Chỉ cần một va chạm nhỏ, Thế chiến thứ III có thể bùng nổ bất cứ lúc nào giữa NATO và Trung Quốc hoặc Nga. Và đây sẽ là cuộc chiến chưa từng có tiền lệ. Trong 20 năm qua, các nhà lãnh đạo ở London và Washington chỉ chú trọng tới hoạt động quân sự ở Sierra Leona, Bosnia, Iraq, Afghanistan và hiện thời là Syria. Tuy nhiên, thế giới hiện đang chứng kiến một xu thế mới đó là: Sự trở lại của cuộc đua giữa các cường quốc chính trị và nguy cơ đẩy các quốc gia này vào vòng xoáy chiến tranh.
Chiến đấu cơ Squadron Typhoon của Không quân Anh (phía trên) và máy
Theo Telegraph, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều người từng cho rằng cuộc xung đột giữa các cường quốc với Nga hay Trung Quốc là điều sẽ không bao giờ xảy ra. Song cuộc chiến này lại dường như đang gần hơn với thực tế.
Bởi tình hình hiện nay đã hoàn toàn khác so với mấy chục năm về trước khi mà hàng loạt máy bay ném bom của Nga đang ngày ngày tuần tra khắp các vùng biên giới của NATO. Hành động này có thể dẫn tới những va chạm trên không giữa oanh tạc cơ của Nga với các chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh.
Nguy hiểm hơn, bầu trời Syria giờ trở nên quá đông đúc với sự xuất hiện cùng lúc của các loại máy bay quân sự Nga và Mỹ tham gia chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS trong khi đó, NATO cũng cho triển khai hệ thống phòng không ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên biển, các vụ đụng độ dường như không thể tránh khỏi khi mà lực lượng tàu thuyền của Nhật Bản và Mỹ đang tìm cách ngăn chặn Hải quân Trung Quốc xâm chiếm nhiều hòn đảo và bãi đã ở khu vực Thái Bình Dương. Chính hoạt động quân sự hóa trên những khu vực mà Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm, đã tạo ra một cuộc đua vũ trang ở châu Á trong thời gian gần đây.
Các cuộc xung đột còn có thể được xem là một phần trong những quyết định chính trị lớn nhằm định hình lại thế giới. Bởi hiện nay, sức mạnh quyền lực ở châu Á đến từ tiềm năng quân sự và kinh tế đang dần bắt kịp phương Tây. Đây là nhận định của hai chuyên gia PW Singer và August Cole, đồng tác giả của cuốn “Ghost Fleet: A Novel of the Next World War” (tạm dịch: Hạm đội ma: Tiểu thuyết về Thế chiến tiếp theo).
Điển hình, trong những bài phát biểu liên quan tới “Giấc mơ Trung Hoa”, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhiều lần nhắc tới mối liên hệ giữa sức mạnh quân sự và vị thế vượt trội của quốc gia này. Nói cách khác, Trung Quốc đang muốn dần dần thế chân Mỹ để trở thành cường quốc số 1 thế giới.
Theo Giáo sư Graham Allison tại Đại học Harvard, kể từ năm 1500, 11/15 trường hợp tham vọng như Trung Quốc sẽ dẫn tới một cuộc xung đột.
Thậm chí, quyết định khơi mào xung đột không xuất phát từ việc tiềm lực của một quốc gia đang ngày càng lớn mạnh mà đôi khi lại ở sự xuống dốc. Cụ thể, Nga từng là một cường quốc nhưng giờ tình hình kinh tế và chính trị lại tụt dốc. Ví dụ, tuổi thọ trung bình của một đứa trẻ sinh ra ở Nga giờ chỉ tương đương với bạn cùng lứa ở Haiti. Ngay cả việc đẩy mạnh tiềm lực quân sự ở khu vực biên giới và đặt NATO vào tình trạng cảnh báo cao nhất kể từ giữa thập niên 80, cũng được xem là chiến lược không mấy khôn ngoan của Tổng thống Nga Putin.
Vậy bằng cách nào Thế chiến thứ Ba bùng nổ?
Không giống như lực lượng khủng bố Taliban hay IS và thậm chỉ cả đội quân của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein, các cường quốc trên thế giới giờ có thể triển khai lực lượng quân sự tới mọi vùng lãnh thổ. Và giờ là thời điểm thế giới chứng kiến những cuộc chiến giành quyền kiểm soát không phận và hải phận chưa từng xảy ra trong hơn 70 năm qua.
Tuy nhiên, một số dự án mua sắm khí tài lại mới được đầu tư nửa vời. Cụ thể, Anh đã chi 12 tỷ bảng để mua các chiến đấu cơ mới nhưng chương trình này đã không ít lần bị bại lộ và ngay cả tầm hoạt động của các máy bay mới cũng không thể sánh bằng quy mô trong Thế chiến thứ Hai. Thậm chí, chiếc tàu sân bay trị giá 6 tỷ bảng cũng thiếu cả hệ thống phòng thủ chủ chốt để tham gia một cuộc chiến hiện đại.
Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ tham gia huấn luyện tại căn cứ không quân Eglin ở Florida.
Ngoài ra, thế giới cũng đang phải chứng kiến cuộc chiến trong 2 lĩnh vực rộng lớn là khoảng không vũ trụ và không gian mạng.
Trong đó, khoảng không vũ trụ giờ được xem là một phần trong hệ thống đầu não của quân đội các nước. Không chỉ có các vệ tinh tình báo quân sự, hơn 80% hoạt động trao đổi thông tin quân sự của NATO còn được thực hiện qua các vệ tinh thương mại. Trong khi đó, năng lực diệt vệ tinh của Trung Quốc lại không ngừng được phát triển kể từ năm 2007. Thậm chí, Nga được cho đang phát triển loại vũ khí bắn hạ các hệ thống trong không gian, nhằm làm suy yếu năng lực của các lực lượng quân sự NATO. Về phần mình, Mỹ đã chuẩn bị sẵn khoản ngân sách 5 tỷ USD cho các kế hoạch chiến tranh vũ trụ.
Tình hình nay đã khác xưa, cuộc chiến không gian mạng không chỉ dừng lại trong những câu truyện viễn tưởng mà hiện đã trở thành một phần trong chiến lược quân sự. Và thực tế, cuộc chiến này đã bắt đầu. Điển hình, các nhóm tin tặc của Trung Quốc từng nhiều lần đột nhập và ăn cắp dữ liệu từ chương trình phát triển chiến đấu cơ hiện đại F-35 cho tới hồ sơ cá nhân của các nhân viên an ninh tại Mỹ mà cụ thể là 1,1 triệu dấu vân tay.
Trong khi đó, Nga sử dụng các cuộc tấn công mạng để đột nhập hệ thống thông tin lien lạc và thương mại của Ukraine còn Mỹ sử dụng Stuxnet, “siêu vũ khí” chiến tranh mạng, để tấn công các cơ sở nghiên cứu hạt nhân của Iran.
Do đó, vấn đề hiện nay không còn nằm ở việc các cường quốc quân sự có số lượng máy bay và tên lửa vượt xa quy mô mà IS hay quân đội của Tổng thống Syria Bashar-al Assad có thể cạnh tranh.
Đối với cuộc đua vũ trụ và không gian mạng, không có bất cứ ranh giới địa lý nào. Hơn nữa, mạng lưới viễn thông và thông tin liên lạc trong ngành dân sự và quân sự dường như không còn sự phân cách dù thông qua hệ thống cáp quang dưới lòng biển hay các nhà cung cấp dịch vụ trong nước. Hoạt động chia sẻ thông tin quân sự và tình báo hay gửi thư điện tử (e-mail) cũng đang diễn ra trên cùng một băng tần. Các loại máy bay không người lái tối tân nhất của Không quân Hoàng gia Anh và hoạt động theo dõi tư gia của các gia đình cũng dùng chung hệ thống đinh vị toàn cầu GPS.
Theo Telegraph, dù muốn hay không, sự bùng nổ của Thế chiến thứ Ba sẽ là lỗi lầm mang tính lịch sử về khả năng kiềm chế và ngoại giao giữa các nước. Song nguy cơ này là không thể loại trừ. Điển hình, trong tuyên bố chính thức hồi năm ngoái, một vị tướng quân đội Trung Quốc từng nhấn mạnh: “Chiến tranh thế giới là một dạng chiến tranh mà cả thế giới phải đối mặt”. Và lời tuyên bố này thật đáng để cân nhắc.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ trang điện tử của tờ Telegraph (Anh), một nhật báo khổ rộng phát hành buổi sáng hàng ngày tại Vương quốc Anh và nhiều quốc gia khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét