LĐO - Một " bác thợ mộc” vừa thắng kiện “ông chủ tịch” trong một vụ kiện hành chính đơn giản đến mức bản thân vụ kiện cũng đã là kỳ cục.
“Bác thợ mộc” là Trần Hữu Phúc ở Cai Lậy (Tiền Giang) đã kiện Chủ tịch UBND tỉnh ra tòa hành chính sau một quyết định xử phạt 150 triệu đồng và tịch thu sung công quỹ toàn bộ 6,876m3 gỗ gõ mật của ông.
Tòa sơ thẩm, không nói cũng biết, đương nhiên bác đơn của bác thợ mộc
Bác thợ mộc cũng đương nhiên tiếp kiện với cái lý rất giản dị và trong sáng “người mua là bác có hóa đơn chứng từ và địa chỉ rõ ràng. Nếu cho là gỗ lậu, bất hợp pháp thì trách nhiệm thuộc về đơn vị bán ra, trong khi tỉnh lại tịch thu gỗ và phạt tiền đối với người mua là vô lý”.
Chỉ khi đến tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao, bác thợ mộc mới được “trả lại sự công bằng”. Quyết định xử phạt, thu giữ của ông chủ tịch bị tuyên hủy. Và án phí hành chính, dù chỉ 200.000 đồng cũng đương nhiên thuộc về… tiền thuế của dân.
Chỉ một vụ kiện cho thấy cái tệ nhất từ phía chính quyền là “cái lý” theo kiểu “cưỡng từ đoạt lý”: Xử phạt người mua, “không xác minh thêm tình tiết vụ việc” – như kết luận của tòa phúc thẩm.
Nếu có gì cưỡng từ đoạt lý hơn, chỉ có thể là quyết định của Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình (Bình Thuận) khi năm 2014, từ một biên bản “Vi phạm hành chính và ngừng thi công công trình vi phạm” dù khi ấy, người dân không hề thi công xây dựng gì, ông Chủ tịch đã ký quyết định yêu cầu phải tự tháo dỡ thậm chí cả… nhà ở, đã xây dựng từ 3 năm trước đó.
Và sau đó, chỉ là một lời xin lỗi từ người giúp việc cho ông chủ tịch, cho quyết định sai và cho cả việc… cắt điện trả đũa
.
.
Nhớ trong phiên QH thảo luận Luật Tố tụng hành chính, ĐBQH Trần Du Lịch nhắc lại đầy chua chát điều mà người dân đã nói thẳng là “chuyện mất thì giờ” khi ông khuyên họ đi kiện hành chính.
Có lẽ, để hành chính thôi là loại án “quan xử quan” thì việc đầu tiên là phải lôi những ông chủ tịch đến tòa. Không thể có chuyện có quyền ký văn bản xử phạt, thậm chí “cắt điện trả đũa”, nhưng đến lúc “đối diện công lý” thì lại là một “người giúp việc” và khi thua kiện, thì án phí cũng lại do dân đóng thuế phải chịu.
Để kiện hành chính không phải là “chuyện mất thì giờ” thì có lẽ cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của những ông chủ tịch trước các quyết định của mình. Bởi một lá đơn kiện chứa biết bao khốn khổ, mất mát. Bởi sự uất ức, mất mát về niềm tin không thể chỉ trả bằng một mức án phí 200.000 đồng, và sự vô can của những ông chủ tịch!
————
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét