Translate

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

Không để giới tài phiệt can dự sâu vào quản trị quốc gia

VOV.VN -Khi một quốc gia bị lợi ích của một số nhỏ người giàu và quyền thế nắm giữ thì thường đi vào ngõ cụt của sự phát triển.

Ở những quốc gia có nền quản trị bằng pháp luật yếu và quyền sở hữu tài sản không rõ ràng, nhóm nhỏ người giàu và quyền thế kiểm soát nguồn lực vật chất chính ở một đất nước. Họ cần mua hoặc tìm cách kiểm soát các lực lượng an ninh, tòa án, quan chức, truyền thông… để làm giàu và để bảo vệ tài sản của mình. Sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững của một quốc gia có liên quan chặt chẽ đến việc thiết lập hệ thống có thể đảm bảo quyền sở hữu tài sản. Một thể chế như vậy mới có thể khiến Việt Nam bứt phá, và tránh đi vào ngõ cụt của sự phát triển do bị bòn rút kiệt quệ vì lợi ích cá nhân của một nhóm nhỏ giàu có và quyền lực. 
khong de gioi tai phiet can du sau vao quan tri quoc gia hinh 1
Khi một quốc gia bị lợi ích của một số nhỏ người giàu và quyền thế nắm giữ thì thường đi vào ngõ cụt của sự phát triển. Ảnh minh họa
Giá sách của Học viện Chính trị Quốc gia 
Không phải ngẫu nhiên mà cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại" của hai giáo sư trường đại học Harvard Acemoglu và Robinson lại nằm trang trọng trên giá sách thư viện Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, bên cạnh các tên tuổi như nhà kinh tế được giải Nobel Joseph Stiglitz. Cuốn sách này nổi tiếng vì giải thích rằng, các nước mãi nghèo là do bị một nhóm nhỏ giàu có và quyền thế thao túng cho lợi ích riêng của mình, bằng cách hy sinh lợi ích của công chúng. Năm 2017, Việt Nam được dự đoán sẽ có số người siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới trong thập kỷ tới. Đồng thời, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ban hành Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân, nhấn mạnh việc “xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành "lợi ích nhóm", gây hậu quả xấu về kinh tế-xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân”.
Acemoglu và Robinson viết rằng, nhóm người giàu có và nhóm có quyền thế thường liên kết với nhau để làm giàu và củng cố quyền lực, bằng cách lập các liên minh độc quyền, giảm cạnh tranh và chiếm hữu tài sản công hoặc của người khác. Cuối cùng, lợi ích của nhóm giàu có và quyền lực trở thành lực cản đối với phát triển kinh tế và chèn ép động cơ tăng trưởng của đất nước. Một phần vì tăng trưởng kinh tế thường đi đôi với sự sáng tạo có tính hủy diệt với cái cũ. Khi một quốc gia bị lợi ích của một số nhỏ người giàu và quyền thế nắm giữ thì thường đi vào ngõ cụt của sự phát triển. Quốc gia nào thoát khỏi sự thao túng trên diện rộng của nhóm nhỏ giàu có và quyền thế vì lợi ích riêng của họ mới có thể phát triển được. 
Cách giải quyết sự giằng xé, mâu thuẫn quyết liệt giữa lợi ích của người giàu, quyền thế với lợi ích của công chúng trở thành mấu chốt quyết định sự phát triển của một quốc gia.
Singapore và Michael Bloomberg
Có khác biệt gì giữa việc tỉ phú Michael Bloomberg làm Thị trưởng thành phố New York với một tỉ phú ở một nước đang phát triển nắm quyền? Trong cuốn sách nghiên cứu “Tài phiệt”, nhà nghiên cứu Winter viết rằng, Michael Bloomberg đã tiêu nhiều tiền hơn bất cứ ai trong lịch sử Hoa Kỳ để nắm một vị trí ở chính quyền. Tuy nhiên, khác với các nhà tài phiệt ở các nước đang phát triển, việc theo đuổi vị trí trong chính quyền của Michael Bloomberg có động cơ phù hoa hơn là vì sự sống còn của đế chế tài phiệt của ông ta. Nói một cách khác, Michael Bloomberg không cần phải thao túng chính trị để có tài sản và bảo vệ tài sản của mình.
Năm 2011, 50 người giàu nhất Singapore có tổng tài sản là 49 tỉ USD, chiếm 5 % tổng tài sản của Singapore. Tuy nhiên, giới tài phiệt ở Singapore “bỏ vũ khí", không cần tham gia thao túng chính trường vì tài sản của họ được bảo vệ bằng luật pháp nghiêm ngặt, không có ảnh hưởng cá nhân. Vì vậy, giới tài phiệt không có ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định chính sách. Hệ thống luật và thực thi luật của Singapore mạnh hơn giới tài phiệt và quyền sở hữu tài sản của giới tài phiệt được đảm bảo. 
Sự khác biệt của Michael Bloomberg và các tỉ phú Singapore với giới tài phiệt ở các nước đang phát triển là bản chất của các mối đe doạ đối với tài sản của nhóm này và cách họ bảo vệ tài sản. Giới nhà giàu hay tài phiệt nắm một nguồn lực vật chất lớn, có thể được sử dụng để giữ nguồn thu nhập và lợi nhuận càng nhiều càng tốt và bảo vệ khối tài sản của họ. Ở những quốc gia có nền quản trị bằng pháp luật yếu và quyền sở hữu tài sản không rõ ràng, nhóm nhỏ người giàu và quyền thế kiểm soát nguồn lực vật chất chính ở một đất nước. Họ cần mua các lực lượng an ninh, tòa án, quan chức… để làm giàu và để bảo vệ tài sản của mình. Vì vậy, Winter cho rằng, sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững có liên quan chặt chẽ đến việc thiết lập hệ thống đảm bảo quyền sở hữu tài sản và kiềm chế sự tham lam, ích kỷ của giới nhà giàu và quyền thế. 
“Luật thép của tài phiệt"
Năm 1915, Robert Michels đã đưa ra khái niệm “Luật thép của tài phiệt" cho thấy, tâm lý cá nhân là câu hỏi khó nhất trong số các câu hỏi phức tạp mà chủ nghĩa xã hội phải tìm cách trả lời. Đó là bản năng con người khiến thành viên của các tầng lớp sở hữu muốn chuyển giao của cải mà họ, bậc cha mẹ, đã có được đến thế hệ sau. 
Nền kinh tế thị trường, như nhà kinh tế học nổi tiếng Ha Joon Chang viết, khai thác năng lượng từ sự ích kỷ của các cá nhân chỉ nghĩ cho lợi ích của riêng mình để tạo ra sự hài hòa trong xã hội. Ích kỷ vì lợi ích riêng là một bản năng của phần lớn loài người. Một nền kinh tế có thể sụp đổ nếu được xây dựng dựa trên giả thiết rằng phần lớn mọi người đều không ích kỷ và các quan chức, chính trị gia không tư lợi. 
Câu hỏi ở đây không phải là việc có cần xóa bỏ nhóm người giàu và quyền thế hay không, mà là làm thế nào để kiềm chế và giảm được lợi ích nhỏ hẹp có thể gây hại đến lợi ích chung. Cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại" mới chỉ giải thích được một phần lý do vì sao một số nước có thể thoát khỏi “luật thép của tài phiệt", chủ yếu là các nước phương Tây có chế độ dân chủ. Cuốn sách này chưa giải thích được sự phát triển của Singapore, nước ít dân chủ hơn, và sự phát triển nhanh chóng trong mấy thập kỷ qua của các nước Trung Quốc và Việt Nam. 
Việc kiềm chế lợi ích nhỏ hẹp của nhóm người giàu có và quyền thế không phụ thuộc hoàn toàn vào việc một quốc gia có hệ thống dân chủ đại diện hay không. Một quốc gia có thể tăng trưởng dù chưa có hệ thống dân chủ. Điều quan trọng là hệ thống đó thoả mãn được đòi hỏi được làm giàu và bảo vệ tài sản của giới nhà giàu và quyền thế. Khi nhóm nhà giàu và quyền thế không bị kiềm chế khả năng thao túng thì đầu tư và phát triển của một quốc gia có thể bị hạn chế vì nhóm này thường sử dụng nhiều nguồn lực để thao túng chính sách nhằm tăng và bảo vệ tài sản, vị trí xã hội và nhiều khi vẫn thất bại khi chống lại các mối đe doạ đối với tài sản của mình. 
Một nền kinh tế thị trường không có nghĩa là tăng được sự bình đẳng kinh tế và chính trị. Các thể chế chính trị mới ở các nước Đông Âu và Liên xô cũ thậm chí còn làm tăng bất bình đẳng. Hệ thống chính trị và các tổ chức lớn bị một số ít người giàu có và quyền thế thao túng để khai thác tối đa cho lợi ích của họ, với mối quan tâm rất ít đối với những người nghèo và không quyền thế. Ngay cả các cuộc cách mạng như cách mạng Cam ở Ukraine cũng không có gì đảm bảo là xây dựng được một thể chế có thể ngăn chặn được lợi ích riêng gây hại đến lợi ích chung của nhóm giàu có và quyền thế. 
Quản trị quốc gia không phủ nhận bản chất tư lợi của con người
Quay lại việc bảo vệ tài sản của nhóm tài phiệt. Mức độ tham gia cấu kết trực tiếp của nhóm tài phiệt với quan chức để tăng cường và bảo vệ của cải phụ thuộc vào liệu luật pháp và bộ máy công quyền có phân hoá và chịu ảnh hưởng cá nhân hay không, hay đã được đồng bộ và thể chế hoá. Sự can thiệp và cấu kết từ phía nhóm giàu có trở lên trực tiếp hơn nếu thể chế và các yếu tố bên ngoài không đủ khả năng bảo vệ tài sản của họ. 
Singapore là ví dụ cho thấy luật pháp mạnh được sử dụng như thế nào để đảm bảo an toàn của cải cho giới tài phiệt, đồng thời có hệ thống ngăn chặn các hoạt động thao túng, cấu kết. Nhà kinh tế Ha Joon Chang cho rằng, một số nền kinh tế Đông Á có thể sử dụng sự can thiệp của chính phủ vào kinh tế thị trường một cách có hiệu quả vì họ có các chính trị gia và quan chức không tư lợi và có năng lực. Nhưng đây là ngoại lệ do lịch sử để lại. 
Những hành động chống tham nhũng của nhà nước gần đây, và những tranh luận công khai về chủ nghĩa tư bản thân hữu trên Tạp chí Cộng sản dường như là dấu hiệu cho thấy mong muốn và nỗ lực phân chia lại của cải và quyền lực một cách công bằng hơn, đồng thời ngăn chặn sự cấu kết, thao túng của những nhóm lợi ích. 
Việc bắt giữ những người thành công trong kinh doanh gần đây không nên trở thành thông điệp nhắm đến người giàu, gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Mà cần có thông điệp rõ ràng về việc tạo môi trường cho phép làm giàu một cách lành mạnh và hợp pháp, đồng thời tài sản hợp pháp được đảm bảo. 
Để làm được điều đó, một hệ thống thể chế mạnh cần được thiết lập, bao gồm việc chấp nhận rằng tư lợi là một trong những bản chất mạnh nhất của con người và bản chất này không bị phủ nhận trong quá trình làm chính sách. Vì thế, nền kinh tế và quản trị quốc gia không được thực hiện dựa trên giả thiết rằng mọi người đều không có lợi ích riêng tư, hoặc tất cả đều hành động vì lợi ích công. 
Như vậy mới đủ nền tảng để xây dựng một hệ thống luật pháp đảm bảo quyền sở hữu tài sản và quyền làm giàu chính đáng. Một nền tảng quản trị quốc gia cho phép những người nắm quyền sống được bằng lương. Họ giữ vị trí đủ gần để hỗ trợ giới kinh doanh và phát triển kinh tế, đủ xa để không bị thao túng vì lợi ích của giới tài phiệt. 
Một thể chế như vậy mới có thể đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, giàu nội lực, lâu dài. Một thể chế như vậy mới có thể khiến Việt Nam bứt phá, và tránh đi vào ngõ cụt của sự phát triển do bị bòn rút kiệt quệ vì lợi ích cá nhân của một nhóm nhỏ giàu có và quyền lực./.
(Theo Tiasang.com.vn)

Không có nhận xét nào: