Nhân đọc bài
Của Lê Hiếu Đằng.
Đọc bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh…” của Lê Hiếu Đằng, trao đổi với một số bạn bè, trong đó có nhiều người đã tham gia tranh đấu trong phong trào học sinh, sinh viên trước 75, bị tù đày, tra tấn dã man, có những người mang thương tật suốt đời, hầu hết đều ngỡ ngàng trước sự chủ quan, khiên cưỡng, phi lý của bài viết. Tôi không muốn làm buồn lòng một người vừa trải qua một cơn bạo bệnh, có một quá trình đấu tranh cách mạng hào hùng, 45 năm tuổi Đảng, bị chính quyền Sài Gòn kết án tử hình vắng mặt như ông Lê Hiếu Đằng, nhưng những vấn đề ông Đằng đặt ra có liên quan đến sự ổn định, phát triển của đất nước, nên tôi, với trách nhiệm công dân, có đôi điều trao đổi, theo tinh thần “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”.
1- Về cuốn sách Bên thắng cuộc của Huy Đức, có thể nói ai trong tâm thế khách quan đều thừa nhận tác giả đã xuyên tạc lịch sử một cách trắng trợn; bịa đặt, vu cáo, xúc phạm nhiều người… Cuốn sách đã bị dư luận lên án gắt gao, kể cả những người hoạt động trong bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước 75. Họ đánh giá Huy Đức là “trở mặt như trở bàn tay”, là “kẻ phản bội thì ở đâu cũng phản bội”, là “hàng thần lơ láo” … Không hiểu vì sao mà một trí thức yêu nước, đã bất chấp “gươm kề cổ, súng kề tai” đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như ông Đằng lại đồng tình với Huy Đức trong cuốn sách Bên thắng cuộc:”Thật sự là Miền Nam đã giải phóng Miền Bắc trên tất cả các lĩnh vực nhất là kinh tế, văn hóa, tư tưởng…”?
2- Về luận văn thạc sĩ văn học của Nhã Thuyên, ca ngợi nhóm “Mở miệng” với những câu chữ rác rưởi, tanh tưởi đến buồn nôn, xuyên tạc Kinh Thánh, “đái vào Chúa”, diễu nhại, xúc phạm nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi như Văn Cao, Trịnh Công Sơn, đặc biệt là xúc phạm danh nhân văn hóa, anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh… Một luận văn thạc sĩ văn học phản văn học như thế nhất thiết phải hứng chịu sự phê phán. Ấy thế mà ông Đằng cho là “tên Nguyễn Văn Lưu cùng một số người(…)“ bề hội đồng” bài viết của Thạc sĩ Nhã Thuyên về nhóm “Mở miệng”!!!
3- Về việc ông Đằng được “Chính quyền Thừa Thiên-Huế” cho ra tù để đi thi Tú tài II đã để lại trong ông “một kỷ niệm khó quên” và đặt câu hỏi “Tôi không biết với chế độ “ưu việt” hiện nay có người tù nào được cho ra đi thi như chúng tôi hay không?”. Nhân câu hỏi này của ông, tôi cũng xin được hỏi lại ông: Ông được tha tù để đi thi nhưng còn hàng ngàn hàng vạn tù chính trị học sinh, sinh viên; tăng ni phật tử; chiến sĩ cách mạng; đồng bào yêu nước… bị tra tấn dã man như anh Lê Quang Vịnh, anh Huỳnh Tấn Mẫm, anh Dương Văn Đầy, chị Cao Thị Quế Hương, chị Võ Thị Thắng… Nhiều người bị thủ tiêu mất xác như nhà giáo, nhà thơ tài hoa Ngô Kha; nhiều người âm thầm chết trong khám lạnh vì không chịu nổi cực hình như anh Nguyễn Ngọc Phương; có người bị cưa sống chân nhiều lần như anh hùng Nguyễn Văn Thương… Ông nghĩ sao về vấn đề này? Tôi thì cho rằng thả một anh học sinh cho đi thi để rồi sau đó kết án tử hình mà anh ta vẫn mang ơn suốt đời quả là một nước cờ chính trị cao tay!
4- Về vấn đề độc lập dân tộc, ông Đằng cho rằng “Đảng và Nhà nước Việt Nam đều phải len lén nhìn ông bạn láng giềng Trung Quốc”, và ông khẳng định “Hẳn nhiên là chúng ta không dựa vào nước này chống nước khác nhưng thực tế quốc tế hiện nay rất thuận lợi để chúng ta liên kết với các nước để đấu tranh với Trung Quốc về biển Đông”. Ông đã mách nước hơi muộn ông Đằng ạ. Chẳng phải là Đảng, Nhà nước đã và đang thực hiện có hiệu quả chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ quốc tế, trong đó có vấn giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc đó sao? Chuyến tham cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình và đến Washington D.C gặp B.Obama há chẳng phải là sự thể hiện một chính sách ngoại giao thông minh đó sao? Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở hội nghị quốc tế Shangri-La đã được nhiều nước hoan hô nhiệt liệt cũng là một điển hình. Chỉ có điều Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Đảng, Nhà nước Việt Nam phát biểu thì ông Đằng lại cho là ý kiến cá nhân của Thủ tướng. Không biết ông Đằng có căn cứ gì không hay chỉ võ đoán? Hay ông còn có ẩn ý gì?
5- Về vấn đề đa nguyên đa đảng mà ông Đằng đặt ra thật sự không có gì mới, đã được nêu lên và bàn bạc nhiều lần. Có thể tóm lại như sau:
Trước Cách mạng Tháng 8, Việt Nam là thuộc địa của Pháp, 90% dân số mù chữ, chìm đắm trong đói nghèo tăm tối, bi thảm nhất là nạn đói năm 45 đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu đồng bào. Đảng Cộng sản Việt Nam đã đứng lên lãnh đạo nhân dân, hi sinh biết bao xương máu của cán bộ đảng viên để giành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước như ngày nay, được nhân dân tín nhiệm, yêu mến. Hiện tại, trước sự thoái hóa, biến chất của một số không ít cán bộ đảng viên, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, Đảng ta đề ra nhiều chủ trương biện pháp quyết tâm chấn chỉnh, thanh lọc đội ngũ, mở rộng dân chủ, lắng nghe tiếng nói phản biện của mọi tầng lớp nhân dân để sửa mình; tiến hành việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các quan chức chính phủ để thanh lọc, thay thế những người không xứng đáng… Nếu quá trình dân chủ hóa này được tiến hành nghiêm túc và nhân rộng thì triển vọng dân chủ xã hội ở nước ta sẽ có nhiều hứa hẹn tốt đẹp, mà không cần phải đa nguyên đa đảng. Vì đa nguyên, đa đảng có mặt tích cực là có sự giám sát, phản biện của đảng đối lập đối với đảng cầm quyền, hạn chế sự độc tài, độc đoán, mất dân chủ, gây tai hại cho nhân dân, cho đất nước… Nhưng cũng có mặt tiêu cực là dễ dẫn đến tình trạng khó huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nếu không muốn nói là phân chia bè phái, tranh giành quyền lực, kể cả bằng biện pháp bạo lực, biểu tình, đảo chính, phản đảo chính… Gây mất ổn định chính trị, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế xã hội của nhân dân, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn của đất nước ta hiện nay, đa số nhân dân phải vất vả mưu sinh lại càng thêm khó khăn chồng chất. Thái Lan, Campuchia, Ai Cập là những tấm gương tày liếp.
Trước tình hình đất nước hiện nay, chỉ có một số ít “chính khách” có tham vọng chính trị, tham vọng quyền lực, mới thiết tha vấn đề đa nguyên, đa đảng, vì nó có thể thỏa mãn được tham vọng chính trị của họ. Còn với tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân, như trên đã phân tích, hại nhiều hơn lợi.
Chính vì thế mà Đảng và Nhà nước ta không tán thành chủ trương đa nguyên đa đảng là sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng.
6- Còn một ý cuối cùng tôi muốn trao đổi với ông Đằng. Những vấn đề mà ông đặt ra trong bài viết đều mang tầm cỡ “quốc gia đại sự” thế mà ông nói nhẹ như không: ”không nên ngồi tranh luận với nhau về sự đúng, sai khi chọn lựa đứng bên này hay bên kia”. Nếu không phải là người nhẹ dạ cả tin hẳn là không ai vội vã đi đến một quyết định lựa chọn quan trọng, chẳng những có liên quan đến tương lai sự nghiệp của bản thân mà còn liên quan đến sự an nguy của quốc gia dân tộc. Sao lại có thể khinh suất như thế được ông Đằng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét