LĐO - Đừng có nói “anh đánh máy” tự ý. Cũng đừng có bảo “không để ý”.
Năm 2012, Ban Bí thư có một văn bản mà sau đó dân tình vỗ tay ầm ầm.
Văn bản ấy viết: “Tại Hội nghị toàn quốc công tác văn phòng tỉnh ủy, thành ủy, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã yêu cầu: khi các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm và làm việc với địa phương, đơn vị, không được treo khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng …” ở ngoài và trong nơi làm việc của lãnh đạo với địa phương, đơn vị. Việc này cần phải được thực hiện thống nhất và thực hiện ngay trong toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhất là trong dịp trước, trong và sau tết Nhâm Thìn 2012, một số tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị khi đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm, làm việc vẫn treo khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí …” hoặc “Chào mừng đồng chí …”.
Theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Văn phòng Trung ương Đảng đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo chặt chẽ để thực hiện nghiêm chỉnh các quy định nói trên”.
Dân vỗ tay là phải quá rồi!
Nhiệt liệt chào mừng đã trở thành một thứ tệ, một căn bệnh phô trương, hình thức, một thứ “văn hóa” thích pha đường và thích uống nước đường của không ít cán bộ đảng viên!
Tôi nhớ lại chỉ thị này khi hôm qua, báo chí và mạng xã hội tràn ngập hình ảnh tấm phông từ một "đêm giao lưu chúc mừng" đồng chí Phó Giám đốc sở được tái bổ nhiệm.
Cái sở của đồng chí PGĐ đó là Sở Nông nghiệp, ở một tỉnh năm 2015 phải ngửa tay xin TƯ xuất cấp hơn 5.400 tấn gạo cứu đói. Và ngay trước Tết Bính Thân 2016, cũng vừa tiếp tục ngửa tay xin 3.600 tấn gạo cứu đói nữa.
Tất nhiên, sau đó là những lời thanh minh thanh nga, là chuyện khẳng định “không dùng tiền NSNN”, là lỗi của một “anh đánh máy”, cụ thể lần này là “nhân viên nhà khách”. Có thêm chi tiết mới, khá hay ho: Lỗi là tại cái phông. (Bà Giám đốc Nhà khách giải thích: Cái sai của nhân viên nhà khách là tự in phông chữ hoành tráng, không đúng. Chỉ nghĩ, in tên lãnh đạo, chức vụ, cơ quan họ như vậy là để "nâng tầm nhà khách" lên, không ngờ lại rước họa vào thân”.
Và thậm chí cả những câu hỏi vu vơ: vị PGĐ nọ bị chơi khăm “Hoành tráng rồi hành tá tràng luôn”!
Có lẽ, chỉ còn thiếu mỗi lý do đồng chí PGĐ không biết đọc tiếng Việt!
Nhưng dư luận không nhầm và vị PGĐ nọ cũng không oan.
Nếu ông thực sự khiêm cung khi nghĩ đến công việc, nghĩ đến các vị thế của mình, cũng như nghĩ đến phản ứng của dân thì ai có thể bắt ông bước lên trên cái sân khấu quá showbiz kia?
Nền văn hóa nhiệt liệt, từ sau chỉ thị của Ban Bí thư, đã phần nào được hạn chế. Nhưng những khoe mẽ, làm sang từ căn bệnh khoa trương, hình thức có lẽ còn lâu mới dẹp bỏ được nếu vẫn còn những cấp trên thích nước đường và những cấp dưới thích pha đường! Còn lâu mới có thể xóa bỏ nếu vẫn còn chuyện cán bộ “xuống” cơ cở, “xuống” dân!
Đừng có nói “anh đánh máy” tự ý. Cũng đừng có bảo “không để ý”. Cái đó nó chuối lắm.
Đấy, như hôm qua, lại vừa xuất hiện một tấm băng rôn “Chương trình lãnh đạo thành phố gặp gỡ thiếu nhi năm 2016”. Ai sẽ là người đọc và “uống nước đường” với những cái khẩu hiệu ấy nếu không phải chỉ là các đồng chí lãnh đạo Thành phố?!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét