Translate

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018

Tour 0 đồng & Khách "Tàu" chi nhiều hơn khách "Tây" ?


Sự phát triển của dòng khách du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam thời gian gần đây đã đi cùng những ý kiến trái chiều. Cùng với sự chào đón là nỗi lo về quá tải hạ tầng, dịch vụ, là sự hoài nghi về hiệu quả kinh doanh thực tế, về sự mất cân đối của thị trường, và còn có cả những lo ngại khác.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, du lịch đã có những chia sẻ thẳng thắn với VnEconomy xung quanh câu chuyện này.

Ông nói:

- So với các nguồn khách du lịch từ các nơi khác, sự thật là du khách Trung Quốc gây ra nhiều vấn đề khó khăn hơn đối với việc bảo tồn danh lam thắng cảnh, đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự, vệ sinh tại các điểm du lịch.

Nhưng cần xác định rằng đó là công việc, trách nhiệm của chúng ta hơn là đổ lỗi cho du khách.

Khi ta mở nhà hàng, khách vào ăn thì ta thu được tiền. Làm thế nào để nhà hàng trật tự, sạch sẽ là việc của ta, phụ thuộc vào cách ta phục vụ khách khi họ vào nhà hàng và cách dọn dẹp, lau chùi sau khi họ ra về. Một phần tiền thu từ khách là để làm tốt những công việc đó.

Suy rộng ra, trong việc phục vụ khách du lịch Trung Quốc sang nước ta cũng vậy. Chúng ta thu tiền không ít từ họ và phải làm tốt những việc của mình. Có những việc của các doanh nghiệp du lịch, cũng có những việc của cả địa phương.

Khách "Tàu" chi nhiều hơn khách "Tây"

Những năm gần đây, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam số lượng năm sau luôn tăng hơn năm trước, tuy nhiên, vẫn xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về dòng khách du lịch này. Ông nghĩ nguyên nhân chính của điều này là gì?

Phải nói rằng, phần lớn những ý kiến trái chiều liên quan đến khách du lịch Trung Quốc không liên quan đến du lịch, mà đến từ những chuyện khác trong quan hệ giữa nước ta với Trung Quốc.

Tôi cho rằng nên có sự rạch ròi. Chuyện chủ quyền biển đảo vẫn tiếp tục được giải quyết, nó không phải là chuyện mới phát sinh ngày hôm qua, mà đã mấy chục năm nay rồi. Còn chuyện hợp tác phát triển đầu tư, thương mại, du lịch, văn hóa giữa hai nước vẫn cần phải thúc đẩy.

Nếu ai đó nghĩ rằng chưa giải quyết xong chuyện biển đảo thì không quan hệ hợp tác gì với nhau hết, thì thái độ đó tôi cho là không phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, không phù hợp với tình hình thực tế, không hợp lý và không khả thi.

Khách Trung Quốc tại đảo du lịch Hòn Mun, Nha Trang - Ảnh: Tuổi Trẻ.

Mỗi năm nước ta xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc với trị giá hơn 5 tỷ USD, nếu không xuất khẩu sang Trung Quốc thì số nông sản này xuất đi đâu? Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thế giới, nếu không nhập từ Trung Quốc thì nhập từ đâu khác với chất lượng, giá cả phù hợp hơn?

Trong lĩnh vực du lịch cũng vậy, các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng, các công ty lữ hành, các điểm tham quan, các điểm mua sắm ở nước ta mỗi năm thu được nhiều tỷ USD từ nguồn khách du lịch Trung Quốc, nguồn thu này đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của nước ta, sao lại bài xích?

Mặc dù có những vấn đề nhất định với du khách Trung Quốc, nhưng với quy mô 135 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài, chi tiêu du lịch 261 tỷ USD trong năm 2016 (tăng 3 lần so với 2011), du khách Trung Quốc được mọi quốc gia chú trọng phát triển du lịch trên thế giới chào đón, cạnh tranh thu hút. Mỹ, Úc cấp visa du lịch thời hạn 10 năm cho người Trung Quốc. Pháp rút thời hạn xét duyệt và cấp visa du lịch cho người Trung Quốc xuống 48 giờ.

Mặc dù là nước giáp Trung Quốc và số lượng du khách Trung Quốc sang nước ta tăng mạnh trong thời gian gần đây, Việt Nam vẫn chưa lọt vào top các điểm đến của du khách Trung Quốc. Thái Lan mặc dù không có biên giới với Trung Quốc nhưng năm 2017 đã đón gần 10 triệu du khách Trung Quốc. Top 10 về lượng du khách Trung Quốc theo thứ tự là Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Maldives, Indonesia, Singapore, Úc, Ý, Malaysia.

Tâm lý "chuộng Tây, bài Tàu" đã và đang tồn tại trong không ít người Việt Nam, kể cả trong vấn đề du lịch. Không ít người mặc định rằng du khách "Tây" tiêu nhiều tiền ở Việt Nam hơn du khách "Tàu", trong khi, xét về mặt bằng chung, sự thật là ngược lại.

Phần đông du khách "Tây" vào Việt Nam đang là "Tây ba-lô", rất tiết kiệm tiền khi đi du lịch, trong khi du khách "Tàu" tiêu tiền du lịch nhiều và họ mua sắm hàng hóa mang về nước cũng nhiều.

Đối với một nền du lịch còn hạn chế phát triển, thái độ như ông nói liệu ảnh hưởng thế nào đến việc xác định du lịch trở thành ngành mũi nhọn, như nghị quyết của Bộ Chính trị đã nêu?

Thái độ "chuộng Tây, bài Tàu" gây khó khăn cho việc thu hút, phục vụ du khách Trung Quốc và tác động tiêu cực đến các mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.

So với các mục tiêu tại quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam ban hành theo Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 23/01/2013, Nghị quyết số 08-NQ/TW đã dời các mục tiêu này lên sớm hơn 10 năm, những gì trước đây xác định cho năm 2030 thì nay là cho năm 2020.

Nếu một thị trường du lịch rất lớn ngay sát nước ta và đối tượng du khách dễ tính hơn nhiều so với "Tây" mà chúng ta chưa khai thác tốt được, làm sao hy vọng sẽ tăng mạnh được các nguồn du khách "Tây"?

Nước ta hoàn toàn có thể đạt được tăng trưởng mạnh hơn đối nguồn du khách đến từ Trung Quốc, nhưng quả thực là có những vấn đề về tâm lý, tư tưởng cần được giải tỏa. Nhiều hãng hàng không Việt Nam đã và đang vận chuyển khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, nhiều khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành Việt Nam đang phục vụ khách du lịch Trung Quốc, nhưng rất ít doanh nghiệp công khai quảng bá, tuyên truyền trên thị trường.

Tại sao vậy? Vì họ sợ bị một số người Việt Nam đả kích, kêu gọi tẩy chay, ít nhất là trên mạng xã hội.

Trung Quốc cũng có tour 0 đồng cho khách Việt

Có tình trạng được gọi là "tour 0 đồng" từ các công ty lữ hành Trung Quốc đến Việt Nam. Trên mạng xã hội cũng diễn ra các cuộc tranh luận liên quan đến thái độ ứng xử với du khách Trung Quốc - nguồn khách hàng chủ lực của "tour 0 đồng". Quan điểm của ông thì sao?

Giá tour bao nhiêu là giữa các công ty du lịch Trung Quốc với từng du khách. Các khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan ở Việt Nam không thu tiền phòng, tiền ăn, tiền tham quan từ từng du khách, mà thu các khoản tiền này từ các công ty du lịch Trung Quốc.

Không có chuyện các cơ sở kinh doanh ở Việt Nam phục vụ du khách Trung Quốc miễn phí. Để giảm tiền tour du khách phải trả, các công ty du lịch Trung Quốc đưa vào hành trình tour một số điểm mua sắm phù hợp với thị hiếu của du khách. Khi du khách mua hàng ở các điểm này, các công ty du lịch Trung Quốc được trả hoa hồng đưa khách.

"Tour 0 đồng" chỉ là tên gọi nôm na loại tour với giá tour rẻ hơn nhiều so với loại tour thông thường (tour không có các điểm mua sắm), không hề có nghĩa là du khách không phải trả đồng nào để mua tour.

Ví dụ, trước đây du khách Trung Quốc trả khoảng 3.000 nhân dân tệ cho "tour 0 đồng" đến các điểm du lịch ở miền Nam Thái Lan, nhưng khi Thái Lan áp dụng các biện pháp hạn chế "tour 0 đồng" thì du khách phải trả gấp đôi, khoảng 6.000 Nhân dân tệ, vì công ty du lịch không còn thu được khoản hoa hồng dẫn khách từ các điểm mua sắm nữa. Giá tour không có hoạt động mua sắm cao hơn "tour 0 đồng" có các điểm mua sắm khoảng 50-100%.

Một thực tế ít người để ý: rất nhiều tour trọn gói cho du khách Việt Nam đi Trung Quốc cũng chính là "tour 0 đồng". Nhà tôi đã đi một tour như thế sang Trung Quốc, trong chương trình tour ngày nào cũng đi qua 1-2 điểm mua sắm (tỳ hưu, thuốc đông y, trà, lụa tơ tằm, dao siêu sắc…), nhà tôi và các du khách khác mua rất nhiều, tiền mua sắm gấp mấy lần tiền tour và công ty du lịch chắc chắn đã được trả những khoản hoa hồng khá hậu hĩnh để bù lỗ cho giá tour.

Một khu chợ ở Đông Hưng, Trung Quốc sử dụng biển hiệu tiếng Việt - Ảnh từ người dùng Facebook.

Các "tour 0 đồng" cho du khách Trung Quốc sang Việt Nam cũng tương tự như vậy. "Tour 0 đồng" hay tour thông thường khác nhau về trải nghiệm du lịch của du khách, không liên quan đến doanh thu của khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, cũng không liên quan gì đến thuế.

Khi Thái Lan hạn chế "tour 0 đồng" từ Trung Quốc, họ nói rõ mục đích là để du khách có trải nghiệm du lịch Thái Lan tốt hơn khi không mất nhiều thời gian cho các hoạt động mua sắm.

Tôi không cho rằng đã đến lúc cần hạn chế "tour 0 đồng" từ Trung Quốc. Các khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan ở nước ta vẫn thu đủ tiền cho các tour này và nộp đủ thuế. Chủ các điểm mua sắm có thể là người Việt Nam hoặc người Trung Quốc, nhưng hàng hóa bán cho du khách Trung Quốc ở các điểm này thì chắc chắn là hàng hóa Việt Nam hoặc được nhập về từ các nước khác. Chẳng du khách Trung Quốc nào sang Việt Nam để mua hàng Trung Quốc mang về Trung Quốc theo kiểu "chở củi về rừng".

Giá bán thì thuận mua vừa bán, chúng ta không cần phải bao đồng cho du khách Trung Quốc, lo người ta bị "cắt cổ". Kể cả nếu một số cửa hàng, nhà hàng muốn phục vụ riêng du khách Trung Quốc cho chuyên nghiệp hóa cũng không sao. Có phải vì thế mà người Việt Nam chúng ta hết nơi để mua sắm, để ăn đâu?

Nói thực là chúng ta vào mấy nơi đó để mua sắm, để ăn chắc gì đã hợp gu khi người ta bán hoặc phục vụ những thứ theo thị hiếu của người Trung Quốc?

theo Vneconomy
*

Không có nhận xét nào: