Translate

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

Hóa đơn cho nỗi đau, dân gánh tiền oan sai

Mi An.
>> 
Ba năm, 226 người chết trong trại tạm giam, tạm giữ
>> Công quyền và tội ác!
.

Đất Việt - Như vậy là đã rõ, từ trước tới nay, tiền bồi thường oan sai đều lấy từ ngân sách nhà nước...
Ông Nguyễn Thanh Chấn- người tù nổi tiếng ở thôn Me (Bắc Giang) từng ngồi án oan suốt 10 năm nay, cho đến giờ, hơn 1 năm sau khi được trả tự do vẫn đang nhọc nhằn trên con đường đòi lại công bằng cho mình.
Cuộc đời bi kịch của ông Chấn trong hơn10 năm trời với 3.699 ngày oan trái đó có thể kể lại bằng một cuốn tiểu thuyết. Không chỉ ông Chấn mà mẹ già, vợ và các con ông cũng là nạn nhân của tấn bi kịch này.

Dĩ nhiên, tiểu thuyết thì viết được, nhưng hóa đơn thì không. Không ai viết được hóa đơn cho những ngày khổ cực bị hàm oan đến mức ông tự tử trong tù, may được bạn tù cứu sống.

Không ai viết được hóa đơn cho vợ ông, suốt 10 năm mòn gối đi kêu oan cho chồng, công ăn việc làm bỏ hết. Không ai viết được hóa đơn cho 4 đứa con thất học khi cha bị bắt đi tù, con gái phải đi xuất khẩu lao động lấy tiền gửi về cho mẹ đi kêu oan, đến giờ vẫn chưa được về nước gặp cha.

Trong đơn yêu cầu bồi thường, ông Chấn nêu rõ: "Trong 10 năm ngồi tù oan sai, tôi còn bị bức cung, nhục hình, bị đánh đập, hành hạ. Chính vì thế, ngoài mức quy định của pháp luật, tôi và gia đình yêu cầu bồi thường thêm 2 tỷ đồng để bù đắp phần nào danh dự, nhân phẩm của cá nhân tôi phải chịu suốt 10 năm qua".
Tổng cộng số tiền ông Chấn yêu cầu bồi thường thiệt hại cho bản thân và gia đình là 9,37 tỷ đồng.
Lá đơn đòi bồi hoàn cho những tổn thất suốt 10 năm qua của ông Chấn, đang được các cơ quan chức năng phúc đáp: Đề nghị ông và gia đình xuất trình hóa đơn chứng minh những tổn thất tinh thần.
Biết bao nhiêu lần đi đi về về với lá đơn đòi bồi thường oan sai, nhưng đến nay, mấu chốt vấn đề là những tờ hóa đơn mà tòa yêu cầu đang đẩy gia đình người nông dân nghèo khổ này vào tuyệt vọng.

Ngày 13-3 mới đây, trong phiên trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với câu hỏi “Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về khoản tiền đền bù hơn 6 tỷ cho các nạn nhân bị xử oan sai trong thời gian 3 năm từ 2012-2014”, Chánh tòa cho biết:
“Trong trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý thì mới đặt ra vấn đề phải hoàn trả cho ngân sách tiền bồi thường oan sai. Trên thực tế, các vụ xử oan sai hiện nay chưa có vụ nào xác định là do lỗi cố ý mà hầu hết là do lỗi nhận thức, vô ý”.

Như vậy là đã rõ, từ trước tới nay, tiền bồi thường oan sai đều lấy từ ngân sách nhà nước,  bởi vì người thi hành công vụ làm ra án oan sai nhưng đều do “lỗi vô ý” cả.

Nếu dân chính là người trả tiền bồi thường oan sai cho các nạn nhân của viện kiểm sát, cơ quan cảnh sát điều tra hay tòa án, như ông Nguyễn Thanh Chấn chẳng hạn, vậy thì dân có được hỏi ý kiến hay không?
Nếu được hỏi ý kiến, tôi cam đoan chắc chắn phần đông số người được hỏi sẽ đồng tình trả tiền bồi thường cho ông Chấn mà không bắt ông và gia đình phải trưng ra hóa đơn chứng từ bởi yêu cầu đó là một nhiệm vụ bất khả thi với gia đình ông Chấn.



Nhưng dân chẳng bao giờ được hỏi ý kiến về việc này, vì thế, con đường đi đòi công lý của ông Nguyễn Thanh Chấn xem ra còn gian nan lắm.  
*

Không có nhận xét nào: