Hàng trăm xe tải qua cầu cấm, có “đèn xanh” của Chủ tịch tỉnh Hà Nam
Tác giả: Duy Phong
Cầu yếu oằn mình chịu trận xe “hổ vồ”
Cầu Châu Sơn là cây cầu bắc qua sông Đáy, nối trung tâm TP.Phủ Lý (Hà Nam) sang Khu công nghiệp Châu Sơn, mỏ đá Kiện Khê…
Cây cầu này được đặt tên theo Quyết định số 04/2009/QĐ-UBND ngày 13/1/2009 của UBND tỉnh Hà Nam. Theo công năng thiết kế và để đảm bảo chất lượng cho công trình, cây cầu này đã cấm xe có trọng tải trên 3,5 tấn đi qua.
Thế nhưng, điều đáng buồn, dù quy định đã có nhưng “lệnh cấm” đang bị một số doanh nghiệp vận tải “phớt lờ”, “làm ngơ” khi vẫn cho hàng trăm lượt xe có trọng tải lớn lũ lượt chạy qua.
Nhiều người dân bức xúc cho biết: Hàng ngày, có những hãng xe tải có xe tổng tải trọng gần 60 tấn chạy qua chiếc cầu nên nguy cơ cầu gãy, sập, xuống cấp nghiêm trọng là có thể xảy ra.
Cầu Châu Sơn chỉ có trọng tải dưới 3,5 tấn nhưng hàng ngày hàng trăm lượt xe “hổ vồ” vẫn vô tư lao qua |
Theo quan sát của phóng viên, những đoàn xe tải gắn lô gô Hữu Trí, Xuân Trường, Thanh Tùng… nườm nượm nối đuôi nhau chở vật liệu xây dựng, đá, sỏi đi từ hướng mỏ đá Kiện Khê qua cầu Châu Sơn về hướng TP.Phủ Lý. Điều đáng nói, những chiếc xe có trọng tải lớn cứ hiên ngang đi mà không hề gặp bất cứ sự “ngăn chặn” nào từ cơ quan chức năng.
Thực tế, sau gần 30 phút có mặt, chúng tôi đã chứng kiến những cảnh tượng hết sức “kinh ngạc” và khó hiểu. Mặc dù ngay từ 02 phía đầu cầu có gắn biển “cấm xe tải trên 3,5 tấn” treo ngay ngắn nhưng hàng chục chiếc xe có trọng lượng lớn vẫn ngang nhiên chạy qua.
“Chúng tôi là những người dân sống ở đây, hàng ngày chứng kiến xe trọng tải lớn chạy qua cầu mà không ngồi yên được. Cây cầu này chỉ cho phép xe dưới 3,5 tấn chạy qua vậy mà bây giờ có hàng trăm lượt xe với trọng tải hàng chục tấn đi qua. Thử hỏi với trọng tải lớn gấp nhiều lần cho phép như vậy ai dám chắc sẽ không có chuyện gì xảy ra?”, một người dân sống gần cây cầu cho biết.
Điều đáng bàn nữa là việc hoạt động của các đoàn xe này đều được sự giám sát, bảo vệ của các “chim lợn”. Hai bên đầu cầu xuất hiện nhiều đối tượng mặt mũi bặm trợn, hành nghề xe ôm nhưng lại từ chối chở khách. Khi biết chúng tôi đang ghi hình, những người này ngay lập tức gọi điện “mật báo” cho “ai đó”. Thật bất ngờ, chỉ sau 5 phút những chiếc xe có trọng tải lớn đã vô cớ “mất tích”, không còn thấy chiếc xe tải nào đi qua cầu.
Một người bán quán nước gần cầu cho biết: “Tuy ở đây có rất nhiều doanh nghiệp xe tải nhưng chỉ có một vài doanh nghiệp như Xuân Trường, Hữu Trí… mới được đi trên cầu này. Còn những doanh nghiệp khác đi vào thì bị xử phạt rất nặng…”.
Chủ tịch tỉnh “bật đèn xanh”
Trước thực tế mà người dân phản ánh, phóng viên đã trực tiếp liên hệ với Đại tá Trần Trọng Đạo, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Hà Nam) để làm rõ vấn đề. Qua trao đổi, vị Trưởng phòng này xác nhận, việc xe tải có trọng tải lớn chạy qua cầu cấm là có thật. Tuy nhiên, việc này là do có sự chấp thuận của lãnh đạo tỉnh. Chính lực lượng công an cũng đang bị làm khó. “Dòng xe đang chạy là của tập đoàn Hải Sơn… Xe chạy cũng là phục vụ chính trị của địa bàn. Việc này đã có văn bản do Chủ tịch tỉnh ký gửi Sở giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân thành phố Phủ Lý. Về nguyên tắc, khi đã có văn bản chỉ đạo thì chúng tôi phải thực hiện theo”- Ông Đạo cho hay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ các hãng xe tải vẫn bất chấp “lệnh cấm” để ngang nhiên qua cầu là do có sự chấp thuận của lãnh đạo tỉnh Hà Nam. Đáng chú ý, đích danh Chủ tịch tỉnh Hà Nam ông Nguyễn Xuân Đông đã liên tiếp ký các văn bản gửi Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân thành phố Phủ Lý cho phép một số phương tiện vận tải chở vật liệu phục vụ thi công xây dựng qua cầu Châu Sơn.
Cụ thể, ngày 6/3/2015, Chủ tịch tỉnh Hà Nam ông Nguyễn Xuân Đông ký văn bản số 350/UBND-GTXD gửi Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân thành phố Phủ Lý cho phép một số vận tải chuyên dùng chở bê tông thương phẩm được lưu thông qua cầu Châu Sơn. Trong văn bản gi rõ: Mục đích nhằm phục vụ thi công đường một số công trình trên địa bàn phía Tây sông Đáy. Với văn bản này, Chủ tịch tỉnh Hà Nam đồng ý cho 7 phương tiện vận tải được phép lưu thông qua cầu Châu Sơn. Hiệu lực cho phép đến hết ngày 31/3/2016.
Không lâu sau khi văn bản trên được ban hành, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam lại tiếp tục ra văn bản số 387/UBND-GTXD ngày 11/3/2015 gửi Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân thành phố Phủ Lý về việc cho phép một số phương tiện vận tải chở vật liệu phục vụ thi công xây dựng cơ sở đào tạo thực nghiệm trường Đại học xây dựng được lưu thông qua cầu Châu Sơn.
Văn bản ghi rõ: Sau khi xem xét đề nghị của Tổng công ty cổ phần đầu tư phát triển Hải Sơn – Tổng công ty 86 về việc cho phép phương tiện chở vật liệu được qua cầu Châu Sơn phục vụ thi công xây dựng cơ sở đào tạo thực nghiệm Trường Đại học xây dựng tại tỉnh Hà Nam thuộc địa bàn huyện Duy Tiên và TP Phủ Lý. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng công trình và đẩy nhanh tiến độ thi công công trình hoàn thành dựa vào khai thác sử dụng, Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến:
Thứ nhất, cho phép một số phương tiện vận tải chở vật liệu (gồm: Cấp phối đá dăm, cát, đá. Đá phong thủy) phục vụ thi công xây dựng cơ sở đào tạo thực nghiệm Trường Đại học xây dựng tại tỉnh Hà Nam được lưu thông qua cầu Châu Sơn. Tại công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã nêu danh sách 20 phương tiện vận tải được phép lưu thông qua cầu Châu Sơn.
Thứ hai, Chủ tịch tỉnh Hà Nam yêu cầu Chủ doanh nghiệp có phương tiện vận tải cam kết chở vật liệu đúng tải trọng theo quy định, đảm bảo xe có chiều cao 1,5m bằng thùng, có bạt che phủ đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông trên cầu, đường bộ mà phương tiện đi qua. Thời gian các phương tiện vận tải trên được phép lưu thông qua cầu Châu Sơn đến hết ngày 31/12/2015.
Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam ban hành các văn bản cho phép xe tải đi qua cầu cấm ngay lập tức đã khiến dự luận bức xúc. Nhiều người cho rằng, việc làm của vị Chủ tịch như vậy là có tính “bảo kê” cho các hãng vận tải.
Một người dân thẳng thắn: “Qua văn bản có thể thấy rằng Chủ tịch tỉnh đã tạo điều kiện cho các loại xe tải chở “vượt mức” so với quy định. Chẳng hạn việc yêu cầu chủ doanh nghiệp có phương tiện vận tải đảm bảo xe có chiều cao 1,5 m bằng thùng là đã sai với quy định của nhà nước rồi”.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình trật tự ATGT 6 tháng đầu năm 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục thực hiện kiểm soát, duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe 24/24h, kiên quyết xử lý nghiêm xe chở hàng quá tải, kiên quyết chấm dứt tình trạng xe chở hàng quá tải. Địa phương nào để “lọt” xe quá tải, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm…
———–
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét