Ủy viên Bộ Chính trị phải thực sự tiêu biểu về trí tuệ
- Tổng bí thư nhấn mạnh việc chủ động chuẩn bị nhân sự, xây dựng các cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải thực sự tiêu biểu về trí tuệ và gương mẫu về đạo đức, lối sống. Sau 6 ngày làm việc nghiêm túc, sáng nay, hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành TƯ đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. TƯ đã thông qua 3 đề án quan trọng: Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; cải cách chính sách tiền lương; cải cách chính sách BHXH.
Hội nghị TƯ 7 diễn ra từ ngày 7-12/5
Trong phát biểu bế mạc hội nghị, đề cập đến đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đội ngũ này phải có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.
Để thực hiện được mục tiêu, yêu cầu đề ra, Tổng bí thư lưu ý, trước hết cần phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về vấn đề cán bộ và công tác cán bộ - một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến con người, xây dựng con người, rất khó, phức tạp và hệ trọng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nhật Bắc
Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền
Tổng bí thư nhấn mạnh: Phải coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc thường xuyên của Đảng. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.
Đồng thời, thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý thống nhất đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm.
Tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, thường xuyên đổi mới công tác cán bộ, bảo đảm tính khách quan, đúng đắn, đồng bộ và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân; đặt trong tổng thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài.
Quán triệt nguyên tắc về quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ. Xử lý hài hoà các mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa "xây" và "chống"; giữa "đức" và "tài"; giữa "hồng" và "chuyên"; giữa tính phổ biến và tính đặc thù; giữa kế thừa và phát triển; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể. Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp uỷ, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ của Đảng. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.
Bí thư cấp tỉnh, huyện không là người địa phương
Tổng bí thư nêu rõ, trên cơ sở thống nhất về nhận thức, cần nghiêm túc, kiên trì, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà hội nghị lần này đã đề ra.
Đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, bí thư cấp uỷ các cấp; kiểm soát, quản lý tốt đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận về công tác cán bộ;...
Điểm nhấn của Nghị quyết lần này là TƯ yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác. Đồng thời, có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ.
Tổng bí thư lưu ý phải coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hoá quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Theo đó, Ban chấp hành TƯ yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm.
Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền.
Kiên quyết huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Cụ thể hoá để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp.
"Tất cả chúng ta, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, nói đi đôi với làm, làm cho Nghị quyết lần này thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt, thu được kết quả cụ thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn thấy được, cảm nhận được", Tổng bí thư yêu cầu.
Trong nửa cuối của nhiệm kỳ khoá 12, cố gắng phấn đấu hoàn thành một bước việc thể chế hoá, cụ thể hoá Nghị quyết thành các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ theo quy hoạch, phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng thời, từng bước thực hiện việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; hoàn thành việc rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Tập trung xây dựng Ban chấp hành TƯ theo hướng nâng cao chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý.
Chủ động chuẩn bị nhân sự, xây dựng các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực sự tiêu biểu về trí tuệ và gương mẫu về đạo đức, lối sống. Xây dựng tiêu chuẩn và có kế hoạch, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách đối với các ủy viên dự khuyết TƯ Đảng.
.
.
Lương bộ trưởng có thể tăng bứt phá hơn 33 triệu đồng
Lương khởi điểm khu vực nhà nước sẽ tăng lên 4,14 triệu đồng. Lương chuyên gia cao cấp bậc 3 tương đương lương bộ trưởng có thể hơn 33 triệu.
Trung ương 7 là bước đệm quyết định thành công Đại hội 13
Nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị TƯ 7 với thành công của Đại hội Đảng 13.
'Nhiều lãnh đạo tỉnh có doanh nghiệp sân sau ngay trong nhà mình'
Nhiều lãnh đạo tỉnh có DN sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin Trung ương, Bộ trưởng KH-ĐT nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nâng tuổi hưu từ năm 2021
Bộ trưởng LĐ-TB-XH xin TƯ cho phép bắt đầu điều chỉnh tuổi hưu từ năm 2021 theo lộ trình 1 năm tăng 3 tháng.
Đãi ngộ xứng đáng, công chức không phải chạy đua theo chức vụ
Phó trưởng Ban Kinh tế TƯ Ngô Đông Hải đề nghị đãi ngộ xứng đáng để công chức yên tâm phấn đấu, không phải chạy đua theo chức vụ.
Thu Hằng
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/uy-vien-bo-chinh-tri-phai-thuc-su-tieu-bieu-ve-tri-tue-450573.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét