Translate

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

GIỌT NƯỚC MẮT LỊCH SỬ !

  Giọt nước mắt của ông sẽ đi vào lịch sử như một tình thần trách nhiệm cùng những nỗ lực không mết mỏi và cả sự day dứt , băn khoăn trước vận mệnh của đất nước .
   Song , nước mắt không làm cho "giặc nội xâm" run sợ . Nước mắt không mang lại cơm ăn , áo mặc . Nước mắt không dùng để phát triển đất nước
(Dân trí) - Giờ đây, nếu nghĩ đến những gì đã và đang diễn ra chắc ông cũng vẫn nghẹn ngào bởi dù đã nỗ lực hết mình, hết sức nhưng vẫn còn đó cả một “bầy sâu” như hình ảnh ví von của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Vẫn còn đó tình trạng “người ta ăn không từ một thứ gì” như lời của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan…


(ĐB Lê Nam: "Nhiệm kỳ này chúng ta đã chứng kiến nước mắt của đồng chí Tổng bí thư rơi vào lịch sử”)
Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, sau khi đánh giá những thành tựu đã đạt được trong những năm gần đây, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nói:
“Bên cạnh đó xã hội quá nhiều bức xúc, quá nhiều yếu kém, có nhận xét không thiện chí rằng Việt Nam là nước không chịu phát triển. Nếu dám nhận chỉ trích thì chúng ta thấy rằng ý kiến đó cũng có lý. Nền kinh tế có cái gốc là sản xuất không ngừng tụt hậu, đời sống nông dân vẫn còn nhiều khốn khó, ngư dân muốn có tàu ra biển khơi đánh cá nhưng một năm rưỡi rồi cũng chưa xong tàu mẫu; môi trường sống ngày càng tồi tệ, chống tham nhũng cả chục năm rồi vẫn chưa vượt qua thời kỳ cầm cự…”.
Về nguyên nhân, ĐB Nam cho rằng có khách quan nhưng cũng có nguyên nhân rất lớn thuộc về trách nhiệm của các Bộ trưởng, của những người đứng đầu các ngành, địa phương, thậm chí trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước.
Rồi ông gợi nhớ một sự kiện bằng hình ảnh: "Nhiệm kỳ này chúng ta đã chứng kiến nước mắt của đồng chí Tổng bí thư rơi vào lịch sử”.
Nhắc lại hình ảnh “nước mắt rơi vào lịch sử” hẳn ông muốn gợi lại sự kiện diễn ra cách đây 3 năm (10/2012), khi đọc bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, thay mặt Bộ chính trị, Ban bí thư, TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn Dân về “một số khuyết điểm lớn” cả hiện tại lẫn các nhiệm kỳ trước, giọng ông bỗng nghẹn ngào.
Ngày đó, trên BLOG Dân trí, mình đã viết: “Sự nghẹn ngào của ông là tất yếu bởi không nghẹn ngào sao được khi mà một Đảng sinh ra từ nhân dân, nguyện chiến đấu quên mình vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; phấn đấu hết mình vì lợi ích của nhân dân mà ở một số nơi, một số thời điểm đang có biểu hiện xa dân, rời dân, suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân.
Không nghẹn ngào sao được khi một số đồng chí của ông là cán bộ cao cấp cả đương chức và nguyên chức có những việc làm chưa gương mẫu, nói không đi đôi với làm, ảnh hưởng đến uy tín, đến hình ảnh của Đảng.
Không nghẹn ngào sao được bởi tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày càng trầm trọng và tinh vi trong khi công cuộc phòng chống lại ít hiệu quả, nhất là sự xuất hiện của các “lợi ích nhóm”.
Không nghẹn ngào sao được khi để xảy ra những vụ tổn thất lớn, để lại những hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho nền kinh tế mà còn suy giảm niềm tin của nhân dân cũng như của các tổ chức kinh tế thế giới…
Ông nghẹn ngào còn bởi ông là người thanh liêm, chính trực, gia đình con cái không một điều tiếng mà giờ đây phải đứng ra nói lời xin lỗi trước toàn Đảng, toàn Dân là nỗi đau quá lớn.
Ông nghẹn ngào bởi ông và các đồng chí của ông phải đối mặt trước lịch sử của dân tộc. Ngày mai, lịch sử sẽ viết như thế nào về ông và các đồng chí của ông những tháng năm này?”.
Vâng, và giờ đây, nếu nghĩ đến những gì đã và đang diễn ra chắc ông cũng vẫn nghẹn ngào bởi dù đã nỗ lực hết mình, hết sức nhưng vẫn còn đó cả một “bầy sâu” như hình ảnh ví von của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Vẫn còn đó tình trạng “người ta ăn không từ một thứ gì” như lời của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan…
Và đau xót hơn nữa, là biểu hiện thái độ thờ ơ, chán nản của người dân đối với công cuộc phòng chống tham nhũng “Hay là người ta chán rồi” như lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói trên nghị trường Quốc hội.
Vẫn còn đó nỗi lo canh cánh bởi nền kinh tế phát triển nhưng chưa bền vững, nhà nước có thể lại thêm một lần nữa lỡ hẹn với việc tăng lương…
Giọt nước mắt của ông sẽ đi vào lịch sử như một tinh thần trách nhiệm cùng những nỗ lực không mệt mỏi và cả sự day dứt, băn khoăn trước vận mệnh của đất nước.
Song, nước mắt không làm cho “giặc nội xâm” run sợ. Nước mắt không mang lại cơm ăn, áo mặc. Nước mắt không thể dùng để phát triển đất nước…
Nhưng nước mắt sẽ làm cho ta lớn lên cùng với tinh thần kiên định và lòng quyết tâm không lay chuyển. Nước mắt không làm yếu hèn mà tiếp thêm sức mạnh. Nước mắt của hôm nay là để cho nụ cười ngày mai.
Hi vọng rằng những ngày không xa, ông và các đồng chí, những đảng viên chân chính sẽ không bao giờ phải “nghẹn ngào” bởi những cái xấu, cái thoái hóa, biến chất không còn đất sống?!
Xin một lần nữa, hãy chia sẻ cùng ông “giọt nước mắt rơi vào lịch sử”.
Bùi Hoàng Tám

Không có nhận xét nào: