Translate

Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Hải quân sẽ gia tăng va chạm.

 Có thể đoán trước việc TQ gia tăng sự chạm trán hải quân, không quân bằng máy bay và tàu quân sự trong tương lai.
LTS: Vừa qua việc TQ đưa tên lửa đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam được đánh giá là bước leo thang quân sự hoá mạnh mẽ, làm dấy lên quan ngại gia tăng bất ổn tại khu vực.
Liệu TQ sẽ còn những hành động gì tiếp theo và xa hơn là một vài thập kỷ tới. Loạt bài phỏng vấn các học giả quốc tế do Tuần Việt Nam tổ chức cố gắng đưa ra những phân tích, dự báo xung quanh vấn đề này.
Bàn cờ Biển Đông – bài 3: Trung Quốc không có “bạn tốt”
Không chỉ có các “nước cờ” cứng rắn về quân sự, lắt léo về pháp lý, Trung Quốc (TQ) đang ra sức phát triển các sáng kiến về kinh tế tại châu Á nhằm tạo ra sức ảnh hưởng trên mặt trận ngoại giao để hậu thuẫn cho yêu sách tại Biển Đông. Bà Bonnie Glaser, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington cho rằng Bắc Kinh hi vọng các nước láng giềng “trở thành bạn tốt” của TQ, từ đó không thách thức yêu sách của nước này. GS. J. Mohan Malik, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương (Mỹ) cho rằng Bắc Kinh muốn các nước láng giềng hiểu rằng đây là lúc họ nên bắt đầu nhìn về phía TQ chứ không phải nhìn về phía Mỹ.
TQ không có ý định nhượng bộ
Những động thái bồi đắp đảo trái phép từ 2013 diễn ra mạnh chưa từng thấy ở quần đảo Trường Sa. Gần đây Bắc Kinh bị phát hiện xây dựng căn cứ trực thăng tại Hoàng Sa bất chấp sự cảnh báo căng thẳng leo thang. Các dự báo đến 2030 cho thấy TQ quyết liệt theo đuổi chiến lược bá quyền trên biển bất chấp luật pháp quốc tế. Phải chăng Biển Đông đã nóng đến mức không có một giải pháp khả dĩ về ngoại giao trong thời gian tới?  
Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa, Con đường tơ lụa mới, AIIBn Malik. Ảnh: APCSS
GS. J. Mohan Malik: Đến năm 2025, TQ sẽ xây dựng từ 5-7 căn cứ hải quân và không quân trên các đảo nhân tạo. Ngoài ra, sự tăng tốc phát triển tàu sân bay, hạm đội tàu ngầm, tên lửa cũng như radar, vệ tinh, thiết bị chống trực thăng, sân bay và bến tàu trên các đảo nhân tạo còn giúp hải quân TQ gia tăng thêm sức mạnh để hiện diện trên toàn Biển Đông. Đến năm 2025, dự báo hải quân TQ có thể sẽ ngăn chặn Mỹ hoạt động trong “chuỗi đảo thứ nhất” (từ Okinawa, Đài Loan và Philippines), và chống lại một cách hữu hiệu các đối thủ trong khu vực như Nhật Bản và Ấn Độ.
Trong một bài viết mới đây trên Global Risk Insights tôi có nhận định bất chấp kinh tế TQ đang suy thoái, dường như khó ai có thể kiềm chế Bắc Kinh. Nước này cũng không có ý định dung hòa lợi ích với các nước khác trong năm 2016. TQ sẽ không chịu lùi bước về các yêu sách của họ tại Biển Đông hay biển Hoa Đông.      
Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa, Con đường tơ lụa mới, AIIB
Bà Bonnie Glaser. Ảnh: Cctv-america.com
Bà Bonnie Glaser: Tôi cho rằng sự quyết đoán và phát triển năng lực quân sự của TQ trong thời gian qua cho thấy nước này không có ý định dừng lại hay nhượng bộ. Và dường như cho đến hiện nay không có một giải pháp nào về mặt ngoại giao có thể đạt được để thỏa mãn tất cả các bên.
Ngoại giao cơ sở hạ tầng để tìm “bạn tốt”
Năm 2012 ASEAN đã thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận về Biển Đông tại Campuchia. Đến năm 2015, TQ “vận đồng hành lang” một số nước ASEAN tại Hội nghị Quốc phòng ở Malaysia, khiến tuyên bố chung về Biển Đông của ASEAN một lần nữa bất thành. Mới đây nhất là “Con đường Tơ lụa kiểu mới” và sáng kiến Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) trở thành những công cụ và diễn đàn ngoại giao chủ lực của TQ. Ông bà đánh giá như thế nào về chiến lược ngoại giao của Bắc Kinh?
Bà Bonnie Glaser: Đòn bẩy mạnh nhất của TQ đối với các nước láng giềng chính là sức mạnh kinh tế của một nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. Sáng kiến “Một vành đai, Một con dường” và AIIB là cách để TQ có thể cung cấp những ưu đãi cho các nước khác. Bắc Kinh hi vọng các quốc gia láng giềng nhỏ hơn có thể thấy được lợi ích khi “trở thành bạn tốt” của TQ, từ đó không đe dọa hay thách thức những lợi ích mà TQ đang cố gắng đạt được ở Biển Đông.
GS. J. Mohan Malik: Dù chương trình thảo luận tại các hội nghị cấp cao giữa các nước diễn ra có vẻ tốt đẹp, tuy nhiên có thể đoán trước việc TQ gia tăng sự chạm trán hải quân, không quân bằng máy bay và tàu quân sự trong tương lai. Đó là động thái được TQ tính toán trước nhằm chuyển đi thông điệp Thái Bình Dương không còn được xem là “vùng kiểm soát của Mỹ” như trước đây. Thông điệp này của Bắc Kinh không chỉ nhắm vào Mỹ mà còn các nước khác như Việt Nam, Malaysia, Philippines và thậm chí là cả Nhật Bản, Ấn Độ.
Các nhà chiến lược TQ cho rằng sự trỗi dậy của Bắc Kinh sẽ vấp phải một số kháng cự, nhưng họ vẫn tin rằng sự chống đối nào rồi cũng sẽ được giảng hòa. TQ muốn thuyết phục các nước láng giềng rằng cán cân quyền lực đã dịch chuyển về phía Bắc Kinh, và lợi ích lâu dài của các nước gắn liền với việc tăng giảm thỏa thuận song phương với TQ. Bắc Kinh muốn các nước hiểu rằng đây là lúc châu Á bắt đầu nhìn về phía TQ để có an ninh và thịnh vượng, chứ không phải nhìn về phía bên kia đại dương để tìm đến Mỹ.
Trong khi TQ không chấp nhận sự can dự của Mỹ về vấn đề Biển Đông, yêu cầu các bên liên quan đàm phán song phương, thì nhiều nước lại ủng hộ sự hiện diện của Mỹ và yêu cầu đàm phán đa phương thông qua ASEAN. TQ sẽ làm gì trên mặt trận ngoại giao để giữ ưu thế tại khu vực?
Bà Bonnie Glaser: Tôi cho rằng TQ sẽ tiếp tục “hứa hẹn” rằng nước này sẽ cùng các bên liên quan hướng đến xây dựng và hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đồng thời lại tìm cách “đổ lỗi” cho các nước khác trong cuộc đã làm cho việc đàm phán COC bị đình trệ và không có tiến triển. Những chia rẽ hay bất đồng nội bộ của ASEAN cũng đồng nghĩa với việc TQ không thật sự phải tích cực trong các hoạt động ngoại giao.
GS. J. Mohan Malik: Từng bước một, chậm nhưng chắc, TQ đang nỗ lực tìm cách làm lu mờ các yếu tố về an ninh và tài chính trong trật tự thế giới do Mỹ thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. “Một vành đai, Một con đường” của TQ đang tìm cách giúp đảm bảo lợi ích của TQ không chỉ ở lục địa mà còn cả trên biển thông qua việc thống trị “vùng đất trung tâm” Á-Âu, khai thác nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế và hải quân. TQ muốn thiết lập một hệ thống “trục nan hoa kinh tế” ở lục địa châu Á. Như một nhà phân tích người TQ nhận định “Con đường Tơ lụa trên biển không chỉ là một kế hoạch phát triển kinh tế mà còn là một giải pháp chiến lược nhằm phá vỡ sự kiểm soát của Mỹ tại eo biển Malacca”.
Không ai muốn bị TQ thống trị
Một số ý kiến cho rằng chính sách của Mỹ không bắt kịp hành động quyết liệt của TQ, khiến gia tăng lo lắng tại khu vực ngay cả sau khi Mỹ tiến hành tuần tra Biển Đông, thậm chí quanh đảo nhân tạo TQ xây dựng trái phép. Liệu Mỹ sẽ “cân bằng châu Á” quyết liệt và mạnh mẽ hơn để răn đe TQ? và các đồng minh của Mỹ cũng như các quốc gia khác trong khu vực sẽ phản ứng ra sao?   
Bà Bonnie Glaser: Tôi cho rằng Mỹ không thể một mình giải quyết vấn đề TQ tại khu vực. Chính quyền Obama đã chỉ trích hành động của TQ tại Biển Đông ở mức cao nhất. Biển Đông đã là một vấn đề ưu tiên trong quan hệ Mỹ - Trung. Các tàu hải quân của Mỹ đã hoạt động hơn 700 ngày tàu (ship days) tại Biển Đông năm ngoái. Tôi cũng mong có nhiều hơn các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOPs) gần các đảo bị TQ chiếm đóng, nhưng bản thân hoạt động này vẫn không thay đổi được cách ứng xử của TQ. Chính ASEAN và đặc biệt là các quốc gia khác có yêu sách chủ quyền phải sẵn sàng đứng lên đối diện với TQ, ví dụ như việc Philippines đã tiến hành kiện TQ ra tòa án Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).
GS. J. Mohan Malik: Dù TQ tuyên bố “các bên cùng có lợi” cũng như hứa hẹn các khoản viện trợ vô điều kiện thì quốc gia nào nhận “sự hào phóng” của TQ cũng biết rằng không có thứ gì là cho không cả. Các nước châu Á dù muốn nhận lợi ích từ quan hệ kinh tế với TQ, nhưng không ai muốn bị TQ thống trị hay gây ảnh hưởng lên chính sách. Họ càng không để mất chủ quyền dù bất cứ giá nào.
Nhật Bản, Úc, Ấn Độ sẽ bắt tay chặt hơn và cùng với Mỹ đối trọng TQ. Các nước này cùng tăng cường hoạt động ngoại giao, hợp tác với các nước nhỏ hơn trong khu vực vốn đang ngày càng lo ngại một TQ liên tục có những hành động quyết liệt tại biển các vùng tranh chấp. Họ sẽ hợp tác để thúc đẩy và bảo vệ một trật tự lấy luật lệ làm trung tâm, trong đó các nước lớn nhỏ đều bình đẳng.

Đỗ Thiện (thực hiện)

Không có nhận xét nào: