Translate

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

Đặc khu: Trung Quốc định thay đổi thế giới hay hiệu ứng ngược?


Quan Lạn – Vân Đồn. Ảnh: HM
Chả hiểu sao khi nghe “Đặc khu” nhiều người đã nghĩ ngay đến hiểm họa Trung Quốc sẽ mua hết Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc.
Trước đó du lịch Trung Quốc mặc áo phông có đường lưỡi bò vào Đà Nẵng, rồi máy bay ném bom đã hạ cánh ở Hoàng Sa, và vùng nhận dạng phòng không.
Biển Đông dần bị nuốt chửng, giờ thêm “Đặc khu” ai chả lo. Ý đồ “một vành đai, một con đường”, giấc mơ Trung Hoa làm bá chủ thế giới đang được Tập Cận Bình lấy làm chủ thuyết phát triển.
Hơn chục năm trước QH thông qua dự án mở rộng Hà Nội rồi lấy trục Ba Đình lên đâu đó, giá đất lên ngút trời, béo mấy tay biết tin và găm đất. Mở rộng chả thấy đâu, cả có trục nào đi lên trung du, chỉ thấy những tay thổi tin là ăn đậm. Hiện tượng này đang xảy ra với “Đặc khu”.
“Đặc khu” có thể được thông qua vì nhiều nghị viên không hiểu gì về điện như họ đã từng ủng hộ cải cách ruộng đất, HTX cấp huyện, từ thế kỷ trước và mở rộng Hà Nội, Boxit Tây Nguyên hay Formosa ở thế kỷ này. Dăm vị như ông Nguyễn Đức Kiên dốt nát nhưng dẻo mồm vẫn ối người bầu nhưng sức phá hoại thì khủng khiếp.
Hồi làm bên DC có đồng nghiệp người Việt, gốc Hoa, quốc tịch Anh – Mỹ song song. Rời Hà Nội từ năm 1980 khi anh và cậu bạn mới 9 tuổi trên chiếc cano lênh đênh cùng mấy chục người từ Hải Phòng đi phía Trung Quốc do nạn người Hoa năm 1978-1979 bị xua đuổi.
Khi tới gần bờ thấy một bên sáng choang điện, bên kia tăm tối. Mấy thuyền thì thào, chính quyền sẽ đón người thân trở về, thì mình cứ về. Thế là họ đi về phía không có ánh sáng, đó là đại lục Cộng sản. Thuyền của gia đình đồng nghiêp và vài người khác lại bảo, cứ phía sáng mà đi. Đó là Kowloon – Hongkong.
Nhóm về đại lục bị giam riêng, thẩm vấn, và sau mấy năm bị đưa đi vùng kinh tế mới khỉ ho cò gáy. Nhóm vào Hongkong được định cư sang Anh, sau này anh bạn tìm được việc bên World Bank với một chức khá to.
Sau những thăng trầm, mấy gia đình chọn trung thành với đại lục đã vỡ mộng, cuối cùng vượt biên và mấy đứa trẻ Hà Nội với trò chơi ú tìm xưa lại gặp nhau tại Mỹ. Họ đều toại nguyện vì đã đến miền đất hứa, các vàng họ cũng không về xây dựng CS mang mầu sắc Trung Hoa chứa đựng sự dối trá và lấp liếm.
Đó là câu chuyện trong hàng chục triệu câu chuyện của người Trung Quốc đi khắp thế giới do chiến tranh liên miên, nghèo đói, kéo dài từ thế kỷ 19 đến năm 1949 khi ĐCS của Mao lên nắm quyền và từ đó ra khỏi biên giới chỉ còn là giấc mơ.
Tuy nhiên thời Đặng Tiểu Bình mở cửa với thế giới phương Tây thì mọi sự đã thay đổi. Không thể đóng cửa biên giới mà biến quốc gia hơn một tỷ dân thành siêu cường.
Tờ Economist mới đây có bài thú vị bàn về người TQ du lịch và thay đổi thế giới, nhưng có khi thế giới sẽ thay đổi họ. Để có hộ chiếu đi nước ngoài người ta phải xét duyệt lý lịch xem có phạm tội và quang trọng, có trung thành với ĐCS hay không. Để có cái dấu “được đi nước ngoài” là tấm bùa của cánh trẻ.
Đầu những năm 1980 có vài trăm nghìn người Trung Quốc được đi nước ngoài, nhưng năm 2017 đã là 130 triệu và dự đoán tới năm 2020 là 200 triệu, gấp đôi dân số Việt Nam. Tưởng tượng mỗi người Việt mỗi năm du hý hai lần.
Thời đó Đặng Tiểu Bình đứng trước bài toàn khó. Muốn kinh tế phát triển phải có gió lành và chặn ruồi muỗi. Chặn bằng nhiều cách, trong đó chặn bằng tưởng lửa internet, còn xuất khẩu văn hóa chính trị bằng áo phông in lưỡi bò, thiên hình vạn dạng, Chinatown, giờ thêm đặc khu do các nước tự…mở.
Nếu tới trung tâm mua sắm đắt đỏ nhất ở London, Paris, New York hay Rome, du khách to tiếng, nhiều tiền lại là người Trung Quốc. Nhà đất ở Sydney, Chicago, Los Angeles, New York tăng vụt do người định cư đến từ Trung Quốc.
Khu lao động nghèo bên PNG, Solomons, châu Phi đều có bóng của người Trung Quốc, chưa kể ngay Lào, Campuchia và Myanmar ngay cạnh Việt Nam. Nói đâu xa, đâu đó tại các thành phố lớn của Việt Nam đều có những khu của người Tầu.

NAG Văn Tiến Hùng tác nghiệp trên bãi biển Quan Lạn. Ảnh: HM
Mối nguy không chỉ Việt Nam mới có, ta cảm thấy bị sốc hơn vì họ ngay cạnh và không thích nhau. Thật ra cả thế giới đang cảm thấy bước chân của Trung Quốc. Mỹ và EU đều ngại nhưng thế giới không thể sống nếu thiếu quốc gia này.
Tài buôn của người Hoa thì khỏi bàn. Thế kỷ 19 có bà di tản xuống Jakarta với đôi quang gánh, một đầu là đứa bé, đầu kia là nồi tầu phớ. Bà thuê cái đầu hè buôn bán vặt, sau vài năm bà thuê thêm cái phòng trong nhà, rồi thuê cả nhà. Bà đủ tiền mua cả nhà và sau đó mua cả phố. Đó là cách người Trung Quốc mua thế giới.
Tuy nhiên, người Trung Quốc thám hiểm thế giới sẽ mang về những giá trị văn minh và điều này sẽ làm cho ĐCS lo sợ. Việc cấm Google, Facebook là một minh chứng rõ ràng.
Thử tưởng tượng, du khách Trung Quốc đến Đà Nẵng với những món ăn hải sản tươi sống, giá rẻ, được wifi miễn phí khắp thành phố, họ nếm mùi thế nào là thứ internet không bị kiểm duyệt, phát hiện ra nhiều bí mật về Mao, về Đặng và chế độ CS mà từ trước tới nay họ chưa từng biết đến.
Phương Tây gọi đó là sức mạnh mềm gậm nhấm tâm hồn người đọc. Mở cửa để đón gió lành như Đặng mong đợi là một điều tốt. Và thứ mà bị cho là “ruồi muỗi” nhỏ bé có khi lại thay đổi “một vành đai, một con đường”, một hiệu ứng ngược.
“Đặc khu” có thông qua thì cũng là bình thường ở xứ này. Dân VN nên chuẩn bị tinh thần sống chung với lũ. Trường vốn và quen quan to có tin thì nên đi buôn đất Vân Đồn, đủ tiền lại đi mua đặc khu của nước khác.
Trong trò chơi Poker, bạn không thể thay đổi được quân bài được chia nhưng có thể thay đổi cách chơi.
.

Không có nhận xét nào: