Hiện có khoảng 5 triệu người Việt xa xứ, nếu hỏi họ có muốn về quê hương xứ sở, tôi tin 80-90% trong số họ sẽ gật đầu. Nhưng…
Trói tư duy và trói chân tay
Đã là người Việt, tôi tin là ai cũng muốn về cả. Về thời gian ngắn, về lâu lâu, về ở hẳn, về thăm, tùy thuộc vào từng người, ai ra đi chả mong ngày thăm quê.
Tuy nhiên, số trí thức có kiến thức toàn cầu về để đóng góp cho đất nước phát triển như GS Trương Nguyện Thành không quá nhiều.
Nghe tin giáo sư lại ra đi, tôi chẳng ngạc nhiên bởi chúng ta vẫn thấy ở đâu đó có những cái lồng quy định thả và nhốt người giỏi rất tài tình.
Có một số nơi, khi cần thì kêu gọi trải thảm đỏ đón long trọng, ca ngợi bằng những mỹ từ đẹp nhất, nhưng khi không muốn họ nữa thì tìm cách trói chân tay hoặc đẩy họ đi bằng những qui định.
Tôi tin GS Thành không muốn chức danh hiệu trưởng để in lên danh thiếp nhưng ông cần chức đó để thay đổi tư duy giáo dục ít nhất tại một trường như Hoa Sen, nếu muốn nó vươn lên ngang tầm khu vực.
Ông mặc quần đùi, hở rốn, lên giảng đường là để kêu gọi sinh viên đột phá trong sáng tạo chứ không hề có ý bảo lớp trẻ phá cách trong ăn mặc.
Nhưng ngay cả điều đó cũng bị một số nhà quản lý trói buộc trong cái lồng gắn mác thuần phong mỹ tục.
Nhiều sáng tạo mới nghe rất điên rồ nhưng sau thành sự thật. Ví dụ cách đây 30 năm có người nói về ô tô bay bị cho là điên thì nay đang có xe bốn bánh cất cánh để tránh tắc đường.
Không có tự do trong tư duy thì không có sáng tạo. Việc mặc quần đùi rách của ông chỉ là cách dạy cho lớp trẻ muốn sáng tạo phải có tư duy khác người.
Với một nền giáo dục quen "mũ cao áo dài", học sinh mặc đồng phục, chữ mẫu, văn mẫu, yêu nước theo mẫu, thì chuyện mặc quần đùi của giáo sư thật khó chấp nhận.
Sự ngầm hiểu cay đắng
Đến tận bây giờ, rất nhiều người vẫn ngầm hiểu: Những trí thức muốn phát triển tài năng vượt trội, tự do sáng tạo thì họ phải ra nước ngoài. Dù nước ngoài có điều kiện tốt hơn Việt Nam thật, thì đó là một sự ngầm hiểu cay đắng.
Chưa có thống kê nào chính thức, nhưng nhìn bề nổi những ngôi sao sáng nhất lại thành danh ở xứ người.
Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Thục Quyên và nhiều tên tuổi khác đều đang ở Mỹ, Pháp, Australia, Anh, để chủ yếu cống hiến cho…thế giới.
Con số gần 30 ngàn sinh viên đang du học tại Hoa Kỳ đủ nói lên cái điều ai cũng ngầm hiểu ấy. Những người giỏi nhất bên đó sẽ được cấp thẻ làm việc dài hạn, thẻ xanh và cả quốc tịch.
Hôm rồi, tôi gặp giáo sư Hồ Tú Bảo vừa về hưu sau khi cống hiến cho Nhật Bản 25 năm. Giờ về Hà Nội ông đang băn khoăn không biết làm gì với vốn tri thức mà "nước người thì quí, nước mình thì phí".
Từ năm 2014 đến năm 2017, năm nào báo chí cũng đưa tin các nhà khoa học Việt Nam có "ảnh hưởng nhất thế giới" trong danh sách khoảng 3000 người do Thomson Reuters - tổ chức hàng đầu thế giới chuyên theo dõi và công bố thông tin tri thức về chuyên gia nghề nghiệp toàn cầu.
Có "ảnh hưởng" nghĩa là các công trình của họ được trích dẫn nhiều nhất. Cỡ nổi tiếng như GS. Ngô Bảo Châu, Fields Toán học mà cũng không có trong danh sách này mấy năm rồi. Muốn nói hay thế nào thì nói, công trình đăng đã khó, nhưng được trích dẫn mới thực sự là thước đo giá trị.
Vào hội nghị nghe giới thiệu học hàm, học vị, chức tước như GS. TS. tướng tá, tên tuổi oai phong, nhưng vào Google hay các tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới tìm mãi chả thấy sủi tăm như một nhà nghiên cứu.
Vào danh sách vàng này của Thomson Reuters, năm 2014 có 3 người Việt là GS. Đàm Thanh Sơn giảng dạy ngành vật lý tại ĐH Chicago (Mỹ), GS.TS Nguyễn Sơn Bình nghiên cứu giảng dạy ngành hoá học tại ĐH Northwestern (Mỹ) và PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng nghiên cứu giảng dạy về ngành tính toán cơ học tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM.
Năm 2015 có 4 người Việt và gốc Việt. Năm 2016 có 5 người và năm 2017 là 4. Trong số đó chỉ có mỗi PGS Nguyễn Xuân Hùng hiện đang làm việc tại Việt Nam, còn lại là ở Mỹ hay Australia.
Thế hệ vàng và bài học cũ còn rất thời sự
Một quốc gia có 95 triệu dân mà đóng góp khoa học cho nhân loại ở mức có ảnh hưởng lớn chỉ có 4-5 người thì quả là đáng lo dù học sinh đi thi quốc tế được giải này giải kia, tự coi là thông minh nhất thế giới.
Trong danh sách đó, Mỹ đứng đầu với khoảng 1.500 nhà khoa học (chiếm 50%), Anh với khoảng 360 nhà khoa học (chiếm 12%), Trung Quốc khoảng 200 (chiếm 6%).
Khu vực Đông Nam Á, Singapore đứng đầu với 27 nhà khoa học. Đảo quốc có diện tích chỉ bằng Sài Gòn và dân số 5 triệu, bằng nửa Hà Nội mở rộng.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, sau khi Hội nghị Fontainebleau, cụ Hồ trở về buồn bã nhưng một số trí thức người Việt đã thành danh ở Pháp lại theo cụ để tham gia kháng chiến.
Những tên tuổi như Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân, Võ Đình Quỳnh và sau này như Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo.
Uy tín của cụ Hồ đã qui tụ được những trí thức lớn thời đó và tạo ra được một tầng lớp trí thức vàng cho đất nước.
Sau 70-80 năm, nhiều người khác vẫn muốn về quê hương giống lớp trước, mà GS Trương Nguyện Thành là một ví dụ.
Nhưng rồi chúng ta lại để ông lại ra đi, tạm gác giấc mơ"thay đổi tận gốc tư duy giáo dục" dù chỉ là ở một trường đại học tư thục.
Ngẫm xưa, nghiệm nay, mà buồn!
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét