Translate

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2023

XIN ĐỪNG ĐỂ MẸ THỨ CÔ ĐƠN MỘT LẦN NỮA...

 Kim Dung Pham



Đến thăm Quảng Nam, du khách không thể ko đến thăm Tượng Mẹ Thứ (nằm trên núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ). Vì đây là tượng đài nổi tiếng của tỉnh và cả nước. Tượng đài lấy nguyên mẫu là Mẹ Thứ, một người Mẹ mà đức hy sinh quá vĩ đại. Chín đứa con ruột, một cháu ngoại, một con rể đã nằm xuống trong cuộc chiến bảo vệ độc lập tự do của đất nước. Mẹ Thứ còn là biểu tượng cho gần 50 ngàn bà mẹ VN đã dâng hiến những đứa con của mình cho dải đất chữ S.
Tượng đài Mẹ Thứ được xây dựng kỳ công- bằng đá sa thạch- cao gần 20 m, với kinh phí 411 tỷ đồng trên một diện tích rộng 15ha, quả thật trông xa, trông gần đều kỳ vĩ. Gương mặt Mẹ nhân từ, mái tóc bay ngược gió, đầy sự chịu đựng, đầy khổ đau mà bất khuất
Thấy trên mạng quảng cáo giá vé 50.000 đ/ người nhưng chẳng có ai bán vé. Mấy anh chị em chúng tôi đi thẳng vào. Khu vực Tượng đài Mẹ Thứ vắng ngắt. Trận mưa nhẹ buổi sáng cũng đã ngớt, trời rạng rạng. Quả thật những ngày ở Quảng Nam, Đà Nẵng- ông Trời như chiều lòng người. Cứ lên xe, hay ở trong nhà là mưa, nhưng xuống xe, đi ra ngoài phố, ngoài đường là mưa tạnh, nắng hửng, đẹp ơi là đẹp. Tạ ơn Trời Phật cho chúng con được hoan hỉ với mảnh đất miền Trung xa lạ mà gần gũi, đầy mến thương và bất ngờ…
Từ xa, nhìn thấy tượng Mẹ Thứ, tôi đã kính cẩn cúi đầu lạy Mẹ ba lạy rồi mới dám bước lên sàn đá- quần thể nơi có tượng của Mẹ tọa lạc
Cả mấy anh chị em ngắm cảnh, ngắm người, rồi ngắm… máy ảnh. Liên tiếp. Liên tục. Đủ kiểu, đủ dáng, í ới gọi nhau, đứng chỗ này, đứng chỗ kia. Cả một khu vực quần thể, gió vi vu, dòng nước gợn lăn tăn và những cánh hoa cúc, hoa bướm vàng tươi tắn nghiêng chào
Tôi chú ý đến đỉnh đồng kê giữa quần thể, chỉ có mấy que hương tàn. Hai cái kệ inox hai bên (chắc để các vòng hoa mỗi khi có đoàn khách, hay đại biểu tới thăm, trông hóa ra thật xấu xí, giữa một khung cảnh quần thể đẹp. "Mẹ Mai" của tôi đứng lặng người trước đỉnh đồng, và khóc...
Thế nhưng chính cái đỉnh đồng, với hương tàn khói lạnh và những kệ inox xấu xí lại khiến tôi chạnh lòng
Người Việt mình vốn tâm linh. Nên thích đặt bát hương, đỉnh hương ở bất cứ đâu thấy linh thiêng, muốn cho khung cảnh trở nên trang trọng. Sự biết ơn là đúng, là cần thiết, nhưng sự trang trọng quá có khi thành xa cách, lạnh lẽo. Tôi ngước nhìn gương mặt khổ đau của Mẹ Thứ, nhớ đến bức ảnh Mẹ ngồi trước mâm cơm với 9 cái bát, chin đôi đũa và một bát hương tưởng nhớ, đã ám ảnh tôi rất sâu mỗi khi Nhà nước có dịp kỷ niệm cuộc chiến đã qua.
Mẹ Thứ đã phải sống dằng dặc những năm tháng dài cô đơn, thương nhớ và đau đớn vì những núm ruột của Mẹ mãi mãi không còn. Nay Tượng đài Mẹ Thứ một lần nữa lại đứng im lìm trước đỉnh hương lạnh lẽo, giữa một quần thể kiến trúc rộng mênh mang, có lẽ chỉ có chút ấm áp mỗi khi có đoàn đại biểu đến thăm viếng và thắp hương. Trộm nghĩ, trong những quan chức thắp hương kính cẩn đó, có bao nhiêu kẻ đã tham nhũng?
Bỗng nhớ đến Thư viện QG Phần Lan ở ngay Thủ đô Helsinki nới tôi đến cách đây vài tháng. Một tòa nhà to rộng, kiến trúc hiện đại, một cái sân lớn trước mặt tòa nhà, toàn trẻ em vui chơi, người lớn đọc sách. Tòa nhà đóng cửa (đang là buổi trưa) nhưng nhìn độ nhộn nhịp, náo nhiệt thấy năng lượng sống của con người luôn tỏa ra, truyền đi ấm áp…
Sao không biến quần thể nơi Mẹ Thứ tọa lạc thành nơi sinh hoạt văn hóa của trẻ em, của các trường học, nơi người trẻ tuổi vui hát hò, thậm chí nhảy múa- đầy sức sống? Khai thác du lịch, nhưng thỉnh thoảng mới có đoàn khách đến tham quan, có khi thắp hương, có khi không...
Mẹ Thứ khi sống đã rất đau buồn, đơn độc, giờ đây khi nhìn thấy các con cháu, người Việt trẻ tuổi quây quần vui vẻ bên Mẹ, hẳn Mẹ ấm áp, và như được truyền thêm sinh khí.
Có lẽ, đó mới chính là cách tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc sự hy sinh vĩ đại của Mẹ Thứ và của rất nhiều bà mẹ VN trên dải đất đau thương và lận đận này? Xin đừng để Mẹ cô đơn, lạnh lẽo một lần nữa.
..............
...Ước em tôi từ
TỔ QUỐC GHI CÔNG bước xuống
Dù sứt mẻ, đui què...
HẠNH PHÚC nhất em ơi
Em không còn là ông... LIỆT SĨ !

Không có nhận xét nào: