Xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) cuối tháng 11 đau nghẹn khi đón thi thể ông Trương Đình Bảy (SN 1970, trú thôn An Hải) trở về. Hầm tàu lạnh lẽo không một con cá, mà là một thi thể, quắt lại. Ông Bảy bị bắn chết khi đang hành nghề ở quần đảo Trường Sa vào 18h ngày 26.11. Đến ngày 1.12, xác được đưa về, trong mình còn hai lỗ đạn.
Song cuon mau xo tau ngu dan Viet-hinh-anh-1
 Thi thể ông Trương Đình Bảy được ướp trong hầm đá.
Hàng xóm cử hành tang lễ. Lại một căn nhà cuối bãi phi lao, một màu tang trắng. Con mất cha, vợ mất chồng. Lại một cơn giông tố ụp lên đầu người Bình Châu, rồi lặng lẽ qua đi cho thế hệ kế tiếp ra khơi vạn dặm.
Ngay lúc này, cơ quan chức năng nói vẫn đang tiến hành điều tra những kẻ trên tàu lạ tấn công ngư dân. Người ta nói đó là hành vi vô nhân đạo không thể chấp nhận dù bất cứ lý do nào. Có người nhận định đó là những tên cướp biển, cũng có người nói chưa xác định được là người của quốc gia nào. Nhưng dù là người gì, biển Bình Châu vẫn bàng hoàng: sao dã man thế, có mẹ có cha không, nỡ giết người để mẹ góa con côi…
Câu chuyện ông Bảy bị bắn lại ghi thêm vào danh sách buồn của ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu. Ông Hùng nói, đến nay ở xã đã có 3 lần tàu cá ra Hoàng Sa, Trường Sa bị bắn rồi.
Song cuon mau xo tau ngu dan Viet-hinh-anh-2
 Ông Nguyễn Thanh Hùng - Ảnh: Lê Đình Dũng.
Ông Hùng kể, giọng buồn buồn: “Mùa hè năm 2009, hai chiếc tàu cá của ông Phạm Qui (thôn Phú Quý) ra Hoàng Sa hành nghề lặn. Sau đó có 2 ca nô của Trung Quốc ra áp sát tàu cá rồi gom hết tài sản của hai tàu lên một tàu để kéo vào đảo. Khi anh em ngư dân phản ứng thì một tên dí súng ngắn vào đầu ông Qui bắn chết tại chỗ”.
“Rồi bạn chài cũng ướp lạnh ông Qui trong hầm cá rồi đưa về như rứa đó”, ông Hùng kể đều đều. 
-Vậy lúc đó ở ta có phản ứng gì không?
 “Những năm đó cũng chẳng có phản ứng gì đâu, việc xảy ra rồi thì bà con đi thăm hỏi thôi”, ông Hùng nói.
Trường hợp khác là tàu cá của ông Tiêu Viết Là (54 tuổi, thôn Châu Thuận Biển). Ông Là trong một lần ra đánh bắt ở Hoàng Sa, bị tàu Trung Quốc rượt đuổi bắn đạn xối xả khiến 6/12 thuyền viên bị thương.
Theo ông Hùng, chỉ tính từ năm 2008 đến năm 2014, trên toàn địa bàn xã, có 77 trường hợp tàu cá bị gặp nạn do thiên tai, bị tàu nước ngoài xua đuổi, đâm va, bắt thu tàu. Tính sơ bộ, đã có khoảng 24 người chết do thiên tai và bị tấn công. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 38,5 tỉ đồng.
Đời cha, đời con cùng nếm cảnh bị cướp bóc
Trở lại câu chuyện tàu cá của mình bị bắn, ông Tiêu Viết Là kể: “Tôi đi biển từ nhỏ, phần lớn là ra đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa. Có 4 năm bị Trung Quốc bắt bớ, bắn, cướp tàu”.
Ông nhớ lại, năm 2006, khi đánh bắt ở Hoàng Sa, gần đảo Phú Lâm thì bị tàu Trung Quốc ra chặn lấy sạch tài sản, chỉ trừ mỗi con tàu cho về.
Đến mùa hè năm 2007, tàu tiếp tục đánh bắt ở Hoàng Sa thì lại gặp tàu Trung Quốc ra chặn để cướp đồ. Rút kinh nghiệm năm trước, lần này ông Là phóng tàu bỏ chạy nhưng không ngờ tàu Trung Quốc rượt theo và bắn đạn xối xả về phía tàu cá, bắn ghe với thùng phi nát hết.  
Song cuon mau xo tau ngu dan Viet-hinh-anh-3
 Ông Tiêu Viết Là - Ảnh: Lê Đình Dũng.
“Lúc đó có 6 người núp dưới tàu nhưng bị đạn của chúng bắn xuyên qua, nhiều người bị thương ở tay, ở ngực, ở chân. Anh em kêu hoảng lên bị thương nhiều quá. Lúc này tàu Trung Quốc không đuổi nữa mà quay về đảo. Tôi liền quay đầu tàu lại chạy đâm thẳng vào đảo Phú Lâm. Tàu Trung Quốc thấy vậy liền chạy trước dẫn đường vào lạch. Khi đưa anh em bị thương lên, thấy quá nặng nên nó mới cho trực thăng chở qua đảo Hải Nam cấp cứu. Còn tôi may không trúng đạn nhưng bị nó đánh rất đau.
6 người không bị thương cũng bị chúng đưa về đảo Hải Nam nhốt khoảng 20 ngày. Sau đó chúng lại đưa trở lại đảo Phú Lâm. Chúng tìm cách dọa tôi để khai báo những thứ không liên quan, tôi chẳng sợ, cầm lấy cổ áo của nó thách nó bắn, nhưng mà nó không bắn”, ông Là kể.
“Thấy không làm được gì, chúng không hỏi gì nữa mà cho chúng tôi về nhưng tài sản thì lấy sạch, lấy luôn cả con tàu”.
“Đến năm 2009, tôi lại thêm một lần bị nó bắt, cướp sạch tài sản, nhưng lần này nó trả lại tàu”.
“Mùa hè năm 2010, tôi lại bị TQ bắt khi đánh bắt gần đảo Hoàng Sa. Nó nhốt xong gọi tôi ra phỉnh nói chuyện. Tôi không nói nó đá thẳng vào ngực, vào đầu. Tôi choáng váng không thấy đường, chúng phải dìu về lấy thuốc cho uống, mệt đừ, thở không nổi”.
Ông nói, năm này, đứa con thứ hai Tiêu Viết Vấn lần đầu theo cha ra biển xa nhưng đã phải nếm mùi của TQ. “Lần này đánh, hỏi, giam đã rồi chúng cũng thả, bọn tôi phải theo tàu Mai Phụng Lưu về vì chúng lấy luôn cả con tàu”.
Những chuyến đi bị bắt nhốt, cướp giữ tài sản liên tục như vậy khiến gia đình ông Là kiệt quệ, nợ nần. Nhưng ở biển không đi biển thì lấy gì ăn, thế là ông lại vay mượn đóng tàu ra khơi.
“Sau đợt năm 2010, tôi tiếp tục đi biển vài chuyến nữa. Đến khoảng năm 2012, đau yếu quá nên tôi đành nghỉ ở nhà, 2 đứa con trai tiếp tục đi biển”, ông Là nói.
Có lẽ, ở Bình Châu, nỗi sợ hãi biển dữ dường như không có khi người ta vốn sinh ra từ biển. Những lần bị bắn, giết như trường hợp ông Là, ông Qui, ông Bảy cũng là một lần đau nhói trên cơ thể đã có quá nhiều vết thương.  
Song cuon mau xo tau ngu dan Viet-hinh-anh-4
 Nỗi đau mất cha của con trai nạn nhân Trương Đình Bảy - Ảnh: Lê Đình Dũng.
Ông Hùng kể, có những gia đình cả mấy cha con đi biển gặp bão đánh mất tích, phụ nữ góa chồng, góa con cứ thế ngày lại nhiều thêm. Năm 2009, cha con ông Nguyễn Quê ở thôn Châu Thuận Biển đánh bắt ở Hoàng Sa gặp bão đánh chìm mất tích. Toàn bộ thuyền viên trên tàu gồm anh em của ông Quê cũng mãi không về. Ở nhà, mấy bà vợ phải táng chồng bằng chứng minh thư và cành dâu.
Hay năm 2014, 3 cha con anh Trần Tiến Dũng cũng ở thôn Châu Thuận Biển và các thuyền viên trên tàu khi đánh bắt ở Trường Sa gặp bão cũng mất tích…
Và còn nhiều trường hợp nữa, đau không kể xiết...
Biển Bình Châu buổi chiều trong vắt, sóng trắng xóa. Ở cuối dãy phi lao, kèn đám tang ông Trương Đình Bảy kêu réo rắt não nề. Vợ khóc chồng ơi, con khóc cha ơi. Như bao lần người trong làng đều đã khóc. Rồi những đứa con cũng nối gót cha ra biển. Sóng dữ xô tàu, có khi quyện cả máu người Bình Châu.
Lê Đình Dũng