KD:Bài viết phân tích kỹ lưỡng, với cái nhìn của một người quan sát và nghiên cứu các vấn đề của Trung Đông. Đói nghèo, sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc, sự phân biệt chủng tộc…., dẫn đến sự cực đoan quá khích- những nguyên nhân “quen thuộc” và đầy khổ đau, đã khiến nhân loại, các quốc gia luôn bất ổn, bất an. Nhưng còn những nguyên nhân gì nữa thuộc về tâm lý tin vào một lý tưởng, trong cái thế giới khôn lường này? Không hiểu sao vừa lạ vừa quen
————-
Cuộc khủng bố tại Paris vừa qua khiến cho câu hỏi tại sao những người trẻ tuổi bị cực đoan hoá trở thành một trong những vấn đề lớn của các cuộc tranh luận.
1. Nghèo đói?
Đây là nguyên nhân được tranh luận nhiều nhất. Việc phần lớn các tên khủng bố đều xuất thân từ gia đình trung lưu khiến cho nguyên nhân này thường bị gạt bỏ.
Tuy nhiên, nghèo đói luôn là một tác nhân hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp dẫn đến cực đoan. Tại thung lũng Swat của Pakistan, 63% gia đình cho rằng thanh niên tham gia các tổ chức vũ trang để cải thiện cuộc sống. Con số này ở Nigeria là 83%. Cuộc sống đói nghèo khiến nhiều trẻ em sinh ra bị thiếu chất dinh dưỡng, tổn thương về mặt thể chất và được gửi đến cho các nhóm thánh chiến để đỡ đần gánh nặng gia đình.
Việc các mạng lưới khủng bố được thiết lập hầu hết tại các quốc gia nghèo đói như Yemen, Mali, Pakistan, Afghanistan, đảo Mindanao của Philippine hay các vùng kém phát triển của các quốc gia giàu có hơn như Saudi, Tunisia là để tiến hành công tác tuyển mộ những thanh niên từ cuộc sống đói nghèo và tương lai mờ mịt.
Tại Ai Cập, chính vì sự bất lực của chính quyền trong việc khiến người dân có một cuộc sống no đủ đã khiến các mạng lưới trợ cấp nhân đạo tôn giáo của Huynh Đệ Hồi giáo trở thành nơi tương trợ duy nhất cho dân nghèo, không những chỉ là thức ăn mà còn là các dịch vụ y tế, giáo dục. Huynh Đệ Hồi giáo thâu tóm niềm tin của dân nghèo và dễ dàng phát tán các tư tưởng tôn giáo của mình.
Chính vì vậy, tuy đói nghèo không phải là nguyên nhân duy nhất nhưng là môi trường để tư tưởng cực đoan có thể chiếm lĩnh và chiêu mộ chiến binh thánh chiến.
Chúng ta không nên quên rằng nhánh người Hồi thiểu số Alawite vì lý do kinh tế mà hào hứng tham gia quân đội khi Syria còn bị đô hộ bởi Pháp, và sau đó trở nên hùng mạnh, thống trị đất nước với hai đời cha con tổng thống độc tài.
Tại các nước phương Tây, dù nghèo đói không phải là sự đe doạ sát sườn nhưng thất nghiệp là nguyên nhân lớn để một bộ phận thanh niên trở nên mất phương hướng. Thất nghiệp khiến con người phải đối mặt với ý nghĩ bản thân trở thành vô dụng. Và bất kỳ một con đường nào để họ có thể tìm lại giá trị của bản thân đều có thể trở thành một giải pháp.
2. Ngu dốt và ảnh hưởng tâm thần?
Sự thiếu hụt về học thức cũng là một nguyên nhân thường thấy trong các nghiên cứu về cực đoan và khủng bố. Tuy nhiên, cũng giống như nghèo đói, nguyên nhân này thay đổi tuỳ hoàn cảnh và khu vực, tại Pakistan, chỉ có 8% trong khi tại Nigeria là 93%.
Phần lớn những kẻ khủng bố có tên tuổi đều có bằng cấp, thậm chí có bằng đại học. Người đứng đầu nhà nước Hồi giáo tự phong IS có bằng tiến sĩ. Việc cho rằng các tên khủng bố có vấn đề về mặt thần kinh hoàn toàn không nhận được sự ủng hộ từ các dữ liệu nghiên cứu.
3. Thuốc kích thích?
Chính quyền Pakistan khẳng định rằng, trong 248 cuộc đánh bom tự sát từ năm 2002-2010, cướp đi hơn 5000 mạng sống, những kẻ khủng bố đã được cho uống một thứ chất kích thích có tên là methamphetamine (meth) khiến người dùng mất khả năng phán xét thực tại. Nadeem, một thanh niên bị bắt kể lại rằng anh ta đã chờ quá lâu và khi thuốc hết tác dụng thì không dám kéo dây kíp nổ.
Việc sử dụng meth đã có từ thế chiến thứ hai khi quân đội của cả hai phe đều dùng chất kích thích này để tăng cường khả năng chiến đấu và hy sinh. Các phi công cảm tử của Nhật khi lao máy bay vào địch đều dùng meth liều cao. Bắc Hàn là một trong những quốc gia phải đương đầu với tỷ lệ lớn người nghiện meth.
4. Bất công bạo loạn xã hội?
Tại những quốc gia mà chính quyền hoạt động thiếu hiệu quả và tham nhũng, các tổ chức cực đoan dễ dàng đưa ra thông điệp rằng để có thể thiết lập lại trật tự, giải pháp là tuân theo những nguyên tắc Hồi giáo mà họ đề ra.
Xin kể lại một câu chuyện khi tôi ở Pakistan. Gia đình tôi ở cùng có ông bố giảng dạy tại trường đại học. Tối hôm ấy từ trong phòng mình, tôi nghe thấy cô con gái 20 tuổi vừa đi học về khóc nức nở. Cậu em trai đi đón chị từ bến xe trên đường về bị một nhóm cướp chặn đường dí súng vào đầu để trấn lột.
Gia đình đã báo cảnh sát nhưng tất cả khẳng định rằng cảnh sát biết rất rõ tụi cướp là ai nhưng sẵn sàng làm ngơ. Bên bàn ăn, đôi mắt cậu bé mới 17 tuổi rực lên sự uất ức, căm phẫn và bất lực.
Người bố thở dài: “Chính quyền tham nhũng, thối nát. Nếu phải chọn giữa Taliban và cái chính quyền tồi tệ này, tôi chọn Taliban. Ít nhất với Taliban, chúng tôi có thể đòi lại sự công bằng”.
Khi tội ác đã rõ rành rành và quan chức địa phương đứng khoanh tay, Taliban dường như là kẻ cuối cùng có thể đòi lại chân lý, mặc dù việc chọn Taliban đồng nghĩa với lựa chọn một nhà tù.
Cuối cùng, trong cơn uất ức, tức nước không vỡ được bờ, khát khao trả thù đã mạnh hơn sự đe dọa mất tự do.
5. Bất công xã hội, kỳ thị tôn giáo và phân biệt chủng tộc
Nguyên nhân này thường thấy ở các nước phương Tây nơi các thế hệ di dân thứ hai và thứ ba, dù sinh ra và lớn lên ở châu Âu nhưng không cảm thấy mình là một phần của xã hội đó, thậm chí coi xã hội đó là kẻ thù.
Sự bất công và phân biệt chủng tộc với người Hồi cũng giống như với người nhập cư da màu, nhưng người Hồi còn phải gánh chịu sự bài xích từ việc tôn giáo của họ bị gắn liền với bạo lực.
Một nghiên cứu của Pháp gửi đi 6.200 đơn xin việc giống nhau chỉ thay đổi tên, và kết quả là cái tên gốc Hồi chỉ nhận được 1/4 số lượng mời phỏng vấn so với các tên khác.
Trong thực tế, tỷ lệ thất nghiệp của người Hồi ở Pháp là 17,3%, cao hơn so với người bản xứ là 9,7%. Trong các nhà tù của Pháp, 70% tù nhân được cho là người Hồi, so với 14% ở Anh.
Vòng xoáy của bất công, thất nghiệp, tệ nạn khiến người nhập cư Hồi giáo phải cố gắng hơn nhiều lần để đạt được địa vị ngang bằng với người bản xứ.
Sự kỳ thị tôn giáo và ảnh hưởng của đảng Le Pen tại Pháp cũng khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn. Việc hàng trăm ngôi mộ Hồi giáo vị đào xới và treo đầu lợn (heo) là những bước leo thang đánh mạnh vào sự chia cắt của nước Pháp về vấn đề đa văn hoá.
Câu chuyện của Nawaz, một thanh niên người Anh viết sách (Radical – Maajid Nawaz) kể lại quá trình mình bị cực đoan hoá sẽ khiến chúng ta rõ thêm về bối cảnh của vấn đề.
Nawaz là một sinh viên giỏi, đam mê hiphop. Tuy nhiên, cũng như nhiều người nhập cư khác, anh luôn phải đối mặt với sự kỳ thị tôn giáo và phân biệt chủng tộc. Một ngày nọ, anh cùng với bạn chạm mặt với một nhóm thanh niên cực hữu có vũ khí trong tay.
Không thể chạy trốn như mọi lần, nguời bạn của Nawaz tiến lên và nói: “Chúng mày có nhìn thấy nguời Hồi đánh bom cảm tử trên TV không? Tao cũng là người Hồi. Chúng tao yêu cái chết hơn chúng mày yêu cuộc sống”. Đám cực hữu choáng váng và bỏ cuộc.
Với Nawaz, đây là thời điểm thay đổi nhận thức. Chàng trai trẻ hiểu ra rằng cảnh sát không thể giúp đòi lại công bằng (vì chính cảnh sát cũng kỳ thị người nhập cư), âm nhạc không giải quyết được vấn đề (vì âm nhạc chỉ khiến từng cá nhân quên đi thực tại), tri thức không phải là giải pháp (vì bất công theo chân từng bước suốt sự nghiệp).
Với Nawaz lúc đó, lời nói dối rằng họ chính là những chiến binh thánh chiến đã cứu anh thoát nạn và khiến kẻ thù bỏ chạy.
6. Chủ nghĩa can thiệp của phương Tây và “âm mưu” chống lại người Hồi toàn thế giới
Phương Tây có một quá khứ không dễ bỏ qua với người Hồi. Sau khi đế chế Hồi giáo huy hoàng sụp đổ, phương Tây thống trị người Hồi, bóc lột và đô hộ Trung Đông. Khi chế độ thực dân sụp đổ, để bảo vệ quyền lợi quốc gia, phương Tây phải chơi nước đôi, một mặt đề cao các giá trị dân chủ và tự do, mặt khác bắt tay với các chính quyền độc tài của Trung Đông như Saudi, Yemen, Libya và Ai Cập.
Tuy nhiên, những chính quyền này trong mắt một bộ phận dân bản xứ là con rối của phương Tây, tham nhũng, độc tài và bất lực với các vấn đề nội tại. Phương Tây trở thành kẻ đạo đức giả.
Nhất là khi phương Tây trở thành đồng minh của chính quyền bản xứ trong các cuộc xung đột khác nhau ở Trung Đông thì vai trò của phương Tây được nhìn nhận từ khía cạnh tôn giáo, tức là giúp nguời Hồi giết nguời Hồi. Vì căm ghét chính quyền, đối với bộ phận dân này, phương Tây cũng trở thành kẻ thù.
Trong nghiên cứu của Giáo sư Khan, người Pakistan cho rằng nguyên nhân lớn nhất dẫn đến quá trình cực đoan là các chính sách thiếu nhạy cảm của phương Tây.
Những lý do khác khiến phương Tây trở thành nguyên nhân của sự căm giận là sự thờ ơ hoặc không cố hết sức trong việc giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine (trong đó nhà nước Israel được thành lập là do ảnh hưởng của phương Tây).
Việc Bush khởi động cuộc chiến chống khủng bố khiến không chỉ quân khủng bố rơi vào tầm ngắm mà nhiều nguời Hồi cũng phải gánh chịu sự đàn áp, kỳ thị tôn giáo.
Với bối cảnh phức tạp đó, nhiều người Hồi tin vào thông điệp rằng phương Tây và toàn thế giới âm mưu chống lại sự trỗi dậy của Hồi giáo, ngăn cản họ quay lại thời kỳ huy hoàng ngày xưa.
Việc nguời Hồi bị đối xử bất công, kỳ thị, áp bức từ Bắc Phi đến Bắc Mỹ, từ Bắc Âu đến Đông Âu, từ Nga đến Trung Quốc, thậm chí ở những quốc gia Phật giáo như Myanmar và Srilanka cũng có cảnh sư sãi cầm vũ khí đánh đuổi người Hồi, khiến cho thông điệp này càng dễ tin.
Là một người Hồi chân chính, tín đồ phải đau nỗi đau đồng loại. Một người Hồi ở Palestine có thể vì áp bức mà không đấu tranh, nhưng sự bất công người này phải gánh chịu sẽ là động lực để một nguời Hồi trung lưu có học thức ở Pháp đứng lên cầm vũ khí.
Đây chính là điểm mấu chốt kết nối tất cả các nguyên nhân đã liệt kê bên trên với nhau và ý giải tại sao chúng ta không thể nhìn nhận vấn đề từ một khía cạnh riêng biệt.
Khoan hãy suy xét việc phương Tây đúng sai ra sao, việc đổ lỗi cho phương Tây của người Hồi và các chính quyền Trung Đông đã trở thành một thứ vũ khí tai hại, không những cho phương Tây mà còn cho chính người Hồi.
Nó khiến họ không thể nhìn nhận một cách khách quan trách nhiệm của bản thân mình trong các vấn đề nội tại. Nó cũng khiến cho những kẻ cực đoan có một cái cớ để tấn công phương Tây và truyền đi thông điệp rằng phương Tây mới chính là kẻ có tội.
7. Lý tưởng sống và mục đích hy sinh cho vinh quang
Giáo sư Scott Atran là một cái tên quan trọng trong các nghiên cứu về khủng bố. Ông đưa ra lý giải như sau về nguyên nhân của quá trình cực đoan.
Những kẻ mà chúng ta coi là điên rồ và man rợ về bản chất là những thanh niên sống có nhiệt huyết và khát khao cùng cực về một xã hội công bằng có đạo đức. Tuy nhiên, họ tin rằng giải pháp duy nhất để đạt được utopia này là cuộc cách mạng bằng vũ lực.
Chiến đấu và chết cho một lý tưởng là một mục đích cao đẹp. Những người dám đổ máu vì lý tưởng đó là anh hùng của một xã hội. Chúng ta cần những con nguời như vậy trong bất kể cuộc chiến nào, chính nghĩa hoặc phi nghĩa.
Stalin, Hitler, Mao là những nhà lãnh đạo kiệt xuất trong việc có thể khiến cho hàng triệu trí thức sẵn sàng cống hiến, giết chóc và hy sinh cho những lý tưởng ngày nay rất nhiều người không thể đồng tình.
Giới trẻ trong xã hội hiện đại ngày càng thiếu đi những lý tưởng và mục đích để hy sinh như vậy. Sự phát triển lệch lạc về vật chất và tinh thần khiến mục đích sống trở nên khó định hình.
Đó cũng là một xã hội bão hoà thông tin, bão hoà cơ hội, bão hoà tự do. Sự bão hoà đó dẫn đến cảm giác về một xã hội rối loạn, không có chân chống đạo đức, trật tự.
Được chiến đấu và chết một cách vinh quang cho một xã hội tốt đẹp hơn là một niềm vinh dự. Hy sinh cho đồng loại, hoặc thậm chí nhân loại, là một vinh quang. Đây chính là điều mà những kẻ đánh bom liều chết thực lòng tin tưởng.
Để kết luận, chúng ta có thể thấy rằng các nguyên nhân dẫn đến cực đoan và khủng bố là một tổ hợp phức tạp, tuỳ thuộc vào sự kiện, khu vực và thời điểm. Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề, giải pháp phải đồng bộ từ nhiều hướng.
Điều quan trọng nhất là giải pháp đó phải đến từ chính người Hồi, thực hiện bằng người Hồi. Việc kỳ thị và bài xích nguời Hồi không những làm cho vấn đề leo thang mà còn là việc gạt ra khỏi bàn lực lượng duy nhất có thể xoay chuyển được tình thế.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, là nhà quan sát Trung Đông, hiện đang giảng dạy môn Trung Đông Học tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan (Amsterdam University of Applied Sciences) và là tác giả cuốn Con Đường Hồi Giáo viết về 12 quốc gia Trung Đông thời hậu Mùa Xuân Ả Rập.
—————-
Nguồn:https://kimdunghn.wordpress.com/2015/11/24/vi-sao-gioi-tre-tro-thanh-khung-bo-va-cuc-doan/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét