Translate

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

‘Nếu tôi được hỏi bộ trưởng’

Khánh An
Nghị trường kỳ họp Quốc hội Việt Nam kỳ 9 tại Hà Nội trong phiên khai mạc ngày 20/5/2015.
Trong kỳ họp thứ 9 của Quốc hội Việt Nam, 4 bộ trưởng được chỉ định sẽ ra trả lời các câu hỏi chất vấn trực tiếp từ các đại biểu quốc hội. Đó là các bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Khoa học và Công Nghệ. VOA Việt ngữ hỏi ý kiến một số người dân đang sống tại Việt Nam xem họ muốn hỏi các vị bộ trưởng điều gì nếu họ có cơ hội.

“Nếu là em, em sẽ đặt cho 3 ông 3 câu hỏi. Câu đầu tiên cho Bộ Giáo Dục. Câu hỏi là sự nghiệp giáo dục của Việt Nam đổi mới trong mấy chục năm nay, cải cách trong mấy chục năm nay đi tới đâu rồi? Thứ hai là câu hỏi cho Bộ Nông Nghiệp. Câu hỏi là mấy chục năm nay người dân làm nông nghiệp, nhà nước trợ giá và mua gạo, mua lúa của nông dân theo cơ chế nào? Ai là người định giá gạo của nông dân trong bao nhiêu năm nay? Thứ ba là Bộ Khoa học và Công nghệ, em sẽ hỏi là việc áp dụng công nghệ cho giáo dục và nông nghiệp đến đâu rồi? Trong bao nhiêu năm nay, bộ ấy đã làm được những gì?”.
Đó là những câu hỏi của anh Tuynh, một hướng dẫn viên du lịch tại miền trung Việt Nam.
Theo lịch trình, bốn bộ trưởng sẽ ra trả lời chất vấn bao gồm: Bộ trưởng Cao Đức Phát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùa Bộ Công thương, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Nguyễn Quân của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bộ trưởng Cao Đức Phát là người mở màn kỳ chất vấn vào sáng 11/6. Những câu hỏi được các đại biểu đặt ra không nằm ngoài danh sách các vấn đề đã nêu trên các phương tiên truyền thông trước đó.
Cụ thể, các đại biểu chất vấn ông Cao Đức Phát về tính thiếu hiệu quả của việc liên kết “bốn nhà” là nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp, tình trạng được mùa mất giá, thiếu đầu ra cho nông sản và việc hỗ trợ phát triển thủy sản. Ngoài ra, các đại biểu cũng đặt câu hỏi là phải chăng tình trạng hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến nông nghiệp, trong đó có một phần nguyên nhân rất lớn là việc chặt phá rừng và các dự án thủy điện. Ông Cao Đức Phát khẳng định các dự án thủy điện không phải là nguyên nhân gây hạn hán mà là vì hiện tượng El Nino. Ông Cao Đức Phát cho rằng việc bán nông sản không được giá là do khâu chế biến của nông dân Việt Nam chưa theo kịp các nước khác nên vẫn phải bán nguyên liệu thô với giá chưa có nhiều giá trị gia tăng, khả năng dự báo, thông tin thị trường còn kém…
Qua theo dõi tin tức liên quan đến việc nhà nước thu mua gạo của nông dân và bán ra thị trường trong thời gian qua, anh Tuynh cho biết:
“Nông sản bao nhiêu năm nay có một công ty “sân sau” của Hiệp hội Lương thực Nhà nước làm ăn không minh bạch, nói thẳng ra là bóc lột của dân rất nhiều tiền trong đó”.
Vấn đề đạo đức
Ngoài Bộ Nông nghiệp, trong 4 bộ được chất vấn trực tiếp, những người được VOA Việt ngữ hỏi quan tâm nhiều nhất đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Từ Hà Nội, bà Lê Hiền Đức – một nhà giáo về hưu nổi tiếng với việc đấu tranh chống tham nhũng – nói:
“Nếu tôi được đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Giáo Dục thì thứ nhất, tôi nói rằng, thời tôi còn đi học dưới thời Pháp thuộc, nền giáo dục dạy con người tốt đẹp như thế nào, sau đó là thời chúng tôi đi làm thì tình nghĩa thầy trò đến bây giờ, người học trò khóa đầu tiên của Lê Hiền Đức vào năm 1953, người học trò ấy lúc học tôi có 10 tuổi, bây giờ người ấy 71 tuổi, nhưng người ta đối với tôi vẫn thắm thiết tình thầy trò. Tại sao? Là tại vì thời đó, tôi làm nhiệm vụ của một người thầy nhưng tôi rất thương học trò và tôi làm việc rất nghiêm túc. Chất lượng giáo dục của chúng tôi hồi đó nó khác. Tại sao bây giờ học trò chất lượng càng ngày càng kém, đạo đức càng ngày càng kém? Người ta đổ tại xã hội, tại gia đình. Tất nhiên là tại nhiều thứ nhưng trong đó là vì chất lượng người thầy quá kém. Cỗ xe giáo dục đang lao xuống dốc băng băng. Mong các ông làm như thế nào để ngành giáo dục, cỗ xe giáo dục không trôi xuống dốc nữa”.
Blogger Hành Nhân từ Sài Gòn lại muốn đặt câu hỏi cụ thể hơn về tình trạng thử nghiệm trong giáo dục hiện nay:
“Có nhiều vấn đề. Trước tiên tôi muốn hỏi hình thức, mô hình đào tạo của mình căn cứ trên chuẩn nào? Đã có sự tham khảo các chuyên gia và ý kiến của người dân hay chưa? Một vấn đề nữa trong giáo dục là cứ đem vô thử nghiệm rồi thay đổi, rồi lại thử nghiệm, thay đổi… cứ làm hoài như vậy, không có một cái gì ổn định. Trong khi đó nhìn qua các nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan… họ vượt qua mình, họ bỏ mình luôn rồi, họ tiến bộ hơn mình. Cái đó là như thế nào?”.
Cũng như những năm trước, phần trả lời của các bộ trưởng thường không làm hài lòng đại biểu, đôi khi còn khiến người dân bức xúc hơn. Nhiều người cho rằng các câu trả lời của các bộ trưởng thường chỉ là các giải pháp tạm thời, chắp vá mà không giải quyết được vấn đề cụ thể về lâu dài. Ngay cả tiêu chí chọn người trả lời chất vấn và quy trình thực hiện chất vấn cũng bị cho là thiếu dân chủ khi các đại biểu được yêu cầu gửi câu hỏi chất vấn trước đó vào đầu kỳ họp, còn người trả lời chất vấn sẽ nằm trong danh sách 5 người có sẵn. Tình trạng này khiến một số đại biểu không thể nêu lên một số vấn đề nổi cộm mà người dân quan tâm nếu không có vị bộ trưởng đại diện của lĩnh vực đó, chẳng hạn như rất nhiều vấn đề liên quan đến Bộ Y tế trong năm qua khiến cho người dân bức xúc.
Bà Lê Hiền Đức nói tiếp:
“Nếu các bộ trưởng khác mà tôi được hỏi thì tôi sẽ hỏi Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến rằng ngày xưa thầy thuốc được gọi là “lương y như từ mẫu”, còn bây giờ, y tá cướp phong bì của một bệnh nhân cấp cứu, 1 triệu đồng mà cũng cướp. Làm gì còn được “lương y” nữa? Ngày xưa gọi “lương y như từ mẫu, bây giờ thì không, không thể dùng cái từ ấy được nữa. Vậy đề nghị bộ trưởng cho biết xem anh giáo dục người thầy thuốc như thế nào? Lúc nào cũng chỉ có phong bì, phong bì và phong bì. Một bệnh nhân cấp cứu tối thứ Bảy đưa vào, họ bảo: “Đi về đi, thứ Hai đến khám nhé”. Xe cấp cứu đưa vào mà nói như thế thì hỏi rằng có còn lương y nữa hay không?”.
Theo bà, hai nghề được xem là cao quý nhất trong xã hội – thầy giáo và thầy thuốc – mà bây giờ xuống cấp như thế thì xã hội, đất nước Việt Nam trong tương lai sẽ ra sao? Có rất nhiều việc phải làm để có thể cải thiện tình trạng giáo dục xuống cấp, nhưng theo bà Lê Hiền Đức, cần phải xem xét việc giáo dục đạo đức cho những người làm công tác giáo dục trước tiên.
“Tôi sẽ nói với ông Bộ trưởng Giáo dục rằng tôi đề nghị với anh trước hết là anh phải xem lại tư cách, đạo đức của người thầy. Tất cả những người trong ngành giáo dục các cấp phải xem lại mình. Nếu tôi được phép hỏi ông Bộ trưởng Giáo dục, tôi sẽ hỏi bây giờ các anh có kế hoạch thế nào thì công khai cho toàn dân biết. Chứ không thì cứ họp, lĩnh lương xong, ăn xong rồi đi họp, còn tất cả mọi chuyện đều xuống cấp”.
Công khai minh bạch
Trong khi đó, anh Tuynh đưa ra đề nghị liên quan đến Bộ Nông nghiệp và Bộ Giáo dục:
“Nếu được đề nghị, em đề nghị Bộ Nông nghiệp phải công khai minh bạch giá thu mua gạo của nông dân hằng năm, thu mua nông sản nói chung, phải minh bạch giá thu mua và giá xuất khẩu cho người dân biết. Đối với nông nghiệp là chỉ yêu cầu mỗi việc đó thôi. Thứ hai là đề nghị Bộ Giáo dục không cần phải có sáng kiến mới mẻ gì cho lắm, bây giờ cứ học các nước tư bản, áp dụng các chương trình dạy học của các nước tư bản cho Việt Nam giống như các nước tư bản đi. Không nhất thiết phải cải cách hết năm này sang năm kia tốn kém của cải, bao nhiêu tiền của xã hội. Còn sách giáo khoa thì nhà trường phải đài thọ cho học sinh. Cái đó không phải là đài thọ mà là trách nhiệm bởi vì chủ nghĩa xã hội phải có hai mục đích là y tế và giáo dục là miễn phí. Thế thì công đoạn nào miễn phí cũng phải công khai ra. Học phí miễn phí hay sách vở miễn phí hay cái gì cũng miễn phí. Mà tốt nhất là nên tạo điều kiện. Cái đấy là thuộc về ngân sách nhà nước”.
Theo nghị trình, Bộ trưởng Công thương trực tiếp trả lời chất vấn về giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu, việc phát triển mạng lưới điện ở nông thôn và vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dung. Bộ trưởng Bộ Khoa và Công nghệ sẽ đối diện với những vấn đề bất cập hiện nay liên quan đến việc áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, điều người dân băn khoăn nhất vẫn là hiệu quả thực tế sau chất vấn. Liệu những lời hứa giải quyết các vấn đề có được thực hiện hay không? Trách nhiệm cụ thể sẽ thuộc về ai nếu những vấn đề đã nêu không được giải quyết?

Không có nhận xét nào: