Translate

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

" Văn hoá & Lễ hội " Shop !

Nơi nào có lễ là nơi đó hỗn loạn, hỗn loạn tới mức có vẻ đang thành một đặc tính Việt mà nếu không hỗn loạn, nếu từ tốn, nếu xếp hàng, nếu mọi sinh hoạt có văn hoá, có nền nếp, có tâm thế ngày xuân thì chắc lại bị cho là...điên.
1.
Tôi vẫn là người lạc quan và dễ tưởng bở khi tự mình đoán rằng, lễ hội Minh Thề năm nay chắc chắn có nhiều quan chức tới dự vì chí ít, đây cũng là một lễ hội dân gian đàng hoàng: Nơi để hàng năm quan chức tới dâng lễ, thề liêm chính với dân.
Nhưng vẫn thế, như mọi năm, chỉ có dân chúng trong làng tới với lễ, không thấy mặt quan nào.
Khác với lễ hội Đền Trần xin ấn cầu may, thăng quan tiến chức, ầm ầm, rần rần, dân thì ùa nhau đi xin ấn ước lên quan, quan thì lấy luôn cả xe biển xanh, biển đỏ đưa mình tới xin, tranh .... làm quan tiếp, làm quan nữa, làm  quan mãi.
Như bức tranh biếm hoạ từng đoạt giải thưởng trong cuộc thi biếm hoạ về đề tài chống tham nhũng này, hai ngả đường rộng thênh thang, ngả về Nam Định xin ấn quan thì ùn ùn, nườm nượp, ngả về hội Minh Thề thì vắng hoe.

Thì đành, vắng quan nên năm nào dân cũng phải khăn đóng áo dài đóng giả làm quan thề liêm chính với dân, xin nguyện mãi mãi làm con dân, xin tận tuỵ....
Mọi người cùng hô vang lời thề: “Ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ, ngược lại người lấy của công về làm của tư, xin thần linh đả tử.... làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”.
Thề vậy thì có mà xeo quan tới quan cũng chả thèm, nhỉ? Nếu nghe được tiếng, chắc thần linh nhìn cảnh dân đóng giả quan lại chả cười khùng khục, làu bàu: " Sư bố nhà các anh, cái thằng cần thề thì nó chuồn, các anh có gì nữa trong nhà mà còn thề liêm chính? Hử?"

Cũng khoan nói kháy các quan, chứ dân mình cũng vậy, nước mình cũng vậy, ước toàn ước thăng quan tiến chức chứ có ai đi xin ấn, đi cầu khấn để xin được làm... dân đâu. Nhỉ?
Cũng như các quan, chả có quan nào lại đi xin thần linh cho nhà cháu được làm quan liêm chính, làm quan nghèo, được tước bỏ chức vụ nếu sai trái, nếu tham lam, nếu điêu ác.
Thay vì đầu xuân đi vãn cảnh chùa, đi du xuân, đi xem lễ thì giờ người ta như bị "say thuốc lắc", ồm ồm, oàng oàng, hớt hải, xì xụp, khấn vái, xin xỏ, dâng lễ, đạp lên đầu lên cổ nhau, bay vèo vèo qua thân xác nhau để cướp, để hái, để giật, để cầu xin... giàu có, thăng quan tiến chức.
Nơi nào có lễ là nơi đó hỗn loạn, hỗn loạn như tất cả đang bị phê thuốc lắc, hỗn loạn tới mức có vẻ đang thành một đặc tính Việt mà nếu không hỗn loạn, nếu từ tốn, nếu xếp hàng, nếu mọi sinh hoạt có văn hoá, có nền nếp, có tâm thế ngày xuân thì chắc lại bị cho là...điên.


Tôi cũng nói thật, các ban tổ chức Lễ hội chả bao giờ tin sẽ xin được xơ múi gì từ thần thánh, viết cái đơn kiến nghị lên ông Trưởng thôn đề nghị úp cái miệng lại cho trẻ con khỏi sợ chả được nữa là xin thần linh thăng quan tiến chức với lại giàu sang phú quí. 
Mấy ông mấy bà các ban tổ chức giấu mình sau cửa văn phòng, sau phên cửa chùa, ngắm, đếm, hả hê khi nhìn thấy hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn người đang ào ào tới để xin, để lễ, để cúng, để bái, và cứ tới cuối ngày, sau khi thần linh đã nghỉ ngơi, nhà chùa, ban tổ chức mới thực sự vào "hội", vác, đổ, đếm từng đống thùng  gọi là công đức, thuê người đếm tiền, tiền thành cục, thành bó, thành bao, thành thúng....kết quả của những lời xì xụp xin xỏ của con dân trăm họ là đây. 
Và chỉ có thánh thần hương khói mới biết hàng tỉ, hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ tiền "công đức" ấy đi về đâu...
Tôi không bao giờ phản bác chuyện cúng bái, hương hoa trước bàn thờ, đi lễ Phật...nếu thực sự bằng cái tâm lành, bằng những lời khấn vái cảm tạ trời đất, cảm tạ liệt tổ liệt tông, hương hồn người thân yêu luôn đồng hành cùng dương thế, an ủi, động viên, khích lệ con cái, cháu chắt làm người tử tế, bình an, may mắn.
Đáng buồn, từng năm đến rồi đi, cái phong tục du xuân, vãn cảnh, lễ hội đậm chất nhân văn người Việt mà cha ông ngàn năm lưu gửi lại đã bị phá, bị bóp méo, bị lợi dụng, bị xô đạp, trở nên thảm hại, trở nên thảm hoạ, trở nên cuồng khùng, dịch chuyển tàn ác từ ý nghĩa tâm linh sang mê tín, cuồng tín với những hành vi đáng xấu hổ, đáng bị lên án. Và đóng góp vào sự tuột dốc ấy, trước hết lại có công lớn của chính quyền, thế mới đáng báo động.
Nếu năm sau, vẫn tổ chức Lễ hội phát ấn đền Trần nhưng chỉ chọn ra những trưởng lão đại diện cho các làng xã lên nhận ấn cầu mong mùa màng bội thu, mọi người bình an, mưa thuận gió hoà....thế thôi, chỉ thế thôi liệu có cảnh xô bồ, ồn ào, nham tạp tới mức này không? Không? Chỉ có một cái "thiệt", thiệt thu...tiền.
Năm sau, nếu ở lễ hội cướp hoa tre ở Sóc Sơn, sau phần cúng bái, dâng lễ, hoa tre được trao cho đại diện các thôn xã như một biểu tượng phát lộc cầu may của đất trời, liệu có còn cảnh xô đẩy không? Không.
Chúng ta làm khổ chúng ta, chúng ta tự bày trò dẫn dụ chúng ta thì chính chúng ta tự thay đổi được, chính chúng ta thay đổi, chính quyền thay đổi, không có thần linh nào vào đây can thiệp, chỉ  làm đẹp thêm, bản sắc thêm, ấm áp thêm hương hoa của mùa xuân mới, để thân thiện với nhau hơn, gần gũi nhau hơn, dập dìu du xuân bên nhau, bên thiên nhiên, bên lễ hội, bên chùa chiền đền đài...
Có làm được không? Được. Nếu muốn làm, nếu gạt bỏ đi sự toan tính chụp giật tiền bạc.
Làm thế, mùa xuân có mất vui không? Chắc chắn không.



Đọc thêm các bài viết trên các báo ở đây:
2.
Tôi không ngạc nhiên khi chỉ trong hai ngày qua, sau khi số điện thoại di động và số máy bàn của Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng được công bố, hàng ngàn tin nhắn đã được gửi đến, hơn ngàn cuộc điện thoại được thực hiện, tất nhiên đa số là dân gọi, dân gửi tin nhắn.
Đây là lần đầu tiên số máy di động của một uỷ viên Bộ Chính trị công khai với nhân dân.
Người dân quá phấn khích khi có thể gọi trực tiếp hoặc nhắn tin tới máy của vị lãnh đạo cao cấp, lại còn vào được cả facebook nữa, tha hồ méc, tha hồ báo tin, thậm chí là  cả mắng, rồi tha hồ kiến nghị, tha hồ tố cáo những việc xấu, người xấu mình chứng kiến.
Đơn giản như anh Đinh La Thăng tâm sự, cần biết, muốn biết, muốn nắm người dân cần gì, phản ánh gì, bực tức điều gì, tố cáo điều gì, kiến nghị điều gì, tất nhiên trong đó còn phải hiểu rộng ra là các cơ quan đơn vị và cán bộ cấp dưới.
Bỗng bác Tám đang bị lão lãnh đạo Phường  ức hiếp, bác móc điện thoại ra bác gọi " Nè, chú Tư Thăng đó hả? Nè chú, chú coi nè....."
Bỗng cậu giám đốc công ty bé tý mấy năm trời bị thuế ức hiếp, khùng quá, kiện đâu cũng không tới, giờ thì có thể nhắn tin hoặc gọi vào máy uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng méc....
Chỉ thế thôi là dân đã thấy hạnh phúc vì thấy gần lãnh đạo, rất gần.
Chỉ thế thôi là lãnh đạo có thể ngay lập tức biết cái gì đang xảy ra với dân và vì sao lại xảy ra.
Khỏi phải lo ngại anh Đinh La Thăng không đủ sức xử lý các tin nhắn và điện thoại, lo như thế là thừa, bởi vì bên anh là tập thể lãnh đạo, là cơ quan thành uỷ, là các cơ quan chức năng, vấn đề là từ giờ, anh nắm chắc, nắm toàn diện, nắm kỹ mọi diễn biến cuộc sống cuả thành phố mình đang lãnh đạo.
Phải nói thật điều này, lâu nay, với ai không quen biết, cứ gọi là dân lành chẳng hạn, hoặc một công dân vị trí thấp, muốn xin số điện thoại lãnh đạo thường bị coi như là một sự cấm kị. Mà nếu ai đó cho bạn xong, chả thì thào: "Này, ông không được nói là tôi cho số nhé nhé nhé...".
Nói thế để biết, việc anh Đinh La Thăng công khai số di động, công khai số bàn, công khai facebook quý đến thế nào, đáng kính trọng thế nào, mà là công khai thật, nghe thật, nói thật, xử lý thật.
Nếu các lãnh đạo khác, các uỷ viên Bộ Chính trị, các Bộ trưởng, các Chủ tịch tỉnh... cứ công khai số, để nghe dân hỏi, nghe dân nói, nghe dân làu bàu, nghe dân cáu kỉnh, thậm chí nghe dân chửi....tuyệt vời lắm, đừng ai ngại cả, vì đó là cảm xúc của cuộc sống, cảm xúc của nhân dân, cảm xúc của niềm tin, cảm xúc của sự thật sống động, cảm xúc giữa những con người và những con-người-lãnh-đạo. 
Lúc đó, công việc của người lãnh đạo sẽ bận bịu hơn, nhưng đó là sự bận bịu hạnh phúc.
Lúc đó hơi thở, sự tiếp cận thông tin giữa lãnh đạo và dân gần gũi và thương mến, đó là hạnh phúc.
Lúc đó, khi dân tiếp cận được với lãnh đạo thì chắc chắn những báo cáo đèm đẹp, thậm chí những lời nói dối với cấp trên sẽ tự biến mất.
Lúc đó, nhiều chính sách, nhiều hành vi, nhiều công việc, nhiều hoạt động sẽ nhanh chóng nhận được hồi âm của nhân dân, của cuộc sống.
Đơn giản vậy thôi.
Đọc thêm ở đây: 
FACEBOOK của Bí thư Đinh La Thăng
3.
Quá đúng với nhận định của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: "Việc đổi mới mạnh mẽ hơn nữa thể chế kinh tế của VN là cần thiết. Điều này không cần dùng nhiều tiền bạc, không cần bao nhiêu tỷ đô la mà cần sự đổi mới ở mỗi cán bộ, vị trí công tác, đặc biệt là các lãnh đạo cấp cao" - Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh trò chuyện với VietNamNet đầu năm với kỳ vọng về sự đổi mới bứt phá của đất nước. 
Đọc thêm ở đây:   
4.
Người chủ biên đã lên tiếng, rất cám ơn ông đã nói ra sự thật, một sự thật cay đắng.
Còn ai là người đã cắt, sửa đang giấu mặt? Ai?
GS Vũ Dương Ninh: 'Cuộc chiến biên giới phía bắc trong SGK đã bị sửa từ 4 trang thành 11 dòng'
+'Những tác giả chúng tôi rất không thoả mãn với việc thể hiện cuộc chiến biên giới phía bắc trong sách giáo khoa, nhưng cuối cùng, đành chấp nhận' GS Vũ Dương Ninh, đồng chủ biên cuốn sách Lịch sử lớp 12 trao đổi với VnExpress. 
Đọc ở đây:  
5.
Chắc chắn bánh chưng to tới mức khổng lồ không tỉ lệ thuận với lòng thành kính, thậm chí trái lại: Một công ty du lịch sinh thái ở Hà Tĩnh vừa tổ chức gói chiếc bánh chưng có trọng lượng 250kg, dâng lên Đại danh y Lê Hữu Trác trong lễ kỷ niệm 225 năm ngày mất của ông (ngày 21/2/2016) và nhân dịp đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Để làm được chiếc bánh đặc biệt này đã phải huy động tới 20 người làm việc trong nhiều ngày (từ khâu vo nếp, rửa lá dong, thái thịt, đãi đậu xanh…).
 Đọc thêm ở đây:
Cảm nhận trên facebook:
*Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:
Hà Tĩnh tự hào là đất thơ với Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Huy Cận, Xuân Diệu... Ngày 20.2.2016, đã diễn ra Hội thảo Xuân Diệu tại TP Hà Tĩnh với 43 tham luận (có tham luận dài tới 40 trang), nhằm khẳng định thân thế, sự nghiệp của ông là Nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học, Viện sĩ viện thông tấn CHDC Đức - một nhân cách lớn.
Buổi chiều, tại Nhà văn hóa mang tên Xuân Diệu, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức với hình thức hát thơ, hát dân ca ví dặm và các nhà thơ đọc thơ trước gần ngàn công chúng yêu thơ tham dự. Cùng các nhà thơ của tỉnh, nhiều nhà thơ tên tuổi từ trung ương đã tham gia chương trình này: Trần Đăng Khoa (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN), Nguyễn Trọng Tạo, Lê Thành Nghị, Chử Văn Long... Nhiều bài thơ đã gây xúc động sâu sắc.
Buổi tối cùng với lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Xuân Diệu là một chương trình nghệ thuật đậm đà màu sắc quê hương, trình diễn nhiều bài thơ của Xuân Diệu và những tiết mục ca ngợi 2 quê của ông là Can Lộc quê cha và Tuy Phước quê mẹ.
Một ngày đêm với nhiều hoạt động phong phú, với những cuộc gặp gỡ ấm tình của các nhà thơ, các nhà hoạt động và công chúng khắp cả nước.
Sáng nay, chia tay Hà Tĩnh, về Diễn Châu quê mình chuẩn bị cho ngày rằm tháng giêng hội hè và hương khói...

*Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng:
Tôi tha thiết và thành tâm mong muốn nhận được sự ủng hộ của các đồng chí lão thành cách mạng, sự đồng hành của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thành phố và đặc biệt là nguồn trí tuệ cùng với lòng yêu nước trong nhân dân. Tất cả những điều đó chính là chỗ dựa tinh thần, là sự bổ sung nguồn sáng tạo để giúp tôi tự tin và hành động.
(Ảnh: Chụp cùng đ/c Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM tại đường hoa Nguyễn Huệ)
*Giáo sư Ngô Bảo Châu ( Chau Ngo):
4 trang còn 11 dòng. 

Trình bày và phân tích các sự kiện lịch sử một cách chính xác và khách quan có làm tăng hận thù dân tộc hay không? Chắc chắn không vì con người biết suy xét đúng sai. Cách tốt nhất làm tăng hận thù dân tộc và chuẩn bị cho một cuộc chiến máu chảy đâu rơi là thêu dệt lịch sử theo cách có lợi cho hoàn cảnh chính trị hiện tại.

Không có nhận xét nào: