Translate

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021

GIÁ CỦA MÁU XƯƠNG

MỘT SƯ ĐOÀN HOÁ ĐÁ...VỊ XUYÊN !
.
Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ của ngày 12.7.1984, trên cả 3 hướng tiến công, quân ta có khoảng 600 - 700 cán bộ chiến sĩ hy sinh (nhiều cán bộ trung/ tiểu đoàn), 820 bị thương (phía TQ nói đã bắt 5 người làm tù binh), mất hàng trăm vũ khí các loại. Quân TQ tổn thất 62 chết và 320 bị thương.
Có thể nói rằng đây là 1 trong những trận đánh tổn thất lớn nhất trong lịch sử QĐNDVN, thậm chí vượt xa nhiều trận đánh lớn trong kháng chiến chống Mỹ. Tuy rằng ở thời điểm đó, QĐNDVN đã trải qua 4 cuộc chiến tranh với 40 năm kinh nghiệm chiến đấu liên tục.
Thất bại của MB-84 được đánh giá là tổng hợp của nhiều yếu tố như: Chỉ huy nóng vội, chủ quan và đánh giá sai địch, chiến thuật không phù hợp, chuẩn bị thiếu chu đáo, hiệp đồng không tốt...

Sau chiến dịch MB-84, QĐNDVN không tổ chức thêm trận tiến công quy mô lớn nào ở mặt trận Vị Xuyên, mà chỉ sử dụng chiến thuật lấn dũi, vây ép để tạo thế ngăn chặn đối phương và từng bước giành lại một ́vài điểm chốt nhỏ. Đến năm 1989, cùng với xu hướng giảm căng thẳng biên giới và bình thường hóa quan hệ 2 nước, quân TQ lần lượt rút khỏi các điểm chiếm đóng trái phép còn lại ở Vị Xuyên và Yên Minh.  


... Xin đừng quên tên một sư đoàn
Dù nay đã chỉ còn là kỉ niệm
Nơi Tổ quốc ghi tên mình trong đó
Máu sư đoàn tôi hóa hồn đá Vị Xuyên
Gọi tên sư đoàn gọi tên núi Hà Giang
Gọi nhau bằng tên bình độ
Ba mấy năm tìm về nhau hát những bài rất trẻ
Nhớ mùa này biên giới vẫn mù sương... (Trích thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng)
     Trong trận đánh mở đầu chiến dịch mang mật danh MB84, nhằm lấy lại các điểm cao gần cửa khẩu Thanh Thủy từ tay quân xâm lược Trung Quốc, gần 600 bộ đội Việt Nam đã hy sinh chỉ trong một ngày, ngày 12-7-1984. Trong khoảng thời gian từ 1984 -1987, bộ đội ta chưa bao giờ để cho quân Trung Quốc vào sâu quá 5km nhưng cũng phải trả giá vô cùng to lớn. Hàng ngàn người lính đã hy sinh.
Trong Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên có 1.797 ngôi mộ với gần 300 ngôi mộ “chưa biết tên”; tại hang Sập, bình độ 400, xã Thanh Thủy, còn có một ngôi mộ tập thể nữa… Nhưng, còn khoảng một nửa số liệt sỹ chưa thể quy tập. Xương cốt của các anh giờ đây vẫn hòa vào trong đá của những cao điểm hai bên bờ sông Lô đoạn chảy qua Vị Xuyên.
Các cựu binh sư đoàn 356 gọi 12-7 là “ngày giỗ trận”. Trên cao điểm 468 giờ đây có một đền thờ thờ các anh gọi là Đài Hương 468. Đài Hương được lập bởi sáng kiến của các cựu binh sư đoàn 356. Những người lính may mắn sống sót đã không quên các đồng đội vĩnh viễn không được về nhà.
Cạnh Đài Hương 468 là cao điểm 685 nơi trong năm 1985 Trung Quốc đã bắn sang hàng chục nghìn quả đại pháo. Đá bị nung đến mức trắng vụn ra, cao điểm 685, lúc ấy, được gọi là “lò vôi thế kỷ”. Giờ thì màu xanh đã trở lại suốt dãy Tây Côn Lĩnh.
Như thường lệ, mỗi lần lên Hà Giang, tôi lại ghé thắp nén hương tưởng nhớ các anh. Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên đang được sửa sang… Nhưng thật băn khoăn là trong ngôi đền mới xây, phần trang trọng nhất được dành riêng thờ Hồ Chủ Tịch. Cả phần đền thờ trên Đài Hương 468 cũng thế. Tôi nghĩ nếu Cụ Hồ mà biết, Cụ cũng sẽ muốn dành nơi đây chỉ để hương khói cho các anh, những người lính vô danh và phần lớn không có mồ yên, mả đẹp.
Trên Đài Hương 468 cũng nhiều tên tuổi quá, ngay cả các vị trong “đoàn tâm linh” trồng một cây đa cũng dựng bia đá như là dựng cho các anh hùng. Những người trông coi Đài Hương 468 thì chu đáo quá… Sự tĩnh lặng ở nơi linh thiêng ấy cần hơn những điếu văn soạn sẵn; tĩnh lặng để chiêm nghiệm cái giá của xương máu đã đổ xuống cho hòa bình mà chúng ta đang được hưởng
.
Fb nhà báo Huy Đức.