Translate

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

ĐI ĂN CƯỚI VỢ CŨ

Kết quả hình ảnh cho đám cưới quê
.
Vợ cũ đi lấy chồng
Mời mình về ăn cưới
Mình bàn với vợ mới
Có đi không mình ơi!


Vợ mới cười rất tươi
“Chị mời thì nên đến
Hai đứa mình cùng đi
Để tỏ tình thân mến!”
Vợ cũ mặc rất đẹp
Nhìn thấy chạy đến chào
Chồng mới của vợ cũ
Ra tận nơi đón vào…
Ôi cuộc tình rổ rá
Mà cưới vui bất ngờ
Mọi người tranh nhau hát
Mình cũng lên đọc thơ
Trong làn khói lơ mơ
Mình ghé tai hỏi vợ
“Nếu cuộc tình này vỡ
Mình có mời anh không?”
                                        BÙI HOÀNG TÁM

Lời bình của ĐỖ TRỌNG KHƠI
.

Căn cứ qua tiểu sử tác giả và nếp sống văn hoá, tập quán, thái độ tình cảm con người trong gia đình truyền thống Việt Nam thì có thể khẳng định: bối cảnh không gian trong thơ “Đi ăn cưới vợ cũ” là hư cấu. Với tính mực thước, lễ độ con người ta khó chấp nhận một hoàn cảnh, không khí lễ cưới diễn ra như thế. Vậy vì sao bài thơ này lại chiếm được cảm tình của nhiều đọc giả ở các lứa tuổi, vị trí xã hội? (Kết quả theo Google là 8.430.000 lượt truy cập bài thơ này). Câu trả lời và qua đó sẽ phản ánh nên phần nào thái độ tiếp nhận lối sống mới của con người Việt Nam thời @ chăng?
Trong đời sống thuần phong mỹ tục của gia đình người Việt Nam thì lễ cưới là một trong những nghi thức được tổ chức long trọng bậc nhất. Tên nghi thức được đặt “Lễ rước dâu”. Chữ “rước” ở đây là cách xác định tính chất tôn nghiêm, ngang bậc với các nghi thức tôn nghiêm tôn giáo khác, như lễ rước kiệu thần thánh nơi đình chùa. Một đằng chỉ việc thờ phụng thánh thần, một đằng việc duy trì, thờ phụng dòng giống tổ tiên. Thơ văn xưa nay miêu tả về việc này thảy đều là các tác phẩm chữ nghĩa chuẩn mực, chân thực và trang trọng. Vậy mới cho hay, bài thơ “Đi ăn cưới vợ cũ” của nhà thơ Bùi Hoàng Tám là một tiếng nói mới mẻ, riêng biệt và nó có tính cách phản phong. Với một giọng thơ tưng tửng đùa chơi, giễu nhại, các nhân vật vợ, chồng mới, cũ đến với lễ cưới vui vẻ, cứ như trong lòng họ chưa hề chịu nỗi xót xa nào. Họ vốn là vợ chồng, nghĩa là cũng từng yêu thương, đầu gối tay ấp, rồi tan vỡ và hẳn không thể nói, lúc đối diện cảnh tan vỡ, phân ly cõi lòng không đau đớn. Vậy, vết thương lòng xưa đâu mà giờ đây chỉ thấy, với người vợ: “Vợ cũ mặc rất đẹp/ Trông thấy chạy đến chào…”, người chồng cũ: “Mọi người tranh nhau hát/ Mình cũng lên đọc thơ” Và đặc biệt, khổ kết bài sự tếu táo, giễu chơi đã được đẩy tới đỉnh, như lời dự báo: “Trong làn khói lơ mơ/ Mình ghé tai hỏi vợ/ Nếu cuộc tình này vỡ/ Mình có mời anh không?”. Thật chông chênh, tình vợ chồng như thế khác nào những cuộc tình sống thử khá phổ biến của lớp sinh viên ngày nay, nó cũng từa tựa cách chơi trò vợ chồng của trẻ con nơi chòm xóm hồi thơ ấu.
Như trên khẳng định, tác giả đã hư cấu một không gian, không khí buổi lễ cưới không có thật nhưng nó vẫn hiện diện sinh động như thật và bởi thế nó đã tìm được sự tương thích của đông đảo bạn đọc. Chính vì, qua thái độ tiếp nhận hoàn cảnh mới một cách nhẹ nhàng, tự nhiên vô tư của các nhân vật vợ, chồng cũ, mới kia đã chạm trúng vào niềm mong muốn được cởi bỏ những giàng buộc lễ giáo truyền thống cho một phong cách sống mới, với những chuẩn mực giá trị đã nhiều khác biệt của con người trẻ tuổi thời @.
Nếu hoạ hình ảnh biểu trưng cho một bộ phận không nhỏ con người và các gia đình Việt Nam ngày nay, có thể hình dung đó là một gương mặt đầy bất an, thiếu hình mẫu lý tưởng, thiếu cơ sở nền tảng cần cho sự bền vững nhưng nó lại đang hồ hởi được đánh chìm mình trong cơn thèm khát thoả mãn các nhu cầu sống cá thể và tính cá thể đã được đẩy tới mức khiến nó trở nên trơ lỳ, vô cảm trước các giá trị truyền thống, nó luôn trong tư thế hân hoan tận hưởng và tất nhiên, để trạng thái sống đó thành một bản năng, hay một dạng ý thức mạnh mẽ thì đồng thời nó đòi hỏi đối tác phải biết xoá dấu quá khứ. Mỗi bước chân là một lãng quên! Đấy chính là thái độ, tính cách phản phong, phản kháng lại giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục hằng được xác lập đã bao thời.
Và đây cũng chính là nét bút hoạ thi ca đã phục dựng bức tranh “Đi ăn cưới vợ cũ” cho một thế hệ, thậm chí một thời đại đang tự “tiêu” mình trong canh bài kỹ trị, vật chất, dục tính bản năng, của nhà thơ Bùi Hoàng Tám.
.Lặng nghe nhé...


1. Có lẽ đêm nay là giây phút cuối rồi Đến hết đêm nay mình sẽ mãi cách rời Hãy nói đi anh ngàn lời trong đáy tim Mà đôi ta chưa nói ra cùng nhau. Cố níu tay anh mà sao chỉ thấy buồn Cố níu môi hôn mà sao chỉ thấy nhạt Tiếc mãi hương xưa ngày nào còn có…
BỞI NHAC.VN
.
Nhậu với chồng cũ của vợ
.
Vợ mừng ngày sinh nhật
Mời chồng cũ đến nhà
Chồng cũ đi tàu hỏa
Mình đón ở nhà ga
Vì đường về hơi xa
Hai thằng vào quán nhậu
Trước còn anh với tôi
Sau thành tớ với cậu
Đi đón từ tinh mơ
Về nhà trời sâm sẩm
Hai thằng ngã ra giường
Rồi ngáy vang như sấm
Sáng ra vợ dậy sớm
Tiễn chồng cũ lại nhà
Trong tay rất nhiều túi
Trong túi rất nhiều quà
"Cái này cho các cháu
Cái này biếu ông bà
Còn cái này em gửi
Cho dì hai ở nhà"
Tầu chầm chậm rời ga
Mắt mình ầng ậng lệ
Mình muốn nói câu gì
Muốn nói mà không thể
Ơi cuộc đời dâu bể
Ôi mỏng manh kiếp người
Lần sau ta còn được
Gặp lại nhau trong đời!
Bùi Hoàng Tám..
Zị bản
Đi đám cưới người yêu cũ!
.
Đi đám cưới người yêu cũ,
Chú rể bắt chặt tay mình
Cái thằng dở hơi thế nhỉ,
Cười cười nom hệt thần kinh.


Người yêu cũ đứng cạnh nó,
Nhìn mình gương mặt vui vui
Mình thấy đời buồn muốn chết,
Len lén thở dài mấy hơi.

Người yêu cũ làm cô dâu
Còn thằng kia làm chú rể,
Chú rể với cả cô dâu,
Vậy mà lại đẹp đôi thế.
Tàn tiệc mình lang thang về,
Cái bóng ngó mình ái ngại
Không biết nói gì với nhau,
Nhẽ mắng một câu, "Đồ dại".
Đương chán hơn là thất nghiệp,
Hệt xưa vua chúa soán ngôi
Rút điện thoại rất dứt khoát,
Delete mất một tên người.

*

Không có nhận xét nào: