Translate

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Lan man...Chuyện với một người!

Trong mấy ngày ở Ulaanbaatar, tôi gặp anh Ganbaatar (anh hùng thép – tên của thời hoa đỏ), một đối tác đã đứng tuổi. Sau những công việc liên quan đến chuyên môn IT, cả hai cùng cởi mở và muốn trao đổi chuyện ngoài đời, có lẽ do tôi bập bẹ tiếng Nga, thích bàn về văn hóa Liên Xô. Chiều đó chúng tôi hẹn nhau đi quán Silk Road, cách khách sạn Blue Sky khoảng 5 phút đi bộ.

Ganbaatar nói tiếng Nga như gió, thạo cả tiếng Anh, bập bẹ tiếng Trung. Theo anh, một đất nước nhỏ như Mongolia (Mông Cổ) muốn hội nhập, trí thức phải biết nhiều ngoại ngữ. Liên Xô vừa bỏ đi, anh thức thời học tiếng Anh, bây giờ kiếm ăn cũng khá.

Thời Thành Cát Tư Hãn phải biết ngoại ngữ để chinh phục các nước khác. Đế chế sụp đổ, phải học tiếng Trung để phục vụ triều đình Trung Quốc. Liên Xô nổi lên phải học tiếng Nga. Nga hết thời nay quay sang tiếng Anh, kể cả tiếng Trung.
Ganbaatar kể, thời học tiếng Nga gần như bắt buộc trong trường, chẳng còn một lựa chọn nào khác. Từ cái xe trolleybus, xe hơi Moscovich, Lada, xây lăng, kiến trúc thành phố, đến cách gọi tên Ulan Bator, có cả tờ Isvestia Ulaanbaatar, cái gì cũng theo Liên Xô.
Quốc gia này từng Nguyên Mông hóa thế giới, tưởng chừng bị Hán hóa, rồi Nga hóa, nhưng cuối cùng vẫn là Mongolia. Tuy thế, miền đất giầu có về tài nguyên, nằm giữa Nga và Trung Quốc, ai nắm được sẽ lợi thế rất nhiều trong trò chơi địa chính trị.
Gọi vài món Mông Cổ đã được Âu hóa cho hợp khẩu vị dân Tây Âu, Sau vài ly bia Alta Gobi mà phụ nữ xứ này gọi là đồ giải khát như dân ta uống coca cola, tôi mời anh ly vodka Smirnov. Anh bảo, dân xứ lạnh chỉ có vodka trong vắt độ cồn 45 mới đủ chống cái rét âm 20 đến 30oC. Đàn ông vốn chỉ quen vài chủ đề: bóng đá, chính trị, bia rượu và sex, thường phóng đại quá khả năng của mình


Hôm tôi tới Mongolia, nước này có vị thủ tướng mới Chimed Saikhanbileg, sinh năm 1969, tốt nghiệp khoa luật trường đại học George Washington (Mỹ). Trước đó, ông tốt nghiệp khoa Lịch sử của Đại học Moscow, và ĐH Luật Mongolia, thạo cả tiếng Anh và tiếng Nga.
Bàn về thế hệ mới này, Ganbaatar nhận xét, lãnh đạo các nước nhỏ phải thạo ngoại ngữ, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Tôi hỏi tại sao Mongolia không đi theo Nga hay Trung Quốc và tiếp tục xây dựng CNXH, mà theo kiểu dân chủ, nghị viện phương Tây, cứ vài tháng thay đổi chính phủ, thủ tướng từ chức, mất ổn định chính trị.
Như gãi vào chỗ ngứa, anh say sưa nói về thời Liên Xô vĩ đại trên báo chí, nhưng ngoài đời thì đói khát và lầm than. Anh hỏi liệu tôi có biết trong thời kỳ Lê Nin, Stalin, và sau này, tín ngưỡng bị bóp nghẹt.  Thời của Khorloogiin Choibalsan đã đóng cửa 700 chùa (Phật giáo), giết cả chục ngàn người. Số lượng hàng trăm ngàn sư Lama (Tây tạng) năm 1924 chỉ còn 110 người vào năm 1990.

Chỉ sau cuộc cách mạng 1991, tôn giáo mới được dịp phát triển trở lại. Nay có cả Phật giáo, Thiên Chúa giáo, hoạt động song hành mà không bị cấm đoán hay làm phiền.
Ganbaatar cũng thừa nhận, chủ nghĩa CS một thời đã có hàng tỷ người theo và mấy triệu dân Mongolia cũng không phải ngoại lệ. Cho đến nay, ngay trong gia đình anh, bố mẹ vẫn nhớ về thời Liên Xô được bao cấp. Nhưng thế hệ trẻ lại hướng tới phương Tây, thích xe Nhật, tivi Hàn Quốc, iPhone, iPad, internet. Tuy vậy, hai cụ phải đồng ý, mô hình Liên Xô sụp đổ bởi không cung cấp đủ nhu cầu cơ bản cho dân sinh.
Chế độ độc tài là môi trường kìm nén phát triển, tính toán sai lầm khi phân bổ tài nguyên và tiền bạc dựa trên cảm tính của một vài lãnh đạo, mà không tính toán khoa học, nhất là kinh tế học cần những bộ óc cỡ giải Nobel, trong khi lại không có một cơ chế chính trị để kỷ luật hay đuổi việc cán bộ làm sai.
Thử tưởng tượng, Liên Xô bỏ ra 20% GDP dành cho quân sự, an ninh, công an, trong khi Mỹ chỉ dùng 4%. An ninh nội địa, bao tiền của, công sức để theo dõi hàng trăm triệu dân xem ai chống đối đảng.
Tại Rumani và Đông Đức, có tới 1/3 dân số được dùng cho mục đích an ninh nội địa, theo dõi lẫn nhau. Trại giam tốn kém không ít. Nếu tiền của, sức lực đó, dùng vào mục đích xây dựng và phát triển đất nước, thì hai vị TBT của hai quốc gia này không bị chết thảm hoặc phải lưu vong, để lại hậu quả khủng khiếp cho đất nước, sau này không ngóc đầu lên.
Liên Xô đưa ra mô hình kinh tế sai lầm cho các nước Đông Âu và Mongolia ăn theo, và chính họ phải cáng đáng các quốc gia ấy cùng những sai lầm, thay vì để các quốc gia tự lập, tự cường. Với số tiền của khổng lồ, trí tuệ giá trị nhất của đất nước, lại đưa vào mục đích chiến tranh, tìm cách kìm hãm đồng minh, và nhất là bắt dân đi theo đường đã vạch sẵn. Nếu dùng nguồn lực ấy cho giáo dục, y tế, dân sinh, thay vì tìm cách kiểm soát cả ý nghĩ của dân, thì kết cục của Liên Xô có lẽ đã khác.
Liên Xô sụp đổ kéo theo Mongolia bên bờ vực thẳm. Nhớ lại hồi đó, Ganbaatar cũng ra đường biểu tình đòi tự do. Rồi anh chỉ cho tôi quảng trường Sükhbaatar từng có lăng là bản sao của lăng Lê Nin nay không còn nữa. Thay vào đó là nhà tưởng niệm Thành Cát Tư Hãn, một giá trị không thể thay thế trong lịch sử Mongolia.
Người cộng sản lên nắm quyền tìm cách xóa hết những gì có từ trước. Mongolia không thể ngóc đầu bởi văn hóa nền của quốc gia bị san lấp cho mục đích chính trị.
Sau 25 năm thành quốc gia dân chủ, nhưng Mongolia vẫn chưa đứng vững. Họ đang thiếu lãnh đạo có tâm, có tầm một cách trầm trọng. Bởi một thời gian dài, trí thức không được nghĩ khác những gì cấp trên cho phép. Không gian cho sáng tạo không còn nữa, trí tuệ độc lập càng không có giá trị. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bởi không còn ai dám nói đến cái sai của hệ thống, còn lại là lớp nịnh hót cấp trên hoặc an phận thủ thường. Hệ lụy ấy kéo theo vài thập kỷ chưa có cơ hội sửa được, vì tư duy đã ăn thành lối mòn cũ kỹ.
Chế ngự thông tin là cách hay dùng thời đó. Đôi lúc người dân biết rõ làm sai nhưng không có cách nào để chỉ ra. Cấp dưới chỉ còn cách nói cho cấp trên nghe những điều họ muốn nghe hơn là sự thật. Kế hoạch tập trung quan liêu, bao cấp, không có cơ chế phản hồi từ dưới lên. Ở trên sai cũng không ai dám nói, không ai biết, cho tới khi thảm họa đổ xuống thì kiểm điểm…tập thể.
Trong thể chế như thế, người ta không còn động lực để làm việc, sự sáng tạo không còn, suy nghĩ độc lập hay chống đối sẽ bị tiêu diệt hoặc loại trừ ra khỏi cuộc chơi. Phát triển kinh tế dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, nhưng lòng tin không còn chỗ đứng, quốc gia suy sụp hay tụt hậu là đương nhiên.

Hình như câu chuyện của Ganbaatar còn dài, đồng hồ chỉ 10:30 giờ đêm, nhà hàng có ý đóng cửa vì ban đêm nhiệt độ xuống tới -25oC, nhà thì xa, nhỡ xe chết máy giữa đường, chúng tôi chia tay.
Anh Ganbaatar cho tôi đi xe hơi quanh Ulaanbaatar về đêm, thành phố vẫn nhộn nhịp. Anh nói, dạo này thủ đô đang bị tắc nghẽn nghiêm trọng, dân khá giả ai cũng sắm cho mình một chiếc bốn bánh, trời lạnh thế này, rất tiện, không còn khổ như ngày xưa, chỉ có cái lada không điều hòa, mà chỉ có quan to mới được.
Bỗng Ganbaatar hỏi tôi, Việt Nam đã tiến bộ nhiều lắm, hơn Mongolia là cái chắc. Tôi bảo, một ngày nào đó anh nên đến Hà Nội. Ở đó không lạnh như Ulaanbaatar.
Cụng ly Smirnov và 100%, chúng tôi chia tay nhau như những người quen đã lâu lắm rồi, rồi hẹn có dịp gặp nhau.
Về khách sạn, tôi vội ghi lại câu chuyện này, hình như đã gặp ở đâu đó tại những miền đất tôi đã từng đặt chân hơn 40 năm qua. Nhưng không thể tin nổi lại xảy ra ở một nơi sa mạc lạnh lẽo thường xuyên dưới âm 10-20oC như Mongolia.
.
HM. Tháng 11-2014, Ulaanbaatar
.

Không có nhận xét nào: