Translate

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

CHIỆN THƯỜNG VỀ ...Thuế. Hế hế !

Một đòn là chết!
Ghế nào người nấy
- Chừng nào thì dân mới thôi té ngửa?Tư Giang

(TBKTSG) - Nói ra được câu chuyện khó âu cũng giúp người ta nhẹ lòng. Điều này hẳn đúng với bà Nguyễn Thị Bình An, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, người có rất nhiều câu chuyện liên quan đến ngành.

Cách đây hơn hai tuần, bà An đi ăn trưa ở một nhà hàng ở Quảng Ninh, nhân dịp về tỉnh này giảng dạy. Bà và các bạn định ngồi vào dãy bàn đã bày biện khang trang, nhưng được chủ quán mời sang ngồi chiếu với lý do bàn đã có khách đặt. Ăn xong, bà yêu cầu ghi hóa đơn, nhưng chủ quán từ chối, viện lý do là nhà hàng “đang nghỉ” nên cơ quan thuế không cấp hóa đơn. “Nếu thế là trốn thuế, tôi sẽ báo cơ quan thuế đấy”, người từng là lãnh đạo ngành thuế dọa. Song, không ăn thua. Người chủ quán đáp với giọng thách thức, cán bộ thuế đang ngồi ăn bàn kia, bà ra mà báo! Rốt cuộc, bà An không thể lấy được hóa đơn.


Một câu chuyện khác. Có cán bộ thuế gọi năm chủ sạp ở chợ lại bảo, thôi, các ông làm đơn xin nghỉ đi, để không phải nộp thuế tháng này. Tiền thuế phải nộp đáng lẽ là 500.000 đồng/tháng, nhưng ông chỉ cần đưa tôi 200.000 thôi. Các ông vẫn kinh doanh bình thường, nhưng hôm nào có đoàn kiểm tra, tôi báo, thì các ông đừng có ló mặt ra. Các chủ sạp đương nhiên là đồng ý.

Những câu chuyện như trên còn dài. Có lần, bà An đi chợ, thấy một bà bán hàng khô bán đậu phộng cho một người chỉ 20.000 đồng/ki lô gam. Thấy quá rẻ, bà An cũng muốn mua. Chủ sạp cân xong đòi 50.000 đồng/ki lô gam. Bà An ngạc nhiên: “Sao chị vừa bán cho người kia giá thế, mà lại bán cho tôi giá thế?”. Chủ sạp giải thích trong sự tẽn tò của khách: “Bà kia là cán bộ thuế ở chợ này tôi mới bán giá đó nhé”.



Kể những câu chuyện trên tại một hội thảo gần đây ở Hà Nội, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đặt câu hỏi: “Vì sao cán bộ thuế vẫn nhũng nhiễu được?”, rồi tự giải thích: “Hợp đồng thuế đã khoán rồi nhưng cán bộ thuế vẫn có thể xem xét khoán lại nếu thấy hộ đó vượt doanh thu. Cán bộ thuế sẽ đòi tiền hộ kinh doanh, nếu không đưa sẽ tăng doanh thu, dẫn đến tăng thuế. Người kinh doanh sợ có cán bộ trên cục xuống xem lại, rất phức tạp nên đồng ý cho tiền”.

Những câu chuyện của bà An là đáng lưu tâm trong bối cảnh các hộ kinh doanh gia đình đang đóng góp tới 33% GDP cho Việt Nam - theo Tổng cục Thống kê, song chỉ đóng góp vỏn vẹn 2% tổng thu ngân sách nhà nước - theo Tổng cục Thuế. Những con số này hoàn toàn không tương xứng với nhau. Ở góc độ một nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang của Tổ chức Cecodes có câu trả lời tương tự khi thực hiện một cuộc khảo sát 500 hộ kinh doanh.

Theo đó, với thuế môn bài, loại thuế dựa vào doanh thu, từ 50.000 đồng đến 1 triệu đồng/năm, có tới 30% hộ kinh doanh khai doanh thu thấp đi để hưởng mức thuế thấp hơn. Có 6% số hộ thừa nhận hối lộ để trả mức thuế thấp hơn. Với thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng (từ 0,5-5% doanh thu hàng năm), 14% số hộ thừa nhận hối lộ để có mức thuế thấp hơn. Có tới 63% số hộ khẳng định “luôn xảy ra” khi được hỏi cảm nhận về mức độ thỏa thuận ngầm giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế. Nếu nhận được lời đề nghị hai bên cùng bắt tay để cùng có lợi thì một nửa số hộ sẵn sàng chấp nhận, nếu cái giá phải trả hợp lý.
Chỉ ra những phát hiện trong báo cáo, ông Giang nói: “Mức độ thỏa thuận ngầm lớn. Chúng tôi không có bức tranh rõ ràng, ai là thủ phạm, ai là nạn nhân. Hộ kinh doanh cũng là thủ phạm vì cùng trốn thuế. Vì thế, thiệt thòi là của chung xã hội”.

Với Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, việc thông đồng, nhũng nhiễu giữa cán bộ thuế với các hộ gia đình làm ông lo lắng. Hiện tại, mạng lưới các hộ kinh tế gia đình vẫn tiếp tục thể hiện quy mô nhỏ lẻ, manh mún: 79% cơ sở cá thể là các cửa hàng trên đường phố, ngõ xóm, trong đó 69% kinh doanh tại nhà, 10% còn lại đi thuê; 12,5% cơ sở kinh doanh tại chợ kiên cố; 5,7% kinh doanh tại chợ tạm, chợ cóc; và chỉ vỏn vẹn 0,38% kinh doanh trong các siêu thị, trung tâm thương mại. Mặc dù vậy, hộ kinh doanh là nguồn quan trọng cho hình thành các doanh nghiệp tại Việt Nam. Có tới 70% doanh nghiệp dân doanh từng là hộ dân doanh, theo điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI.

Tất nhiên, những câu chuyện hay khuyến nghị trên là gây đụng chạm. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế, khẳng định quy trình quản lý thu thuế ở khu vực kinh tế này là rất chặt chẽ. Để quản lý đúng và tránh bỏ sót hộ kinh doanh, cơ quan thuế thực hiện việc quản lý theo danh bạ hộ kinh doanh. Danh bạ này được lập theo địa bàn - xác định cụ thể cơ sở kinh doanh theo từng khu chợ, đường phố, ngõ xóm. Hơn nữa, để xác định mức doanh thu khoán phù hợp, cơ quan thuế đã xây dựng quy trình chặt chẽ, có sự tham gia của nhiều thành phần, ban ngành để tránh sự áp đặt của cơ quan thuế cũng như tránh sự thông đồng của cán bộ thuế và các hộ kinh doanh.

Bà Hạnh nói: “Ngành thuế rất quan tâm tới công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh. Mặc dù số thu của đối tượng này chỉ khoảng 2% tổng thu ngân sách, song có tới 21% cán bộ ngành thuế trực tiếp quản lý thuế ở khu vực này, chưa tính tới cán bộ gián tiếp”.

Theo Tổng cục Thuế, tổng thu từ hộ gia đình và cá nhân kinh doanh chỉ vào khoảng 12.362 tỉ đồng trong năm 2014. Ngành thuế đã cấp mã số thuế cho 3,018 triệu hộ kinh doanh, trong đó số hộ kinh doanh đang hoạt động là 1,612 triệu hộ, còn lại là các hộ kinh doanh được cấp mã số thuế nhưng không hoạt động kinh doanh. Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với 4,6 triệu hộ, theo Tổng cục Thống kê.

Để tránh tình trạng thông đồng, nhũng nhiễu, bà Hạnh khẳng định, ngành thuế quy định từ năm 2015, tất cả hộ kinh doanh thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán, thay vì kê khai như trước đây.

Liệu cách thu mới có phát huy tác dụng, giảm thông đồng? Bà An tỏ ra băn khoăn về điều này khi gần đây bà hỏi một nữ cán bộ thuế ở Nghệ An thì được biết, chị này chỉ có trách nhiệm thu 2 triệu đồng tiền thuế mỗi tháng, song vẫn lĩnh lương tháng 5 triệu đồng.

Bà An nói: “Hiện nay niềm tin của người nộp thuế giảm rất nhiều. Họ nói với tôi, chúng tôi là người dân làm ăn vất vả mới được ngần này tiền, rồi đóng thuế cho Nhà nước. Vậy mà trên báo chí đầy tin nói ông A. tham nhũng từng này, ông B. từng này; thì tôi có trốn thuế cũng đáng là bao… Tôi làm việc với nhiều người, người ta đều nói vậy”.

Không có nhận xét nào: