Translate

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Sự tha hóa trong thiện nguyện là dấu hiệu của Mạt pháp!

>> “Đúng quy trình” dễ sợ!
>>  Tình người và khủng bố
>> Trang điểm chức vụ bằng tiền của dân
>> 
Tiền dân, mạng dân chẳng lẽ… “rẻ rúng” thế?!
>> ‘Năng lực thẩm phán trung cấp không hơn gì sơ cấp’
>> Cần khởi tố vụ ngư dân bị bắn chết ở Trường Sa


Tuần VNN - Xã hội loại người sợ nhất là nguy cơ, là thái độ thờ ơ, là việc đẩy xa nhau giữa chính con người với con người. Nguồn gốc của sự lỏng lẻo trong mối liên hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng xuất phát từ sự lên ngôi của lối sống vị kỷ thực dụng, bàng quan vô cảm với mọi người xung quanh, với công việc của cộng đồng. Vì vậy, tinh thần thiện nguyện, làm từ thiện là những tác nhân quan trọng, là yếu tố tích cực trong việc giảm thiểu những nguy cơ nói trên.

Những bông hoa đẹp lặng lẽ… dâng cho đời

Tương thân, tương ái là một truyền thống tốt đẹp lâu đời của dân tộc Việt Nam, tinh thần ấy thắm đượm trong từng lời ru, trong ca dao tục ngữ xưa, trong thơ văn và trong những sinh hoạt dân sự đời thường. Người Việt Nam làm từ thiện, thiện nguyện rất nhiều, rất thường xuyên và rất âm thầm… Trong khu vườn đạo đức nhân văn của nhân loại, họ là những bông hoa đẹp lặng lẽ... dâng cho đời.

Người viết từng biết một đôi vợ chồng còn rất trẻ ở Đà Nẵng, người chồng làm thợ sắt, người vợ công tác ở phường, đều đặn 4 giờ sáng chủ nhật hàng tuần, vợ chồng họ cùng đoàn người thiện nguyện múc từng tô cháo thơm ngon nóng hổi cho các bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện.

Có vị nữ tiến sĩ đã nghĩ hưu sinh sống tại Sài Gòn, qua một bản tin nhân đạo trên báo, chị ấy cùng với các bạn của mình vận động quyên góp một số tiền và gửi vào tài khoản người viết, nhờ người viết chuyển đến tận tay hai đứa bé có hoàn cảnh bất hạnh ở Đà Nẵng.

Người viết cũng tham gia một vài hội facebook, cứ thấy trường hợp thương tâm nào có thể giúp đỡ được, mọi người trong hội lại hô hào, tùy tâm từng người đóng góp và cử người đại diện đến kịp thời thăm hỏi, động viên.

Và ngày ngày trên các con đường quốc lộ dọc ngang tổ quốc, từng đoàn cứu trợ của tư nhân, của các tổ chức… ngược xuôi trên khắp nẻo Bắc, Trung, Nam, họ lên núi, vào rừng, hoặc men theo các cánh đồng duyên hải, tìm đến những ngôi làng, ngôi trường xa xôi hẻo lánh, tìm đến tận nơi, để được tận tay chia sẻ, san sẻ những con người, những số phận đang gặp khó khăn, bế tắc, cùng đường.

Với văn hóa tiểu nông và nền văn minh lúa nước, với văn hóa làng xã quanh quẩn bên cây đa miếu đình, với tín ngưỡng đa phần tôn thờ đạo Phật, đa số người Việt Nam coi việc làm nhân đạo như một thói quen đời thường, nhẹ nhàng và im lặng, họ sống bằng một tấm lòng và tấm lòng đó cuối cùng chỉ để gió cuốn đi. Họ quan niệm rằng, làm từ thiện, làm thiện nguyện mà khoe ra, mà kể ra thì ít nhiếu mất đi giá trị ý nghĩa cơ bản cao quý tốt đẹp ban đầu của nó, mất đi sự trong sáng vô tư vốn có của người học Phật.

Nhân rộng từ thiện và toàn cầu hóa từ thiện

Đời là bể khổ, những số phận bất hạnh còn rất nhiều và ở khắp mọi nơi, nhân rộng những tấm gương từ thiện, những tổ chức nhân đạo cũng là một việc cần nên làm, người viết hoàn toàn đồng ý với ý tưởng trên, sự chung tay, chung sức của cộng đồng trong cùng một việc, nhất là công việc thiện nguyện bao giờ cũng kịp thời hơn, thiết thực hơn và hiệu quả hơn. 

“Quán cơm 2000 đồng” là nghĩa cử tốt đẹp cao cả, nhưng muốn nhân rộng và áp dụng rộng khắp cả nước thì cần dựa vào truyền thông, và báo chí đã làm rất tốt điều này.

Từ các đài phát thanh truyền hình ở địa phương cho đến trung ương, ngày ngày khán giả trong cả nước biết được các doanh nhân tích cực làm từ thiện, các doanh nhân tham gia các buổi đấu giá để làm từ thiện. Có người cho rằng, những doanh nhân này chỉ chú trọng đến quảng cáo thương hiệu cho chính mình, người viết không đồng tình với nhận định trên, họ có quyền làm những gì pháp luật không cấm, họ quảng cáo thương hiệu, họ lăng xê bản thân cũng được, miễn rằng các mục tiêu từ thiện không bị bớt xén méo mó, không bị lạm dụng tư lợi, hoặc không đến được với những người cần giúp đỡ. Chỉ nói, chỉ hô hào mà không làm thì mới là một điều đáng phê phán, đáng lên án.

Xã hội đang kết nối toàn cầu, xu hướng toàn cầu hóa là điều tất yếu. Thiên tai, chiến tranh, biến đổi khí hậu, ô nhiểm môi trường, bệnh tật, cái đói, cáí nghèo… hiện hữu khắp hành tinh, vì thế toàn cầu hóa từ thiện cũng là một điều cần thiết. Ở tầm vi mô, người ta thường nói rằng “giúp ngặt chứ không ai giúp nghèo”, nhưng ở tầm vĩ mô người ta tính toán đến các biện pháp cách thức trao “cần câu cơm” để thoát nghèo, thoát khổ, thoát khỏi bệnh tật… một cách bền vững, tức là các giải pháp căn cơ và tận gốc. Và không thể phủ nhận, một số tổ chức phi chính phủ, các tổ chức từ thiện quốc tế đã âm thầm làm rất tốt công việc vĩ mô này, ví dụ như các tổ chức từ thiện phi chính phủ Amée du Salut, Médeoins Sans Frontières… thu hút được sự ủng hộ tài chính rất lớn của mọi người và thực tế đã chứng minh được những hiệu quả to lớn mà họ mang lại cho cộng đồng.

Sự tha hóa trong thiện nguyện là dấu hiệu của Mạt pháp

Cái gì cũng có tính hai mặt của nó, ở Việt Nam hiện nay cho thấy rằng các “nhà từ thiện” xuất hiện như trăm hoa đua nở, rất đơn giản và bát nháo, cách thức quản lý lại thiếu minh bạch, họ nhận thấy sự “siêu lợi nhuận” trong công việc tưởng chừng như rất nhân văn cao đẹp này, thậm chí biến tướng thành một nghề “từ thiện” và các “nhà từ thiện” ấy cạnh tranh vô cùng khốc liệt với nhau bởi thực tế thiếu những rào cản pháp lý, bởi thiếu những công cụ luật của nhà nước để kiểm soát.

Có người quan điểm rằng, bản thân mình cần cho là cứ cho, cần quyên góp là quyên góp, ai làm sai người ấy chịu, ai có tội người ấy chịu sự trừng trị của luật nhân quả. Nhưng lại có một ý kiến ngược lại khá lạnh lùng và sắc bén cho rằng làm từ thiện mà không biết tiền mình đi về đâu, đến nơi nào tức là người làm từ thiện đó vô trách nhiệm với chính đồng tiền của mình.

Mà sự trục lợi trên danh nghĩa từ thiện là muôn hình vạn trạng, là bòn rút chiếm dụng vốn từ thiện, là lợi dụng kinh doanh sản phẩm, là quảng cáo thương hiệu, là quảng cáo hình ảnh cá nhân, là trốn thuế, là lừa đảo…Chính sự vô tư trong sáng, ngây thơ cả tin thường thấy của người Việt là miếng đất màu mỡ cho các “nhà từ thiện” dỏm, lưu manh tung hoành, dụng võ.

Đọc báo hàng ngày, chúng ta đã từng vỡ òa thất vọng khi thấy một số cơ sơ từ thiện bị phát hiện thực chất mục đích cuối cùng chỉ là làm giàu cho chính bản thân mình. Họ tìm cách tiếp cận với những người nổi tiếng, chụp hình với các chức sắc trong tôn giáo, với các lãnh đạo cấp cao… nhằm xây dựng niềm tin, lôi cuốn, đánh lừa thị giác những người giàu lòng hão tâm hiền hậu.

Đọc báo hàng ngày, chúng ta từng ngậm ngùi căm phẩn khi biết những cán bộ xã ăn chặn gạo, thuốc men, gia súc, trâu bò, tiền trợ cấp nhân đạo… của dân nghèo.

Mới đây, sự việc gần 20 hoa hậu tham gia chương trình “Hoa hậu Việt Nam một năm nhìn lại” do công ty tư nhân TNHH Sắc Màu tổ chức với sự bê bối, lùm xùm trong việc thiện nguyện ở cố đô Huế khiến dư luận bức xúc xôn xao.

Thật hết sức phản cảm khi “nhiều em nhỏ đã phải nhường chổ ngồi, suất cơm cho đoàn hoa hậu vì số người đến tăng lên gấp đôi so với số lượng thông báo từ trước, các người đẹp cũng không đủ thời gian để sống cùng một ngày với các em nhỏ như kế hoạch ban đầu mà chỉ vẻn vẹn mấy tiếng đồng hồ, việc tham gia nấu nướng, đón các em nhỏ đi học về cũng đành gác lại vì lúc họ đến thì mọi chuyện đã xong xuôi”. Đấy chính là những lời thuật lại của giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân, nơi mà “đoàn từ thiện” toàn là hoa hậu đã dừng chân.

Ngay cả các tổ chức từ thiện phi chính phủ nước ngoài đến Việt Nam cũng có dấu hiệu lừa đảo, chiếm dụng vốn của các đối tác địa phương. Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau vừa gửi công văn cảnh báo và khuyến cáo, yêu cầu các tổ chức và người dân chỉ nên hợp tác với các tổ chức từ thiện quốc tế nào đã được Đăng ký giấy phép hoạt động ở địa phương.

Biện pháp tốt nhất trong các công tác từ thiện cuối cùng vẫn chính là sự công khai minh bạch, đối với các tổ chức từ thiện có quy mô lớn cần phải có sự can thiệp của đơn vị kiểm toán độc lập.

Làm từ thiện như góp những viên gạch xây cho đời tốt đẹp hơn, nhưng đôi khi sự vô tư tùy tâm của những người góp gạch lại là đích đến tư lợi của người hô hào góp gạch. 

Sự tha hóa ở mặt nào cũng dẫn đến tiêu cực trong xã hội, nhưng sự tha hóa trong thiện nguyện nhân đạo nhiều như hiện nay là dấu hiệu của Mạt pháp. Mạt pháp tức là xã hội đã mất lòng tin tất cả, mất lòng tin ngay chính điều tốt đẹp nhất là tình đồng loại.

MP-----------------

http://phuocbeo.blogspot.com/2015/12/su-tha-hoa-trong-thien-nguyen-la-dau.html

Không có nhận xét nào: