Translate

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Đừng vì sự “mê lú nhất thời”...


Sự kiện Trung Quốc trắng trợn đưa
(Dân trí) - Nếu là “láng giềng hữu nghị” thật sự thì phải hành xử với nhau có lý, có tình, biết tôn trọng lẫn nhau. Xin đừng vì sự “mê lú nhất thời” mà làm mất đi tình hữu nghị lâu đời của nhân dân hai nước!
Sự kiện Trung Quốc trắng trợn đưa giàn khoan, tàu quân sự và máy bay vào vùng biển nước ta đã làm hoen ố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt – Trung.

Từ nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên tuyên bố với thế giới rằng họ cam kết thực hiện tốt, đầy đủ nhất luật pháp quốc tế, rằng Trung Quốc không can thiệp vào nội bộ của ai, không xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ai cả...
    .Ơ hay! Mang cả một cái giàn khoan khổng lồ với gần một trăm tàu chiến và máy bay vào vùng biển nước khác lại bảo là “không xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ” thì thế nào mới là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ? Chả lẽ đặt hạ giàn khoan, mang tàu bay vào… thủ đô nước người ta thì mới là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ chắc?
Riêng với Việt Nam, chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đề ra phương châm 16 chữ vàng "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".

“Láng giềng hữu nghị” là sao khi mang giàn khoan, tàu thủy và cả máy bay vào lãnh thổ người khác?
Càng ngạc nhiên hơn, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Tướng Phòng Phong Huy, đã bao biện cho việc Trung Quốc triển khai một giàn khoan trái phép ở Biển Đông và ngang ngược tuyên bố Bắc Kinh không có ý định từ bỏ giàn khoan bất chấp làn sóng phản đối Trung Quốc tại Việt Nam.
Lãnh đạo Trung Quốc hình như đang hành động như trong “cơn mê lú quyền lực” với các nước láng giềng. Điều này đã hủy hoại lòng tin, uy tín quốc tế và sự tôn trọng của các quốc gia, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới với Trung Quốc.

Tất nhiên, những hành động bất chấp đạo lý và pháp lý không làm cho các quốc gia láng giềng sợ hãi mà trái lại.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Nay Pyi Taw (Myanmar) diễn ra vào ngày 11/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt nhân dân Việt Nam khẳng định: “Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với Luật pháp quốc tế.”

Ngày 14/5, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 9, TBT Nguyễn Phú Trọng thay mặt Trung ương Đảng bày tỏ: “… kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…”.
Chiều ngày 15/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết đã đưa công hàm phản đối hành động này lên Liên hiệp quốc. 
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng đã điện đàm với người đồng cấp phía Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu đang xâm phạm trái phép vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; nhấn mạnh hành động này của phía Trung Quốc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tin cậy giữa hai nước và tình cảm của nhân dân Việt Nam; trái với thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước và các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).

Cách hành xử tốt nhất của Trung Quốc hiện nay là hãy tôn trọng Luật pháp quốc tế, hành xử đàng hoàng với các nước đặc biệt là với các quốc gia láng giềng.
Trước khi xây dựng một “Giấc mơ Trung Hoa”, xin hãy xây dựng hình ảnh một “quốc gia tử tế” và trước khi trở thành một “quốc gia tử tế” thì hãy là một “láng giềng tử tế”.
Một cường quốc không phải là bởi đất rộng, người đông, tiền nhiều, quân đội hiện đại mà trước hết và trên hết phải là một quốc gia biết tôn trọng luật pháp quốc tế.

Với Việt Nam, nếu là “láng giềng hữu nghị” thì phải hành xử với nhau có lý, có tình…

Xin đừng vì sự “mê lú nhất thời” mà làm mất đi tình hữu nghị lâu đời của nhân dân hai nước!

Hòa bình, hữu nghị, hợp tác mãi mãi là khát vọng của 90 triệu người dân Việt Nam và hơn 1,3 tỉ người dân Trung Quốc.
   
Bùi Hoàng Tám

Không có nhận xét nào: