CulangCat
Chiến thuật xám trên Biển Đông của Trung Quốc nhằm biến những bờ cát thành tiền đồn
+Biển Đông chưa bao giờ ngừng sóng kể từ khi Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Và trong những năm gần đây, các đợt sóng mới không chỉ đến từ tàu chiến hay tuyên bố chủ quyền, mà còn từ những hành động khó định danh; dọn cát, dựng nhà nổi, cắm cờ, “dọn rác”. Người ta gọi đó là chiến thuật vùng xám, thứ chiến tranh không tiếng súng, nhưng từng ngày làm dịch chuyển ranh giới chủ quyền.
+Sự kiện Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) mới đây đổ bộ lên Sandy Cay, một bờ cát nhỏ gần đảo Thị Tứ (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) không phải là hành động lẻ tẻ. Nó là một mắt xích trong chuỗi vận hành của chiến thuật này.
+Chiến thuật xám không mới. Nhưng ở Biển Đông, Trung Quốc vận dụng nó một cách bài bản, sử dụng lực lượng bán quân sự như dân quân biển, Cảnh sát biển, dưới vỏ bọc thực thi pháp luật hoặc dân sự để áp đặt sự kiểm soát thực tế. Mục tiêu là tạo ra các “sự đã rồi”, mà không kích hoạt một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn.
+Bằng cách kiểm soát một bãi cạn, một cồn cát, họ không chỉ xác lập thực địa, mà còn mở rộng cái gọi là “vùng biển lịch sử”, thứ khái niệm mơ hồ bị tòa án quốc tế bác bỏ năm 2016. Một bờ cát nhỏ như Sandy Cay, nếu để mặc, sẽ trở thành điểm tựa để vẽ thêm vùng chủ quyền chồng lấn, gây khó cho bất kỳ giải pháp hòa bình nào trong tương lai.
+Trong chiến thuật này, hành động luôn đi trước pháp lý. Bằng việc dọn rác, cắm cờ, quay phim “thu thập chứng cứ”, CCG biến sự hiện diện thành bằng chứng "sử dụng thực tế", một yếu tố mà trong tranh chấp chủ quyền, các bên đôi khi bị buộc phải thừa nhận như một thực tế bất thành văn.
+Đặc biệt, việc Trung Quốc cố tình chọn thời điểm Việt Nam chuẩn bị cho các sự kiện lớn như kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, cho thấy sự tính toán. Đó là cách kiểm tra khả năng phản ứng, bào mòn sự chú ý quốc tế, và dần định hình lại "cục diện thực tế" trên biển.
+Về phía Việt Nam, thái độ kiên trì tuyên bố chủ quyền theo luật pháp quốc tế là nguyên tắc đúng đắn. Nhưng đối mặt với chiến thuật xám, chỉ tuyên bố là không đủ. Các quốc gia ven Biển Đông đang bị đẩy vào thế buộc phải gia tăng hiện diện thực địa, bảo vệ thực tế kiểm soát, và duy trì khả năng giám sát liên tục trên các thực thể nhỏ nhất.
+Philippines đang làm điều đó bằng các chuyến tiếp tế đảo Thị Tứ, bằng việc công khai va chạm. Việt Nam chọn cách điềm tĩnh hơn. Nhưng sự điềm tĩnh ấy càn chắc chắn thực địa.
+Sandy Cay dù chỉ là một bãi cát nhưng nó là bài học. Mất một bờ cát hôm nay có thể là mất một vùng nước ngày mai. Và mất một vùng nước ngày mai, có thể là mất thế trận Biển Đông trong một thế kỷ tới.
+Chiến thuật vùng xám thành công khi đối phương mệt mỏi, mất kiên nhẫn, hoặc chủ quan trước những chi tiết nhỏ nhất. Nhưng lịch sử cho thấy, những quốc gia kiên trì bảo vệ từng tất đất, từng bờ nước của mình, mới có thể giữ được chủ quyền vững bền trước những biến động lớn.
+Với thế giới này, luật lệ đang bị thách thức bằng thực lực, Việt Nam không chỉ cần những tuyên bố sắc sảo, mà còn cần một chiến lược dài hơi vừa khôn ngoan dựa vào luật pháp quốc tế, vừa chủ động tăng cường hiện diện thực địa, vừa xây dựng những mạng lưới đồng minh khu vực và quốc tế đủ để ngăn chặn những bước tiến âm thầm nhưng nguy hiểm như Sandy Cay.
+Chiến thuật xám là cuộc chơi dài. Và những ai kiên trì trong những ngày mệt mỏi nhất, mới là những người thắng cuộc sau cùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét