Translate

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Cây xanh và Niềm tin’



T
ôi đã bị sốc khi lần đầu nhìn thấy tiêu đề bài báo tường thuật ý kiến của ông Phó ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội về vụ chặt cây xanh trên một tờ báo mạng. Nhưng khi đọc hết các ý kiến trong bài báo, tôi tìm thấy khá nhiều điểm để đồng tình với ông Phan Đăng Long.





Đọc thêm:

>>   Hà Nội đốn hạ cả những cây tốt
>>  Tản mạn chuyện từ nước Thái
>>  Lỗi điều hành đô thị’ trong vụ chặt cây xanh
>>  “Tài sản thuộc sở hữu nhà nước là của chùa” ?! (17/3
Thứ nhất, có nhiều ý kiến xác đáng trong quan điểm của vị quan chức thủ đô. Chẳng hạn, việc xây dựng một thành phố văn minh hiện đại cần theo quy hoạch và trong nhiều trường hợp cần những sự hy sinh bước đầu.

Tôi cũng hoàn toàn đồng ý rằng không phải động đến việc gì chính quyền cũng cần hỏi ý kiến dân. Vả lại, có những quyết định mà lúc đầu bị dư luận phản đối nhưng sau hàng chục năm ta mới thấy giá trị của nó. Một chính quyền có tâm, có tầm, dám làm và dám chịu trách nhiệm là mơ ước không phải chỉ riêng của thành phố Hà Nội.
    Riêng trong câu chuyện chặt hạ cây xanh, công bằng mà nói chính quyền cũng có lý của họ. Trồng cây không phải là việc khó, nhưng cây xanh trong một đô thị văn minh hiện đại cần tính đến rất nhiều yếu tố. Có cây dễ bị sâu bệnh hoặc hấp dẫn côn trùng có hại, có cây xòe tán ảnh hưởng đến giao thông, thậm chí cây sữa nổi tiếng là thế trong thơ văn và âm nhạc nếu trồng dày đặc cũng có thể trở thành nỗi ám ảnh của cả một khu phố mỗi mùa hoa nở thơm lừng.
    Đã có những cây đổ bật gốc mùa bão, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông. Thậm chí chỉ mới gần đây cây trên phố Lò Đúc đã lấy đi sinh mạng của một công dân xấu số của thủ đô. Vậy nên, dù mỗi gốc cây đều là kỷ niệm, việc một số bị chặt hạ và thay thế là không thể tránh khỏi.
    Thế nhưng, câu chuyện cây xanh Hà Nội đang diễn biến theo cách rất ầm ĩ. Một không khí tranh luận đáng sợ khi ai cũng có phần lý của mình, và dường như rất khó để nghe thấy nhau.
   Nguyên nhân của cuộc tranh cãi theo tôi vẫn chỉ nằm ở một điểm chưa được nhìn nhận thẳng thắn: chính quyền thành phố và người dân thủ đô đang đối thoại trong một môi trường rất thiếu niềm tin.
    Chính vì thiếu niềm tin nên nhiều người đã đồng tình nêu lại những câu hỏi của giáo sư Ngô Bảo Châu và của nhà báo Trần Đăng Tuấn, mà phần lớn liên quan đến những thông tin khá chi tiết về duy tu bảo trì cây xanh, về xác định ảnh hưởng đến mỹ quan, về quy hoạch đô thị, về các nội dung cần công khai minh bạch và về tài chính.

Đáng lẽ ra người dân thành phố đã có thể tin tưởng rằng với quy trình tham vấn các nhà chuyên môn, với thủ tục quy hoạch, theo dõi, lập hồ sơ cho cây xanh, với các công cụ tài chính và hành lang pháp lý, việc như thế chính quyền có thể làm tốt mà người dân không phải “nhúng mũi” vào.
      Cũng chính vì thiếu niềm tin nên cộng đồng nhanh chóng tin rằng đang có một chiến dịch chặt hạ hàng loạt gần bảy ngàn cây, như một cuộc thảm sát cây xanh và môi trường. Những lời thanh minh đã chậm hẳn một bước so với thực tiễn cuộc sống khi người dân lên facebook lập nhóm cứu cây và ra đường đeo ruy băng kêu cứu cho cây xanh.
      Trong bối cảnh sức nóng dư luận lên đến đỉnh điểm, lời “quan” khi đến tai “dân” đã khiến dư luận nhanh chóng hiểu theo hướng mà như chính người trong cuộc thừa nhận “nhiều người nghĩ rằng tôi không coi dân ra gì”.
      Nếu tôi có mặt trong cuộc họp báo, tôi sẽ thẳng thắn trình bày quan điểm với lãnh đạo thành phố. Nguyên nhân của sự phản ứng dữ dội từ dư luận không phải là do chặt cây mà là ở sự thiếu niềm tin. Chặt cây chỉ là nguyên cớ, khủng hoảng niềm tin mới là nguyên nhân.

Nếu không giải quyết tận gốc nguyên nhân thì trong bất kỳ công việc sắp tới nào đó của thành phố, rất có thể chúng ta sẽ lại thấy các câu hỏi về công khai quy trình và minh bạch tài chính, chúng ta sẽ lại thấy dư luận diễn dịch ý kiến của lãnh đạo theo hướng rất tiêu cực.
       Hiểu ý của nhau theo hướng tốt mới khó, chứ nghi kỵ và ném đá thì quá dễ. Về điểm này, cá nhân tôi cho rằng Hà Nội đang rất cần một lãnh đạo đủ nhạy bén để nói thẳng và giải quyết một cách rốt ráo vấn đề. Có thể đúng khi nói rằng không bắt buộc phải hỏi dân, nhưng trong một thành phố văn minh, chính quyền phải biết lấy lòng dân bằng cách tính đến những việc nên làm thay vì chỉ thực hiện những gì mình phải làm.
       Xa hơn nữa, chính quyền phải chứng minh cho dân thấy mình đáng được tin tưởng bằng các quy trình thông tin chủ động và minh bạch. Chẳng hạn, một trang web trưng cầu dân ý hay một không gian đối thoại mở không phải là việc quá khó.                   

Người dân Hà Nội được hưởng nhiều ưu đãi về con người và cơ chế so với các địa phương khác, nếu không dám tiên phong trong việc xây dựng mô hình “đô thị niềm tin”, hẳn cũng không quá tự hào khi dán nhãn văn minh thanh lịch.
     Khi viết những dòng này tôi đã nhận được tin rằng Công ty Công viên cây xanh đã quyết định treo biển lấy ý kiến dân trước khi thay thế cây. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cũng đích thân lên tiếng với truyền thông.
Chưa hình dung dải ruy băng cứu cây tự phát và tấm biển lấy ý kiến dân sẽ tồn tại song song như thế nào, nhưng trên hết, hãy tin tưởng rằng đối thoại sẽ giải quyết được vấn đề.

_________
https://kimdunghn.wordpress.com/2015/03/21/cay-xanh-ha-noi-va-mo-hinh-thanh-pho-niem-tin/#more-18266

Không có nhận xét nào: