Trong bài viết có tiêu đề "Du học sinh: Ở hay về?", tác giả Nguyễn Tuấn Hải (tốt nghiệp Trường ĐH Priceton của Mỹ và nay đang hoạt động trong lĩnh vực du học) đã nêu những quan sát cá nhân, cùng từ thực tế từ những học trò của mình về nước sau tốt nghiệp. Dưới đây là nội dung bài viết.
"Đi đi, đừng về!" là câu nói đắng lòng phổ biến mà những người có trải nghiệm đau xót khi về nước làm việc nói với các em học sinh đang còn đi du học. Cũng có nhiều cha mẹ suy nghĩ và nói với những đứa con đi du học của mình như vậy.
Trên thực tế, khi làm công tác tư vấn chọn ngành cho học trò khi các em nộp hồ sơ đi du học, tôi luôn đặt câu hỏi này cho các cha mẹ: "Anh/chị có muốn con ở lại làm việc sau tốt nghiệp hay không?"
Và phần lớn câu trả lời tôi nhận được từ các bố mẹ là : "Có ".
Có lẽ câu chuyện đang nóng của Doãn Minh Đăng - cựu quán quân của " Đường lên đỉnh Olympia " tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ dường như là minh chứng cho niềm tin của các cha mẹ rằng: Ở lại nước ngoài làm việc sau tốt nghiệp sẽ tốt hơn nhiều cho con cái họ.
Với hàng ngàn học trò du học và hàng trăm em đã tốt nghiệp, tôi cũng tin như vậy - mà có lẽ cũng không cần liệt kê ra đây những điều tốt hơn đó.
Người ta hay nói tới câu chuyện đóng góp cho đất nước hay tình yêu tổ quốc... vào vấn đề ở hay về của các du học sinh. Điều đó quả thật là khiên cưỡng. Giống như người ta nói phải học lịch sử mới biết yêu nước vậy. Ô hay , yêu nước là điều tự nhiên vốn sẵn có trong từng con người cơ mà , sao phải cần tới học lịch sử thì mới có? Học lịch sử là để có tư duy lịch sử vì nó là một môn khoa học như bao môn khoa học khác. Và nếu các em chọn không học thì cũng không có sao với tình yêu tổ quốc cả.
Đấy là còn chưa nói tới tổ quốc trước tiên là mảnh đất dung dưỡng và bảo vệ một con người.
Và điều này, khi áp dụng vào với các em du học sinh, thì nơi nào mà các em có thể cống hiến và làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình thì nơi đó nên là đích đến sau tốt nghiệp của các em.
Trên thực tế, không ít học trò của tôi về nước sau tốt nghiệp và từ quan sát của mình tôi tạm đúc rút ra mấy điều:
1. Các em học các ngành kinh doanh, tài chính và kinh tế có thể tìm được công việc ổn , tốt và rất tốt ở Việt Nam.
Tôi có học trò học Reed College về nước làm việc sau khi học kinh doanh tại đây hiện đang là giám đốc cấp cao của Lazada. Em đang là 1 ngôi sao trong giới lãnh đạo kinh doanh trẻ của Việt Nam.
2. Các em học các ngành khoa học và kỹ thuật thật sự gặp khó khăn khi về nước. Ngay cả khi các em biết cách thức của Việt Nam thì môi trường làm việc chả có cái gì cho các em làm việc và nghiên cứu cả.
Đi dạy học là giải pháp tạm ổn về tài chính cho các em.
Một phụ huynh của tôi có con đang học Toán tại đại học Colgate , Mỹ có nói: " Thằng Kh nhà chị không biết về nước thì làm gì?". Tôi bảo: "Nếu nó cứ thích về thì chị cho nó qua chỗ em dạy học cũng được!"
Biết là lãng phí, nhưng biết làm sao đây? Và càng lãng phí nếu các bạn biết rằng Kh là một học sinh cực xuất sắc: khi học tại ACS của Singapore, em đã cho nhiều tài năng tại đây hạ knock-out hết một loạt.
3. Các em về Việt Nam vì các lý do cá nhân và gia đìn , sau một thời gian không tìm được việc làm hay thậm chí đã đi làm một thời gian và phát hiện ra mình không thể hòa nhập được cách thức làm việc và đối xử của người Việt trong môi trường làm việc, đã âm thầm quay trở lại nước ngoài. Cú sốc văn hóa ngược này mới chính là thứ khiến các em đau đớn và vỡ vụn rất nhiều thứ trong trái tim.
Trong vô vàn học sinh Việt đã từng đi du học và trong nhiều vạn các em sẽ đi , có ai không mơ ước về một Việt Nam tốt đẹp hơn?
Nhưng có lẽ các em sẽ phải đợi. Và chờ nhiều năm nữa...
· Nguyễn Tuấn Hải
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét