Ba giờ sáng, ngư dân Huỳnh Dũng Mã vác ngư lưới cụ cuốc bộ ba cây số dọc theo con đường Nguyễn Tất ven biển mới đến nơi neo đậu thuyền ở bãi Nam Ô.
Trước đây, nhà ông Mã cách biển chỉ 60 mét. Mở mắt ra là biển. Chiều chiều, những con thuyền về bờ bất luận được ít hay nhiều tôm cá đều có người vợ đứng chờ sẵn, gánh cá lên bờ bán. Còn ông sẽ nhảy xuống làn nước mát ngụp lặn như một đứa trẻ trước khi về nhà.
Nắng và những con sóng dữ của biển khơi không khiến ông Mã chùn bước, nhưng đoạn đường ra biển mưu sinh mỗi ngày giờ trở lên xa xôi. Muốn tắm biển, ông cũng chỉ còn cách băng qua đại lộ Nguyễn Tất Thành. "Nhưng không sướng như biển của làng mình", ông nói.
Ông Mã không phải là người duy nhất ở làng biển Nam Ô mệt mỏi với gánh ngư cụ từ nhà ra những con thuyền nhỏ neo tạm dưới bãi cát lẫn những gạch, đá mới giải tỏa.
Nam Ô là địa danh gắn với cuộc vượt Ải Vân Nam tiến của người Việt từ 700 năm trước. Những người lập làng chọn bãi cát trắng thoai thoải, nơi có mỏm Hạc nhô ra biển, một bên là dòng sông nhỏ, xa xa về phía bắc là Hải Vân quan. Dân cư ngày một đông. Họ cùng nhau bám biển, bắt những con cá tươi ngon về làm mắm, tạo nên thương hiệu nước mắm Nam Ô nức tiếng.
Nhưng giờ, 500 hộ dân đã phải bỏ lại nơi chôn nhau cắt rốn, để thành phố giao đất cho chủ đầu tư khoác lên làng biển này tấm áo "Khu du lịch sinh thái". Một hàng rào 3km với thép và những tấm tôn được dựng lên, chia đôi khu dân cư với biển. Năm lối đi tạm, mỗi lối chừng 4m ngang, được chủ đầu tư mở cho người dân xuống biển tắm, neo đậu thuyền thúng và ra khơi đánh bắt.
Nam Ô trở thành điểm nóng, khi hai tuần trước, những người dân từ thanh niên đến phụ nữ, trẻ em tập trung phản đối việc chủ đầu tư khóa lối xuống ghềnh đá Nam Ô đang mùa lên rêu xanh mướt.
"Dự án chưa triển khai thì không thể ngăn người dân xuống biển", một phụ nữ trong làng nói lý lẽ. Họ, sau đó đã cùng nhau dùng tay phá hàng rào thép bọc kín tôn, để tự mở lại lối xuống biển.
Từ 10 năm trước, lãnh đạo thành phố đã ký quyết định giao hơn 36 ha, bao gồm cả mộ tiền hiền, phế tích thờ Huyền Trân Công Chúa, miếu Âm hồn, Lăng Ông... và cả cánh rừng mà dân làng bao đời gìn giữ cho doanh nghiệp làm khu du lịch sinh thái. Dự án chậm triển khai, đến nay vẫn chưa được cấp giấy phép xây dựng. Và ngần ấy năm, dân Nam Ô không còn được úp mặt vào biển. Ông Mã nói không biết sẽ tiếp tục được đi biển đến bao giờ, dân làng sẽ tắm biển ở đâu khi khu Du lịch sinh thái Nam Ô được xây dựng.
Những bờ biển ở Đà Nẵng có chung một hướng quy hoạch: biến thành đất vàng du lịch. Nam Ô là nơi người dân lên tiếng mạnh mẽ phản đối, nhưng cách đó không xa, phía Ngũ Hành Sơn, hàng vạn người dân cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự. Đó là 12km bờ biển Non Nước đã bị các resort vây kín.
Người ta có quyền tự hỏi: hàng chục bờ biển đã được phủ kín bởi resort đó, liệu có phải là cái giá đắt mà Đà Nẵng đang phải trả, hay chỉ là một phần lãi suất rất nhỏ cho tốc độ phát triển đô thị thành phố?
Nếu không có những cuộc đổi đất lấy công trình của người đứng đầu thành phố từ hơn 10 năm trước, thì Đà Nẵng bây giờ không có được những khu nghỉ dưỡng sang trọng, không thể trở thành điểm đến hấp dẫn, hay có được lượng khách ước đạt 6,6 triệu lượt người trong năm 2017. Những resort bịt lối xuống biển ấy, là nơi đại diện cho Việt Nam đón tiếp lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC, tổ chức quốc yến, Hội nghị Thượng đỉnh...
Trước khi thành phố mở con đường Sơn Trà - Điện Ngọc nối biển Đà Nẵng với phố cổ Hội An, bãi biển hoang sơ là nghĩa trang của người dân trong vùng. Bây giờ, những vệt đất ven biển đã trở thành đất vàng, đất kim cương.
Khi đưa ra những quyết định cho chủ đầu tư, có lẽ những yếu tố văn hóa và quyền hưởng thụ biển của người dân bản địa đã không được lãnh đạo thành phố tính đến. Bây giờ, chính quyền đang phải đi thương lượng với từng chủ đầu tư mở lối xuống biển.
Doanh nghiệp khi được "giao quản lý" luôn cả bãi biển thực hiện dự án, chắc chắn không dễ chấp thuận việc có lối đi công cộng chia cắt khu nghỉ dưỡng năm sao. Với người dân, những lối đi ấy được tính toán đến từng mét đất và ngần ấy diện tích sẽ không thể tạo ra những bãi tắm công cộng đúng nghĩa.
Sau nhiều năm tận hưởng tốc độ phát triển, mãn nhãn với những resort dọc bờ biển và luồng khách du lịch đến tiêu tiền, “cái giật mình” ở Nam Ô đặt ra một loạt câu hỏi về quyền và lợi ích của người dân địa phương Đà Nẵng.
Những tiếng than của dân làng Nam Ô chỉ là một trường hợp cá biệt; hay là sẽ còn nhiều nơi dọc bờ biển Đà Nẵng và Việt Nam nói chung xuất hiện thêm những cái giật mình: “Đường xuống biển của dân đâu?”.
Người dân dọc những bờ biển bạc nên vui vẻ chấp nhận những khối nhà có giá trị kinh tế cao che tầm nhìn, vui vẻ chuyển sang hóa vào nền kinh tế du lịch; hay là chính quyền sẽ có được bài học nào từ việc “phân lô” những vùng đất, không chỉ có kinh tế mà còn là cộng đồng văn hóa ngàn đời?
---* Nguyễn Đông, VnExpress*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét