>> Đầu tư 271 tỷ đồng xây Văn Miếu hoành tráng, thờ Khổng Tử.
Vượt gần 100km từ Hà Nội lên thị trấn Cao Phong, băng qua quãng đường hơn 4km, dốc ngoằn ngoèo vắt qua núi, chúng tôi mới đến được xóm Mừng, xã Xuân Phong (Cao Phong, Hòa Bình). Ở cái thôn nghèo, bé nhỏ nằm trên đỉnh núi này vừa xảy ra chuyện “động trời”: Cho con vì đói.
Bên trong căn nhà đơn sơ của gia đình chị Tẩm.
Cái đói, cái nghèo và đông con đã đẩy không ít cặp bố mẹ trẻ ở những xã miền núi phải cho đi khúc ruột, máu mủ do mình sinh ra. Không ai có thể ngờ rằng, chính điều này đã tiếp tay cho những kẻ buôn người.
Họ xin thì cho
Nắng như đổ lửa, ngoài đường không một bóng người, người dân bản Mường đang vật vã trốn nắng dưới những sàn nhà, bên những con suối đang dần cạn nước, xóm Mừng hiện ra trước mắt tôi là những căn nhà sàn bé nhỏ, nằm vắt vẻo, cheo leo bên sườn núi. Trưởng thôn Bùi Văn Lịnh cho biết, cả thôn có 48 hộ thì đến 18 hộ thuộc diện hộ nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào dăm sào đất vườn trồng ngô, khoai, sắn. Nhiều hộ dân không có ruộng để trồng lúa. Nói về cuộc sống của bản làng nơi đây, ông Lịnh ngắn gọn: Nghèo, nghèo lắm.
Theo giới thiệu của ông Lịnh, tôi tìm đến nhà chị Bùi Thị Tẩm - một trong những hộ gia đình nghèo nhất thôn - người đã cho đi hai đứa con do mình dứt ruột sinh ra. Ông Lịnh bảo: “Vợ chồng cô chú ấy là người thật thà, nghèo đến cùng cực, nhiều bữa cả gia đình phải nhịn đói vì không có gạo ăn, dù được cấp trên hỗ trợ nhưng không thấm vào đâu, đói quá nên họ cho đi đứa con của mình chứ không phải bán đâu”.
Căn nhà sàn nơi gia đình chị Tẩm sinh sống nằm ngay bên con đường liên thôn. Trong căn nhà chỉ rộng chừng 20m2, trống huơ, trống hoác không có gì giá trị ngoài một chiếc tivi màu 14 inch đã cũ. Chị Tẩm (SN 1987), quen và yêu anh Bùi Văn Thành (SN 1985, ở Kim Bôi). Sau hai năm yêu đương, anh chị quyết định đến với nhau. Đám cưới xong, anh Thành chuyển về nhà chị Tẩm ở rể theo đúng phong tục, họ sinh liền tù tì 4 người con (3 trai, 1 gái). Các đây 2 năm, vợ chồng chị Tẩm được địa phương cấp đất, cấp nhà để lên xóm Mừng sinh sống, phát triển kinh tế.
Thấy có khách lạ, chị Tẩm vội xua tay: “Hết con rồi, bữa nay không đẻ nữa nên không có con để cho đâu. Về đi”. Phải giải thích mất một lúc, nhờ hàng xóm nói thêm, vợ chồng chị Tẩm mới mở cửa cho khách vào nhà. Người phụ nữ bé nhỏ, ốm yếu, cao chỉ khoảng 1,3m, rón rén rót nước mời khách. Trong căn nhà lợp fibrô-ximăng nóng hầm hập, hai vợ chồng chị Tẩm liên tục kéo áo lau mồ hôi rồi ái ngại nhìn khách.
Lên vùng kinh tế mới, vì không có ruộng, không nghề ngỗng gì nên cuộc sống vợ chồng họ chỉ dựa vào vài sào đất trồng ngô, cái nghèo cứ mãi đeo bám. Sau mỗi mùa trồng ngô, trồng sắn, chị Tẩm ở nhà trông con, chăm vài con gà, con vịt, còn anh Thành ai thuê gì làm nấy, lúc thì đi phụ hồ, lúc lên rừng chặt củi về bán, lúc xuống núi lang thang đi trồng mía thuê. Hai năm trước, khi vừa lên vùng kinh tế mới, cũng là lúc chị Tẩm hạ sinh được đứa con thứ 3, cậu con trai kháu khỉnh vừa chào đời thì có người quen giới thiệu đến xin về. Đó là một gia đình ở Kim Bôi cưới nhau 10 năm nhưng không có con.
Đang lúc đói kém, lại không biết có đủ sức để nuôi con không nên vợ chồng chị Tẩm đã đồng ý cho đi đứa con thứ 3 của mình. Chị Tẩm nhớ lại: “Họ tìm đến nhà nhiều lắm, nghe họ kể không có con nên mình thấy thương thương, nhà mình cũng đã có hai đứa con, một trai một gái, thế là được rồi nên mình đồng ý cho người ta thôi. Họ xin thì cho, chứ sợ đói quá không nuôi được”. Vừa cho con đi được một thời gian thì chị Tẩm lại tiếp tục mang bầu đứa con thứ 4. Biết hoàn cảnh gia đình chị Tẩm khó khăn, đã một lần phải cho con, nên rất nhiều người tìm đến xin.
Lần này, Lý Thanh Tôn (34 tuổi, một người hàng xóm) giới thiệu, đó là một đôi vợ chồng đã cưới nhau hơn 7 năm nhưng chưa có con. Biết chị Tẩm vừa sinh thêm được cậu con trai nên họ muốn xin về nuôi. “Nghe họ gọi điện lên khóc lóc, van xin nên mình thương lắm. Lúc đó, mình nghĩ thôi thì cho người ta đi, biết đâu con mình về đấy lại được sung sướng. Mình có bảo họ lên nhà để chơi rồi thăm cháu, nhưng họ bảo xa quá không lên được”, chị Tẩm nhớ lại.
Tháng 10.2014, đúng như giao hẹn, sau khi cậu con trai thứ 4 được hơn 4 tháng tuổi, vợ chồng chị Tẩm bế con theo người hàng xóm, bắt xe ôtô đưa con xuống Hà Nội để cho. “Lúc xuống Hà Nội, có mấy người đàn ông ra nhận con, họ ít nói lắm, chỉ cảm ơn mấy câu rồi mang con đi, họ đưa cho vợ chồng mình một cái túi màu đen, với mấy trăm nghìn để bắt xe về quê, mình nhìn vào túi thấy một cái khăn nên tưởng họ tặng khăn với áo quần. Về nhà, mở ra thấy có 16 triệu đồng”, chị Tẩm kể.
Căn nhà nơi gia đình chị Tẩm sinh sống
Đau xót khi biết bị lừa
Những tưởng đứa con đó sẽ đến được gia đình tử tế, giàu có để được sống sung sướng, không ngờ cậu con trai thứ 4 của họ đã bị bọn buôn người bán sang Trung Quốc.
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Dũng - Phó trưởng Công an huyện Cao Phong - cho biết, qua nắm bắt tình hình, theo dõi và điều tra, Công an huyện Cao Phong đã triệt phá được đường dây buôn bán người và bắt những đối tượng đã mua con của vợ chồng chị Tẩm bán sang Trung Quốc. Hiện vụ việc đang được mở rộng điều tra.
Theo đó, các đối tượng đều quê ở Bắc Giang do Lê Ngọc Luân (45 tuổi, trú thị trấn Kép, Lạng Giang) cầm đầu, cùng các đối tượng Đoàn Văn Phương (42 tuổi, trú tại Lạng Giang), Nguyễn Thị Chiến (43 tuổi, trú tại Yên Thế) và Hoàng Văn Kết (35 tuổi, trú tại Lục Ngạn). Theo lời khai ban đầu, đối tượng Lê Ngọc Luân có một thời gian đi làm ăn tại Trung Quốc, tại đây Luân có quen một người phụ nữ tên Đáng và đang có nhu cầu mua trẻ sơ sinh.
Khi về nước, Luân đã bàn với Phương, Chiến, Kết tìm mua trẻ em bán kiếm lời. Qua quen biết với Lý Thanh Tôn, biết gia đình chị Tẩm có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng đã lợi dụng để xin cháu bé đưa đi bán. Cũng theo lời khai của các đối tượng, sau khi nhận được cháu bé, chúng bắt xe lên Móng Cái, Quảng Ninh, sau đó nhờ người dẫn sang Quảng Tây (Trung Quốc) và bán cháu bé được 20.200 nhân dân tệ (tương đương 70 triệu đồng) và chia nhau tiêu xài.
Sau khi biết đứa con mình dứt ruột đẻ ra bị các đối tượng lừa xin để đưa đi bán, vợ chồng chị Tẩm không khỏi đau xót, tinh thần suy sụp. “Đứa con thứ 3 lâu lâu họ còn đưa đến nhà mình chơi, lúc nào nhớ mình tự đi gặp cháu được, còn đứa thứ 4 giờ không biết sống chết ra sao”, chị Tẩm buồn giọng.
Chị có nhớ tên cháu không?
- Không. Lúc mới sinh vợ chồng mình cũng đặt cho cháu một cái tên nhưng giờ quên mất rồi.
Tại sao biết không đủ điều kiện để nuôi mà anh chị vẫn sinh thêm con?
- Tại vì lỡ rồi nên sinh chứ vợ chồng mình cũng không muốn vì lúc đó mình đã có 2 đứa con, đứa con trai đã học lên lớp 1 rồi, còn đứa con gái cũng đã biết tự đi chơi được rồi.
Thế anh chị có định sinh thêm con nữa không, nếu tiếp tục “lỡ” thì có nuôi không hay là cho người khác?
- Mình không sinh nữa vì nhà mình nghèo quá, sợ không nuôi nổi, đợt này cán bộ đến tuyên truyền nhiều nên vợ mình đang kế hoạch để không mang bầu. Nếu lỡ mang bầu thì mình sẽ không cho ai nữa đâu, sợ họ lừa mang đi bán.
…Bữa trưa hôm ấy, chị Tẩm dọn cơm ra mời khách, bữa cơm của họ đơn giản đến khó tả, một nồi cơm trắng, một đĩa măng rừng luộc chấm với nước mắm. Nhìn cả gia đình họ cặm cụi ăn, nhìn hai đứa con gầy xanh xao, quần áo rách rưới mà tôi không thể cầm lòng. “Anh chị có nhớ con không?”, tôi gặng hỏi thêm một câu.“Có chứ. Mình buồn lắm, thương con lắm, nhưng không làm sao được. Chỉ mong công an họ sớm tìm thấy cháu để mình xin về nuôi. Giờ mình hối hận lắm, thà mình đói mình khổ chứ đưa con cho người ta bán mình đau đớn lắm”, chị Tẩm nghẹn lời.
Thạch Cẩm Kỳ
(Theo Lao Động)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét