Translate

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

Thăng & Thưởng

Chia tay anh Thưởng ngậm ngùi
Anh Thăng hớn hở như hùm về non
Bắc Nam thống nhất sắt son
Sắp quân như thế...Rế. Son Đố, Mì

Kết quả hình ảnh cho ông đinh la thăng

“Anh Thưởng tưởng được Thăng, nào ngờ anh Thăng được Thưởng”. He he,,,
Chuyến bay bằng máy bay xịn Airbus A350 số hiệu VN227 của hãng hàng không quốc gia Việt Nam, với những cơ trưởng, cơ phó được chọn lọc kỹ, hạng siêu đẳng (cơ trưởng Nguyễn Nam Chi có hơn 11.300 giờ bay, cơ phó Nguyễn Hồng Hà gần 2.000 giờ bay) nhưng nửa tiếng sau khi cất cánh, bị trục trặc kỹ thuật phải vòng về nơi xuất phát - sân bay Nội Bài. Tuy nhiên, những vị khách đặc biệt, được coi là trong top 20 của xứ này, trong đó có ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, vẫn đến nơi cần đến - sân bay Tân Sơn Nhất, tất nhiên là bằng chuyến bay khác, dù chậm trễ hơn so với kế hoạch.
Có lẽ đó là kỷ niệm đầu tiên đáng nhớ, không được vui lắm của ông Thăng trên cương vị Bí thư Thành ủy TP.HCM, kể từ chiều nay 5.2.
Tôi cho rằng, đã lâu lắm, và cũng rất hiếm hoi, mới thấy lại sự thận trọng kỹ lưỡng, một quyết định khá đúng đắn của đảng cầm quyền về công tác nhân sự, công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy của họ. Việc chọn ông Đinh La Thăng cầm đầu đảng bộ CS ở TP.HCM chứ không phải ông Võ Văn Thưởng, được xem là chính xác.
Sau đại hội đảng 12, khi danh sách ủy viên Bộ Chính trị có tên ông Võ Văn Thưởng, hầu như đại đa số những người quan tâm đến thời cuộc, đời sống chính trị xứ này đều cho rằng chiếc ghế Bí thư thành phố đông dân nhất nước, quan trọng nhất nước, đầu tàu kinh tế của cả nước, chắc chắn phải thuộc về ông Thưởng. Thậm chí trang bách khoa toàn thư mở Wikipedia còn nhanh nhảu đưa ngay tên ông Thưởng vào danh sách các đời Bí thư Thành ủy TP.HCM. Nghĩ thế nào là quyền của dư luận, từ quán trà đá vỉa hè tới salon các đại gia quyền tiền, trí thức trí ngủ. Nhưng có một người khi ấy khăng khăng với tôi rằng “ai chứ cu Thưởng không thể làm trùm thành phố này được. Chưa đủ tầm, còn non lắm. Nên nhớ Sài Gòn không phải chỉ là Sài Gòn, nó còn là vùng miền, là một dạng bang chứ không đơn giản một thành phố. Đứng đầu nó phải là nhân vật tầm cỡ quốc gia, chứ cỡ thành phố thì thua. Đó chưa kể cu Thưởng chỉ là anh thư sinh làu kinh sử Mác-Lê chứ không phải loại thư sinh xuất chúng, tài kinh bang tế thế, văn võ song toàn, mưu lược có một không hai như Lục Tốn thời Đông Ngô. Chỗ ấy, ghế ấy không phải của Thưởng”, lão Maddox láng giềng nhà tôi bảo vậy. Lão ấy nói thế, vậy sao bây giờ tôi mới kể, bởi thực ra mấy hôm rồi chính tôi cũng tin chả còn Thưởng thì ai vào đây nữa, tôi cũng non dại, vội vàng tin như cái nhà anh Wikipedia ấy.
Mà đúng thật, tôi ở Sài Gòn đến nay đã xấp xỉ 40 năm, từ cái thời anh Thưởng còn cởi truồng dưới quê, nên tôi biết lắm. Sài Gòn là đất năng động, ít chịu tự trói mình, bó buộc vào khuôn khổ. Sài Gòn phải hành động, phải thiết thực, lấy cái hiệu quả làm thước đo, làm chuẩn đánh giá, chứ không phải lý thuyết, lời hay ý đẹp. Người cầm đầu Sài Gòn phải là người hành động. Cái chân cái tay là chính, mồm miệng dẹp sang một bên. Võ Văn Thưởng dù học ở Sài Gòn, trưởng thành từ Sài Gòn, nhưng đương sự mang cái chất của một anh học trò cả đời bám vào lý luận, vào sự giáo điều. Đi lên từ cán bộ đoàn (nhiều người trong chúng ta đều hiểu đoàn nó là cái thứ gì rồi, tôi chả cần giải thích), bằng cấp cũng lại thạc sĩ triết học Mác-Lênin, chưa có những gì thật nổi trội trong hành vi cai trị, kể cả khi làm bí thư thứ nhất Trung ương đoàn, vậy thì làm sao cõng nổi việc đời ở thành phố này. Thưởng đi là phải. Chiều nay Thưởng bảo “tôi lại phải lần nữa chia tay TP.HCM”, theo tôi, thế là may, chả có gì phải bịn rịn, tiếc rẻ.
Sẽ có ai đó bảo Đinh La Thăng hơn gì Thưởng, thậm chí Thăng cũng từng là cán bộ đoàn. Ông bạn tôi ở báo Tiền Phong từng chơi với Thăng khi Thăng trong vai anh cán bộ đoàn trên công trình thủy điện sông Đà. Y bảo, nó cán bộ đoàn nhưng năng nổ, giỏi giang, được việc, chứ chả phải như mấy đám phường trò chỉ biết múa hát, phong trào, bày trò này trò nọ, đốt lửa trại cho vui. Mà Thăng kể từ khi làm thượng thư giao thông đã chứng minh được típ người hành động, làm nhiều hơn nói, mà đã nói thì chém to kho mặn, băm bổ đến nơi đến chốn. Típ người Thăng rất hợp với đất Sài Gòn. Lần này, Bộ Chính trị đã khá tỉnh táo, không ai dám bảo ông trọng bị lú trong việc này. Bổ Thăng về Sài Gòn, kéo Thưởng ra làm tuyên giáo, đều chính xác. Dụng nhân như dụng mộc. Không biết dùng thì gỗ tứ thiết cũng chỉ làm củi thôi.
Giờ thì mong sao ông Thăng vốn có võ, lại như cái cây hợp thổ nhưỡng, cứ thế mà tung hoành, tấn tới. Việc có lợi cho dân cho nước là làm. Người tiền nhiệm của ông, là ông Lê Thanh Hải, nói cho công bằng, thời gian qua mặc dù còn điều này tiếng nọ, nhưng chất TNXP khá rõ, tạo được dấu ấn đáng kể cho Sài Gòn cũng như cái “bang” mà nó là hạt nhân. Ông Hải cũng là con người hành động, không phải dạng lãnh đạo xuất thân từ cán bộ đoàn. Tôi nghĩ, sẽ đến lúc nào đấy, dù đảng vẫn coi đoàn là cánh tay đắc lực, là đội hậu bị đáng tin cậy, nhưng bộ máy chính quyền các địa phương, thậm chí cả trung ương, sẽ không mặn mà với cán bộ đoàn nữa, bởi hầu hết những vị đi bằng đường này đều dạng vô thưởng vô phạt, có cũng được, không có cũng chả sao. Tôi tin là vậy.
Ông Thăng hôm nay chính thức trở thành công dân TP.HCM. Tôi kể cho ông nghe chuyện này nhé, để biết tính cách người Sài Gòn. Chiều nay tôi ra phố chạy lòng vòng, có chút việc, và cũng để ngắm không khí tết. Phố Sài Gòn cũng có cờ đỏ, băng rôn, nhưng không đỏ ối, chói mắt, màu mè như Hà Nội. Người Sài Gòn, lẽ dĩ nhiên gồm cả nhà cai trị, không mặn mà, không thích gốc cây, cột điện nào cũng phải lòe sắc đỏ. Tuy nhiên, họ biết làm những điều thực đơn giản mà thiết thực. Tôi thấy có những nhóm không đi treo cờ, mà đem máy móc, dụng cụ phun rửa, kỳ cọ cẩn thận từng trụ xi măng, từng hàng rào phân cách làn xe trên đường… cho sạch bụi, sạch vết bẩn để thành phố sạch sẽ, phong quang đón tết. Trên đại lộ Võ Văn Kiệt, việc lau chùi rửa hàng mấy chục cây số dải phân cách, thật là chuyện lạ, nhưng không lạ với người Sài Gòn.
Họ như vậy đấy, ông Thăng ạ
.
Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào: