Translate

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Nghĩa trang mặt trận BIỂN ĐÔNG

Vâng..Đất nước lại có thêm Nghĩa trang mặt trận BIỂN ĐÔNG! .
.

ĐỒNG ĐỘI NẰM, BẤT TỬ VỚI TRƯỜNG SA

Mai Thanh Hải - Ra đảo, mình qua thăm "chúng nó" và gọi tên em - cháu như hồi "chúng nó"còn sống.

"Chúng nó" trẻ lắm, toàn những năm cuối 8x và đầu 9x.

Có đứa trong "chúng nó" có khi vừa nhập ngũ, huấn luyện tân binh xong và ra đảo được 2-3 tháng, đã ngã xuống, khi tuổi đời thảng thốt chưa bước sang con số 19.

Thương lắm, "chúng nó" ngơ ngác những ngày đầu ra đảo, chưa kịp quen với con nước - thủy triều, nhưng khi phát hiện đồng đội lính cũ bị nước cuốn, nhảy ngay xuống cứu, vật lộn với dòng chảy nhưng đuối sức, cả 2 anh em cùng chìm xuống nước, khi tàu trực vớt được thi thể lên, cả 2 vẫn nắm chặt tay nhau, như chấp nhận.

Mỗi lần ra Trường Sa, lên mấy đảo nổi, việc đầu tiên của mình là lúp xúp ra với chúng nó, nằm dưới rười rượi bóng dừa Nam Yết hay lúp xúp cỏ lông chông Trường Sa Lớn và tất tưởi thắp cho "chúng nó", mỗi đứa 1 điếu thuốc thôi, nhìn chúng nó rạng rỡ cười tươi, thi nhau thả no khói thuốc ngon lành...

Mà lạ lắm nhé!. "Chúng nó" nằm xuống rồi, nhưng vẫn lêu bêu cái tính đùa vui, dỗi hờn chiến sĩ: Đoàn ra đảo, ào ào đến thắp hương, khấn vái.

Chúng nó hết thảy đều nghiêm trang, khói hương tỏa thẳng tắp lên cao vút bầu trời; đoàn đến thắp hương, xong rồi lên Hội trường nghe báo cáo hoặc loanh quanh thăm đảo, chỉ loanh quanh ở lại những người thân quen - tình cảm, chúng nó hình như đứng dậy đùa vui nghịch ngợm, khói hương lúc cuộn vòng tròn, lúc nghiêng trái, ngả phải và níu tay người đang dùng dằng không nỡ rời xa chúng nó: "Mấy khi ra đảo, ở lại chơi kể chuyện đất liền cho chúng cháu nghe đi!"...

Châm điếu thuốc vào từng bát hương rồi, quay đi quay lại đã chỉ còn đầu lọc, giống như lâu lắm rồi, chúng nó nhịn thuốc, có điếu, hút lấy hút để.

Thêm điếu thuốc nữa và cùng châm, đứng trò chuyện, thấy đầu mình trống rỗng đến khôn cùng.
Con người ta sinh ra để mưu cầu sống hạnh phúc.
Những người cha người mẹ sinh ra, nuôi nấng "chúng nó" cao lớn lộc ngộc, gửi vào Quân đội và tồ te ra đảo, chả ai nghĩ đến việc con mình sẽ nằm xuống, mãi mãi trinh trắng - dại khờ.


Mình đã có lần không khóc nổi, cắn môi đến bật máu khi người mẹ của 1 trong đứa "chúng nó" gào lên: "Có chiến tranh đâu mà con tôi lại hy sinh?. Trả lời tôi đi!", còn ông bố thì lặng lẽ úp mặt vào bộ quân phục còn nồng mùi biển, cậu cán bộ Chính sách sẽ sàng lấy ra từ balô, bàn giao quân tư trang liệt sĩ...

Và khi mình đăng những hình này, sẽ có rất nhiều người hỏi, giống như bao người khác ra đến tận Trường Sa rồi, thắp hương mộ Liệt sĩ rồi, vẫn thảng thốt: "Ơ! Sao lại hy sinh?"...

Có những câu hỏi, không nên trả lời, bởi mọi sự giải thích đều là vô nghĩa, trước những người trẻ trắng tinh, đã ngã xuống cho người khác sống yên lành.

Ra thăm Trường Sa, thấy bộ đội tươi cười trong quân phục chỉnh tề, đen giòn chắc chắc, với cuộc sống vật chất đủ đầy gần như trong bờ, đừng nghĩ là sướng.

Ở nơi địa đầu gian khổ, bất trắc với lê giương sẵn, đạn lên nòng này, mọi tình huống - hành động có khi phải trả bằng máu và mạng sống.

Người đến thăm ra tàu rồi, bộ đội lại cẩn thận gấp quân phục cho vào đáy ba lô (hết ngày dài cho đến đêm thâu, chỉ toàn đực rựa loanh quanh mấy mét vuông nhìn nhau, thì đâu cần quần là áo lượt), lôi quần đùi áo cộc hay cởi trần, căng mắt nhìn ống nhòm, màn hình ra đa canh biển giữ trời và trước hết là giữ mạng sống cho chính mình, đồng đội.


Cái chết ư?. Chỉ trong tích tắc và bất thần lắm: 1 cơn bão biển, 1 lúc chiều cường, 1 ca gác đêm hay 1 tình huống từ những kẻ tham lam bên ngoài lăm le hướng đến.

Ngã xuống rồi, người nào may mắn có chuyến tàu vào, thì được nằm trong túi tử sĩ theo tàu đi ngay vào bờ, làm lễ truy điệu.

Những đồng đội hy sinh ngoài đảo chìm, chả có đất mà chôn, lại nằm trên tay anh em, tạch tạch ca nô sang đảo lớn, nằm chung nhau thành khu nghĩa trang nhỏ, gần chục năm sau mới có dịp về với bố mẹ, quê nhà...

Và, bạn có tin không: Rất nhiều người không tìm thấy thân xác, nơi các anh ra đi, đồng đội đành vụng về xây 1 am thờ nhỏ, ghi lại tên để mãi nhớ không quên.


Mình đã gặp những am thờ nhỏ như vậy trên đảo chìm Tốc Tan, trên đảo đá Phan Vinh, nằm lặng lẽ bờ sóng, nhìn thẳng ra biển trông ngóng phần xác, hương hồn.
Đời lính, những tưởng chỉ đổ máu thời chiến.

Nhưng không!. Ngay trong thời bình, khi người ta tưởng chỉ cần làm giàu - xài sang là "quốc thái, dân an", vẫn có những người lính, tuổi 18-20 có khi lóng ngóng chưa biết 1 nụ hôn, vòng eo con gái, thầm lặng ngã xuống trong tay đồng đội, không có người thân - gia đình cạnh bên, cũng không cần 1 bài báo - lời kêu gọi ủng hộ nào, chuyển dòng giúp đỡ.


Và mình, mỗi lần ra với "chúng nó", nhìn bia mộ do đồng đội tự tay đúc - viết, mỗi tháng lại mờ tịt vì muối biển; gặp những bàn thờ của mỗi đứa trên đầu mộ, bung biêng trong gió táp, đến nỗi anh em phải lấy túi bảo quản đen sì, chắn xung quanh như chuồng chim câu... - Mình lại mong đến những bia mộ làm hẳn bằng đá, chữ vuông thành sắc cạnh, sao đỏ uy nghiêm trên đỉnh và trên bia, thế nào cũng có ảnh "chúng nó" lồng trong khung kính, tươi cười với người ngang qua.

Mỗi một sự hy sinh, không thể kể được bằng lời. Chỉ nghẹn lại ở trong tim buốt nhói. Đồng đội nằm, qua mọi mùa dông bão. Thấy đắng trong lòng: Bất tử với Trường Sa.

Hà Nội, 22/5/2013
------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào: