Translate

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

....CÁI CHẾT NGẮC NGOẢI?

 Nguyễn Huy Canh

>>  
Chúng ta thích nói chuyện 'trên trời'...
>> 
"Người lãnh đạo biết nghe lời thẳng không có nhiều”
>> 
Mới khánh thành, nền gạch tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng bị vỡ
>> Hỗ trợ gạo cho tỉnh Quảng Nam
>> 

 Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tôi hiểu là một trong ba trụ cột chính của công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế của chúng ta. Một nền kinh tế còn vương đậm lối tư duy, và điều hành của cơ chế bao cấp, xin-cho có từ hơn 30 năm trước. Và chúng ta cũng biết rằng, cơ chế bao cấp là hạt nhân của mô hình kinh tế-xã hội của CNXH được xây dựng theo chủ thuyết Marx-Lenin.

             Các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế nhà nước, được tư duy của đảng tin cậy, đầu tư và xây dựng như những lực lượng chủ đạo của nền kinh tế, để cho chúng ta hòng tiến nhanh, tiến mạnh, và vững chắc lên CNXH.

         Các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế, sự thành công của nó, được xem như kì vọng của đảng về một sự sáng tạo rất độc đáo con đường đặc thù lên CNXH ở nước ta.


      Tiếc rằng, sau hơn chục năm, nhiều lí thuyết, nhiều nguồn lực của đất nước đầu tư cho nó, lại chỉ để lại một sự thua lỗ, nợ lần, vô trách nhiệm và tham nhũng khủng khiếp của các quan chức, các nhóm lợi ích. Hàng nghìn nghìn tỉ đồng đã bị mất đi. Vinashin,Vinalines chỉ còn là nỗi ám ảnh khổ nhục và cay đắng của những  tư duy giáo điều về cái con đường gọi là độc đáo ấy.


        Không chỉ sự yếu kém,hư hỏng, phá sản của những doanh nghiệp nhà nước, mà còn vì nó, vì vai trò chủ đạo của nó, đã kéo theo sự trì trệ yếu kém của khu vực dân doanh. Khu vực này chưa bao giờ được quan tâm, được ưu ái như nó cần, nhẽ ra, phải có. Doanh nghiệp tư nhân, có lẽ trong tư duy của các nhà lãnh đạo, của các đỉnh cao trí tuệ của nhân loại, chỉ được xem như một miếng đệm cho sự an toàn của hệ thống mà thôi.
        Mức thu nhập thấp, năng suất lao động thấp, đời sống nghèo khó của đại bộ phận nhân dân, và muôn vàn tệ nạn khác (giả dối, tham nhũng, vô cảm của giới quan chức, vi phạm nhân quyền, ô nhiễm môi trường, …) của đời sống, là hệ lụy, hệ quả của con đường mò mẫm mô hình kinh tế xã hội theo định hướng: lấy doanh nghiệp nhà nước, lấy các quả đấm thép làm chủ đạo.
        Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trong nội dung cụ thể là thực hiện chiến lược cổ phần hóa nó.
       Vì vậy, cổ phần hóa, không chỉ nên xem, như một phương thức, cách thức khắc phục những thua lỗ của một nền kinh tế những năm qua, xét theo quan điểm lợi nhuận. Tôi hiểu rằng đó là một sự phủ định mạnh mẽ một quan niệm có tính ý thức hệ đã từng thống trị dai dẳng trong nền chính trị nước nhà, để thay bằng một tư duy, một tư tưởng khác về lực lượng chủ đạo, về động lực và bản chất nền kinh tế.


        Đó phải là nền kinh tế thị trường đầy đủ, và một nhà nước phúc lợi, như ý thủ tướng đã khẳng định trong phiên họp thường kì tháng 2/2015 của chính phủ.


        Một nền kinh tế thị trường đầy đủ là gì? Đó là nền kinh tế bị chi phối bởi qui luật cạnh tranh, và qui luật giá trị. Đó là nền kinh tế ở đấy, nhà nước không tham gia tìm kiếm lợi nhuận ở những ngành nghề, khu vực mà tư nhân làm được. Định hướng xhcn không phải là ở chỗ ông nhà nước có nhiều bệnh viện hơn,hay tư nhân nhiều hơn.
        Điều đó suy rộng ra, thành phần tư nhân phải trở thành động lực, thành lực lượng trung tâm của nền kinh tế thị trường hiện đại, chứ không phải là kinh tế nhà nước, các doanh nghiệp quốc doanh.
       Kế hoạch 432 doanh nghiệp nhà nước phải được cổ phần hóa xong trong năm nay, cần phải được xây dựng trên tư tưởng đó. Đó là một công cuộc chuyển đổi vĩ đại về quan hệ sản xuất. Nói là một bước chuyển vĩ đại, vì tất cả những lí thuyết, những tư duy giáo điều cản trở bước tiến của dân tộc chúng ta trong nhiều thập kỉ qua sẽ bị chôn vùi một cách thực tiễn trong niềm vui hân hoan của dân tộc, của giai tầng doanh nhân mà lịch sử nhân loại hiện đại đã nhìn thấy được tất cả các giá trị Tự Do-Dân Chủ-Nhân Quyền được đem lại bởi giai tầng này.


       Không có một sự thay đổi nào là không đau đớn. Nhưng việc định giá rẻ, hay thậm chí phải bán tống, bán tháo giá trị của doanh nghiệp, để hoàn thành sứ mạng phủ định này,sẽ chẳng phải là cái gì mất mát lớn, nếu như, sau hành động này là một sự cải biến vĩ đại đang mở ra cho đất nước chúng ta.
      Chúng ta muốn một sự vĩ đại, dù là đến có muộn mằn, hay muốn dân tộc này cứ phải ngắc ngoải trong một cái chết kéo dài? Đó là thông điệp tôi muốn gửi đến cho cựu cố vấn kinh tế Phạm Chi Lan, và cho tất cả những ai quan tâm tới sự nghiệp, tới con đường đổi mới đất nước.

Không có nhận xét nào: