Translate

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2023

CỘNG ĐỒNG CHUNG VẬN MỆNH VỚI AI PHẢI LÀ LỰA CHỌN CỦA DÂN !

Lưu Trọng Văn 
Tương lai, vận mệnh lâu dài của Dân tộc không thể chỉ được quyết định bởi một đảng cầm quyền cho dù đảng cầm quyền đó được đa số người Dân ủng hộ, hoặc cá nhân nào hết cho dù cá nhân đó là lãnh tụ được người Dân tôn vinh.

Đó là Quy luật đương nhiên của Lịch sử của bất cứ quốc gia nào.
CỘNG ĐỒNG CHUNG VẬN MỆNH VỚI AI PHẢI LÀ LỰA CHỌN CỦA DÂN.
Ngày 12.12 ông Tập Cận Bình qua Hà Nội với sứ mệnh được các cơ quan truyền thông Trung Quốc và Việt Nam gọi là “Nâng cấp quan hệ đối tác.”
Nghe nói, phía Trung Quốc muốn gọi quan hệ được nâng cấp trên cả “Đối tác Chiến lược Toàn diện” hiện nay là “Cộng đồng chung vận mệnh.”
Rất nhiều người không hiểu được “Cộng đồng chung vận mệnh” thực chất là gì? Và nó hơn quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện”thế nào?
Thậm chí, giáo sư Trần Ngọc Vương một người am hiểu Trung Quốc và lịch sử quan hệ Việt Nam -@Trung Quốc cũng đặt câu hỏi: Cộng đồng chung vận mệnh là gì?
Xin khẳng định, hơn bao giờ hết người Dân Việt Nam khát vọng có một Dân tộc Trung Hoa là láng giềng thân thiện. Hơn bao giờ hết người Dân Việt Nam mong muốn tình cảm hữu nghị, minh bạch, chân thành, tử tế với người Dân Trung Quốc.
Nhưng tất cả không bởi các lời nói, ước muốn mà bằng hành động. Sự thật nhiều năm qua cũng như suốt chiều dài lịch sử, người Việt Nam luôn cảm nhận sự bất an, xáo trộnniềm tin trước hành động bá quyền của các triều đại trong quá khứ cũng như hiện nay của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Chính vì vậy nhiều người không khỏi lo ngại, e dè khi chưa thể biết cái cụm từ “Cộng đồng chung vận mệnh” là thế nào?
Nó có được áp vào để thể hiện việc nâng cấp quan hệ Trung- Việt trong cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Nguyễn Phú Trọng hay không? Và, ông Nguyễn Phú Trọng có quyết định ghi tên mình vào lịch sử khi chấp nhận cụm từ đó, nếu có, hay không?
Nhưng, theo suy đoán thực tế mối quan hệ Việt - Trung với rào cản khó gỡ là an ninh Biển Đông cùng tham vọng “Đường lưỡi chó” mà Trung Quốc tự coi là “giá trị cốt lõi của Trung Quốc”, đồng thời với chiến lược 4 không minh bạch của quốc phòng Việt Nam, kiểu quan hệ gì thì quan hệ Trung Quốc- Việt Nam không thể là đồng minh hoặc liên minh được.
Nên, khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh”không thể hiểu là đồng minh hay liên minh.
Vậy thì cụm từ “Cộng đồng chung vận mệnh”nếu xuất hiện sẽ được hiểu thế nào?
Phải chăng, có khả năng “Cộng đồng”chỉ là một khái niệm lỏng, còn “vận mệnh” cũng chỉ là một khái niệm lỏng khi không đi kèm với các chỉ dẫn rành mạch về chính trị, thể chế, an ninh…như một thứ Hiệp ước?
Một phiên bản của “Cộng đồng”đã có đó là “Cộng đồng các quốc gia độc lập” với tên gọi SNG, ra đời vớt vát khi Liên bang Xô viết tan rã. Tuy mang tên “cộng đồng”có cùng chung vận mệnh an ninh, kinh tế, chính trị, văn hoá nhưng thực chất vẫn rất lỏng lẻo trên nền tảng cò cưa níu kéo nhau giữa các nước từng chung một liên bang. Thực tế, sau đó nhiều thành viên của “Cộng đồng”thành kẻ thù của nhau, chém giết nhau.
Một mô hình na ná “Cộng đồng”đó là “Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)”. Đây là một tổ chức an ninh chung liên chính phủ được thành lập năm 2001 gồm các quốc gia thành viên là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.
Vậy thì “Cộng đồng chung vận mệnh”nếu có giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ na ná mô hình đã có nào? Hay sẽ là một mô hình chưa từng có để thể hiện một mối quan hệ chưa từng có?
Nếu nó là mô hình chưa từng có trong quan hệ giữa đảng cộng sản Việt Nam và đảng cộng sản Trung Quốc dù khắng khít mức cao nào, thì đó chỉ là sứ mệnh riêng của hai đảng. Nhưng, một khi nó là mối quan hệ có tính ràng buộc có tính “Hiệp ước “về tương lai giữa hai đất nước, hai dân tộc nếu hiểu đúng nghĩa vận mệnh- số mệnh- kiếp mệnh lâu dài, thì tính pháp lý của nó chỉ có thể có được qua bỏ phiếu của quốc hội (nếu quốc hội đó thực sự do Dân lựa chọn dân chủ bầu ra), hoặc qua Trưng cầu Dân ý.
Tương lai, vận mệnh lâu dài của Dân tộc không thể chỉ được quyết định bởi một đảng cầm quyền cho dù đảng cầm quyền đó được đa số người Dân ủng hộ, hoặc cá nhân nào hết cho dù cá nhân đó là lãnh tụ được người Dân tôn vinh.
Đó là Quy luật đương nhiên của Lịch sử của bất cứ quốc gia nào.
LTV.

2 nhận xét:

Đi tìm sự thật nói...

TẬP HỨA GÌ?
Ký kết 36 văn bản hợp tác Tập vẽ ra viễn ảnh về "Cộng đồng chung vận mệnh, tương lai của nhân loại".
Tập nói các nước ĐNÁ sẽ hưởng lợi từ TQ để gia tăng mức GDP. Cộng đồng sẽ là một khối kinh tế, chia sẻ chung nền an ninh khu vực có dân số ngót 2 tỷ người (Gồm TQ và 8 nước: Thái, VN, Brunei, Mã Lai, Indo, Miến, Lào, Campuchia).

Tập hứa: TQ sẽ đầu tư mạnh vào ĐNÁ, kiến tạo các lãnh vực kỹ nghệ, sản xuất. Các nước trong cộng đồng cùng chia sẻ nguồn lợi, tài nguyên, TQ bảo đảm sự an ninh ổn định.
Singapore và Phillipines đã lắc đầu từ chối. Dù Singapore là trung tâm thương mại và tài chính, dù Phillipines có nền kinh tế tăng trưởng GDP trì trệ nhưng hai nước nói trên không tin vào thiện chí và khả năng của TQ.
Mục tiêu của "Cộng đồng chung vận mệnh" của Bắc Kinh là gì?
Thứ Nhất TQ muốn loại dần ảnh hưởng Úc, Nhật ra khỏi vùng ĐNÁ. Thứ nhì TQ mở rộng lãnh thổ bằng kinh tế. Thứ ba đẩy mạnh giao dịch bằng Nhân dân tệ. Cuối cùng, hóa giải sự chống đối đường lưỡi bò phi pháp ở Biển Đông.

VN được hứa hẹn đóng vai trò làm đầu cầu của cái cộng đồng này. Hà Nội được hứa hẹn là một trợ tá quan trọng, là thành trì XHCN với TQ.

Kết luận: Ai thấy tiền cũng ham, nhưng tiền từ một cường quốc côn đồ, hàng nhái.. thì chỉ có đám lưu manh, thời cơ mới được hưởng lợi chứ dân thường thì gánh hết hậu quả.
Khi xưa Mao hứa với HCM là giúp Hà Nội đánh Mỹ đánh Miền Nam đến cùng, kết quả là nó chụp thời cơ tình đồng chí với Bắc bộ phủ để nuốt chửng Biển Đông.
Nguồn: Xuan Hao Tran

Đi tìm sự thật nói...

“Chung vận mệnh” hay “chia sẻ tương lai” không quan trọng. 4 điểm HOÀN TOÀN MỚI trong Tuyên bố Chung Việt Nam-Trung Quốc dưới đây mới quan trọng:
(1) Giao lưu tình báo nhằm chống can thiệp, ly khai, thù địch, phản động.
(2) Hợp tác chống các vi phạm pháp luật về tôn giáo;
(3) Hợp tác quản lý các tổ chức phi chính phủ quốc tế;
(4) Hai Bộ Ngoại giao hợp tác tham vấn nhân quyền nhằm đối phó với “chính trị hoá nhân quyền” và “dùng nhân quyền can thiệp công việc nội bộ nước khác.”

(Trích)
“Hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Trung Quốc lâu nay diễn ra một cách tự nhiên đến từ sự tương đồng trong mô hình quản trị xã hội và những thách thức mà mô hình này gặp phải. Nếu bối cảnh quốc tế biến động quá lớn, mối hợp tác này có thể sẽ khiến quan hệ hai nước gắn bó với nhau một cách bền chặt bất ngờ, vượt lên trên mọi bất đồng chủ quyền biển đảo, như những gì đã xảy ra sau khi Liên Xô sụp đổ khiến hai đảng cộng sản gắn bó với nhau bằng những lo ngại sinh tồn.
Quốc tế bao vây, kinh tế đình trệ, dân tình bất bình, gia tăng đàn áp: Việt Nam có thể một lần nữa đi vào ngõ tối của lịch sử.”

Đọc toàn bộ phân tích trong bài viết “Đoạn trường mà đi” trên Luật Khoa Tạp chí.