>> Tàu Trung Quốc lại đâm chìm tàu cá Việt Nam
>> Nga giúp Việt Nam xây xưởng sửa chữa tàu tại Cam Ranh
>>
DẠ THẢO
(PL)- Từ 1984, chín năm sau khi tốt nghiệp Trường Luật Harvard, luật sư Paul S. Reichler đã bắt đầu nổi tiếng. Ông nổi danh là “người tiêu diệt khổng lồ”.
Tháng 6-1986, luật sư Paul S. Reichler mới 38 tuổi đã chiến thắng nước Mỹ chính là quê hương của mình trong vụ kiện lịch sử Nicaragua kiện Mỹ. Đây là một vụ kiện cho thấy cho dù nước lớn cũng không thể xem thường phán quyết của tòa án quốc tế.
Trong vụ Nicaragua kiện Mỹ (1984-1986), luật sư Paul S. Reichler đại diện cho chính phủ Nicaragua tại Tòa án Công lý quốc tế, Nicaragua là một nước nghèo ở Mỹ Latin đã kiện Mỹ chi tiền viện trợ cho quân Contras nhằm lật đổ chính phủ cánh tả. Ngoài ra, Nicaragua còn tố cáo Mỹ gài mìn trong vùng biển và cảng biển Nicaragua.
Tòa án Công lý quốc tế đã ủng hộ Nicaragua và ra phán quyết xác định Mỹ đã vi phạm nguyên tắc không sử dụng vũ lực. Tòa yêu cầu Mỹ phải bồi thường cho Nicaragua 370,2 triệu USD. Mỹ từ chối thi hành bản án. Nicaragua đã đưa vụ này ra trước LHQ, đồng thời tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhiều nước.
Cuối cùng Mỹ phải trả cho Nicaragua 500 triệu USD dưới hình thức viện trợ kinh tế. Sau đó, tổng thống Nicaragua đã đề nghị Quốc hội hủy bỏ luật yêu cầu Mỹ bồi thường.
Trong vụ kiện này, Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio nhận xét Mỹ đã phải trả giá rất đắt về uy tín. Ông giải thích: “Mỹ cho rằng Mỹ là quốc gia tiêu biểu, quốc gia số một bảo vệ pháp quyền nhưng Mỹ lại vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Thế giới sẽ nói với Mỹ rằng “các ngài đã vi phạm luật pháp quốc tế”… Mỹ phải chấp nhận trả tiền vì đây là cách để giữ thể diện cho Mỹ”.
Lúc bấy giờ báo Washington Postviết: “Chiến thắng sơ khởi của Nicaragua đối với Mỹ tại tòa án quốc tế có được nhờ một luật sư vô danh, người đã bỏ việc ở hai văn phòng luật sư nổi tiếng tại Washington”.
BáoNew York Timesđánh giá: “Trong chín năm từ khi chính phủ cánh tả cầm quyền ở Nicaragua, rất nhiều người Mỹ đã đứng ra bảo vệ quyền lợi cho Nicaragua nhưng không ai có thể đem lại tin tưởng toàn vẹn như Reichler, một luật sư 40 tuổi tốt nghiệp Trường Luật Harvard”.
Bảo vệ Philippines kiện Trung Quốc
Nhận xét về sự kiện Mỹ viện trợ cho quân Contras, luật sư Paul S. Reichler nói: “Với tư cách một công dân Mỹ, tôi cho rằng cuộc chiến này phải dừng lại. Cuộc chiến này bất hợp pháp, vô đạo đức và đi ngược với lợi ích của nước Mỹ”.
Ông nhận định: “Chính quyền Reagan đã ngang nhiên vi phạm luật pháp quốc tế với những gì đã làm ở Nicaragua… Điều này đã xúi giục các nước khác thách thức luật pháp mà không lo bị trừng phạt”.
Báo Wall Street Journalnhận xét sau vụ Nicaragua kiện Mỹ, luật sư Paul S. Reichler đã nổi tiếng là người đại diện cho các nước nhỏ chống lại cường quốc.
Gần ba thập niên sau vụ Nicaragua kiện Mỹ, ông đã đứng ra bảo vệ quyền lợi cho một nước nhỏ (Philippines) chống một cường quốc đang trỗi dậy (Trung Quốc).
Ông giữ vai trò trưởng nhóm cố vấn pháp lý cho chính phủ Philippines trong phiên điều trần của Philippines trước tòa trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan) để bác bỏ “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Phiên điều trần kéo dài từ ngày 7 đến 13-7.
Khi báo Wall Street Journal hỏi công ty luật Foley Hoag ở Mỹ của ông có lo lắng trong vụ nước nhỏ Philippines kiện nước lớn Trung Quốc hay không, ông đã kể lại kinh nghiệm về các vụ kiện trước đó.
Ông tâm sự: “Các đồng nghiệp của tôi và tôi ở công ty Foley Hoag đứng trước một chọn lựa: Đấu tranh cho công lý hay thỏa hiệp, không làm mếch lòng nước giàu có, nước mạnh. Chúng tôi là luật sư đấu tranh bảo vệ công lý, chúng tôi không bao giờ do dự trước lựa chọn như thế”.
Kinh nghiệm đại diện cho các nước
Luật sư Paul S. Reichler đã làm việc bảy năm nay cho công ty luật Foley Hoag ở Washington, D.C. (Mỹ). Theo trang web của công ty luật Foley Hoag, ông có khả năng đảm trách nhiều lĩnh vực.
Ông có kinh nghiệm với vai trò cố vấn và đại diện cho quốc gia có chủ quyền trong các vụ tranh chấp biên giới trên bộ và trên biển với các nước láng giềng.
Ông đã từng tham gia các vụ kiện giữa Nicaragua và Colombia trước Tòa án Công lý quốc tế (năm 2007-2012), Bangladesh và Myanmar trước Tòa án quốc tế về Luật Biển (năm 2009-2012), Croatia và Slovenia (bắt đầu từ năm 2011 đến nay).
Ông đã ra trước tòa trọng tài quốc tế trong các vụ kiện Philippines-Trung Quốc (bắt đầu từ năm 2013), Mauritius-Anh (năm 2011-2015), Bangladesh-Ấn Độ (bắt đầu từ năm 2009 đến nay), Guyana-Suriname (năm 2004-2007).
Ông còn giữ vai trò nhà thương lượng cho tổng thư ký Tổ chức Các nước châu Mỹ trong vụ tranh chấp liên quan đến biên giới trên bộ và trên biển giữa Guatemala và Belize (năm 2000-2002).
Luật sư Paul S. Reichler cũng đại diện cho các nước có chủ quyền trong các vụ tranh chấp liên quan đến thiệt hại môi trường xuyên biên giới như các vụ kiện giữa Ecuador và Colombia, Uruguay và Argentina trước Tòa án Công lý quốc tế.
Ông đã thành công với vai trò đại diện cho các nước có chủ quyền (như Ecuador, Nicaragua, Bolivia, Guyana, Venezuela, Philippines) trong các vụ tranh chấp đối với các nhà đầu tư nước ngoài trước Trung tâm quốc tế về giải quyết tranh chấp về đầu tư, Phòng Thương mại quốc tế, tòa trọng tài thường trực, Phòng Trọng tài Stockholm.
Ngoài ra, ông còn đại diện cho các bên trước tòa án liên bang và tòa án các bang ở Mỹ. Ông là chuyên gia hàng đầu về tranh chấp liên quan đến Luật về quyền miễn trừ của quốc gia có chủ quyền nước ngoài (Mỹ). Ông đã bảo vệ nhiều nước như Canada, Thái Lan, Chile, Kenya, Tanzania, Venezuela, Liberia, Bolivia, Nicaragua và Guyana.
***
Ấn phẩm Chambers Global 2010 của ngành luật sư viết về Paul S. Reichler: “Ông thuộc hàng luật sư lành nghề được tôn trọng nhất và có kinh nghiệm nhất về công pháp quốc tế trên thế giới, từ hơn 25 năm nay chuyên đại diện cho các quốc gia có chủ quyền tranh chấp với các nước khác và các nhà đầu tư nước ngoài. Ông thuộc nhóm nhỏ các luật sư ưu tú có kinh nghiệm pháp luật nhân danh các quốc gia có chủ quyền trước Tòa án Công lý quốc tế ở La Haye và Tòa án quốc tế về Luật Biển ở Hamburg”.
***
Theo trang web của Chính phủ Việt Nam, ngày 23-6-2014, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã thay mặt Chính phủ Việt Nam và Tổng Thư ký tòa trọng tài thường trực Hugo Hans Siblesz ký Hiệp định nước chủ nhà và Thư trao đổi về hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và tòa trọng tài thường trực.
Với hai văn kiện này, Việt Nam đã chính thức xác nhận tư cách pháp lý của tòa trọng tài thường trực tại Việt Nam. Hai văn kiện này cũng là cơ sở thúc đẩy quan hệ hợp tác, đặc biệt về các vấn đề thủ tục thuộc quy trình trọng tài quốc tế dotòa trọng tài thường trực
điều hành.
Theo trang web của tòa trọng tài thường trực, tòa trọng tài thường trực là tổ chức liên chính phủ với 117 quốc gia thành viên, được thành lập theo Công ước La Haye năm 1899 về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế (sau đó được sửa đổi với Công ước La Haye năm 1907). Việt Nam tham gia công ước từ ngày 29-12-2011.
Tòa trọng tài thường trực có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp (bao gồm tranh chấp lãnh thổ) giữa các quốc gia thành viên, trừ khi các quốc gia thỏa thuận lựa chọn phương thức giải quyết khác. Các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các thực thể tư nhân cũng có thể sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp tại tòa trọng tài thường trực.
Ban Trọng tài của tòa trọng tài thường trực gồm các trọng tài viên được các quốc gia thành viên Công ước La Haye chỉ định. Khi có tranh chấp, mỗi bên tranh chấp có quyền chỉ định số trọng tài viên bằng nhau tham gia hội đồng trọng tài. Phán quyết của hội đồng trọng tài được thông qua theo nguyên tắc đa số, có giá trị chung thẩm và bắt buộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét