Translate

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Thị trường, nghị trường và chuyện lỗ - lãi

Thị trường là lĩnh vực của kinh doanh. Nghị trường là lĩnh vực của chính sự. Nhưng dường như đều đang đứng trước những thử thách. Ở nơi này là người tài với tiền tài. Ở nơi kia là phẩm cách với tiền tài.
Có điều, chữ “có hậu” trong hai vụ việc ấn tượng của tuần này, không giống nhau
Chỉ còn hơn tháng nữa là đến Tết Âm lịch, khoảng thời gian người ta có nhu cầu đi lại, thì cả xã hội tuần qua bỗng chấn động vì một hiện tượng bất thường xảy ra ở hãng hàng không lớn nhất nước: Gần 120 người lái máy bay, chiếm tới 90% trong tổng số người lái thuộc đội bay Airbus “báo ốm”, trong đó chỉ có 10 trường hợp có giấy chứng nhận của cơ quan y tế.

                      


Xưa nay, ốm đau mà lây lan trong số đông dân cư cộng đồng, người ta thường gọi là dịch. Có điều, “dịch ốm” ở đây rất lạ, chỉ xảy ra trong đội ngũ vốn có thể chất và điều kiện sinh hoạt, vệ sinh vào loại lý tưởng. Rất nhanh chóng, hiện tượng bất thường này đã được chính ông Phạm Ngọc Minh, Tổng GĐ Tổng Công ty HKVN nhận định là nghiêm trọng, và chẩn đoán “bệnh” chính xác- lãn công tập thể.
Nghiêm trọng vì hiện tượng này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng chủ lực, nòng cốt của quốc gia. Còn theo người viết bài, chọn vào thời điểm áp Tết, các “bệnh nhân” có sự suy tính rất kỹ lưỡng, nhằm tăng áp lực với cơ quan quản lý.
Nguyên nhân của hiện tượng bất thường, rất nhanh chóng được xác định. Đó là sự so sánh về năng lực và mức lương giữa nhân lực nội, và nhân lực ngoại- thuê ở nước ngoài. Chưa kể còn có nhiều thắc mắc khác về các điều kiện sinh hoạt ăn ở … Nhưng điều quan trọng nữa, chắc chắn họ đã phải có “nơi chốn đi về”, mới quyết liệt đến thế để rũ bỏ… tình xưa (!). Sự quyết liệt của họ đến mức ông Tổng GĐ phải “huỵch toẹt” số lương 200 triệu/ tháng. Một con số hẳn rất nhiều người mắt tròn mắt dẹt…
Câu nói của đại văn hào M. Gorki (Nga): Không ai thỏa mãn với hoàn cảnh, nhưng ai cũng thỏa mãn với trí tuệ của mình, vẫn luôn đúng với mọi thời đại.
Thật ra, hiện tượng này không phải cá biệt. Nó đã từng xảy ra ở một số quốc gia. Và ảnh hưởng của nó ngay lập tức khiến các chính phủ phải can thiệp, vì tính chất đặc thù của ngành nghề và đội ngũ này: Năm 1998, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Cathay Pacific không đàm phán, ai muốn nghỉ cho nghỉ ngay và sẽ cung cấp nguồn nhân lực khác để bù vào. Tại Singapore, Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng đã trực tiếp giải quyết việc này (VietNamNet, ngày 12/01).
Quyết liệt đến mức, ngay cả tiếp viên trưởng cũng nhảy vào cuộc, với bài viết sắc sảo, và lời bình đáo để không kém trên VietNamNet, ngày 14/01 mới đây: ‘Trong chăn mới biết chăn có rận’.
Bài báo có đoạn “nếu có việc vi phạm hợp đồng, thì anh có thể khởi kiện người vi phạm, chứ lấy danh nghĩa là hãng HK quốc gia, yêu cầu Nhà nước can thiệp để “bẻ ngược” quy luật kinh tế thị trường thì hơi chướng”.
Quả là sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Nay lại có cả tiếp viên làm … hậu chiến!
Và trong thời buổi thông tin đa chiều, ngay lập tức nhiều ý kiến cũng … đa chiều nốt. Người cho rằng thời kinh tế thị trường, người lao động có quyền thực hiện quyền lao động của mình ở nơi mình thấy là thỏa đáng với năng lực. Người cho rằng, cơ quan chủ quản nọ đã làm trái với điều 37 Bộ Luật Lao động 2012 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động v.v.. và. v.v…
Đúng sai hay dở ra sao?

Công bằng mà nói, lái máy bay là một ngành rất đặc thù. Đặc thù từ cách tuyển chọn rất kén người- có thể chất, tầm vóc, hình thể, sức khỏe theo đủ các tiêu chí, có học vấn, trình độ ngoại ngữ. Đặc thù cả giờ giấc, thời gian làm việc, môi trường làm việc trên không. Chính vì là ngành đặc thù, mà cách đào tạo, quá trình đào tạo, sàng lọc rất khe khắt, và đương nhiên đầu tư cho nguồn nhân lực này cũng đắt hơn các ngành khác rất nhiều. Tất cả sự khe khắt và đòi hỏi cao của lao động bay mà dẫn đến đặc thù cả lương bổng. Hẳn trong XH, các ngành nghề khác chẳng bao giờ dám ganh tị với ngành này.
Nhưng nguồn nhân lực HK còn có một đặc thù nữa, họ là lực lượng không thể thiếu với an ninh quốc phòng đất nước, khi cần. Họ không chỉ là người lao động làm công ăn lương thuần túy như nhiều ngành khác, mà lĩnh vực này đòi hỏi ở họ trách nhiệm XH cũng rất lớn. Thu nhập đi kèm trách nhiệm, và xin đừng quên- cả ý thức, tinh thần, lương tâm công dân.
Bất công trong XH ở quốc gia nào cũng luôn tồn tại, dù là văn minh, tiến bộ đến mấy. Đến ngay ngành kinh tế của đất nước ta trong kinh tế thị trường hiện nay còn phải nỗ lực rất lớn, để xóa bỏ sự bất công, bất bình đẳng giữa các khu vực kinh tế nữa là số phận bé nhỏ của con người. Trong bối cảnh đó, sự bất công về thu nhập có thể gặp ở bất cứ lĩnh vực nào không chỉ riêng HK, nhất là khi so sánh với nhân lực nước ngoài.
Có điều, cần đặt việc tính lương bổng, thu nhập của nhân lực ngành HK trong mối quan hệ và mặt bằng kinh tế, trong tổng thu nhập quốc dân nói chung của XH, nhất là chất lượng năng suất lao động của người Việt hiện rất thấp, thua kém nhiều nước ở châu Á và khu vực.
Mặt khác, hiện tượng bất thường này dần dà sẽ phải được coi là hiện tượng bình thường của nền kinh tế thị trường. Ở góc độ nào đó, sự cạnh tranh giữa các hãng, các doanh nghiệp nhằm thu hút nguồn nhân lực tài giỏi, nhân lực kỹ thuật công nghệ trình độ cao, xét cho cùng chỉ có lợi cho XH. Tuy nó là … vị đắng với bản thân DN này, nhưng lại là… tình yêu với DN khác.
Điều đó vô tình đòi hỏi các DN phải chuyển động, tạo ra môi trường làm việc và thu nhập hấp dẫn để nắm vạt áo người giỏi, người tài mà đề chữ… lương cao. Cũng đồng thời tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt phục vụ XH, dân sinh.
Mặt khác cũng phải thấy, người tài, người giỏi “không sợ thiếu, mà chỉ sợ không công bằng” (Lời Chủ tịch HCM). Sự không công bằng bao giờ cũng xuất phát từ cung cách quản lý thiếu dân chủ, thiếu công khai, minh bạch. Thế nên vụ việc và những thách thức đó có thể coi là một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các DN nhà nước khác phải chấn chỉnh và đổi mới cung cách quản lý của chính DN mình, khi mà con đường hội nhập của VN thông qua việc ký kết với các Hiệp định thương mại đang tới gần.
Nó đòi hỏi các DN phải có chiến lược giữ chân người tài, người giỏi, chứ không thể ỉ mãi vào cái vị thế “con trưởng” của nền kinh tế còn quá nhiều khiếm khuyết trong quản lý, và nhiều thiên vị của tư duy ban phát xin- cho. Có thế, sự cạnh tranh mới bình đẳng và không xảy ra hiện tượng… “bẻ ngược” kinh tế thị trường!
-----------------------------------------------------------------------------------------
II- Trước chuyện nhân lực ngành bay bị thiệt thòi gây chấn động XH, có một chuyện gây sửng sốt, và cũng ồn ào không kém. Khác chăng, đây chuyện làm ăn liên quan đến nghi vấn lừa đảo của một nhân sự … nghị trường.
Hình ảnh Bà Châu Thị Thu Nga bị bắt: Sai phạm của sở, ngành liên quan số 1 
                                             Bà Châu Thị Thu Nga. Ảnh: tinmoi.vn
.
Đó là tối ngày 7/1, bà Châu Thị Thu Nga, ĐBQH khóa 13, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) đã bị cơ quan chức năng khám xét nhà riêng, bắt tạm giam.
Đọc thông tin về ĐBQH trên mạng, thì bà Châu Thị Thu Nga cũng không phải là người phụ nữ tầm thường. Bà ta là người vừa có trình độ học vấn cao- tiến sĩ Quản trị kinh doanh, vừa là người của nghị trường, ĐBQH khóa XIII, khá thành thạo trong hoạt động xã hội- ĐB HĐND cấp quận rồi cấp t/p (2011-2016), lại vừa là người tham gia quản lý, lãnh đạo nhiều hội, hiệp hội, từ đối ngoại đến đối nội. Nghĩa là nếu không có vụ việc trên, trong con mắt nhiều người, bà Châu Thị Thu Nga cũng là người phụ nữ giỏi giang, có tài thao lược.
Nhưng sự khắc nghiệt là ở chỗ này, trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện nay, tài thao lược có khi lại gắn với… nghi vấn lừa đảo. Con số lừa đảo của bà Châu Thị Thu Nga không ít, gần 400 tỷ đồng. Chữ tài liền với chữ tai một vần. Vô tình, Đại thi hào Nguyễn Du hẳn đã bói cho bà Châu Thị Thu Nga một quẻ từ hơn 300 năm trước.
Khi liều lĩnh “dấn thân” vào con đường này, hẳn bà Châu Thị Thu Nga cầm chắc món lãi khủng. Có biết đâu, giờ thành lỗ khủng. Cái lỗ lớn nhất là mất tất cả- danh dự và biết đâu, cả tư cách công dân?
Còn khi dư luận XH đã lắng xuống, bình tâm suy nghĩ, người ta chợt nhận ra, các scandal của các ĐBQH những năm gần đây không còn quá hiếm hoi. Cách đây hai năm, XH chưa quên ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến bị bãi nhiệm. Năm 2005, 2006, hai ông Mạc Kim Tôn, Lê Minh Hoàng, đều là ĐBQH khóa XI đã bị cơ quan chức năng bắt, và xử lý trước pháp luật.
Nhẹ hơn, tại khóa XIII năm nay có trường hợp ĐBQH công kích ĐBQH khác một cách thiếu văn hóa và bất thường, khiến dư luận XH lại có dịp nổi sóng … đàm tiếu.
Thêm nữa, chất lượng ĐBQH cũng có những vấn đề.
Ngay trong kỳ họp QH khóa XIII vừa qua, truyền thông lại phải đặt câu hỏi về hiện tượng “trốn họp”. Đó là “Gần 25% vắng mặt, ĐBQH đang ở đâu” (Tuổi trẻ, 22/11/2014) ? Rồi hiện tượng ĐBQH bấm nút hộ nhau. Đến độ, kỳ họp sắp tới đây QH sẽ sử dụng thẻ thông minh để phục vụ hoạt động QH thuận lợi hơn, trong đó có việc chống lại hiện tượng “trốn họp”, bấm nút hộ của các ĐB.
Nghe thông tin, chỉ muốn được mượn câu thơ than thở của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu “mô tả” sự vô ý thức không đúng chỗ của một số ĐBQH: Nước 4000 năm ai người lớn/ Đại biểu QH vẫn… trẻ con (!)
Quốc hội là cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực cao nhất. Nhưng điều đó không có nghĩa là các ĐBQH cứ có… quyền trốn họp đến ¼. Vậy thì người dân trông mong gì vào những hái lượm của các vị ở mỗi kỳ họp, và sau đó tiếp xúc cử tri? Chả lẽ niềm tin gửi vào lá phiếu bầu cho các ĐB của dân để các vị nói lên tiếng nói của dân, rút cục cũng lại thành … món nợ khó đòi?
Ngày 8/1 mới đây, cơ quan chức năng chính thức cho biết, theo kết quả điều tra vụ bà Châu Thị Thu Nga, dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn, Hà Nội chưa được UBND t/p Hà Nội phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, chưa cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, bà này và các đồng phạm đã tự lập mô hình, ký hiệu, vị trí, diện tích các căn hộ rồi sử dụng để ký 752 hợp đồng góp vốn và thu hơn 377 tỷ đồng của nhà đầu tư, đến nay không còn khả năng chi trả (Soha, ngày 13/1).
Việc bà Châu Thị Thu Nga bị bắt tạm giam, có phải là lừa đảo hay không, rồi đây là công việc của tòa án. Nhưng chắc chắn có nhiều khách hàng của bà, đã rất tin tưởng ở cái “mác” ĐBQH, kiêm rất nhiều chức vụ của bà này mới giao tiền cho ác, để rồi bây giờ phấp phỏng lo, phấp phỏng hy vọng ở công lý, trong bối cảnh bất động sản vẫn… bất động.
Và cho dù những người dân- khách hàng nhẹ dạ cả tin sẽ là những người bị hại đầu tiên, vậy nhưng câu hỏi cần đặt ra, vì sao một người có hành vi tồi tệ, nghi vấn “lừa đảo” khách hàng như vậy, lại vẫn lọt qua tất cả các quy trình ứng cử, sàng lọc, giám sát và thẩm định tư cách ứng viên có vẻ như rất chặt chẽ, đến con ruồi cũng không lọt, nhưng sự bất nhân vẫn lọt?
Tại cuộc họp giao ban báo chí mới đây, đại diện t/p HN cho biết: Về trách nhiệm của đơn vị giới thiệu bà Nga ứng cử vào HĐND và QH, thời điểm bà Nga ứng cử (do Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ giới thiệu) đã có một số thông tin khiếu kiện, tuy nhiên lúc đó cũng chưa có kết luận nên bà Nga vẫn có quyền ứng cử theo quy định. Qua các vòng hiệp thương, lấy ý kiến tại khu dân cư được nhân dân đồng thuận, mới đưa vào danh sách bầu cử. Việc trúng cử hay không là do cử tri bầu. Bây giờ mới phát hiện sai phạm của bà Nga, đó là điều rất đáng tiếc. Chính bà Nga sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Còn về phía t/p, cũng “hết sức rút kinh nghiệm”.
Cứ theo tinh thần “rút kinh nghiệm” của câu trả lời này, thì rút cục, dân bầu dân chịu, bà Nga làm bà Nga chịu! Huề.
Ở góc độ ĐBQH, bà Bùi Thị An cho biết, để tránh chuyện lẫn lộn giữa việc công và tư trong tương lai, sắp tới QH sẽ bàn và thông qua luật gọi là Luật bầu cử QH. Luật này quy định rõ ràng tiêu chuẩn, thủ tục để lựa chọn những người đại diện cho dân. Có lẽ đó là những giải pháp nhằm ngăn chặn sự tiếp diễn của những hiện tượng đáng hổ thẹn tương tự.
Nhân vụ việc này, có không ít ý kiến trên báo chí truyền thông cho rằng, không nên để một tỷ lệ cao các doanh nhân trong QH- là quan niệm có phần thái quá, và định kiến. Bởi trong thực tế, những doanh nhân, doanh nghiệp chân chính , bằng sự trải nghiệm thực tiễn kinh tế thị trường trong nước, ngoài nước, tiếng nói của họ cũng rất đáng chú ý trong việc ban hành các chính sách chiến lược về kinh tế trong nước cũng như hội nhập quốc tế. Còn nếu lo ngại sẽ hình thành những lợi ích nhóm, mang tính chất trục lợi cá nhân ngay trong việc bàn thảo, định hướng chính sách, thì điều đó rất cần sự giám sát, thông tin và phản biện kịp thời của một thứ quyền lực mềm khác- báo chí, truyền thông.
Thị trường là lĩnh vực của kinh doanh. Nghị trường là lĩnh vực của chính sự. Nhưng dường như đều đang đứng trước những thử thách. Ở nơi này là người tài với tiền tài. Ở nơi kia là phẩm cách với tiền tài.

Có điều, chữ “có hậu” trong hai vụ việc ấn tượng của tuần này, không giống nhau.

Không có nhận xét nào: