Trung Quốc thắng hợp đồng EPC: Hãy phàn nàn chính chúng ta
.
LTS: Việc Trung Quốc trúng thầu tới 90% công trình thượng nguồn ở Việt Nam như khai khoáng, luyện kim… được mổ xẻ dưới nhiều góc độ. Nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” – hãy nhìn lại mình trước khi xem xét tại sao các DN Trung Quốc lại lấn sân phía Việt Nam như vậy?.
Diễn đàn VNR500 xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Quang A, mời độc giả tham khảo và gửi ý kiến tranh luận về hotline@vnr500.vn.
Dư luận bàn nhiều về hiện tượng các công ty nhà nước Trung Quốc thắng phần lớn các hợp đồng EPC (Engineering, procurement and construction – Thiết kế, mua sắm và xây dựng), thường cũng được gọi là hợp đồng chìa khóa trao tay, tại Việt Nam. Loại hợp đồng này thường được dùng trong xây dựng các nhà máy điện và các nhà máy cũng như công trình khác.
Chủ đầu tư thường là các công ty hay cơ quan nhà nước. Nhà thầu, EPC contractor (EPC), làm mọi việc từ thiết kế, mua sắm, xây dựng lắp đặt theo một thỏa thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
EPC khá phổ biến trên thế giới, chủ đầu tư có nhiều lý do để chọn cách làm này vì: nó gọn, ít căng thẳng; dễ theo dõi và điều phối; đảm bảo chất lượng và giảm các vấn đề thực tiễn nếu làm khác đi; chủ đầu tư không bị tác động của biến động thị trường; tổng đầu tư được biết trước ngay khi khởi động dự án.
hiên, chủ đầu tư cũng có khó khăn, nhất là trong thương thảo thỏa thuận với nhà thầu và giám sát nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ đã thỏa thuận. Ngoài việc xác định mặt bằng và trao mặt bằng cho nhà thầu, chủ đầu tư phải xác định: quy mô và các đặc tả của công trình; chất lượng; thời hạn và kinh phí. Tất cả những điều đó phải được nêu chi tiết và rõ ràng trong thỏa thuận giữa chủ đầu tư và EPC.
Thỏa thuận như vậy là khá phức tạp, đòi hỏi hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực, và thường cần tư vấn chuyên nghiệp giúp trong đàm phán với nhà thầu. Cái khó nhất của chủ đầu tư là có được thỏa thuận chặt chẽ, rõ ràng, đầy đủ. Để giám sát việc thực hiện thỏa thuận nhiều khi chủ đầu tư cũng phải thuê các tổ chức chuyên nghiệp.
Người ta cũng lo ngại chủ đầu tư do ít hiểu biết và rất dễ bị nhà thầu “giăng bẫy” trong thỏa thuận khiến tiến độ kéo dài, chất lượng không đảm bảo hay có thể phát sinh thêm khá nhiều.
Lưu ý rằng ưu điểm của EPC là chủ đầu tư biết trước tổng chi phí, phát sinh không thể lớn được nếu làm đúng quy cách. Còn do thiếu hiểu biết hay “cố ý” để có các điều kiện lỏng lẻo trong thỏa thuận dẫn đến phát sinh là chuyện khác, không thể đổ cho cách làm EPC.
Nếu chủ đầu tư ngớ ngẩn đến mức để nhà thầu giăng bẫy, thì chắc chắn vấn đề bổ nhiệm cán bộ có vấn đề, hay trình độ họ kém, thì là lỗi của ông chủ của chủ đầu tư. Có thể phải sa thải người, cất nhắc người khác hay phải đào tạo lại họ. Còn nếu chủ đầu tư “đi đêm” với nhà thầu để tự giăng bẫy thì vô phương, chỉ có cách dẹp ông “chủ đầu tư” ấy đi mà thôi.
Điều kiện thầu là do chủ đầu tư đưa ra, giá chỉ là một điều kiện, tiến độ cũng do các bên thống nhất khi ký thỏa thuận. Cứ thỏa thuận mà làm, sai kỹ thuật, sai tiến độ thì phải quy trách nhiệm và phải phạt và đòi đền bù, ai để sơ suất trong ký thỏa thuận, trong giám sát phải chịu trách nhiệm (có thể bị sa thải, hay thậm chí truy tố nếu phạm tội hình sự như thông đồng, nhận đút lót hay hối lộ). Vấn đề là có muốn làm không mà thôi.
Người ta cũng lo ngại việc giám sát khó, nhà thầu chậm tiến độ hay chất lượng dự án kém, nhưng chủ đầu tư rất khó xử phạt. Đấy cũng là một sự hiểu nhầm, vì ưu điểm của EPC chính là ở chỗ đó. Vấn đề là thỏa thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu thế nào. Nếu làm chặt chẽ và đúng thông lệ, có thỏa thuận rõ ràng và có thể thuê tư vấn giám sát, thì những lo ngại như vậy không có cơ sở. Việc thanh toán, xử phạt cũng thế.
Lý do các nhà thầu Trung Quốc thường thắng thầu EPC được người ta viện dẫn là giá rẻ. Như đã nói, giá chỉ là một điều kiện, và việc này chỉ được xét khi tất cả các điều kiện khác đã được thỏa mãn. Ham giá rẻ, để có các kẽ hở cho chất lượng thấp, chậm tiến độ, phát sinh nhiều… là lỗi hoàn toàn của chủ đầu tư.
Rồi người ta lại có thể viện đến chuyện các ngân hàng (hay chính phủ) Trung Quốc cho vay tiền nên đành phải chấp nhận các điều kiện của họ.
Lưu ý rằng, cần phân biệt hai loại.
Loại công trình do Trung Quốc đầu tư (dưới dạng FDI) như nhà máy điện Vĩnh Hưng ở Bình Thuận, với vốn ban đầu 1,75 tỷ USD, mà Chính phủ nước này vừa phê duyệt cho công ty lưới điện phía nam Trung Quốc triển khai, loại tiền vay này không liên quan gì đến Việt Nam cả.
Các khoản vay, nếu có, mà chúng ta thực sự quan tâm là cho các nhà máy điện Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Hải Phòng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Vũng Áng, Kiên Lương..v..v.., nơi các nhà thầu là các công ty xây dựng Trung Quốc và chủ đầu tư là các công ty Việt Nam. Tổng tiền vay có thể lên đến nhiều tỷ USD.
Nếu các khoản vay này được chính phủ Việt Nam bảo lãnh, thì phải tính vào nợ chính phủ và cũng nên công khai như bất cứ khoản nợ chính phủ nào khác. Trong các trường hợp này mối lo là có thực.
Thứ nhất, người cho vay luôn có các điều kiện. Nhưng người đi vay cũng có quyền của mình: quyền không vay. Cũng lưu ý rằng hợp đồng vay và thỏa thuận với nhà thầu là 2 hợp đồng khác nhau, tuy có thể có ràng buộc với nhau.
Nếu hợp đồng vay và thỏa thuận EPC chặt chẽ, rõ ràng, rạch ròi, thì cũng chẳng có mấy để ngại. Còn nếu để sơ hở do ngu dốt thì phải chịu và lỗi là chủ của chủ đầu tư, còn nếu do “cố ý” thì hết cách ngoài việc dẹp những người “cố ý” ấy đi.
Thứ hai, việc vay Trung Quốc và việc các công ty Trung Quốc thắng thầu EPC, nếu làm đúng, chẳng hề là vấn đề. Tuy vậy, để cho các công ty của một nước (Trung Quốc trong trường hợp này) thắng quá nhiều gói thầu EPC có thể gây lo ngại về nhiều mặt.
Có thể có vấn đề như đã và đang xảy ra: chậm tiến độ, chèn ép các công ty nội địa, chất lượng không đảm bảo. Hàng loạt các công trình trọng điểm nếu rơi vào tình trạng như vậy, thì vô cùng rủi ro, thậm chí nguy hiểm đến an ninh kinh tế và an ninh quốc gia.
Nếu rải ra cho nhiều nhà thầu thuộc các quốc gia khác nhau, có trình độ công nghệ cao thấp khác nhau, thì rủi ro được san sẻ và nguy cơ bị rủi ro cao giảm xuống đáng kể.
Cách làm EPC là cách làm thông dụng, chẳng có gì đáng phàn nàn. Có lẽ cái đáng phàn nàn là ở chính chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét