Translate

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Con dại, cái dân mang!!!

>>   Dân gánh đủ phí, cán bộ trốn việc đi chơi golf
>>    Ăn chặn sữa, kê khống phân, dị nhân thế hệ mới?


Đất Việt -Nếu như giải báo chí quốc gia có một giải riêng cho “loạt bài điều tra buồn nhất trong năm”, có lẽ tôi xin đề cử ngay loạt bài “Gánh nặng quê nghèo” của các nhà báo Hoàng Anh- Thiện Nhân ở báo Nông nghiệp Việt Nam, vừa khởi đăng những ngày gần đây.
Tất nhiên, không giải báo chí nào có cái giải buồn đó cả, nhưng rõ ràng, đọc loạt bài này, chắc nhiều độc giả giống như tôi, nghẹn ngào, uất ức đến trào nước mắt vì những gánh nặng phi lý mà hệ thống cán bộ xã, thôn ở huyện Can Lộc (Hà Tình) đang trút lên người nông dân.
Ròng rã suốt 10 năm nay, người dân xã Thường Nga không hề được thụ hưởng chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp như Nghị quyết của Quốc hội mà trái lại, họ còn phải đóng góp nhiều khoản thu nặng nề do cán bộ xã tự đặt ra.
Cái phí này gọi là “thu theo hạng đất”, các ông cán bộ chia đất ruộng của dân ra thành nhiều hạng, rồi ấn định mỗi loại đất phải nộp số kg thóc tương ứng sau khi thu hoạch. Năm nay, dân xã Thường Nga còn phải nộp Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất, có hộ lên tới ngót 1 triệu đồng, xã chỉ thu trong 3 ngày, chậm ngày nào sẽ bị phạt thêm 5%.
Còn ở xã Thanh Lộc thì sao, “Trong phương án thu các loại quỹ năm 2015, xã Thanh Lộc xây dựng một loại quỹ có tên là “Quỹ hành chính phúc lợi”. Chủ tịch UBND xã Lê Văn Nhiếu thẳng thắn thừa nhận, mục đích thu loại quỹ này nhằm chi trả chế độ cho những người hoạt động công tác ở xã, ở thôn không nằm trong đội ngũ cán bộ tịnh biên”- bài báo viết.
Theo điều tra của các PV NNVN, chỉ riêng trong tháng 6/2015, xã Kim Lộc đã phải chi trả hơn 62.000.000 đồng cho đội ngũ cán bộ, giúp việc ngoài biên chế. Trong số đó có những chức danh nghe khá lạ tai như “bảo vệ di tích quốc gia”, “bảo vệ di tích cấp tỉnh”…
Thú thật, đọc loạt bài điều tra, tôi hoa cả mắt với những con số đóng góp của các hộ dân, nhức cả đầu với chiêu bài đặt ra các ban bệ ở cấp thôn, xóm để bắt dân đóng tiền nuôi, vì diện “cán bộ” này không nằm trong diện được trả lương bằng ngân sách nhà nước.
Tâm sự với nhà báo, nhiều nông dân đã khóc ròng, bởi họ không biết làm thế nào, bán hết toàn bộ số thóc thu được cũng không đủ 2 khoản thu của xóm và của xã. Không nộp thì bị phạt 5%, cắt hết mọi giao dịch giấy tờ, đọc tên ra rả trên loa phóng thanh.
Trong khi người dân cùng cực như thế, thì đối lập là hình ảnh ông Trần Văn Hữu-  Chủ tịch xã Kim Lộc ngồi trong phòng máy lạnh chạy ro ro nhưng vẫn thở than với nhà báo: “Mới chỉ đạt được khoảng 70% so với chỉ tiêu, cán bộ xã, thôn đang tiếp tục vận động các hộ dân còn lại”.
Nếu quan tâm, bạn đọc có thể tìm đọc loạt bài “Gánh nặng quê nghèo” này để thấy nông dân ở Can Lộc đang khổ sở thế nào. 
Trộm nghĩ, thường những người lành lặn chân tay, đầu óc minh mẫn thì mới được chọn làm cán bộ, vậy thì tại sao những cán bộ này lại vô liêm sỉ tới mức chọn cách sống ký sinh trên hạt thóc nhọc nhằn đẫm mồ hôi nước mắt của người dân như vậy?
Xin đề nghị các cán bộ xã, thôn ở huyện Can Lộc nên học tập ông Thiều Kim Quỳnh- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực miền Bắc. Trên báo Thanh Niên số ra ngày 15/7/2015, có một mẩu tin cho biết, ông Quỳnh bị tố cáo “thường xuyên đi chơi gofl trong giờ hành chính” và có bản sao nhật ký sân golf Vân Trì (Hà Nội) để chứng thực điều này.
Tuy nhiên, trong giải trình, ông Quỳnh chỉ thừa nhận “thỉnh thoảng đi chơi golf trong giờ làm việc” và vẫn được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vào các năm 2013-2014.  
Thay vì bắt dân cõng phí nuôi mình, các cán bộ xã, thôn ở Can Lộc nên học hỏi lấy kinh nghiệm làm sao để vẫn có thể vừa đi chơi golf, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như bác lãnh đạo EVN kia.
Thế mới là người cán bộ tài giỏi.

———-

Không có nhận xét nào: