ Việt Nam không chiếm trọn suất cao nhất được hiển thị, thường xuyên là 160 nhân vật bị truy nã đỏ, cùng đẳng cấp với những quốc gia khổng lồ như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Brazil, vài nước Đông Âu như Bạch Nga, Rumani, Ukraine và vài nước Nam Mỹ như Argentina, Honduras. Để so sánh: hiện Nhật truy nã 2, Thái Lan 0, Đài Loan 0, Lào 0, Campuchia 42, Đức 6, Nam Phi 53, Úc 3. Đào tẩu là chương trình cài sẵn trong cuộc đời của quan chức và đại gia Việt Nam ở thời tranh chấp giữa “mọi thứ đều được phép vì chẳng có gì là đúng” và “chẳng có gì được phép vì mọi thứ đều sai”. Lính cũ của ông Thanh, một cựu giám đốc cũng họ Trịnh, đã tháo chạy sang quốc gia cựu thù. Hơn 4 năm nay, nhân vật bị cáo buộc là từng chỉ đạo rút tiền công chi nửa tỉ mừng sinh nhật bố sếp Thanh này vẫn an toàn. Trên trang của Interpol, tên Trịnh Văn Thảo không và chưa bao giờ xuất hiện ở tất cả các thời điểm khác nhau từ giữa năm 2012 mà tôi ghé thăm.

Vì chuyện công khai tố cáo vì bị oan sai gì đó ư? Hai cái ngáp dài. Dương Chí Dũng cũng kêu oan, cũng gửiđơn tố cáo. Đại án Nguyễn Đức Kiên: kêu oan. Đại án Huyền Như: kêu oan. Đại án Vifon: kêu oan. Đại ánALCII: kêu oan. Đại án VDB Đắk Nông: kêu oan. Đại án Agribank CN 6: kêu oan. Gần đây nhất, đại án Phạm Công Danh: kêu oan. Và “bố sếp Thanh”, qua ngòi bút biết bày tỏ cảm thông pha chút ái ngại với giới quyền lực của nhà báo kỳ cựu Xuân Ba, dường như cũng bắt đầu ngỏ lời kêu oan cho vụ nửa tỉ mừng sinh nhật vừa nhắc. Tiếng oan dậy đất Việt, chỉ có điều chúng ta không còn hoảng hốt ngẩn ngơ. Hệ thống ấy đẻ ra nền tư pháp ấy, và những quan oan ấy đều đã thủ lợi không tài nào tả xiết từ chính hệ thống ấy. Bồi dưỡng ông Trịnh-quan-oan thành hạt giống chống hệ thống, theo tôi, là chuyện nhảm nhí. Kẻ cắp cũng có quyền đòi công lý, song không thể là cái công lý mà kẻ cướp đang nhân danh. Ông Thanh vẫn lẫn lộn giữa pháp trị và đảng trị.

Vì chuyện bổ nhiệm ư? Bây giờ thì tôi ngáp sái quai hàm. Vẫn quá nhạt so với Dương Chí Dũng hay thậm chí với Nguyễn Xuân Sơn, người thì chờ thi hành án tử, người thì triển vọng một án tù 30 năm đang đợi, cả hai đều được bổ nhiệm “đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục“, “đúng quy trình, quy định của pháp luật“, “chặt chẽ, công khai minh bạch, dân chủ“. Hay tốt nhất, hãy nhìn vào vòng chuyển động của ngôi sao Đinh La Thăng trên bầu trời chính trị Việt Nam: mỗi lần để lại một vùng đen, nó chỉ thêm phần sáng.

Song nhờ chuyện bổ nhiệm này tôi mới biết một chi tiết tuy nhỏ nhưng thú vị về ngôn ngữ. Bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết “ông Thanh không nằm trong danh sách cán bộ luân chuyển“, còn đường từ Bộ Công Thương đến Hậu Giang của ông Thanh được lót bằng quyết định thuyên chuyển công tác. Luân chuyển và thuyên chuyển khác nhau thế nào?

Phần lớn người Việt hiểu thuyên chuyển như chuyển, được dùng chủ yếu trong kết hợp thuyên chuyển công tác, cùng nghĩa với thuyên chuyển cán bộ từ công tác hay địa điểm A sang công tác hay địa điểm B. Thuyên chuyển không phải là một sự bổ nhiệm mang tính tuyển chọn tích cực. Nó chỉ mang tính trung lập hoặc thậm chí tiêu cực, người ta bị thuyên chuyển ngoài ý muốn. Song nếu được học (hay phải học?) chữ Hán – tức Hán tự cổ chứ không phải tiếng Trung hiện đại -, chúng ta sẽ khá bối rối: nghĩa của chữ thuyên (銓) trong thuyên chuyển (銓 轉) là tuyển chọn kẻ hiền bổ vào làm quan. Trong ngôn ngữ của bộ máy hành chính-chính trị hiện nay, thuyên chuyển đã đánh mất vai trò “chọn mặt gửi vàng” này, nhường nó cho một khái niệm khác đảm nhiệm: luân chuyển.

Luật Cán bộ, Công chức (2008), chương 1, điều 7, mục 11, định nghĩa: “Luân chuyển là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý được cử hoặc bổ nhiệm giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ.” Với Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị năm 2002, luân chuyển cán bộ trở thành “một trong những kênh quan trọng để tạo nguồn cho cán bộ cấp chiến lược”. Nói cách khác, luân chuyển đi liền với quy hoạch, cơ cấu nhân sự lãnh đạo. Đến đây, sự khác biệt tinh tế giữa việc ông Thanh chỉ được thuyên chuyển chứ không được luân chuyển về Hậu Giang đã từ từ hiện ra trong mắt thịt của chúng ta, ông đã nằm ngoài quy hoạch, dù chúng ta vẫn không biết trước đó, từ PVC sang Bộ Công Thương ông đã được cơ cấu hay hư cấu (viết riêng cho các tín đồ thanh giáo Hán tự: chữ hư ở đây là một kết hợp 51% Việt và 49% Hán).

Chữ luân (輪) trong luân chuyển (輪轉) là cái bánh xe, cái vòng tròn. Chính sách vòng tròn của Đảng sau 14 năm thực hiện đã cống hiến cho tiếng Việt một từ thú vị: chạy luân chuyển (chạy là một trong những động từ đặc trưng nhất cho sự tồn tại của người Việt) và tạo ra một ma trận chằng chịt những bài binh bố trận mù mịt, những mưu toan tiến thoái, những nhập nhằng đổi chác, những bước đệm và những cú chui háng, những cam kết trước khi trời sáng và những vụ thanh trừng nửa đêm, những chiếc ghế cần sang tên, những sự nghiệp cần tráng men và trước hết: những vết nhơ cần xóa, những bê bối cần hóa giải. Trong ngân hàng nhân sự của Đảng, các đồng chí nợ xấu sau vài vòng luân chuyển lại sạch sẽ như người cộng sản vừa bước ra từ giáo trình Mác-Lê. Hệ thống tự xây cho mình cung mê, để rốt cuộc không tìm ra cửa thoát. Luân chuyểnthành luân vong, lại một chữ luân () định mệnh.

Ông Trịnh-gì-nhỉ có thể lấy cảm hứng hậu duệ, rủ tất cả các quan Trịnh đang trốn nã ở nước ngoài (Đàng Ngoài) lập chính phủ lưu vong chống các quan Nguyễn đang ngồi lên pháp luật ở trong nước (Đàng Trong). Song cá nhân tôi tin rằng show Trịnh-Nguyễn đang diễn này chỉ đủ bi hài nhí nhố cho một vụ chém gió (chémcũng là một động từ đặc trưng) không đáng một ghi chú của lịch sử. Lịch sử đã dành một chương lớn cho nhà Tây Sơn, những lãnh tụ của dân, đứng ra dẹp cả Nguyễn lẫn Trịnh.

18/9/2016
P.T.H.