Translate

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

“Dân đóng thuế không phải để đền bù án oan, sai”



.
XUÂN HẢI

LĐO - Đã có 6 tỉ đồng chi ra để bồi thường oan sai. Tuy nhiên, trong phiên trả lời chất vấn tại UBTV Quốc hội hôm qua (13.3), Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình khẳng định: “Người thi hành công vụ khi có lỗi cố ý mới phải tự bồi thường. Trong các vụ án oan sai vừa qua, chưa xác định lỗi cố ý, nên không xem xét trách nhiệm hoàn trả của các thẩm phán”.

Không thể xử oan rồi đổ tại công an, kiểm sát

Phần chất vấn của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng ngay từ đầu đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Là người đứng đầu cơ quan lập pháp, Chủ tịch QH phân tích: Quyền xét xử, tuyên có tội, vô tội là của tòa án. Vì vậy, bất kể sai ở đâu, trách nhiệm cuối cùng là của tòa án - cụ thể là Thẩm phán chủ tọa và cao nhất là Chánh án TAND Tối cao.
“Không thể làm oan rồi nói tại công an, viện kiểm sát. Thấy sai anh phải bỏ ra. Anh là chủ tọa, cầm cái, anh như Bao Công - xét xử là trách nhiệm của anh. Oan sai ở đâu anh cũng phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân” - Chủ tịch QH nêu vấn đề và chất vấn: “Vậy tòa án có phát hiện được oan sai hay phải chờ đơn thư, kháng nghị của viện kiểm sát? Trách nhiệm của thẩm phán, của người làm oan sai ra sao, có bị xử lý không?”.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm, Chánh án Trương Hòa Bình - cho biết: Vấn đề chủ tịch nêu rất đúng. Khi vụ án được truy tố, tòa đã đưa ra xét xử thì oan sai tòa phải chịu trách nhiệm. Còn chưa qua xét xử thì trong mỗi giai đoạn tố tụng, cơ quan liên quan, làm oan sai phải chịu trách nhiệm. 

Bản thân ngành tòa án cũng có quy định, xét xử xong tòa án cấp dưới phải gửi hồ sơ lên tòa cấp trên để khiểm tra, giám sát. Nếu có oan sai phải xem xét, đánh giá xem nguyên nhân do khách quan hay chủ quan. Thẩm phán cố ý làm oan phải truy cứu trách nhiệm hình sự; còn nếu không cố ý, không nghiêm trọng, cũng phải xem xét trách nhiệm bồi thường. “Tòa án gây ra oan sai thì phải bổi thường, thẩm phán xét xử phải có trách nhiệm hoàn trả khi làm oan sai” - ông Bình cho hay.

Vụ án Hồ Duy Hải: Đang xem xét toàn diện

Lật lại vụ án nóng hổi trong thời gian qua, ĐB Đỗ Văn Đương chất vấn: Bản án tử hình với Hồ Duy Hải tội giết người cướp tài sản ở Cầu Voi, Long An có oan không? Tại sao Chủ tịch Nước đã bác đơn ân xá, nhưng sau đó lại hoãn thi hành án?

Theo Chánh án Trương Hòa Bình: Việc hai nhân viên bưu điện Cầu Voi (Long An) bị giết gây bức xúc lớn trong cộng đồng, gia đình và xã hội yêu cầu điều tra làm rõ. Cơ quan điều tra đã tiến hành truy xét và phát hiện nghi can Hồ Duy Hải. Quá trình điều tra Hồ Duy Hải đã nhận tội có giết người. Sau đó viện kiểm sát đã truy tố và đưa ra tòa xét xử. Tại tòa sơ thẩm bị cáo nhận tội, tự nhận không có bức cung, nhục hình nên Hội đồng xét xử sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có tội. Qua quá trình phúc thẩm bị cáo có phần cho rằng mình không phạm tội nhưng cơ sở chứng minh không rõ nên không làm thay đổi bản chất vụ án và HĐXX phúc thẩm tuyên án đối với Hồ Duy Hải.

Vậy đặt vấn đề có oan hay không? “Xin thưa tòa án trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa phát hiện ra có căn cứ để kháng nghị mặc dù phát hiện ra một số thiếu sót trong quá trình thu thập điều tra. Chủ tịch Nước cũng có đơn bác đề nghị ân xá của Hồ Duy Hải. Việc có oan hay không căn cứ vào việc người có thẩm quyền có kháng nghị hay không? Chúng tôi đã lập 1 tổ liên ngành do VKS chủ trì làm việc tích cực, quyết liệt. Đơn của Hồ Duy Hải xin giảm án, chúng tôi sẽ rất thận trọng xem xét, nếu có đủ căn cứ kháng nghị thì sẽ kháng nghị?” - Chánh án TAND Tối cao khẳng định

“Về câu hỏi của đại biểu Đương, tại sao Chủ tịch Nước bác đơn nhưng hoãn thi hành án? Đây là vấn đề pháp lý nhưng tôn trọng nguyện vọng gia đình bị cáo. Mẹ bị cáo đến yêu cầu tòa án xin hoãn, báo chí cũng đề cập đến việc này. Chủ tịch Nước cũng yêu cầu tòa và viện xem xét thận trọng, xem kỹ lại xem có oan không? TAND tỉnh Long An đã tạm hoãn thi hành án. Chúng tôi thành lập đoàn liên ngành như đã nói để xem xét thận trọng. Sơ bộ đã có một số nhận định, tuy nhiên đoàn liên ngành yêu cầu kiểm tra kỹ lần nữa, sau tết sẽ họp lại đánh giá thật toàn diện, đầy đủ, khách quan” - ông Bình nói.

Không được lấy tiền thuế của dân để bồi thường oan sai

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chất vấn vì sao vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan 10 năm nhưng việc giải quyết bồi thường oan sai chậm?

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Đối với vụ án này, các cơ quan tố tụng đã giải quyết quyết liệt, đến nay đã giải quyết cơ bản, minh oan đã xong. Về bồi thường, nếu gia đình ông Chấn giao nộp đầy đủ tài liệu sẽ đến bước cuối cùng. “Thời gian qua, TAND Tối cao đã đề nghị ông Chấn cung cấp thêm tài liệu để tòa làm căn cứ xem xét, bồi thường nhưng gia đình ông Chấn chưa cung cấp được. Tòa đã hai lần đến nhà ông Chấn, làm việc với luật sư để thu thập tài liệu, chỉ còn chờ tài liệu từ phía gia đình và ông Chấn. Đây là căn cứ tính toán bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần cho ông Chấn” - Chánh án phân trần

Một số ĐBQH chất vấn “không được lấy tiền thuế của dân để bồi thường oan sai” và đề nghị làm rõ: Trong hơn 6 tỉ đồng bồi thường oan sai thuộc trách nhiệm của tòa án thời gian qua, số tiền các thẩm phán phải bồi hoàn là bao nhiêu? Vấn đề này, ông Bình cho biết: Theo quy định của luật, người thi hành công vụ khi có lỗi cố ý mới phải tự bồi thường. Trong các vụ án oan sai vừa qua, chưa xác định lỗi cố ý, cho nên không xem xét trách nhiệm hoàn trả của các thẩm phán.

Để khắc phục oan sai, ông Bình cho rằng, phải tăng cường tranh tụng tại tòa, nâng cao chất lượng cán bộ điều tra viên, kiểm soát viên, thẩm phán. Luật cần quy định rõ thẩm quyền của tòa án trong việc xem xét hồ sơ vụ án. Tòa có quyền trả hồ sơ và trực tiếp điều tra chứng cứ. Nếu thấy không đủ căn cứ, tòa phải tuyên vô tội.
---------------

nguồn: 
Phuocbeo's Blog

Không có nhận xét nào: