Lâu rồi mới nhìn thấy một người lính trở về từ đảo, anh mặc nguyên quân phục hải quân, đội cả mũ bảo hiểm gắn quân hiệu, tay phải cầm tập hồ sơ, tay trái cầm túi bánh trung thu đỏ chói...
Anh ấy sinh năm 1975, đi bộ đội đã 20 năm rồi, chục năm biên chế ở Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), tăng bo qua các đảo của Trường Sa đầy sóng gió thiêng liêng nhưng giờ vẫn chỉ đeo quân hàm Trung úy QNCN.
Trông anh già hơn cái tuổi 39, dáng gầy sạm, đen nhẻm nhưng rắn rỏi, đuôi mắt rạn vết chân chim như bị muối biển ăn mòn nhưng rất hay cười...
Anh chào tôi rất chính quy, nói năng nhỏ nhẹ có phần quá khiêm nhường, rụt rè đúng kiểu người ở biển lâu không về đất liền nên ngại đông người, né va chạm xô bồ...
Anh kể chuyện mà buồn lắm, rằng anh đi lính ở đảo lâu ngày, mải mê với sóng với gió, với canh trời giữ biển mà không giữ được nhà, canh được gia đình yên ổn ở quê hương.
Ở xa khơi ngoài kia, những người lính cứ vật lộn với biển, với cuồng phong, với khắc nghiệt của thiên nhiên và âm mưu thù địch... nhưng tại làng, tại xóm, tại gia đình thì lại bất ổn, biến thiên muôn sự.
Quê anh ở một xóm nghèo của đồng bằng sông Hồng, thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, bao đời nay người ta vẫn mưu sinh nhọc nhằn bán mặt cho đất, bán lưng cho giời.
Thế rồi anh đi lính, ra tận Trường Sa, xa lắm, ở nhà mẹ già, vợ dại, con thơ còm cõi nuôi nhau... chờ ngày con, chồng, cha họ trở về!.
Thế rồi vài năm sau anh đi xa, ở nhà có cái ao bèo nhỏ chưa đầy 200m2 từ đời ông bà, tổ tiên để lại lâu lắm rồi.
Bấy lâu cái ao cũng chẳng để làm gì, có ít rau muống, mấy vạt bèo tây, dăm ba con cá còi lặn ngụp... vậy mà đùng một cái, chính quyền xã thu hồi về làm đất của chung.
Chẳng cần lý do chính đáng, xã tự làm cái giấy thu hồi là thu thôi, gia đình toàn phụ nữ, người già, trẻ em chẳng biết bấu víu vào đâu, lại gọi anh về.
Dù đơn vị cũng đã có giấy giới thiệu anh là bộ đội ở Trường Sa nhưng người ta vẫn phớt lờ mọi việc, cố ép bằng được cái ao nhà anh về làm ao làng, ao xã...
Cực chẳng đã, anh xin nghỉ phép về, vác đơn thư đi kiện, mồ hôi cứ mướt mải, người xe nháo nhào cả lên, các cơ quan công quyền thì vẫn hành chính...
Anh mệt mỏi lại nhớ ngoài kia, ở đó anh hay đọc tấm biển khẩu hiệu mỗi sáng thức dậy: "Đảo là nhà, biển cả là quê hương"...
Anh đi lính Trường Sa, lấy biển cả là nhà, đảo là quê hương thế mà ở quê nhà xa xôi kia, người ta bạc ác, tệ hại với gia đình, vợ con anh, liệu anh có yên tâm, vững vàng và sẵn sàng để chết cho Tổ quốc hay không???.
Nghĩ mà buồn, còn bao nhiêu những người lính như anh, chấp nhận gian khổ, hy sinh cho quê hương, dân tộc này mà hậu phương ở nhà không được bảo toàn, chăm lo trọn vẹn!.
Cay đắng làm sao.
Chia tay chúng tôi, anh cứ rụt dè, luống cuống đưa túi bánh cho chị bạn cùng cơ quan rồi nói: "Em ở đảo về, chẳng có gì, có cái bánh trung thu gửi cho các cháu. Chị nhận cho em vui!".
Chị bạn không dám nhận, khẳng khái trả lời: "Em không nhận đâu, anh cầm về cho các cháu, bọn em chưa giúp gì được cho anh, có gì mà nhận quà chứ. Anh ở đảo về thế này là vất vả lắm rồi. Bọn em sẽ cố gắng giúp anh hết khả năng, anh về với gia đình đi!"..
Anh lại cầm chồng đơn và túi bánh ra cửa, không quên bắt tay chào và cười rất đỗi hiền hậu.
Nhưng đâu đó, váng vất trong ánh mắt người lính đảo ấy vẫn là một nỗi buồn trĩu nặng, sâu thẳm và bão bùng hơn cả sóng biển Trường Sa kia!
Mặn chát lắm!..
Nguon-Mai Thanh Hải------------------
* Mọi thông tin về vụ việc, xin liên hệ tìm hiểu: Trung úy Đỗ Văn Chung (Lữ đoàn 146, Vùng 4, Hải quân), Tel: 0977605506.
Hiện Trung úy Chung đang nghỉ phép tại quê nhà: xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên và gia đình Chung có 4 người là Liệt sĩ, trong đó có bố Chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét