Translate

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

“Nhà nước & Nhân dân cùng...đón Tập ”. Hay à nha !

Đón tiếp Tập Cận Bình: Nên để “nhà nước và nhân dân cùng làm”

Hà Hiển. Hôm nay ông Tập Cận Bình đến Việt Nam nhưng suốt mấy hôm nay, chuyến thăm Việt Nam này của ông đã thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận, đặc biệt là việc ông Tập theo dự kiến sẽ đăng đàn phát biểu ý kiến trước Quốc hội Việt Nam.
Có 2 vấn đề gây nhiều bàn luận nhất liên quan đến sự kiện này, đó là nên tiếp đón ông Tập ra sao và ông Tập sẽ nói gì trước Quốc hội Việt Nam?
Tôi cũng xin được bàn góp về 2 chuyện này thôi.
Nên tiếp đón ông Tập ra sao?

Về việc này, nên tách biệt ra 2 vấn đề. Thứ nhất là việc tiếp đón của Nhà nước theo nghi lễ ngoại giao, vấn đề thứ hai là sự đón tiếp của nhân dân. Cái nào ra cái ấy. Không nên lấy cái này là tiêu chuẩn để áp vào cái kia.
Về sự tiếp đón của Nhà nước, dù mức độ quan hệ giữa 2 nước thế nào thì ông Tập cũng là khách mời. Việc thu xếp thế nào để ông có một cuộc đón tiếp phù hợp với những nghi thức ngoại giao một cách trang trọng giành cho một vị nguyên thủ quốc gia và đảm bảo an ninh một cách tuyệt đối cho ông và các thành viên khác trong đoàn là việc Nhà nước Việt Nam phải làm. Đây là chuyện tất nhiên. Mình thấy không cần thiết phải nói gì nhiều về vấn đề này. Để khỏi dài dòng, mình nghĩ cứ lấy các nghi thức mà Nhà nước Trung Quốc dành cho chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc đầu năm nay mà áp dụng cho chuyến thăm của ông Tập. Bên kia trải thảm đỏ đón bác Trọng thì bên này cũng trải thảm đỏ đón lão Tập, bên kia bắn 21 phát đại bác thì bên này cũng bắn 21 phát. Đại khái thế. Hãy coi đó cũng là chuyện bình thường trong nghi thức ngoại giao thôi.
Người Việt Nam có thể có cách tiếp đón ông Tập khác với Nhà nước
Người dân có thể có cách tiếp đón ông Tập khác với Nhà nước (Biểu tình phản đối ông Tập Cận Bình tại Hà Nội – Ảnh: BBC)
Đấy là nói về cách tiếp đón của Nhà nước mà người dân nên tôn trọng. Nhưng những người dân có thể tiếp đón ông Tập theo những cách khác với Nhà nước và Nhà nước cũng cần tôn trọng và không nên can thiệp vào. Sự tôn trọng lẫn nhau này là biểu hiện của một xã hội dân chủ và văn minh khi người dân có cơ hội được thể hiện quan điểm của mình một cách thẳng thắn trước các vấn đề mà họ thấy có liên quan đến vận mệnh của đất nước. Tất nhiên, dù là cách tiếp đón nào thì cũng không được làm ảnh hưởng đến sự an toàn của ông Tập và các thành viên trong đoàn, đấy cũng là thể hiện sự văn minh của người Việt. Nhà nước, cụ thể là các lực lượng an ninh, chỉ nên can thiệp khi có mối đe dọa đến sự an toàn này mà thôi.
Tóm lại, trong chuyện đón tiếp ông Tập, phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” cũng nên được áp dụng và không nhất thiết cách “làm” của nhà nước và nhân dân là giống nhau.
Ông Tập nói gì trước Quốc hội Việt Nam?
Vấn đề cụ thể đáng quan tâm nhất mà câu hỏi này muốn hướng đến là liệu ông Tập có đề cập gì đến việc đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông hay không và thái độ của các đại biểu quốc hội nên thế nào trước ý kiến của ông Tập về điều này.
Sở dĩ nhiều người quan tâm đến chuyện này cũng là vì trong chuyến thăm Mỹ gần đây, ông Tập cũng phát biểu trước Quốc hội Mỹ khẳng định Trung Quốc có chủ quyền tại Biển Đông cũng như các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ thời tổ tiên xa xưa của người Trung Hoa.
Một câu hỏi đặt ra là nếu ông Tập cũng phát biểu như thế tại Quốc hội Việt Nam thì các đại biểu quốc hội nên phản ứng thế nào?
Về câu hỏi này, tôi hoàn toàn đồng quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Quang A khi trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế gần đây rằng nếu ông Tập phát biểu như thế thì các đại biểu quốc hội nên phản ứng bằng cách bỏ ra ngoài phòng họp.
Tôi không tin là nếu ông Tập phát biểu giống như ông ta đã phát biểu ở Mỹ thì các đại biểu quốc hội Việt Nam sẽ bỏ ra ngoài như lời khuyên của ông Nguyễn Quang A. Nhưng tôi cũng không tin ông Tập sẽ phát biểu y như vậy trước Quốc hội Việt Nam.
Dù rằng 90% đại biểu quốc hội Việt Nam là đảng viên cộng sản, cũng là đồng chí với những người cộng sản Trung Hoa như ông Tập, và phản ứng của họ không thể tùy tiện mà phải bị chi phối bởi kỷ luật của đảng thì Quốc hội Việt Nam về danh nghĩa cũng có tính biểu tượng là bộ mặt đại diện của nhân dân.
Ông Tập, dù có coi thường các “đồng chí” của mình đến mấy thì cũng không đến mức dám coi thường sự thịnh nộ của 90 triệu người dân Việt Nam.
Tôi đoán ông Tập sẽ không có hành động khiêu khích ấy, vì đơn giản ông ta là một chính khách lão luyện, có sỏi ở trong đầu chứ không phải là một… gã tâm thần.
Việc khẳng định chủ quyền này nọ một cách cụ thể là việc của các phát ngôn viên bộ ngoại giao, cần thiết thì những tờ báo như Hoàn Cầu to mồm kêu gào. Còn việc của ông Tập là không cần thiết phải nói bô bô chuyện đó ở Quốc hội Việt Nam, dù ông ta có thể nói chuyện đó ở Quốc hội Mỹ hay nói thẳng điều đó với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong các cuộc gặp riêng.
Cũng như trước Quốc hội Mỹ, ông Tập đã không nói những điều mà ông ta sẽ nói trước Quôc hội Việt Nam, chẳng hạn như quan hệ 2 nước dù có lúc thăng trầm thì hữu nghị vẫn là “dòng chính”,  cần duy trì phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt trong quan hệ, những vấn đề khác biệt thì nên cùng nhau bàn bạc trên tinh thần anh em, đồng chí, cần coi trọng “đại cục” hơn là để những tranh chấp làm tổn hại đến mối quan hệ truyền thống “núi liền núi, sông liền sông” là lợi ích chung của nhân dân hai nước bla bla bla… Tôi đoán nếu có nói gì với Quốc hội Việt Nam thì ông ta cũng chỉ nói loanh quanh mấy chữ thế thôi.
Thiết nghĩ cũng chẳng cần phải… “dạy đĩ vén váy”  trong chuyện này.
Nhưng cũng không biết chừng do ma xui quỷ khiến mà ông Tập lại hóa điên khi thẳng thừng có những tuyên bố vỗ mặt quốc hội Việt Nam như ông ta phát biểu trước quốc hội Mỹ. Dù khả năng đó là thấp như phân tích ở trên thì cũng không thể loại trừ.
Nếu điều đó xảy ra thì dù các đại biểu quốc hội Việt Nam có đứng dậy và bỏ ra ngoài như lời khuyên của ông Nguyễn Quang A hay không cũng không còn quan trọng nữa rồi mà vấn đề quan trọng hơn là điều này rất có thể làm cho quan hệ Việt – Trung có cơ hội chuyển sang một bước ngoặt mới khi nó giúp khai thông cho những cái đầu còn mê muội vào cái bùa 16 chữ ảo. Hành vi điên khùng này, nếu xảy ra, không khéo lại là cơ hội, là “hại bất cập lợi” khi nó có thể tạo nên một sự thức tỉnh cần thiết ở nơi cần thiết để Việt Nam dứt khoát thoát ra khỏi cái thế đu dây bùng nhùng bế tắc hiện nay trong quan hệ với Trung Quốc và các nước khác.

Không có nhận xét nào: